Nhật ký N17: Đá vũ trụ

Ngày đăng: 18/02/2013 04:49:34 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

 

        Bóng ma ngày tận thế 21-12-2012 vừa tạm quên trong trí nhớ, thiên hạ thở phào yên ổn làm ăn. Ai đang kinh doanh thì tiếp tục toàn tâm toàn lực vun bồi bành trướng cho thương nghiệp của mình. Ai đang độ tuổi yêu đương thì cũng không đến nỗi phải cuồng vội vì ngày tháng hạnh phúc vẫn còn dài. Ai có trương mục tiết kiệm thì cứ an tâm tận hưởng kết quả tiền biết đẻ ra con, ra cháu. Nếu ai xui rũi thiếu nợ nhà băng, xin hãy làm ơn tiếp tục đi cày đi cuốc. Bởi vì đã không có vụ xóa sổ phong trần, cũng không sẵn dịp nhờ xóa luôn sổ nợ.  
     

   Bà con mới được khoẻ gà mấy bữa để ăn một cái tết cổ truyền cho ngon miệng. Ngoài cổng những láng giềng, vài lá nêu còn phất phới dưới nắng xuân. Đâu đây, trước ngõ ngoài sân còn những xác pháo hồng bay bay lã chã quyện cùng những cánh mai vàng. Trong bếp mọi gia đinh, những nồi thịt kho chung với trứng luộc hãy còn lưng lững. Hương vị tết nhất vẫn còn phảng phất, hình như nàng xuân chưa nỡ giả từ nhân gian cả năm đọa đày cực khổ, chỉ có mấy ngày nầy tạm gọi là an nhàn vui vui vẻ vẻ.

        Ông trời đã tha vụ giũ sổ nhưng vẫn còn nhá nhá cạnh. Ngày thứ sáu 15-2-13, xảy ra sự kiện không gian, gây cho một số người Nga trầy da chảy máu và một số người khác hoảng hốt lo âu. Lúc 9 giờ 20 sáng, giờ một địa phương trên nước Nga, ước lượng nằm trên kinh tuyến 62, và 55 độ vĩ bắc, chênh lệch khoảng – 2 giờ so với giờ Vĩnh Long. Một vẫn thạch có đường kính 17 mét, khối lượng khoảng 10 ngàn tấn, đâm xéo vào khí quyển bên trên vùng trời của thành phố kỷ nghệ Chelyabinsk, địa phương nằm cạnh về phía nam dãy núi Ural. Tốc độ di chuyển của hòn đá khi vào khí quyển là 15 km/giây. Với tốc độ bằng 44 lần vận tốc âm thanh, khối đá nầy ma sát lớp không khí dầy đặc khi tiến gần mặt đất, trở nên nóng đỏ, sinh ra luồng khói trắng đặc sệt kéo sau đuôi. Chỉ sau ba chục giây du hành trong khí quyển, khối đá nầy phát nổ dữ dội, bùng phát ánh sáng chói lòa. Người ta ước tính sự phát nổ trên độ cao từ 30 đến 70 km cách mặt đất, tạo ra công suất chấn động tương đương 500 kiloton, công suất gắp 20 lần quả bom nguyên tử nổ trên thành phố Hiroshima năm 1945. Nhưng không phát ra sức nóng và ánh sáng khủng khiếp như bom nguyên tử. Sóng âm thanh của vụ bùng nổ trên không được hơn 30 km không khí hạn chế. Nhờ vậy sự tác hại của con người và vật chất trên mặt đất trong vùng phủ sóng chấn động không đáng kể. Đa số những người bị thương là do mãnh vỡ các cửa kính cắt da. Hơn ngàn căn nhà và cao ốc bị hư hại nhẹ. Trên vùng lân cận, người ta tìm thấy một miệng ao tròn kính khoảng 6 mét trên mặt đóng băng của một hồ nước, do môt mãnh vỡ của hòn đá trời đó rớt xuống tạo thành. 
        Người ta chợt nhớ vào năm 1908 đã từng có khối vẫn thạch bằng 5-6 lần hơn khối đá hôm nay, đã rơi vào vùng Siberia hoang vu của Nga. Sự chấn động do nó tạo ra  san bằng 2 ngàn km vuông rừng cây ngã rạp về một phía.
 
       15 giờ sau khi những mãnh vỡ vẫn thạch chạm đất ở Nga. Lúc 2 giờ 25 EST chiều thứ sáu ( 2 giờ 25 sáng thứ bảy ỏ VN ), bà con ở Mỹ xem TV đưa tin  một khối đá bằng nửa sân động, chu du hổm nay trong vũ trụ,  đang trên đường tiến về trái đất. Khối nầy hơi lớn hơn và không bà con với khối đá vừa rớt ở Nga, được các nhà thiên văn Âu châu đặt tên 2012 DA14 , phát hiện ngày 23 tháng 2 năm 2012. Họ theo dõi và tính được đường đi của nó. Với đường kính khoảng 50 mét, khối lượng ước độ 190.000 tấn. Các nhà khoa học tính toán, nếu vẫn thạch nầy đâm trực tiếp vào trái đất, nó sẽ tạo ra sức chấn động tương đương với 2.4 megaton of TNT. Khả năng có thể san bằng một khu vực chừng 1.800 km2. 
        Rất may mắn cho hành tinh chúng ta, khối vẫn thạch nầy đi chen vô giữa hai quỹ đạo của đám vệ tinh viễn thông, thời tiết và vệ tinh GPS (giúp định vị toàn cầu). Thời điểm khối đá bay ngang gần nhứt địa cầu ở độ cao 27.700 km là 2 giờ 25 phút sáng 16-2-2013 tính theo giờ ngay trên mặt đất đối chiếu với nó ở Indonesia. 
        Các nhà khoa học còn nhắc lại, điều kiện có thể huỷ diệt sự sống trên trái đất phải do sự va chạm của khối đá trên 1 ngàn mét đường kính. Thảm họa huỷ diệt hoàn toàn cư dân địa cầu xảy ra cho những loài khủng long khổng lồ cách nay 65 triệu năm là do cú sốc va chạm dữ dội của khối đá có đường kính 10 ngàn mét. Những sinh vật lớn nhỏ sống rãi rác khắp nơi trên bề mặt địa cầu dù không chết ngay trong sóng chấn động tương đương với hàng triệu quả bom nguyên tử cùng nổ một chỗ, Cũng không thể sống nỗi trong âm u băng giá vì muôn trùng tỷ tỷ… những hạt bụi li ti bốc lên sau va chạm, hình thành đám mây bụi dầy đặc bao trùm khí quyển. Cách ly hoàn toàn ánh mặt trời hàng ngàn năm, thần ánh sáng và hơi ấm đành bỏ quên người bạn trái đất của mình ngủ vùi trong lạnh lẽo hàng bao thế kỷ..

Một Lúa

 

Có 2 bình luận về Nhật ký N17: Đá vũ trụ

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Tui khoái nhất là phần đặt vấn đề của anh Một Lúa. Còn 2 vụ thiên thạch rơi, chưa rơi thì tui nào có hay biết. Thôi thì nhờ những thông tin của anh em. Nhưng mà nhớ phải thông tin trước chừng 5 ngày, để anh em ta còn thời gian để đối phó !

  2. Nguyễntuyết nói:

    Tối hôm qua NT xem trên đài Việt Today thấy hìng ảnh các người già trẻ ,lón ,bé bị tai nạn , bị thương đ những mảnh kiến bể cắt vào da thịt và trên mặt những trẻ em rất là tội nghiệp và cũng rùng mình quá , may mắn là chúng ta vẫn bằng an  hưởng tết mùng…..!!!???

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác