NỮ SỸ MỘNG TUYẾT

Ngày đăng: 17/05/2020 07:36:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

8.05 giờ ngày 1.7.2007, nữ sĩ Mộng Tuyết đã đi vào cõi vĩnh hằng, thọ 94 tuổi. Sự ra đi của bà là chuyến đi cuối cùng của “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà). Bà cũng là nữ sĩ cuối cùng của thế hệ “Thi nhân Việt Nam” (Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết) và khép lại một thiên tình sử đẹp như Núi Mộng – Gương Hồ giữa thi sĩ Đông Hồ với nàng Thất Tiểu Muội…


Thầy giáo Đông Hồ mở Trí Đức học xá (năm 1926) để dạy và truyền bá quốc ngữ, Mộng Tuyết là một trong những học trò xuất sắc của Đông Hồ. Ngoài dạy chữ nghĩa, ông còn dạy cô học trò nhỏ làm thơ và khuyến khích cô cộng tác với những tờ báo phía Bắc. 15 tuổi, Mộng Tuyết được nhóm Tự Lực Văn Đoàn tặng bằng khen cho tập thơ Phấn hương rừng (1939).
NXB Nguyễn Du (Hà Nội) đã chọn một số bài thơ trong tập này để in chung trong tập thơ Hương xuân (cùng với thơ của các nữ sĩ: Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài). Từ đó, tác phẩm của Mộng Tuyết lần lượt ra mắt bạn đọc trong cả nước: Hà Tiên thập cảnh (thơ Đông Hồ – Mộng Tuyết), Đường vào Hà Tiên (tùy bút,1960), Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961), Gầy hoa cúc (tập thơ), Truyện cổ Đông Tây (1969), Dưới mái trăng non (tập thơ, 1969)…
Theo như lời tâm sự của bà Mộng Tuyết với người viết (tháng 5.2003) thì tất cả sự nghiệp thơ văn của Mộng Tuyết đều có sự đóng góp, cổ vũ của Đông Hồ. Nhưng từ lúc tập tành làm thơ, viết văn chưa bao giờ Mộng Tuyết dám có ý nghĩ là sẽ trở thành… vợ của thầy, bởi vì Đông Hồ chính là anh rể của Mộng Tuyết. Thực ra, Đông Hồ lập gia đình rất sớm, người vợ đầu tiên tên là Linh Phượng mất năm 1926 để lại một con gái.
Sau khi mãn tang, Đông Hồ tục huyền với chị Năm của Mộng Tuyết (nên bà còn có bút danh Thất Tiểu Muội). Bà chị này cũng mất vào năm 1946 và cũng để lại một người con gái. Lúc này Mộng Tuyết vừa là học trò vừa là “bảo mẫu” săn sóc hai người con của Đông Hồ. Mãi đến những năm đầu thập niên 1950, khi họ chuyển lên Sài Gòn, Đông Hồ làm Giám đốc tập san Nhân loại còn Mộng Tuyết trông coi Yiễm Yiễm thư trang thì họ mới chính thức trở thành bạn đời của nhau.
Tuy nhiên, trước khi Mộng Tuyết chung sống và trở thành vợ chính thức của Đông Hồ thì qua thơ văn, người đọc cũng dễ nhận biết rằng hai tâm hồn thơ này đã yêu nhau tha thiết từ… lâu lắm rồi. Chẳng hạn:
“…Tình thay cảnh Hòn Một
Trên Hòn Một, hai người
Hai người lòng như một
Yêu nhau giữa biển trời…
Mây bay nước chảy luôn
Hòn kia còn ở lại
Cùng với tình đôi ta
Nghìn thu còn mãi mãi”
(Hòn Một – thơ Mộng Tuyết)
Hoặc:
…Ôi, nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó
Ngắn dài, người mới tựa bên vai
(Mua áo – thơ Đông Hồ 1935)
Hoặc như:
“… Bóng trăng cùng với em đang tắm
Làn nước vờn da em lạnh lùng.
Giậu trúc bờ bên gió phất phơ
Bỗng một tiếng hát vẳng bay qua.
Giật mình ngơ ngác nhìn … Em thấy,
Sau trúc, trời ơi ! Anh bước ra.
Quàng vội khăn bông em chạy vào
Ngẩn ngơ anh hỏi :
– Đã làm sao?
– Không làm sao cả , nhưng em thấy
Thèn thẹn lòng em nó thế nào ! …”
(Em xấu hổ – thơ Mộng Tuyết 1936)
Nên nhớ khi làm bài thơ Em xấu hổ (1936), Mộng Tuyết mới 22 tuổi và chưa là vợ chính thức của Đông Hồ (còn bà chị ruột của Mộng Tuyết, là vợ thứ 2 của Đồng Hồ phải mười năm sau mới mất -1946). Vậy mà thơ của Mộng Tuyết lúc ấy đã rất…táo bạo, và đầy âu yếm với “người trong mộng” Đông Hồ.
Năm 1944, thi sĩ Nguyễn Bính từ miền Bắc vào Sài Gòn rồi lặn lội xuống Hà Tiên thăm Đông Hồ – Mộng Tuyết. Trong hồi ký Để nhớ Nguyễn Bính, những ngày ghé bến Hà Tiên, Mộng Tuyết kể: “Bính thường quấn quít bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Bính thường kể chuyện Hà Nội, chuyện giang hồ, chuyện chị Trúc – người chị tinh thần đã an ủi Bính những khi buồn nản và hứa xem tôi như một người chị thứ hai của mình… Mỗi ngày, sau khi ăn sáng tại nhà anh Đông Hồ, Bính lại theo tôi ra Yiễm Yiễm thương điếm để “trông cửa hàng cho chị”, để “nhìn chị may áo” và để “đi gửi thư cho chị”…Ở tỉnh nhỏ, hầu như nhà ai cũng đốt đèn dầu dừa, dầu cá… riêng trên Nam phong tiểu các thì anh Đông Hồ dành riêng cho Nguyễn Bính những ngọn hồng lạp để đêm đêm hồn thơ phát tiết…”.
Sau này trong di cảo của nhà thơ Nguyễn Bính, người ta tìm thấy Bài thơ vần rẫy gửi người chị Dưới Mái Trăng Non:
“Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên
Chiều chiều cùng Chị vào trong rẫy
Đường mòn, nắng nhạt soi tà tà
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy…
Dần dà nói đến chuyện nhân duyên
Chị có cô cháu tuổi mười bảy
Tóc dài chấm gót, má hồng tươi
Mi vòng cánh cung, mắt đen láy
Chị ơi, trôi nổi là thân tôi
Cánh buồm bạt gió thân hồ hải…
Chừng nào mới lại vào Hà Tiên
Chiều chiều cùng Chị về trong rẫy
Chắc chẳng bao giờ nữa, Chị ơi !…”.
Mộng Tuyết còn giữ một tình bạn keo sơn thắm thiết đến cuối đời với nữ sĩ Anh Thơ (hai người cùng đoạt giải của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939). Riêng thi sĩ Đông Hồ, trên bục giảng Đại học Văn khoa Sài Gòn, khi đang bình giảng cho các sinh viên nghe bài thơ Trưng Nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang đến đoạn kết: Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn lạnh trở đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi…” .
Vì quá xúc động, Đông Hồ bị đứt gân máu, bất tỉnh trong tay các học trò và qua đời lúc 19 giờ ngày 25.3.1969. Về việc này, nhà thơ Chiêu Dương đã viết bài Cảm thương, trong đó có hai câu:
Ai đem tang tóc vào thơ
Ngâm câu “Điện ngọc…”, Đông Hồ ra đi”.
Đông Hồ mất, Mộng Tuyết bỏ Sài Gòn đưa di hài người thân yêu nhất về lại Hà Tiên, lập Nhà lưu niệm Đông Hồ ngay trên nền cũ của Trí Đức học xá. Suốt gần 40 năm qua, một mình bà trông coi, nhang khói và viết tập hồi ký Núi Mộng, Gương Hồ (3 tập, NXB Trẻ, 1998). Và cuối cùng, điều tâm nguyện thiêng liêng nhất của bà cũng đã trở thành hiện thực: được nằm bên người chồng thân yêu – Núi Mộng đã về với Gương Hồ !

       Hà Đình Nguyên

(trích 35 Chuyện tình nghệ sĩ” của Hà Đình Nguyên, NXB Trẻ 10/2017).

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác