CHẠP VÀ NHỮNG NGÀY CẬN TẾT

Ngày đăng: 19/01/2020 07:40:04 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Hôm qua, trăng lại tròn và sáng cả bầu trời. Rằm tháng Chạp đó mà, rằm cuối cùng của năm Kỷ Hợi.
Chạp và những ngày cận Tết đã đến rồi đây. Chạp bây giờ, đối với tôi đã không cần quét vôi, sơn cửa, lau chùi bàn ghế, không cần đánh bóng bộ lư đồng, vì Chạp và tôi đang ở một góc trời xa lắm quê hương.
Không khí nhộn nhịp mừng Giáng Sinh và năm mới hai không hai không vừa lắng xuống, lúc này là lúc cộng đồng người Việt khắp nơi, đang chuẩn bị mọi thứ để chào đón Tết Nguyên Đán (Tết ta)
Chỉ một chữ Tết thôi, là lòng dạ tôi đã mênh mông trong niềm thương nỗi nhớ.
Nhớ. Phải nhớ thôi, vì đó là cả khoảng đời thơ dại của mình, chắc không ai hẹp hòi trách cứ gì đâu.
Nhớ cái  ấm cúng khói nhang trên bàn thờ ông bà. Nhớ hình ảnh nồi bánh tét với tiếng lửa củi nổ tanh tách lập lèo suốt cả đêm. Nhớ cành mai hiền hòa, với những nụ hoa vàng đầy phúc lộc mang tin yêu và may mắn. Nhớ tiếng pháo tạch tạch đùng, nhớ tiếng trống tùng xèn cắc cắc tùng xèn của đoàn múa lân, vang động mọi ngã đường từ trưa ngày ba mươi. Nhớ dưa hành củ kiệu, nhớ luôn khây mứt đủ loại, đủ màu…

Bên tôi, vẫn đang là mùa Đông, vẫn đang lạnh, năm nay thì lạnh nhiều hơn năm ngoái. Tuy vậy, mọi sinh hoạt vẫn duy trì như bình thường. Nghĩ cũng ngộ, những ngày lễ lớn đều nằm trong mùa đông, nên đã phần nào thúc đẩy người trốn lạnh, người lười biếng cách mấy cũng phải ra phố. Những con phố, dù phải phơi mình trong tiết trời lạnh giá, với hàng cây trơ trụi, đen đúa, vẫn âm thầm chịu đựng và vươn lên sự sống.

Mùa Đông, lúc nào cũng là thời điểm cuối năm. Buổi sáng, người mở bừng đôi mắt nhưng vẫn nằm nán lại trên gường, chỉ để cảm nhận những hương vị cũ và mới lẫn lộn vào nhau, trong cái lành lạnh thật là thích thú.

Hơn hai mươi lăm năm xa quê, tôi tập quen dần với lối sống nơi xứ người. Cái cuộc sống mà sáng thức dậy theo tiếng chuông đồng hồ báo thức, vội vã đi đến sở làm, chiều về vội vã chuẩn bị bữa cơm tối, nhưng lại có phần vui trội hơn, đó là được ăn hai cái Tết mỗi năm.
Nói thật ra, dù bao lâu đi nữa, mỗi khi một mình, có dịp nhìn mưa nhìn nắng, tôi vẫn hay  tưởng tượng đến mưa nắng quê nhà. Nếu có ai hỏi lý do, tôi cũng chẳng biết trả lời vì sao, vì đó như là một thói quen, một thói quen nói lên việc mình luôn nhớ về quê hương. Sanh ra ở đâu thì nhớ về nơi đó, như vậy thôi.

Dù là đang ở đâu, mình vẫn là người Việt, vẫn cho mình biết những cảm xúc Tết đang về.
Những ngày cuối năm, có những vất  vả lo toan, quần quật mà không hề có tiếng than van. Người hình như có điều gì thôi thúc, hối hả hơn, để chu tất mọi việc chấm dứt năm cũ, để chuẩn bị mọi điều đón chào năm mới? Nhất là, sau ngày hai mươi ba tháng Chạp, sự bận bịu này càng gia tăng và làm cho thời  gian đi nhanh hơn.
Hễ nói cuối năm, thì tâm lý ai cũng cứ thích nhớ lại chuyện đã qua.
Ngay cả chuyện nhỏ nhặt, như nhớ lại lúc được má dẫn ra chợ Tết để thử đôi guốc mới, chiếc áo mới, kẹp tóc mới… chỉ nhớ chút đó thôi, cũng đủ khiến cho những mạch máu dưới làn da, cơ hồ có cảm giác lăn tăn gờn gợn.
Nếu nhớ những kỷ niệm như thế, chưa đủ là tròn vẹn, phải kể đến nỗi nhớ của vị giác, có lẽ vì vậy, cái từ “ăn Tết” mới ra đời. Gian nhà bếp với bánh trái ê hề, tha hồ mà thưởng thức, ngoài bánh  tét là do ba gói, tất cả những thứ còn lại đều do tay má làm, tôi cũng chẳng thể nào tính nổi thời gian bao lâu để má hoàn tất hết thảy những món ăn cho ngày ba mươi, mồng một, mồng hai và có khi cho cả mồng ba Tết.

Má mất mấy mươi năm là mấy mươi năm tôi ăn Tết trong nỗi nhớ người da diết, nỗi nhớ mới toanh, không hề phai nhạt. Thắp nén nhang lên bàn thờ, thì thầm câu cầu nguyện, nước mắt long lanh, nhớ thật nhiều, nhớ cái không khí sum vầy đủ đầy ba má.
Ngay trong giờ phút đó, bất chấp những kiêng cữ, tôi vẫn cứ thường hay khóc. Đưa tay quẹt những giọt lệ nhớ nhung, tôi ước gì, thời gian có  thể quay ngược lại, để tôi được cùng má thắp nén nhang chào đón Chúa Xuân, cầu nguyện cho đất nước và mọi người  được bình an. Rồi tôi sẽ được ngồi ăn với má bữa cơm chay đầu tiên trong sáng ngày mồng một  Tết.

Thực tế là đây, tôi bây giờ không còn rạo rực chờ mặc áo mới, không còn dịp quấn quít bên má chờ đón giao  thừa, không còn chờ nhận bao đỏ lì xì từ ba má… mà có lẽ, tôi không còn rất nhiều thứ, nhưng tôi còn, tôi còn một trái tim và một nụ cười đón Xuân này và nhiều Xuân nữa.
Câu chúc Tết vẫn được thốt ra vui vẻ, thật tâm từ lòng mình. Trân trọng cảm nhận lời chúc Tết của mọi người, rồi để mình có cảm giác bịn rịn, Tết thật là đáng yêu.
Nỗi nhớ quê trong những ngày Tết. Một nỗi nhớ thật êm đềm, ngọt ngào, thiêng liêng và quí giá vô  cùng.
Tôi hiểu tạo hóa luôn rất khéo an bày. Khi ánh sáng của vầng dương dọi vào góc rừng thâm u, thì những chồi non sẽ lặng lẽ vươn lên. Khi ánh sáng tình người  dọi vào nhau, thì sẽ có sự tái sinh, một cuộc sống với niềm tin mới đến với nhau.
Có Hạ, có Thu, có Đông thì sẽ có Xuân. Xuân về, để bắt đầu một năm mới, một thay đổi mới.
Những ngày cuối của Chạp thực sự đến gần lắm rồi đây. Tôi thì không bằng và không thể đảm đang như má ngày xưa, nhưng luôn luôn, năm nào cũng phải bày “chút này, chút kia” để đón Xuân, để gọi là “ăn Tết”.
Vì không có ngày nghỉ chính thức cho Tết ta, nên sự đón Tết có phần hạn hẹp, nhưng để không có sự thiếu sót và đầy đủ ý nghĩa, tôi thường viết sẵn hai danh sách cần mua sắm, một danh sách có thể mua trước (càng sớm càng tốt, vì nếu muộn thì đường đến chợ dễ mà chỗ đậu xe sẽ khó tìm, mọi người đều chung ý tưởng, chính là lúc này đây) và một danh sách cần dùng, cận ngày Tết hơn, chủ yếu là rau cải , thịt thà, để nấu mâm cơm chiều ba mươi Tết.
Sáng mồng một, thắp nén nhang đầu năm trên bàn thờ, đa số thì rồi ai cũng đi làm, không khí Tết sẽ là những câu chúc Tết và trong phạm vi quy định của những Hội Chợ Tết do cộng đồng người Việt tổ chức, cho tất cả đồng hương có dịp gặp gỡ, hưởng thú vui Xuân.

Tết. Cái Tết mỗi năm mỗi đến, mà năm này qua năm khác vẫn  không hề cũ, không bao giờ bị lãng quên với tất cả chúng ta.

Hãy chuyền cho nhau khoảnh khắc hạnh phúc, để quên đi những con sóng đã xô vào bến bờ của cuộc đời.  Hãy hát cho nhau nghe bài hát Câu Chuyện Đầu Năm của cố nhạc sĩ Hoài An ” Trên đường đi lễ Xuân đầu năm… qua một năm ruột rối tơ tằm… năm mới nhiều ước vọng chờ mong… ”
Cầu xin rằng cuộc sống bình yên trong tâm hồn mọi người vẫn hoài đang tiếp diễn. Ngày ấy, năm xưa rồi vẫn mãi đong đầy.

Chạp, Kỷ Hợi
Thu Vàng

H1H2

Có 1 bình luận về CHẠP VÀ NHỮNG NGÀY CẬN TẾT

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay ,,những ngày xa xưa như vẫn còn trong tâm tư tác giả  ,,, ngày ấy thật đẹp
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác