Nói chuyện chợ ngày xưa

Ngày đăng: 7/12/2012 12:29:52 Sáng/ ý kiến phản hồi (7)

 

 Trước 1975 Sài gòn có bao nhiêu chợ, chưa tìm được số liệu nhưng nhắc đến những chợ mà người Sài Gòn ai cũng biết cũng là một cái thú.

Chợ tiêu biểu cho Sài Gòn là chợ Bến Thành. Về hình thức chợ này ngày nay không khác cách nay 40 năm dù có sửa sang lại nhiều. Nếu như ngày xưa chợ Bến Thành, chợ Tân Định là những chợ lớn của quận 1, trung tâm của khu Sài Gòn Chợ lớn, chuyên phục vụ cho giai cấp trung lưu, tư sản, sĩ quan chính quyền cũ. Chung quanh chợ không bán tràn lan ra như ngày nay mà là chỗ đậu xe jeep của mấy bà vợ sĩ quan đi chợ. Họa sĩ Nguyễn Thị Liễu người sống lâu năm ở Sài gòn xác nhận, Chợ Tân Định là chợ nổi tiếng thứ hai sau chợ Bến Thành, chợ nằm trên đuờng Hai Bà Trưng. Nếu bạn muốn mua thịt bò ngon thì đừng quên chợ này. Tóm lại hai chợ này giá cao hơn các chợ khác là do thức ăn ngon được tuyển chọn phục vụ cho khác hàng có tiền.

 Trước chợ Bến Thành có cây cầu vượt do công binh quân đội Sài gòn xây dựng, cầu này ít người đi nhất là mấy cô mặc váy ngắn không dám qua cầu, ngại có người đi đường nhìn lên. Bây giờ chợ Bến Thành cũng kiêu hảnh với giá cả dành cho các bà nội trợ sang trọng, lại thêm chức năng là một chợ dành cho khách du lịch nước ngoài với các mặt hàng thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm. Từ đó , tạo cho người bán trong chợ có đến  hai ba sinh ngữ Anh-Pháp- Nhật-Hàn, thông thạo đến mức giao tiếp được.

Chợ Bình Tây là chợ trung tâm của khu vực Chợ Lớn, nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất của miền Nam trước đây. Ngoài vai trò là chợ đầu mối các mặt hàng gia dụng, vải sợi, chợ Bình Tây  còn gần chợ đầu mối kim khí điện máy (chợ Kim Biên) , gần trung tâm sản xuất các loại hàng hóa cung ứng cho cả miền nam Việt Nam từ Bến Hải đến mũi Cà Mau. Khu vực này có cả bến xe tải, các chành phụ trợ cho việc phân phối hàng các tỉnh cũng như tiếp nhận nông sản cung cấp cho các chợ nhỏ trong thành phố. Ngày nay, chợ Bình Tây đã được sữa sang lại, phân khu theo ngành hàng và vẫn còn chức năng chợ đầu mối, nhưng đã vai trò đã giảm do các hãng buôn lớn đều có nhà phân phối ở các tỉnh. Hàng sản xuất trong nước hay hàng ngoại nhập vào đều đưa ngay xuống tỉnh không qua trung gian của chợ Bình Tây.

Khu vực Chợ Lớn còn có chợ An Đông nổi tiếng một thời với cơm gà Siu Siu. Trước 75 là chợ khu vực, sau nhờ có thêm khu thương mại An đông Plaza tạo nên khu chợ trù phú có nhiều khách quốc tế Á đông như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đến mua sắm. Hàng thủ công mỹ nghệ , vàng bạc đá quý, thực phẩm đặc sản việt nam được khách nước ngoài mua nhiều.

Chợ cá đầu mối.

Chợ cá đầu mối trước 75 là chợ cá Trần Quốc Toản, nằm vị trí Siêu thị Sài gòn góc đường 3 tháng 2 và Lý thái Tổ ngày nay. Quy mô chợ cá không nhớ lớn cỡ nào nhưng đứng xa 300 mét ở cư xá Nguyễn Trung Trực (trại lính quân cụ) còn nghe mùi tanh. Sau 1975 , chợ cá này không còn , bạn hàng cá tập trung về chợ cầu Ông Lãnh, nhưng rồi sự hoạt động của chợ đầu mối thủy sản Cầu Ông Lãnh này cũng tồn tại đến tháng 10/2003 thì chấm dứt, chợ cá dời về chợ Bình Điền. Cùng chung số phận với bạn hàng bán cá, các vựa trái cây chợ cầu ông Lãnh, cầu Muối phải di dời lên Chợ đầu mối Thủ Đức (phường Tam Bình) và chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn . Phải nhìn nhận rằng các chợ đầu mối thủy sản, nông sản ngày nay tương đối có quy củ hơn, sạch sẽ hơn có chỗ đậu xe tải lên xuống hàng rất tiện lợi. Trái cây từ các tỉnh miền Tây chở lên chợ cầu Ông Lãnh rất tiện lợi nhờ đi đường sông, phí chuyên chở thấp, nhà vườn mua bán trực tiếp với vựa bằng cách gửi hàng theo ghe, chủ ghe nhận tiền đem về cho nông dân. Ngày nay, trái cây trong vườn bán cho các vựa tại huyện, các vựa này thuê xe chở lên chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, nhà vườn ít cơ hội đi Sài gòn thu tiền, dọ giá vì a lô một cái là nắm được giá cả. Nhắc lại chợ cầu Ông Lãnh, ngày xưa khu vực đường Ký con- Camettet cũng có một chợ tạp hóa, bánh kẹo đầu mối bán cho bạn hàng đi miền trung vì thời đó ga xe lửa nằm trước chợ Bến Thành, chỗ công viên 23 tháng 9. Chợ này hoạt động sung đến năm 1995, chuyên bán cho đội quân hàng gánh bán bánh kẹo cốm là dân nhập cư từ Quảng Ngãi, Bình Định vào. Cứ mỗi sáng họ lấy hàng bên phố Ký Con – Camette đem về trước khu vực ga xe lửa cũ để chỉnh trang hàng hóa trước khi “xuất bến”. Đội quân hàng gánh này tỏa ra đi khắp các quận, huyện bán các bánh kẹo, trái cây cóc ổi rẻ tiền phục vụ cả các học sinh trường học.

Chợ nhỏ của một thời

Do là vùng đất dễ tiếp nhận dân nhập cư nên chợ ở sài gòn cứ mọc lên và tồn tại với những tên rất dân dã như chợ Cây Quéo, chợ Cây Thị, chợ Cây Điệp cũng tồn tại được trăm năm và mới vừa bị xóa sổ do quy hoạch mới. Có chợ mà nhiều người dân thành phố chưa từng nghe tiếng như chợ ông Hoàng, chợ ông Địa ở khu vực Tân bình. Có chợ dành cho một nhóm người địa phương như chợ Bà Hoa (chợ Phương 11, Tân Bình) chuyên bán đặc sản của Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu (nguyên liệu nấu), kẹo gương, bánh tráng, mạch nha.. Có một chợ nhỏ mà sau 75 đã vươn vai biến thành chợ lớn là chợ Nguyễn Văn Thoại chuyên bán đồ lính cũ nay là chợ Tân Bình – một trung tâm chuyên bán đồ may sẳn  bỏ mối cho cả nước. Có những chợ chuyên một mặt hàng như chợ Nhật Tảo bán radio, cassette và phụ tùng , nay có thêm hàng điện tử vi tính. Chợ đôi khi gắn liền với một mặt hàng mà trở nên nổi tiếng, thí dụ nói đến chợ Ông Tạ người ta nghỉ ngay đến thịt chó; chợ Hồ Thị Kỷ người ta nhớ tới chợ Campuchia. Năm 1971, khi bà con Việt kiều bị nạn tại Campuchia chạy về hồi hương khu vực này hình thành chợ, hủ tiếu Nam Vang và các món khô ở Biển Hồ gắn liền với tên chợ.

Siêu thị thời đó có không?

Năm 1971, Sài Gòn đã có vài siêu thị, có một cái nằm trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng tháng 8- quận 3) nhưng siêu thị lúc đó chỉ là cửa hàng chủ yếu là thức ăn , một ít đồ gia dụng. Phương thức mua bán giống như cửa hàng tự chọn ngày nay. KS Trần Tuấn Khải cho biết trước 1975 cũng có một siêu thị Nguyễn Du nằm trên đường Chu Mạnh Trinh – Nguyễn Du (vị trí Tổng Công ty lương thực Miền Nam ngày nay) đây là siêu thị đầu tiên của Sài Gòn quy mô khá lớn, trong đó cũng có máy lạnh, hàng hóa rất phong phú . Tuy nhiên không phải ai cũng vào được, khách hàng phải có thẻ công chức, những người ăn lương nhà nước. sau này được làm cửa hàng gạo hay kho gạo của Tổng Công ty lương thực Miền Nam.

Nhìn chung, hệ thống thương mại của Sài Gòn cũ cũng khá hiện đại, tuy nhiên do tính chất tự phát nên chợ lớn nhỏ đều rất xô bồ, thậm chí muốn cải tạo cũng không dễ. Ngày nay với hệ thống siêu thị bàn lẻ, trung tâm thương mại mọc khắp nơi, cũng như các chợ đầu mối được xây dựng hiện đại, thuận tiện cho các doanh nghiệp kinh doanh.

 

Bài và ảnh Lương Minh

(Bài này không có trong sách Chợ tỉnh Chợ quê)

Có 7 bình luận về Nói chuyện chợ ngày xưa

  1. Hoàng Hưng nói:

        Nghe nói chợ Kim Biên còn có bán “mùi”. muốn sản xuất cà phê rẻ tiền, mua đậu nành về rang, thêm cau khô, nước mắm. . . ra chợ Kim Biên mua mùi cà phê về trộn, đóng gói đưa ra thị trường. Cũng nghe nói năm 2012 Việt Nam qua mặt Brazil xuất cảng hơn 14.000 triệu bao cà phê, mỗi bao 60 kg. Vậy mà trong nước có nhiều nhà sản xuất cà phê bằng hạt đậu nành.

    Tác giả ơi, chợ Nancy còn không?

    • Lương Minh nói:

      Mình không biết vì sao họ lại làm ăn như vậy, có lẽ vì quá ham lời. loại cà phê này chế ra bán cho các quán ở vườn, bởi vì ở quê một ly cà phê đen giá 3.000đ, cà phê đá giá 4.000đ. Hỏi chủ quán Đinh Văn Huân ở  xã Hiếu Nghĩa, Huyện Vũng liêm thì anh mua nhiều loại cà phê rồi pha lại để có mùi đặc trưng, nhưng rồi giá nguyên liệu cũng khoảng 9.000 đồng /100gr. Hỏi vì sao không bán cà phê nguyên chất, anh Huân trả lời, lấy cà phê nguyên chất pha ra nước lợt quá , khách không chịu uống. cà phê phải đen sánh, thậm chí phải đặc kẹo, mới cho là cà phê ngon. Như vậy , thị hiếu người ta đã chọn rồi, (thích uống ca phê dõm) thay đổi không được !!

       Đó là cà phê bán cho quán ở vườn, vậy mà các quán thành phố cũng bắt chước trong khi cà phê đá vĩa hè ở SG , một ly 7.000 đ, quán ở phố 12.000 đ, còn quán có máy lạnh, trang trí đẹp từ 24.000 đ đến 36.000 đ/ly, còn ở quán cà phê Trung Nguyên hơn 60.000 đ/ly. Các quán này nên ngồi lâu cho đáng đồng tiền bát gạo. Tuy nhiên , mình đừng nghĩ họ lời nhiều. Tiền mặt bằng ở quận 1, quận 3 vài chục triệu đồng/tháng. Nhân viên phục vụ khoảng  mười người, chưa kể tiền điện nước, wifi và tiền đầu tư bỏ ra ban đầu để trang trí quán. Có khách vào quán cà phê ngồi từ sáng tới chiều, dùng laptop để làm việc, lấy quán cà phê làm nơi giao dịch, tiếp khách vừa sang trọng vừa không tốn tiền mặt bằng, nếu tiếp 10 khách chỉ tốn khoảng 400.000 đ là tối đa. Rẻ hơn mở văn phòng. ngược lại, một quán hạng sang trung bình , mở của quán ra là thấy mất 2 triệu đồng rồi,, tức phải bán 80 ly cà phê đá mới đủ sở hụi. Do vậy đừng thấy cà phê giá cao là tưởng ngon ăn, dùng cà phê dõm là có nguyên do của nó.

      Nếu là người kỷ tính, sợ chết sớm thì ờ nhà nói vợ pha 1 ly cà phê nguyên chất rồi mời bạn bè đến nhà uống đi, nhưng đố có làm được không? Có bạn bè nào chịu đến không?

  2. Một Lúa nói:

    Xin hỏi anh Lương Minh.

    Hoá chất mùi trộn với nước bắp rang dù thơm ngon hơn cà phê thiệt. Nhưng không có caffeine trong đó thì đâu còn ép phê gì nữa. Như tui đang uống loại decaf, nhiều khi quên uống 3-4 ngày mà không cảm thấy ghiền như thời còn uống cà phê giảo.

    • Lương Minh nói:

      Anh Một lúa! Do không có caffein nên có người người quán mỗi ngày 4 cử: sáng trưa chiều tối mà tối lên giường vẫn ngái pho pho. Ở VN có cà phê Việt (gói) cở tui chỉ uống nữa gói là phê liền, uống nhiều say sỉn.

  3. Nguyễntuyết nói:

    Cà phê mà cũng có giả với thiệt, thật là hết chỗ nói rồi, xứ mình cũng là xứ cà phê mà, nếu có giả bằng đậu nành cũng chưa sao, chỉ sợ thứ khác nưã thì bà con mình bị giảm thọ vài năm, uổng quá bà con ơi, rủ nhau đi uống cà phê nhưng ra quán chọn món khác cho chắc ăn, vì ở nhà uống 1 mình mất vui và mất ngon, ăn ngon và uống ngon phải có bạn hiền, phải hong SOS!!!???? Bó tay!

  4. PhiRom nói:

    SOS quên trả lời chợ Nancy cho Hoàng Hưng rồi, nay đã về Chợ Lách, theo PR biết thì chợ này vẫn còn, tuần này PR bận về thăm Toto, PR nghiên cứu thêm cuốn ” Chợ tỉnh, chợ quê” của SOS, tuần sau lên, PR sẽ đi chợ Nancy và sẽ có một vài hình ảnh của chợ này, hổm rày cứ cách vài ngày là PR đi chợ Nguyễn Tri Phương, được chị PH hướng dẫn, vui lắm.

  5. Phong Tâm nói:

    Chợ Bến Thành,chợ Bình Tây hôm nay mặt tiền khoáng đạt, sạch sẽ và văn minh hơn không còn buôn bán bề bộn chật chội như xưa trông rất đẹp,tuy nhiên sao thấy không vui bằng có đúng không ông Sãi LM ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác