Đi ăn cưới
“Thí chủ muốn gặp ai” Một Lúa biết anh chàng nầy không có tu hành gì ráo trọi. Đáng lẽ như người ta a-lô hay hê-lô, hoặc là nửa thân mật nửa hờ hững, ai-đó? hay Nghe-nè! thì cũng được đi. Đàng nầy mỗi lần lắng tai chờ ổng bắt máy, ổng thường dạo đầu bằng câu của Đại sư trụ trì trong trích đoạn lời đối thoại vở cải lương Lan và Điệp. Phải công nhận ổng luyện 5 chữ nầy đến trình độ diễn xuất thần, tỉnh bơ, trầm bổng ngắt dừng như dân chuyên nghiệp.
Là bạn ruột của ổng, mình cũng ráng để tiếp những chiêu độc đáo. Vài lần như vậy thì mình cũng nổi máu cải lương, nghiêm trang gọn gàng đáp lại, “bạch thầy…” Sau đó thì hai thằng bạn già cười ha hả, lăn xả vào những câu chuyện không đầu không đuôi, dài thòn như đường cao tốc. Đía đá vô tư, coi như điện thoại liên lục địa nối bằng dây lát.
Từ khi không biết ai phong ông bạn già lên chức Cả. Làng nước càng nể nang một già làng quý hiếm, hai nữa là nhờ tiếng tâm vang dậy trong các lộ hắc bạch giang hồ. Thân thuộc thì coi như không lõi, không sót một đám tiệc lớn nhỏ nào, quen sơ sơ thì thiên hạ cũng thường nhớ đến y. Thường khi thì chàng ta đi dự đám tiệc như người khách bình thường, cũng lắm khi bà con nhờ đóng vai trò đại diện họ hàng, ăn nói trong các nghi thức cưới xin cổ truyền trang trọng. Mới đầu ổng hứng chí vui vui, có hơi vễnh râu với bạn bè lối xóm. Lâu ngày thì coi bộ anh hùng thấm mệt, lòng hăng hái và ruột hầu bao theo năm tháng mòn dần, theo tỷ lệ thuận chiều mũi tên chỉ đường đi xuống.
Trước đây mỗi lần Lúa gọi ổng, hổng biết ổng khoe ngầm hay than thở, “hôm qua tao đi đám cưới ở Vĩnh Long, sáng nay chưa hết xỉn, 11 giờ nầy còn phải đi một đám thôi nôi con thằng cháu ở Cái Sơn Lớn”. Mình chưa thể đoán cái tâm lý được đi hay bị mời của ổng nên thả trái bóng vuốt đuôi vô tội vạ, “vậy thì ông ăn cơm khách hoài đã quá, khỏi phải nấu cơm nhà”. Có khi thì ổng làm thinh ưng ý, chắc là đang nhếch mép cười mĩm chi như cọp mếu nên không nghe tiếng hì hì trong ống liên hợp. Có khi thì ồng vùng vằng cong mình như lươn đụng nhằm tro bếp, “mệt thấy mẹ chớ vui sướng nỗi gì, một tháng đi 4-5 đám là bay mẹ lương hưu, mấy ngày còn lại người ta kêu bằng ông Cả đọi”.
Công thức “đông vui hao” không riêng gì cho ông Cả, phía bán cầu tây cũng có thằng bạn già tuy không là chủ cả mà cũng vất vả chẳng kém gì. Khác với thói quen dân ta ở nửa mặt trái đất phía bán cầu đông. Ở xứ lạnh tình phải nồng như ngụm whisky uống sec nầy, thực khách ăn cưới được mời trước chừng 2-3 tháng. Khi nhận thiệp mời thường là qua đường bưu điện, cho dù hai nhà cánh nhau năm ba trăm mét. Đừng mong có người tam bộ nhứt bái mang thiệp trao tận tay như thời phong kiến năm xưa. Khách mời được lịch sự nhắc nhở phải hồi báo số người tham dự bằng hai phương tiện, nhanh và gọn thì kêu điện thoại. Mẫu mực nghiêm trang hơn thì điền vào cạc in sẵn, gởi lại bằng thơ đã dán tem được chủ đám cẩn thận kèm theo trong thiệp cưới. Vậy mà nhiều tay lơ đãng, ghi số người tham dự nhưng không cho biết chủ tấm thiệp hồi báo là ai. Một đám thường gặp 5-10 thơ nặc danh như vậy. Nếu chủ đám áp dụng kiểu ấn định chỗ ngổi ở nhà hàng cho tương đối hợp người, hợp vai, hợp cảnh như trong phòng họp khoáng đại của Liên Hiệp Quốc. Thì 10 cái thơ hồi báo có người mà không tên cũng làm chủ đám tạm nhức đầu.
Ai làm gì mình không cần biết, phận vác dù đi ăn cưới cũng có chuyện để mà lo. Thông lệ ngàn xưa là phải lo cái ruột của bao bì để chúc mừng đôi tân hôn trong ngày trọng đại cho vui vẻ cả nhà hàng. Có tay thì quan niệm miễn là ruột cứng mà vỏ mềm thì cũng chẳng sao. Nên chỉ cần dồn cái check vào chiếc bao thơ mỏng tăng đơn giản, bên ngoài ghi vài chữ “Chúc Mừng Tân Hôn”, nhưng nhứt định không thể quên việc đề tên chủ bao thơ đó là ai. Có người thì bài bản hơn, tốn thêm năm ba đô mua tấm thiệp chúc mừng đám cưới in bằng chữ Ăng-lê, hình minh họa thường là 2 quả tim vàng gát tréo.
Trước vài bữa đến nhà hàng cũng phải tốn thêm vài chục bạc giặt ủi cho hai bộ đồ vía của cặp vợ chồng già trong việc ăn mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Về phương tiện dùng đi ăn cưới, nếu lỡ có cỡi con ngựa sắt cũ thì bắt chước ông bà “gỗ cũ không cần sơn mới làm gì”, nên tạm tha việc phải rửa xe đánh thêm dầu bóng, tiết kiệm chút nào đở chút nấy. Miễn là lái xe đến parking lot của nhà hàng, lựa hóc kẹt ít đèn hoặc đậu gần những nhóm luồng xe cũ, tối hù thì nhà ngói giống nhà tranh.
Phần nhiều thiệp mời hay ghi 6 giờ chiều ngày thứ bảy. Lúa đi đúng giờ vì nhiều lẽ, đi trể thì sợ hết thức ăn, thêm một điều nữa là sợ cảnh trể tràng bẽn lẽn như chó ăn vụng bột. Mình đâu là chủ tiệm nail, tiệm tóc mà lớn tiếng với chủ nhà “tính đóng cửa tiệm sớm mà khách cứ vô hoài, xin lỗi tụi tui tới trể”.
Lần hồi theo năm tháng, kinh nghiệm nếm trãi với thời gian, thà ta phụ người, không để người phụ ta. Thế nên thiên hạ cho dù là người đàng hoàng nhất cũng phải cộng thêm hai tiếng của giờ mời đám tiệc, vậy mà nhiều khi còn thấy sớm. Vì vậy mà dân gian có câu ca dao mới “không ăn đậu không là Mễ, không đi trể không phải dân mình”.
Lọt vào đám tiệc mà được chủ nhà ưu ái xếp gần sân khấu cho nở mặt nở mày thì coi chừng dàn trống kèn nó khủng bố mấy cái lổ tai và trái tim khô héo. Bữa nào ham vui thì kiếm bàn ngồi chung giới trẻ, thấy trong mình không khoẻ thì kiếm giới già, đợi chủ đám chào bàn xong thì mình chào từ tạ cáo lui. Trong người có chất Heineken thì lái xe cẩn thận, mở đèn cài dây an toàn đàng hoàng trước khi ra lộ. Đừng để cho phú-lít kéo vô lề vì những chuyện vớ vẫn rồi té ngữa ra chuyện alcohol. Tránh cho đêm vui thành đêm buồn tam thu thương tiếc.
Mỗi năm Một Lúa có thêm những đứa cháu đến tuổi trưởng thành, nên Lúa cần có câu chúc tủ cho những đám hứa hôn, tân hôn dành riêng mấy đứa cháu ruột của mình. “Chúc các cháu suốt đời hạnh phúc hơn chú thím một chút, con đông hơn chú thím một đứa, tiền nhiều hơn chú thím một triệu đô la”.
Một Lúa
Một Lúa đưa lên ống xương gà, ý nói bàn nầy hết thức ăn rồi chủ đám ơi. Mấy chai bia để trước mặt làm cảnh, không ông nào đụng tới.
Hôm qua đến nay đi 2 đám cưới rồi anh Một Lúa ơi. Vì mời trùng ngày 20.1.2013, nên tối 19.1 đi 1 đám, sáng nay đi đám nhà Chùm( chạy xe không nổi, xách xe xuống nhờ Hồng Sơn chở đi ), gặp đủ mặt văn võ bá quan. Tới giờ nầy mới tỉnh, ngồi trên máy đây. Chúc bạn ăn Tết vui vẻ, nhớ có nhậu, uống dùm vài ly. Sẽ phone cho ông chúc giao thừa đó. Nhớ thức đón giao thừa nha. Nhưng trước khi đón giao thừa, phải mời thêm vài bạn hữu ngồi nhâm nhi để đón.
Chúc các cháu suốt đời hạnh phúc hơn chú thím một chút, con đông hơn chú thím một đứa, tiền nhiều hơn chú thím một triệu đô la”.
Xin phép anh Một Lúa cho em “thuổng” câu chúc vừa hay vừa lạ nầy. Đi đám cưới riết rồi hết biết nói gì. Cám ơn anh trước.
Cám ơn anh Lần và Phương Nga
@ Phương Nga áp dụng câu chúc trên, mấy đứa cháu có rượt thì PN tự chạy thoát thân. Còn nếu tụi nó thơm thảo, cho rằng Cô (hơặc Dì) và câu chúc dễ thương quá, tụi cháu miễn thu tài vật lệ phí cột tay chịu lạy cho Cô. Lúc đó dư ra chiếc bao thơ, PN nhớ chia theo lệ cũ bác Ngao, tui 6, PN 4.
@ Anh Lần, bài lô tô anh nhớ lấy xâu, chia cũng giống công thức phía trên
Bài viết trên trang nhà hay có, dở có , hai loại đó nhiều vô số, nhưng bài viết mà kiếm tiền được chia tứ lục như thế này thì mới có Một Lúa là đầu tiên. Vậy thì , anh Một Lúa hảy thừa thắng xông lên nhe.
@ Tui còn nghe người ta ca tụng Một lúa là một nhà Nho uyên thâm, nhưng không sính xài từ Hán Việt. anh có bút danh khác mà 10 năm trước nổi danh trên văn đàn, không biết có bà con nào nhớ hay không?
Có lẽ bút danh là “Không Lúa”?
Nhắc nhỏ một tiếng nghe. Ẩn diệu nằm ở khúc xương gà, hổng chừng là <nhứt xương> hay nhức xương như lời bác Cả hay nói.
Đầu năm mới mà nhìn tấm hình cuả anh Một Luá và các bạn là trang nhà mình luôn vui vẻ và mắc cười hoài suốt năm !!!