Nếp sống và tín ngưỡng người Hoa ở Phan Thiết

Ngày đăng: 26/03/2020 06:08:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Năm Thành Thái thứ 10, ngày 20.10.1898 ra dụ thành lập thị xã Phan Thiết, tách ra khỏi phủ Hàm Thuận để trở thành tỉnh lỵ Bình Thuận, đặt tại làng Phú Tài (còn gọi là Xóm Tỉnh) là nơi dân cư tập trung, phần đông lưu tán từ các tỉnh Nam- Ngãi- Bình- Phú miền Trung vào sống bằng nghề biển, còn có một bộ phận người Hoa đến sau những biến động ở Trung Quốc khoảng cuối thế kỷ 17 khi nhà Minh bị sụp đổ đã tạo ra làn sóng người Hoa lưu vong do không chịu thần phục nhà Thanh, theo đường biển đi về phía Nam. Trong các bờ biển dừng chân đó thì Phan Thiết được coi là thuận lợi nhất.

Về sau, khi Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn cắt nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ theo hiệp ước Nhâm Tuất 1862, thì có một bộ phận người Hoa ở vùng Mô Xoài- Biên Hòa dạt ra Bình Thuận sinh sống. Những nhóm dân ban đầu định cư ở khu vực cửa biển Phú Hài, Phú Long rồi chuyển dần qua phía hữu ngạn sông Cà Ty, giỏi nghề buôn bán, mở tiệm ăn, hốt thuốc bắc và kinh doanh nước mắm…(1).Tính cách trong thương mãi, người Hoa khôn khéo ở chỗ lãi ít nhưng bán được nhiều coi đó là bí quyết thành công, sống thực dụng, chịu nhẫn nhịn trong mưu sinh… Tháng 11.1933, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển thị xã Phan Thiết lên thành phố cấp 3 Phan Thiết đặt dưới quyền Công sứ tỉnh kiêm giữ chức đốc lý và chủ tịch Ủy ban thành phố. Gồm 11 làng, trong đó có 7 làng thuộc nội thị, với dân số khoảng 25 ngàn người và chưa đến một ngàn người Hoa. Về sau một số bộ phận người Hoa sống nghề buôn bán định hình tại Phan Rí, Chợ Lầu và năm 1955 có đợt di cư gọi là người Nùng (Hoa) từ Hải Ninh-Quảng Ninh vào Sông Mao (Bắc Bình) và khoảng gần trăm hộ đến La Gi… Dần dần mối quan hệ giữa người Việt và người Hoa qua việc cưới vợ gã chồng khá phổ biến.

Với tư chất trong buôn bán, người Hoa định cư ở Bình Thuận sớm thích nghi, hòa đồng với người Việt bản xứ đã biết tranh thủ, coi trọng chữ tín, trong kinh doanh. Ở Phan Thiết, phần nhiều nghiệp chủ người Hoa và người Việt gốc Hoa thành đạt có cơ sở, hiệu buôn lớn nằm trên các con đường cũ Gia Long, Ngô Sĩ Liên, Lý Thường Kiệt, Đồng Khánh và khu cư dân cửa biển Cồn Chà -Đức Thắng. Một số tên tuổi giàu có, xuất thân từ nghèo khó biết chợp lấy cơ hội làm ăn, tinh xảo với nghề… Có đến trăm năm nhưng nhiều ngôi nhà của người Hoa đã trở thành cổ kính hay vẫn sống trong căn nhà chật chội nhưng hiếm khi đập ra xây mới, chỉ có chăng là nơi đất khác vì tư tưởng phong thủy, nghĩa láng giềng với họ rất nặng nề. Ngoại vi thành phố Phan Thiết, từ cổng Chữ Y ngược lên hướng Sân bay và dưới chân đồi Phú Hài là nghĩa địa xưa nhất, rất dễ nhận ra những nấm mộ đất đắp dạng tròn nhưng vòng bao thì bằng đá chẻ chắc chắn. Khá giả hơn thì mộ xây cho người quá cố trong họ tộc cũng có kiểu cách, chữ bia mộ dễ nhận ra sự khác biệt của người Hoa. Người Hoa từ hoàn cảnh loạn lạc ở cố quốc phải phiêu dạt xứ người nên nặng lòng với dòng họ, đồng hương, gắn kết với nhau trong làm ăn, cuộc sống và có ý thức bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Dưới thời kỳ Pháp thuộc, đời sống cư dân ở Phan Thiết chia làm hai khu vực rõ rệt. Các phường quanh cửa sông Cà Ty, ven bờ biển Hưng Long, Bình Hưng, Đức Thắng, Lạc Đạo… là trên bến dưới thuyền, sống nghề chài lưới và thùng lều nước mắm. Phường Đức Nghĩa trở thành trung tâm đô thị với sinh hoạt buôn bán nhộn nhịp hầu như người Hoa chiếm số đông. Trước năm 1965, khu vực tả ngạn, bên kia sông dân cư vẫn còn thưa thớt chỉ có những công sở nhà cầm quyền, mà đồ sộ nhất là Tòa Công sứ, Ngân khố, Nhà Dây thép, Nhà Thương, Ga Xe lửa…

Tìm hiểu về nét văn hóa tâm linh của người Hoa xưa khi đến lập nghiệp ở Phan Thiết đã tái hiện và thờ cúng những linh thần theo nghi lễ truyền thống khá phong phú. Tứ bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đều có lập hội quán riêng để thờ phụng tiền hiền, lễ hội mang bản sắc văn hóa Nho giáo và Phật giáo. Đây cũng là nơi sinh hoạt, hội hè của người Hoa trong dòng họ, cùng đất quê cố xứ. Cạnh Chùa Ông trước đây có miếu (còn gọi là Chùa) Hải Nam, thờ 108 vong linh người Hoa bị chìm thuyền và tử nạn trên biển. Miếu này bị sụp đổ trong trận lụt Nhâm Thìn 1952. Qui mô nhất phải kể đến Chùa Ông còn gọi là Quan Đế Miếu ở phường Đức Nghĩa được xây dựng vào năm Canh Dần 1770, có lối kiến trúc đặc trưng theo kiểu đền miếu cổ. Gian chính điện thờ tượng Quan Công (Quan Vân Trường) bằng gỗ là nhân vật anh hùng, phi thường nhất trong ba danh tướng Quan Công, Trương Phi, Lưu Bị là huynh đệ kết nghĩa theo tích truyện thời Tam quốc Trung Hoa. Miếu còn thờ hai nhân vật là con nuôi Quan Bình và viên tướng thủ túc Châu Xương, Bà Thiên hậu, Thánh mẫu thai sanh, Tiền hiền. Sau này Quan Đế Miếu còn là một hội quán chung cho cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết. Còn có lệ ngày 13 tháng 5 âm lịch hàng năm làm lễ thay áo cho ngài và hai người hầu cận. Quan Vân Trường là một võ tướng thời nhà Hán thế kỷ 3, được La Quán Trung nâng lên hình ảnh của một con người tuyệt vời bởi tính cách thủy chung, hy sinh cho tình bạn trong tuyệt tác Tam quốc diễn nghĩa. Với người Hoa tin đó là bậc hiển thánh quyền uy và linh ứng. Còn người Việt lại biết ở Quan Vân Trường bằng sự sùng mộ tính trung nghĩa, anh hùng

Trước năm 1975, tứ bang Hoa kiều tại Phan Thiết, đáo lệ cứ 3 năm một lần tổ chức đại lễ nghinh Ông tức rước Quan Công tuần du qua các đường phố chính của thị  xã. Sau này 2 năm một lần vào tháng 7 âm lịch của năm chẵn. Lễ hội rất linh đình, hàng chục chiếc cộ hình tháp chất đầy bánh trái, tiền bạc đặt trên giàn gỗ cao. Xong lễ, cộ được xô xuống tạo ra cảnh giành giựt, chen lấn nhau cùng với tiếng reo mừng náo nhiệt. Ở các bang người Hoa cũng tổ chức hát bộ diễn tuồng sự tích ba Ông. Nhưng ngày thỉnh Ông tuần du thì đều tập trung về Chùa Ông coi đây là đại lễ. Đoàn của mỗi bang có hình thức, cờ xí đại kỳ trung kỳ, xiêm y, nhạc múa riêng. Đoàn này có kiệu hoa, thiếu nữ gánh lễ vật, thì đoàn kia có Tam Tạng cùng Tề Thiên, Bát Giới thỉnh kinh, đoàn khác thì múa võ, trống chiêng… trong tiếng pháo nổ liên hồi. Hai bên đường phố lớn nhà nào cũng dọn sẵn bàn hương án có bình hoa, bánh trái, thắp nhang đèn nghênh đón. Người xem háo hức dồn mắt hướng về hình tượng Quan Bình do một đứa trẻ khôi ngô cở 10 tuổi, mặt điểm phấn son, xúng xính áo vải xa-tanh màu xanh, đậu mão cánh chuồng, tay ôm ấn, ngồi trên lưng xích thố uy nghiêm do một người đóng vai lính hầu dắt đi chầm chậm. Nhân vật này coi như một vinh dự nên được luân phiên cho mỗi bang một lần. Hồi ấy, màn múa rồng, lân ở cuối đoàn tuần du được coi là hấp dẫn nhất. Hàng chục thanh niên khỏe mạnh thay nhau nâng con rồng dài hơn ba chục thước trong thế múa vờn trái châu tròn lấp loáng theo trống nhạc rất điệu nghệ. Thân rồng được ghép những miếng kiếng soi hình tròn làm vẩy trên nền vải lụa màu xanh dương láng bóng khi uốn lượn nhất là về đêm trở nên lung linh, sống động (2).

Không riêng gì người Hoa, người Việt cũng tỏ lòng tín ngưỡng, đến miếu xin xăm, khấn vái coi đây như một ngôi chùa dù không thờ Phật, không có tăng sĩ. Lâu dần họ quen gọi miếu Quan Thánh Đế Quân là Chùa Ông. Trong mối quan hệ giữa người Việt và người Hoa lâu dần đã hòa hợp được cái riêng về phong tục, tập quán và trong tín ngưỡng dân gian cũng mang cùng một tâm thế thuần hậu, dễ dàng thích nghi với bối cảnh xã hội ở địa phương.

Rất dễ nhầm với miếu thờ Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu cung) ở Phan Rí Thành  (Bắc Bình), miếu Bà Thiên Hậu ở Phú Hài (Phan thiết- xây mới sau 1975) với chùa Bà Đức Sanh ở Đức Thắng (Phan Thiết) còn gọi là Chùa Bà có sự tích khác, nằm chung khuôn viên đất đình làng Đức Thắng. Theo những chữ Hán Nôm ghi trên hoành phi, câu đối tại miếu thì miếu thờ được tạo dựng vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tức có sau đình làng Đức Thắng. Miếu xây theo dạng mái đình chùa còn giữ được những nét trang trí bằng mảnh sành trên bức tứ linh và bên trong chánh điện, khám thờ chạm trổ thật tinh xảo, hoa mĩ có giá trị nghệ thuật. Chùa Bà Đức Sanh (Phan Thiết) thì với tín ngưỡng, sùng bái về một vị nữ thần có năng lực siêu nhiên trong việc cứu độ, phù trợ những người phụ nữ được bình yên, an toàn khi mang thai, sinh nở mang giá trị liệu pháp tâm lý và ý nghĩa nhân văn, nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn của xã hội ngày xưa.

Cũng nằm trong dòng tín ngưỡng dân gian được pha trộn nhau trong quan niệm thần linh của người Hoa và có sự tương đồng từ bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm (Bumông) và biến đổi qua thời gian đến với người Việt. Ảnh hưởng đạo giáo Trung Hoa, chùa Bà Thiên Hậu xuất phát từ những thần thoại cho nên người Việt có sự tôn sùng Nữ thần, Thánh mẫu, Bà Chúa Ngọc, Thần mẫu… khá phổ biến. Chùa thờ Thiên Hậu là Mặc Nương với nhiều huyền tích về biển khơi và cũng là vị thần biển của người Chăm đã được Việt hóa thành Tứ vị Thánh nương. Tương tự người Việt vùng biển thờ Quan Thế Âm Bồ Tát là hiện thân cứu nạn, độ trì cho ngư dân trong phong ba bão táp.

Qua tục thờ Bà khá phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và trong đời sống tâm linh người Chăm có những truyền thuyết riêng, nhưng với người Việt đã tiếp hóa, tạo nên sắc thái văn hóa trong tín ngưỡng, thờ tự mang bản sắc hài hòa, hội nhập đối với cộng đồng xã hội ở địa phương.

                         Phan Chính      (Trích Bình Thuận tìm lại dấu xưa )

C                                                                 Chùa Ông ở Phan Thiết (hình Net)

_________________________________________________________

(1) Theo Huỳnh Xương- tạp chí Xưa-Nay.

(2)Theo bài Đại lễ Tuần du tại Phan Thiết (Lê Kiến Quốc)-Thời Nay 10-1972.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác