Tù trưởng da đỏ hành khất giữa phố thị Cựu Kim Sơn
Mỹ là một đất nước, một dân tộc, vì thế có đủ mọi giai tầng xã hội, đủ hạng người. Cho dù là cường quốc Number One của thế giới, Mỹ vẫn có người cực giàu và kẻ khố rách áo ôm, người ở lâu đài trên núi và kẻ vô gia cư, người yến tiệc thừa mứa và kẻ móc thùng rác kiếm những mẩu thức ăn thừa, nhà bác học và kẻ ngu dần, văn hào và kẻ mù chữ,…
Vì thế, tôi chẳng hề ngạc nhiên khi nhìn thấy những đệ tử chân truyền của Hồng Thất Công Bang chủ Cái Bang trên đường phố Hoa Kỳ. Chỉ có điều, những khu phố càng tráng lệ, rực rỡ bao nhiêu thì hình ảnh những homeless, hành khất càng nhức mắt hơn bấy nhiêu. Có ngạc nhiên chăng là lần này tới Mỹ, tôi thấy số người homeless và hành khất đông hơn – có lẽ đó là dấu chỉ của một nền kinh tế ngày càng xuống dốc hơn. Xã hội Mỹ mang tính thực dụng cao nhất hành tinh, có mần mới có ăn, có đóng góp (đóng thuế) cho xã hội nhiều thì mới được hưởng phúc lợi tương xứng. Có nhiều người cực kỳ tốt bụng, giàu lòng hảo tâm, niềm nở giúp đỡ tha nhân, nhưng cũng có những kẻ ích kỷ, ai ra sao mặc kệ. Xã hội Mỹ tự hào là tự do nhất thế giới, ai muốn làm gì thì mần (tất nhiên đừng để vi phạm vào cái rừng rậm pháp luật cực kỳ rối rắm và chớ làm người khác thấy ghét mà gọi 911 kêu “phú-lít”). Người nghèo túng nếu hệ thống phúc lợi của nhà nước care chưa đủ thì đã có vô số các hội đoàn từ thiện sẵn sàng dang tay cứu giúp. Còn kẻ nào không khoái nhận sự trợ giúp như vậy thì cứ việc vô tư mà ra… đứng đường. Dân homeless và đệ tử Cái Bang cũng thoải mái, muôn hình vạn trạng như vậy. Và đó mới chính là những cái ngồ ngộ mà tôi muốn ghi nhận, chớ hỗng có hề có ý đồ bôi đen gì nước Mỹ đâu. Cụ thể hơn là tại các homeless và hành khất “made in USA” hỗng giống các “đồng nghiệp” ở xứ mình nên tôi để ý mà thôi. Ngày 12-9-2012, trên đường Market (gần góc đường số 4) ở downtown thành phố San Francisco (Bắc California), có một anh chàng hành khất cao to đội chiếc mũ lông gà của tù trưởng da đỏ đang cùng một “trợ lý” da đen bày dàn nhạc “homemade” của mình. Đó là những chiếc thùng nhựa rỗng và những chiếc chảo kim loại. Chắc chắn là chỉ một lát nữa thôi, góc phố này sẽ náo động khi chàng nhạc công “tù trưởng da đỏ” trổ tài gõ. Bạn thấy bên trái là một chiếc xe đẩy đặc trưng của dân homeless Mỹ. Trên đó chất toàn bộ gia tài của khổ chủ. Phạm Hồng Phước (Saigon 17-9-2012)
Cám ơn bạn Hồng Phước về những thông tin, hình ảnh của San Francisco, thành phố cảng mà tôi yêu thích. Tiếc là có trên 9 năm rồi tôi chưa có dịp trở lại viếng thăm. Ngoài phố Tàu tấp nập mà bạn đề cập đến qua bài viết trước, tôi còn rất thích đi dạo, đi lục lạo hàng hoá bán ở bến tàu (pier) của cảng San Francisco, ghé xem gánh xiếc rong, rồi ghé thăm nhà hàng đồ biển luột tôm, cua tươi còn nhảy soi sói, bán cho mình. Mong sao sẽ trở lại thành phố nầy trong tương lai gần, vì nghe nói nó “được” lên danh sách “thành phố đang lụi dần” của nước Mỹ. Do kinh tế xuống dốc, đời sống quá đắt đỏ, giá nhà cửa mắc hơn vàng, dân San Francisco phải di dân qua tiểu bang khác sinh sống.