THẦY CAO CỰ PHÚC -NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN

Ngày đăng: 25/05/2020 07:58:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

1.Nếu thầy Phúc còn tại thế chắc thầy phải dí cái đầu tui mà gõ !!! Vì một học trò đã từng được tai tiếng … …giỏi toàn trường Tống Phước Hiệp như tui mà bạc tình lãng nhách thiệt là ! Thiệt tình , chuyện của thầy giờ tui mới biết, vậy mà nó làm tui sướng rân mới lạ, cái sung sướng của đứa học trò tỉnh lẻ có ông thầy dạy trường mình là nhạc sĩ nổi tiếng, sáng tác bài hát vẫn còn đang nổi tiếng . Bài hát “Ai lên xứ hoa đào” Tui muốn la làng cho mọi người chia sẻ niềm vui muộn màng của tui, là rằng : Mọi người ơi, nhạc sĩ Hoàng Nguyên là thầy Cao Cự Phúc , thầy dạy môn Anh Văn ( tui cũng dạy Anh Văn như thầy đó nghen !) thầy đã từng là giáo sư trường Tống Phước Hiệp .     2.Mỗi lần đi chơi Đà lạt là tui lận lưng bài hát ‘Ai lên xứ hoa đào ‘đề phòng ban tổ chức có bày cái vụ KARA  thì tui cũng biết mà OK chút đỉnh ! Lần rồi mới đi chơi Đà Lạt , nếu không chui vào ‘Đường hầm điêu khắc ‘ , thấy bài hát được chạm to đùng trên vách đá thì tui cũng chưa biết ra sự thật. Chả là tui cứ nghĩ ông Hoàng Thi Thơ mới là tác giả của ‘ Ai lên xứ hoa đào’ vì cái giai điệu vui tươi và cái tình mơn mởn của hoa đào, của con gái xứ sương mù mới phù hợp với phong cách đỏm dáng của ông ! Tranh cãi với các ông bà đi cùng mới lòi ra cái trật lất của mình . Chả là, vì tui không được học với thầy , thầy dạy lớp trên cao trong khi tui còn học lớp dưới . Dù sao nói về môn học thì thầy cũng dạy tiếng Anh, tui cũng dạy tiếng Anh. Coi như đồng nghiệp với thầy, thầy cũng học ĐHSP , tui cũng học ở đó. Tui tốt nghiệp và ra trường sau thầy chưa đầy hai chục năm chớ mấy. Tui là sóng sau của thầy, mà tui có đè nổi sóng trước của thầy đâu, vì tình đồng nghiệp cũng xin thầy xí xóa !


Thiệt ra, nào giờ cứ hát những bài ca tui yêu thích thì tui cứ hát mà không cần biết của ai. Cái nầy lỗi của tui cũng có mà cái lỗi của hệ thống bảo vệ tác quyền cũng có liên quan. Với thầy, chắc thầy đã cho đời tất cả tinh anh phát tiết ; với tui , coi như tài hoa của thầy là tài sản của toàn …. nhân loại , tui cứ sử dụng vô tư. Hướng về anh linh thầy mà nói, sự sung sướng của thầy mãi nghìn năm không hết, vì sự nghiệp sáng tác của thầy luôn sống trong lòng những kẻ hâm mộ , như tui !
Ôi sao muộn màng tui mới biết, thì ra Hoàng Nguyên là thầy Cao Cự Phúc, là giáo sư trường Tống ( danh gọi cho gv đệ nhị cấp ngày xưa trước 75) , thì ra thầy là một trong những ông thầy nổi tiếng ở trường mình…., thì ra thầy đã may mắn không dạy đứa học trò tệ bạc như tui ! Tui xác minh lý lịch của thầy bằng cách hỏi bác Google, rồi lục luôn trang web tongphuochiep-vinhlong.com . Quả, các anh chị lớp trên có quá nhiều kỹ niệm với thầy .
Chắc nhiều đồng môn đã biết chuyện bây giờ tui mới biết ? Ở đây tui chỉ muốn tỏ bày lòng hâm mộ , say mê bài hát và cả sự hãnh diện vì nhạc sĩ Hoàng Nguyên là thầy giáo dạy trường cũ của tui và là đồng nghiệp của tui luôn đó. Nhưng tui sống thọ hơn thầy vì tui không có hai chữ ‘ tài hoa ‘ ghi đẹp trong lá số tử vi ! Thương tiếc cho một tài hoa bạc mệnh như thầy.

3.Cái vui của tui không phải là cái vui của kẻ lợi dụng thời cơ thấy người sang, người nổi tiếng mà bắt quàng làm họ. Tui vui và hãnh diện thiệt tình, hãnh diện vì trường cũ Tống Phườc Hiệp của tui đã là nơi níu được chân nhiều thầy cô tài giỏi cả tài hoa như thầy Cao Cự Phúc, nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Và còn bao nhiêu bài tình ca nữa vẫn mãi vang xa, vọng lại qua từng thế hệ như ‘ Tà áo tím ‘ hay ‘ Cho người tình lỡ” Những bài hát sống mãi theo thời gian đó không chỉ của riêng thầy mà của cả thế nhân.

Bài và ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh

h2

h3                                                                        Phước Tồn- Ngọc Hạnh- Ngọc Anh (Nk73)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác