NHẮC VỀ BÁC NĂM ” CAI TRƯỜNG

Ngày đăng: 9/04/2020 05:40:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Mỗi ngày đến trường , qua cánh cổng chính lớn , lúc nào tôi cũng thấy một ông tuổi trạc 50 , dáng người hơi tầm thấp, gọn gàng mạnh mẽ quanh quẩn tới lui . Đó là  Bác Năm Trân ( Trần Trân ) người làm nhiệm vụ giữ cổng, đánh trống trường .
Tôi thấy Bác Năm làm việc  hơi chậm mà chắc. Bác nói năng nhẹ nhàng vui vẻ, nhưng vẫn nghiêm nghị mà không làm mất lòng ai .
Hàng ngày, hai buổi sáng chiều suốt cả năm học, bất kể ngày nắng hay mưa , bác đứng ở đúng vị trí cổng trường, hàng ngàn học sinh ra vào nhưng ít khi nào ta thấy có sự lộn xộn mất trật tự ở chỗ ông làm việc . Còn giờ học cuối vào buổi chiều, bác thường hay mở và đứng giữ đấy cho các thầy …các bạn vào sân trường vui chơi thể thao , văn nghệ và các thứ sinh hoạt học đường khác . Xe đạp học sinh đậu tràn lan chung quanh bảng  thông tin, nhà đấu bóng bàn, không có thẻ gửi xe, không thu tiền xe nhưng cũng không xảy ra mất mát .
Ban ngày làm việc , chiều tối bác nghỉ ngơi luôn tại đó, chỗ ở của bác là phòng bên phải cổng từ ngoài nhìn vào, phía trước có đặt cái gíá trống, là công cụ ra lệnh của nhà trường mà bác có nhiệm vụ để báo từng giờ vào học, ra chơi, tan trường .
Năm học đệ thất (1966 – 67 ) tôi có học chung với bạn Trần Văn Chánh, là con trai của bác, Chánh học kém nên cuối năm phải ngồi lại lớp. Nghe nói vài năm sau bạn bị gọi nhập ngũ và phải ra chiến trường .
Trước năm 1968, gia đình tôi có căn số 3 bên nhà lồng chợ Vĩnh Long ( phía đường Chi Lăng ) , quán có hai mặt nhìn vào chợ và xoay ra đường, lề đường rộng ở đó có bà ngồi bán trầu cau, thuốc xỉa đã lâu, nhà bà bên kia bến đò ngang chợ cá. Khi học Tống Phước Hiệp, mỗi ngày sau mười giờ , tôi thấy bác Năm đến phụ dọn dẹp hàng cho bà, thứ nào không cần đem về, bác gửi lại ở quán . Thì ra bà bán trầu cau này là “phu nhân ” của bác Năm, vậy là tôi được biết thêm về bác. Nhờ có quan hệ riêng đó mà những năm học sau , tôi không bao giờ phải đứng chờ ngoài cổng trường, dù đến giờ cổng đóng, tôi còn được gửi xe đạp trước phòng của bác mái che đàng hoàng . Mỗi khi chơi thể thao xong tôi cũng gửi dụng cụ và trong phòng bác, khỏi phải mang về . Quen biết bác cũng sướng chứ ?

Chuyện xưa gần năm mươi năm, nếu nhắc về Bác Năm thì tôi cũng thấy bác rất đáng mến , không có phiền hà chi cả. Độ tuổi ấy mà đâu có cái nhìn sắc xảo với ai , nhất là với bác. Bác thì ở khu vực cổng, mình là học sinh đi học, giờ nghỉ thì có khi vào sân trường chơi vui . Đôi khi cũng có tiếp cận với bác, nên xem đi rồi nghĩ lại mình với bác cũng có thể được xem gần gủi dù không có bà con.

Muốn nói thêm nhiều nữa về bác Năm nhưng cái nhớ chỉ có bấy nhiêu thôi.

Vĩnh Long 09/4 /2020

Khanh Đào

Nhờ bài viết này tôi mới biết tên cúng cơm của Bác Năm. Tôi vào Đệ Thất năm 1964, nhưng 2 năm học đầu phải học nhờ cơ sở trường Bán Công Nguyễn Thông. Đến năm lớp Đệ Ngũ mới về học tại Tống Phước Hiệp và từ đó biết Bác Năm lao công, tôi nghĩ từ lao công gọi với bác Năm nghe rất dễ thương. Tính bác nhân hậu, mọi người quý mến..Nhớ những lúc đi trễ hoặc có việc xin đi ra ngoài , bác vừa đi vừa nói”Mấy thằng bây vậy không..”,nhưng tay thì lấy chìa khóa mở cổng. Thương bác lắm. Cho tới giờ đã mấy mươi năm trôi qua nhưng hình ảnh bác Năm áo trắng ngắn tay với xâu chìa khóa trên tay vẫn còn trong tôi…

Anh Nguyễn Thành Công

h1

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác