Nhận thức luận trong Triết học cổ điển Ấn-độ và Triết học Phật giáo.

Ngày đăng: 17/12/2019 05:49:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi. ( Gs Nguyễn Vĩnh Thượng)

 

Trong bài “Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ và trong triết học Phật giáo” (Epistemology in Classical Indian Philosophy and in Buddhist Philosophy) chúng tôi sẽ trình bày:

Phần I:    Dẫn nhập:
– Định nghĩa: Nhận thức luận.
Phần II: Nhận thức luận trong:
I.- triết học cổ điển Ấn độ: có 6 nguồn của nhận thức.
II.- trường phái Nyaya: chỉ chấp nhận 4 trong 6 nguồn của nhận thức.
Phần III: Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy/ Phật giáo sơ kỳ (Original Buddhism/ Early Buddhism).
Phần IV: Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo Phát triển (Developmental Buddhism)/ Phật giáo Đại thừa (Srt. Mahayana/ Great Vehicle):
I.-Nhận thức luận của Vasubandhu (Thế Thân).
II.-Nhận thức luận của Dignaga (Trần Na).
III.-Nhận thức luận của Dharmakirti (Pháp Xứng)
Phần V : Tổng kết.

 

Phần I : Dẫn nhập

Trong lịch sử triết học Tây phương cũng như trong lịch sử triết học Đông phương, “nhận thức luận” đã đóng góp cho sự phát triển tư tưởng triết học của các trường phái triết học.

Nhận thức luận” là một lãnh vực trong triết học Ấn độ từ thời xa xưa, “nhận thức luận” cũng là một lãnh vực của triết học Phật giáo.
Bài viết này như là một sơ thảo về khảo luận triết học nhằm cống hiến độc giả một cái nhìn “biểu nhất lảm” về nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ và trong triết học Phật giáo.

Trước hết chúng tôi sẽ tìm hiểu ý nghĩa của nhận thức luận.

                    Nhận thức luận ( Epistemology) hay tri thức luận có mục đích nghiên cứu về nhận thức hay tri thức (knowledge), và sự phán đoán niềm tin của tri thức. Nhận thức luận nghiên cứu các vấn đề chính yếu sau đây:

  1. Nguồn gốc của tri thức, của cái biết.
  2. Khả năng và giới hạn của tri thức.
  3. Bản chất của tri thức.
  4. Biểu chuẩn của chân tri: cái biết thật, biết đúng và nguyên do của lầm lẫn.

 

Nhận thức luận là những phương tiện đáng tin cậy để nhận thức đạt được nhận thức đứng đắn, để khám phá và diệt bỏ những khái niệm sai lầm để đạt được bản tánh chân thật của linh hồn/ của bản ngã và thực tại. Những khái niệm sai lầm không những là vô minh (Av. Ignorance) mà còn là ảo giác (Av. Delusion). Khi diệt được vô minh/ nhận thức sai lầm thì diệt được những trở ngại cho việc giải thoát (Srt. Moksha, Av. Liberation).

Một thuật ngữ của nhận thức luận (epistemological term) trong triết học Ấn độ và trong triết học Phật giáo là Pramana, tiếng Sanskrit, có nghĩa là “đo lường” (Av. measure); Tàu dịch là lượng có nghĩa là tính toán, đo lường, suy luận. Thuật ngữ này nhằm chỉ các phương tiện nhờ chúng mà con người mới có thể đạt được một sự hiểu biết chính xác và đúng đắn (obtaining accurate and valid knowledge) trong thế tục. Để đạt được Prama (Av. correct knowledge) hay một tri thức đúng đắn thì phải sử dụng phương cách tính toán đo lường (Srt. Pramana, Av.Sources of Knowledge/ Means of knowledge).

Trong triết học, giữa Luận Lý Học (Logic) và Siêu Hình Học (Metaphysics) có một mối tương quan rất mật thiết. Luận Lý Học có những lãnh vực chính yếu là Nhận thức luận, Phương pháp luận.

 

                  Phần II: Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ  và trong trường phái Nyaya.

 

Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày:

I.-Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ: có 6 nguồn của nhận thức.

1.-Tri giác.   2.-Suy luận.  3.-Lý luận loại suy.  4.-Lời chứng  5.-Giả định.

6.-Không-tri giác.

 

II.-Nhận thức luận trong trường phái Nyaya: có 4 nguồn của nhận thức.

1.-Tri giác.

a.-Loại tri giác bình thường.

b.-Loại tri giác phi thường.

2.-Suy luận:

2.-1.- Đặc tính của suy luận.

2.-2.-Cấu trúc của suy luận: Luận thức có-5-bước (Ngũ chi tác pháp).

2.-3.-Giải thích cấu trúc suy luận của trường phái Nyaya.

3.-Lý luận loại suy.

4.-Lời chứng.

 

III.-Phần bổ xung: Định nghĩa “Nhân Minh Học” và “Luận Lý Học Tây phương”.

 

I.-Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ:

                      Phương pháp nghị luận của tư tưởng là nền tảng của Nhận Thức Luận trong triết học cổ điển Ấn độ, và cũng là nền tảng cho sự phát triển Nhận Thức Luận trong triết học Phật giáo.

Trong các kinh văn của Ấn độ vào thời cổ đại và thời trung cổ đã xác định có 6 nguồn của nhận thức (Srt. Pramanas, Av. Sources of knowledge) như là những phương tiện đúng đắn của nhận thức chính xác và chân lý.

Pramana, chữ Sanskrit, có nghĩa là những nguồn của nhận thức hay phương tiện của nhận thức (Av. Sources of knowledge).

Prama, chữ Sanskrit, có nghĩa là nhận thức xác thực và đúng đắn (Av. Correct knowledge).

 

Để đạt được nhận thức xác thực và đứng đắn (Prama), nguồn của nhận thức đúng (Pramana) phải hội đủ 3 yếu tố sau đây:

1.- Pramata (chủ tri, Av. the subject, the knower): chủ thể nhận biết.
2.-Pramana: các phương tiện để nhận thức (Av. the means of obtaining the correct knowledge).
3.Prameya:  (sở tri, Av. the object, the knowable): đối tượng để nhận thức hay khách thể để nhận thức.

 

Đơn độc một mình chủ thể nhận thức thì không có gì để nhận thức, mà chỉ có một mình khách thể/ đối tượng thì cũng không phát sanh ra nhận thức. Chủ thể và khách thể có một mối liên hệ mật thiết để tạo ra nhận thức/ ý thức. Ý thức thì luôn luôn giao động : “tâm viên ý mã” ý nói tâm và ý của con người thì khi nghĩ tới điều này rồi lại nhớ tới điều khác không khác gì con vượn luôn chuyển từ cành cây này qua cành cây khác, cũng như con ngựa chạy nhanh như gió bay.

          *Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ:

Triết học cổ điển Ấn độ chủ trương có 6 nguồn của nhận thức hay 6 phương tiện của nhận thức (Av. Six Sources of knowledge / or six Means/ Ways of Knowledge):

1.-Tri giác (Srt. Pratyaksa, Av. Perception):
Pratyaksha, tiếng Sanskrit, có nghĩa là tri giác từ con mắt hay nhãn quan. Tri giác là nhận thức một cách trực tiếp và ngay tức khắc các sự kiện hay hiện tượng như đau đớn, sung sướng, yêu, ghét, giận, nguy hiểm, an toàn qua các đối tượng khác nhau ở trong tâm thức.

Chúng ta có sáu giác quan/ lục căn (six sense organs), gồm có:
ngũ căn (five sense organs) là năm cơ quan cảm giác bên ngoài như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và da (eye, ear, nose, tongue, body & skin). Ngũ căn là năm cơ quan cảm giác bên ngoài (six external sense organs) giao tiếp với các đối tượng thuộc thế giới bên ngoài (external objects/ worldly objects) như sắc, thanh, hương, vị, xúc (form, sounds, odor, taste, tangible objects). Mỗi cơ quan cảm giác bên ngoài có đối tượng bên ngoài tương ứng với nó.
một cơ quan cảm giác bên trong (one internal sense organ) là tâm thức (Srt. Manas, Av. Mind)

Theo các triết gia cổ điển Ấn độ thì linh hồn (Srt. Atman, Av. Soul) của chúng ta đến tiếp xúc với tâm thức, tâm thức đến tiếp xúc với các giác quan bên ngoài, các giác quan bên ngoài đến tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài, và rồi tri giác phát khởi. Tri giác đúng đắn đòi hỏi phải có các điều kiện như sau:

-Trải nghiệm trực tiếp bởi giác quan của một người với một đối tượng.
-Không qua trung gian của ngôn ngữ và văn tự.
-Không có thay đổi lòng vòng.
-Xác định tức là loại bỏ sự phán đoán nghi ngờ.

Tâm thức, còn gọi là giác quan thứ 6 (Av.sixth sense), có trước 5 giác quan bên ngoài. 5 giác quan bên ngoài như nhãn thức, nhỉ thức, tỉ thức, vị thức, xúc thức (sight, hearing, smell, taste, touch) lần lượt phát triển từ cảm giác này đến cảm giác khác.

Chúng ta thấy trẻ sơ sanh phát triển vị giác trước tiên. Đức trẻ có thể phân biệt được vị sửa của mẹ.  Khi đói, đứa bé chỉ cần bú sửa để no bụng, đứa bé chưa ý thức rằng đó là thức ăn, là mẹ nó và vú mẹ đầy sửa. Đứa bé chỉ cần bú sửa để đầy bụng, để chấm dứt cơn đói. Rồi từ từ đứa bé được phát triển thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác.

Thức thứ sáu (Av. sixth sense) hay tâm thức (Srt. Manas, Av. Mind sense) đôi khi còn có thể thực hiện được tri thức vượt bình thường không nhờ 5 thức trước. Nên thức thứ sáu còn được gọi là một tri giác vượt bình thường (Av. extra sensory perception).

Tâm thức tập trung vào những chuyện quá khứ khiến chủ thể nhận thức nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ (Av. retro-cognition).

Tâm thức có thể tập trung vào chuyện liên lạc với đối tượng mà không do 5 giác quan, thường gọi là thần giao cách cảm (Av.l clairvoyance).

Tâm thức có thể tập trung vào một đối tượng khiến một chủ thể nhận thức đặc thù có thể tiên đoán được các biến cố, các sự kiện có thể xảy ra mà chủ thể nhận thức đã không biết một sự việc gì có liên hệ với biến cố hay với sự kiện này. Đây là linh tính về một sự kiện, một biến cố sẽ xảy ra.

Có nhiều loài thú vật cũng có thể tiên đoán các thiên tai sẽ xảy ra như trường hợp có động đất. Chúng ta thấy các con ếch nhái, rắn, chó, chim có những phản ứng trước khi xảy ra trận động đất một cách mạnh mẽ hơn các con sư tử, cọp, trâu nước và con người. Điều này có nghĩa là ếch nhái, rắn, chó, chim biết trước trận động đất và chúng sẽ có những phản ứng trước thiên tai theo bản năng sanh tồn; và còn nhiều loài thú khác nữa.  Con Groundhog có thể tiên đoán mùa xuân đến: ở xứ lạnh như Canada, phiá Bắc nước Mỹ, đang khi mùa Đông giá, tuyết phủ mà thấy con Groundhog đi khỏi hang  lên mặt đất, người ta có thể đoán là mùa xuân sắp đến sớm. Groundhog trông giống như con sốc, có nhiều lông đuôi, thân hình có lông rằn, có loại thì giống như con thỏ, giống này có phản ứng nhạy cảm về nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, hai yếu tố này giúp chúng tiên đoán được thời tiết.

Con thú thì có một bản năng riêng về thức thứ sáu, trong khi con người thì có  người có thể có bản năng bẩm sanh về “thức thứ sáu“, nhưng có người có thể phát triển được cái nhìn thấu thị hay dự đoán điều gì bởi  “thức thứ sáu” bằng cách thiền định (Srt. Yoga, Av. Meditation), hoặc bằng cách luyện tinh thần  như một số nhà tiên tri.

       2.-Suy luận (Srt. Anumana, Av. Inference)
Anumana, tiếng Sanskrit, kết hợp hai chữ: – chữ gốc: mana có nghĩa là nhận thức, hiểu biết (Av. knowledge); – tiếp đầu ngữ: anu có nghĩa là sau (Av. after). Do đó, anumana có nghĩa là nhận thức theo sau nhận thức khác [knowledge (mana) which arises after (anu) other knowledge]. Như vậy, “suy luận” là nguồn nhận thức gián tiếp, không như tri giác (Srt. Pratyaka) là nguồn nhận thức trực tiếp và ngay tức thì (Av. direct and immediate source of knowledge). Nghĩa đen anumana có nghĩa là “sau nhận thức” (Av. after knowledge).

Suy luận phát khởi là do sự sử dụng “quan sát” các chân lý đã có trước, và lý luận để đi đến kết luận mới tức là một chân lý mới. Thí dụ: quan sát thấy có “khói” ở trên ngọn đồi, chúng ta suy luận rằng phải có “lửa” ở trên ngọn đồi:
– Trên ngọn đồi phải có lửa.
– Bởi vì có khói ở trên ngọn đồi.
– Những vật gì có lửa thì có khói.

Thí dụ trên cho biết: “chúng ta đi từ tri giác “khói” ở trên đồi đến suy luận ra sự nhận biết rằng có “lửa” ở trên ngọn đồi. Sự suy luận này căn cứ vào nhận thức đã có từ trước: có sự liên hệ mật thiết không thay đổi giữa “khói” và “lửa“. Nói khác, chúng ta thấy khói ở trên ngọn đồi từ đàng xa, mặc dầu “lửa” không được thấy trực tiếp, chúng ta suy luận để kết luận rằng “có lửa ở trên ngọn đồi“, vì “khói” và “lửa” có sự liên hệ không thay đổi và rất mật thiết.
Các nhà nhận thức luận cổ điển Ấn độ đã đưa ra “luận thức có 5- bước” (a formal five-step argument), người Tàu dịch là “ngũ chi tác pháp“:
1.-Tôn (Srt. Pratijna, Av. Hypothesis/ thesis): đây là điều phải chứng minh, gọi là giả thuyết/ luận đề/ chính đề. Thí dụ: “có lửa ở trên ngọn đồi” là điều phải chứng minh.

2.-Nhân (Srt. Hetu, Av. Reason): đây là nguyên nhân để giúp cho việc suy luận. Thí dụ: “khói” là nguyên nhân để bắt đầu suy luận ra có “lửa“.
3.-Dụ (Srt. Udaharana, Av. Example) là các thí dụ được dẫn ra để suy luận. Có hai loại thí dụ:-đồng dụ là thí dụ đưa ra tính đồng thuận với “nhân“, thí dụ: bếp lửa có khói; –dị dụ là thí dụ có tính chất phản lại với nhân, thí dụ: mặt hồ không có lửa nên không có khói.
4.-Hiệp (Srt. Upanaya, Av. Re-affirmation) nghĩa là tái xác nhận lại giá trị đứng đắn của “thí dụ“: “có khói thì có lửa“.

5.-Kết (Srt. Nigamana, Av. Conclusion): nhờ Hiệp đã tái xác nhận giá trị đúng đắn của “thí dụ”, nên chúng ta có thể xác định giá trị đúng đắn của Tôn (điều đòi hỏi phải chứng minh).

Thí dụ về “luận thức có 5 bước“:
1.Tôn: Có lửa ở trên đồi kia.
2.-Nhân: Bởi vì có khói ở đó.
3.-Dụ: Ở đâu có khói thì ở đó có lửa. Thí dụ: có khói ở bếp lửa, không có khói ở mặt hồ.
4.-Hiệp: Có khói ở trên đồi.
5.-Kết: Nên có lửa ở trên đồi.

 

3.-Lý luận loại suy (Srt. Upamana, Av. Analogy)

Upamana, tiếng Sanskrit, có nghĩa là so sánh (Av.comparison), là sự nhận thức về sự liên hệ giữa “một tiếng” (Av. word) và “một đối tượng” (Av.object), đối tượng được định nghĩa bởi tiếng này.  Upamana cũng có nghĩa là quan sát sự “giống nhau” (Av. resemblance, similarity) về một đối tượng đã biết để diễn tả trước về một đối tượng mới sẽ được biết trong tương lai. Upamana thường được dịch là “lý luận loại suy“.

Thí dụ 1: Một người chưa biết con sóc là con thú có hình dáng như thế nào?  Người này được một người ở trong rừng diễn tả rằng: ” con sóc”  là con vật nhỏ như “con chuột” nhưng có đuôi đầy lông dài, có nhiều lông vạch sọc trên thân mình. Sau đó, người này có cơ hội thấy con thú giống như con thú đã được nghe, được diễn tả, anh ta biết ngay tức khắc đó là con sóc.

Thí dụ 2 : Hầu hết sv tốt nghiệp từ Đại Học Harvard đều có kiến thức uyên bác.
Bạn là sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Harvard.

Vậy tôi có thể suy ra rằng bạn là người có kiến thức uyên bác.

 

3.-Lời chứng  (Srt. Sabda, Av. Testimony):

Sabda, tiếng Sanskrit, có nghĩa là lời nói hay là lời tuyên bố của những người đáng tôn kính hay đáng tin cậy. Tàu dịch là Thánh Lượng hay Chính lý Ngôn ngữ.
Ngày xưa, sabda có nghĩa là nhận biết bằng lời (Av. verbal cognition) hay lời chứng bằng lời (Av. verbal testimony) như là một phương cách để đạt sự nhận biết đấng tối cao (Av. Absolute Reality/ Brahman) tức là những lời dạy trong Thánh Kinh Vedas (đó là lời dạy của thần Isuara, mà thần Isuara có một uy tín tuyệt đối), hoặc là lời dạy của các nhân vật đầy uy tín.

Ngày nay, sabda có nghĩa là lời chứng (testimony), lời khai của một người với lời tuyên thệ trước tòa án hoặc trước cơ quan quyền lực.

Thông thường nhận thức về “các tiếng” (Av. words) được diễn tả bởi ý hướng của người phát ngôn (Av. the intention of the speaker) coi như là những điều kiện nhân quả để hiểu rõ ý nghĩa của câu nói.

Trong cuộc sống hằng ngày, các nhận thức hay kiến thức được lưu truyền qua các lời tuyên bố, các lời chứng, chúng ta thường xuyên tiếp nhận những thông tin khác nhau, những định hướng khác nhau qua các tiếng, lời nói, văn bản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đó là nguồn của nhận thức: Lời chứng, Thánh lượng, Chính lý ngôn ngữ (Srt. Sabda).

5.-Giả định (Srt. Arthapatti, Av. Presumption):

Arthapatti, tiếng Sanskrit, kết hợp hai tiếng: -artha có nghĩa là sự kiện có thật, việc có thật (Av. fact), – apatti là một giả thuyết, một giả định (Av. supposition). Arthapatti là một nguồn của nhận thức nhằm để giải quyết sự tương phản của hai sự việc có thật, chúng ta phải giả định, giả sử một sự kiện khác ở giữa hai sự việc có thật này (Av. two facts). Nói khác, giả định về một sự việc có thật nhưng chưa được nhận thức để kết hợp hai sự kiện có thật đang được biết và đang đối nghịch nhau (Av. conflict).

Thí dụ 1: đây là một thí dụ rất phổ biến trong các sách viết về luận lý học Ấn độ:
-Devadutta không ăn thức ăn nào cả trong ban ngày.
– Anh ta vẫn khỏe mạnh và mập mạp.
-Chúng ta đặt giả thuyết rằng anh ta phải ăn thức ăn vào ban đêm.

Ghi chú: Chúng ta không thấy Devadutta ăn món gì trong ban đêm. Nhưng chúng ta giả thuyết điều này mà chúng ta không thực sự nhận thấy, vì chúng ta suy luận rằng:
-Tất cả những người khỏe mạnh mà không ăn trong ban ngày thì đều ăn trong ban đêm.
-Như vậy, Devadutta là người mập mạp khỏe mạnh thì anh ta phải ăn vào ban đêm. Chúng ta đã giải quyết sự tranh cải này (to solve this conflict).

        Thí dụ 2: – Không thấy mặt trời ở trên bầu trời có nghĩa là trời đã vào đêm.
– Nhớ lại vào năm 1999, vào một ngày có lúc “nhật thực“, chim chóc bay về tổ vào lúc 10:00 sáng, vì chúng nghĩ rằng mặt trời đã lặn, đây là lúc hoàng hôn. Sau đó vài giờ, mặt trời trở lại bình thường thì chim chóc hót vang vì chúng nghĩ rằng mặt trời bắt đầu mọc.
Ghi chú: Nếu không có mặt trời ở trên bầu trời thì giả định rằng lúc này là ban đêm.

Thí dụ 3:   (A) và (B) mâu thuẫn thì nếu (A) đúng thì (B) sai.
Trong hình học không gian, để chứng minh hai mặt phẳng (P) và (Q) song song với nhau, chúng ta thường giả sử rằng mặt phẳng (P) cắt mặt phẳng (Q), ta chứng minh điều này không thể xảy ra được vì nó vô lý. Vậy, ta suy luận rằng mặt phẳng (P) phải song song với mặt phẳng (Q).

6.-Không-Tri giác (Srt. Anupalabdhi, Av. Non-perception):

Anupalabdhi, tiếng Sanskrit, có nghĩa là “Không-tri giác” , Tàu dịch là Phi lượng (非量), có nhà nghiên cứu Tây phương gọi là Pseudo-perception ( giả tri giác / giả nhận thức). Anupalabdhi là tri giác ngay tức khắc sự không hiện hữu của một đối tượng. Đối tượng này không hiện hữu/ không có mặt ở trong một không gian cá biệt và một thời gian cá biệt. Nhưng đối tượng này thì hiện hữu ở một nơi nào đó.

Nói khác, “Không-tri giác” (Srt. Anupalabdhi, Av. Non-perception) là một trong 6 nguồn của nhận thức nhằm giúp “chủ thể nhận thức” nhận biết sự không có mặt/ không hiện hữu của một đối tượng đặc thù trong một hoàn cảnh đặc thù, hay trong một không gian và thời gian cá biệt. Điều đáng lưu ý là đối tượng này có thể có mặt ở một nơi nào đó mà chúng ta có thể nhận biết vào một thời điểm khác.

Đối tượng hiện hữu đối với chủ thể nhận thức có thể hoặc là có sự liên hệ tích cực (Av. positive relation), hoặc là có sự liên hệ tiêu cực (Av. negative relation). “Liên hệ tích  cực” có nghĩa là đối tượng được nhận thức qua các giác quan (Av. sense organs); còn “liên hệ tiêu cực” thì đối tượng không được nhận thức qua giác quan vì đối tượng không có mặt mà nhờ nguồn “Không-tri giác” để nhận thức.

Thí dụ 1: Bạn không thấy “cây dù” (Av. umbrella) mà bạn thường thấy nó ở trong một góc phòng bên phải. Bạn biết được “sự vắng mặt” của cây dù là nhờ nguồn nhận thức “Không-tri giác“.

Thí dụ 2: – “Không thấy cuốn sách ở trên bàn giấy” có nghĩa là chúng ta không tri giác được cuốn sách qua “các cơ quan của cảm giác” (Av. sense organs), nhưng sự nhận biết sự vắng mặt/ sự không hiện hữu của cuốn sách ở trên bàn giấy là do sự phát khởi của nguồn nhận thức “Không-tri giác” về sự nhận biết “đối tượng không có mặt”.

Thí dụ 3: Chúng ta nhận biết sự không có mặt của bình hoa ở trên bàn cà-phê bởi vì bình hoa là một đối tượng ở trên bàn cà-phê mà chúng ta đã biết trước đây, hoặc có thể chúng ta sẽ thấy bình hoa vào một thời điểm sau này.

Ghi chú: Điều cần nhấn mạnh ở đây là không phải nguồn nhận thức “Không-tri giác” nào cũng giúp sự nhận biết về sự không có mặt/ không hiện hữu của một đối tượng, có nghĩa là “Không-tri giác” về một đối tượng không có nghĩa là một bằng chứng “sự không có mặt/ không hiện hữu của đối tượng”. Thí dụ: trong bóng tối tăm của một căn phòng mà nơi đây chúng ta không thấy sự có mặt của cái bàn. Nhưng nếu chúng ta bật đèn sáng lên ở trong căn phòng này thì chúng ta thấy sự có mặt của cái bàn. Trong trường hợp này, nguồn nhận thức “không thấy cái bàn” không phải là “Không -tri giác“.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường dùng phương tiện của nhận thức này [Không-tri giác]. Thí dụ: “Không thấy bình hoa ở trên bàn cà-phê“, chúng ta biết ngay không có bình hoa ở đó.

-“Không thấy thầy giáo ở trong lớp học“, chúng ta biết ngay thầy giáo đang vắng mặt.
-“Các hoa hồng này không có mùi thơm“, Chúng ta biết ngay mùi thơm của hoa hồng không có ở mấy cành hoa hồng đó.

Ghi chú: Các điều trên có vẽ nghịch lý (Av. paradoxical), “Không-tri giác” về một đối tượng có nghĩa là sự nhận thức về sự vắng mặt/ không hiện hữu của đối tượng đó. Nhưng trong hiện thực cả tri giác (Av. perception) và không- tri giác (Av. non-perception) đều là hai phương tiện khác nhau để thâu nhận sự nhận biết về một đối tượng. Điều này cho thấy chủ thể nhận thức/ chủ tri (Av. knower) đều sử dụng hai phương tiện này của nhận thức.

– * –

 

II.- Nhận thức luận trong trường phái Nyaya:

                        Trường phái Nyaya (H.V. Trường phái Chính Lý, Av. Nyaya School), là một trong 6 trường phái triết học chính thống cùng thời với Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni:

Nyaya (HV. Chính Lý hay Luận Lý), chữ Sanskrit, có nghĩa là phép tắc, phương pháp, thẩm định (Av. rule, method, judgement).

Trường phái này lấy kinh điển Nyaya Sutras, gồm có 538 câu làm căn cứ. Các Kinh Nyaya Sutras bàn luận chính về luận lý, phương pháp luận lý và nhận thức luận (Nyaya Sutras primarily discusses logic, methology, and epistemology).

Khai tổ là Aksapada Gotama (khoảng 50 – 150 CN). Triết gia này có họ là Gotama, và có biệt danh là Aksapada (Tàu dịch là Túc Mục 足目 ). Tương truyền Gotama luôn luôn suy tư về các vấn đề tư tưởng triết học, khi bước chân đi ông không quan sát mặt đất mà chỉ chú tâm vào các vấn đề triết học mình đang suy tư; một hôm ông bước chân lọt xuống giếng, Thượng đế đã vớt ông lên và tạo ra đôi mắt ở dưới chân ông (túc= cái chân, mục= mắt) để giúp ông có thể quan sát mặt đường trong khi bước chân đi.

Sau này, học giả Vatsyayana đã viết loại sách Bhasya (luận đề, phê bình) để chú thích và giảng giải bộ Kinh Nyaya Sutras rất có giá trị.

 

Trường phái Nyaya đã chấp nhận 4 trong 6 nguồn nhận thức (Pramanas) như là những phương cách đáng tin cậy để đạt được nhận thức đúng đắn:

                        1.-Tri giác (Srt.Pratyaksa, Av. Perception):

Tri giác/ trực giác/ hiện lượng là nhận thức được khởi lên do sự tiếp xúc giữa cảm giác quan và đối tượng, tri giác hay tri thức không thể diễn tả bằng lời, tri giác thường được cho rằng không sai lầm, không sai lệch và xác định rõ ràng.
Nyaya Sutra (1.1.4) định nghĩa: “A perceptual cognition arises by means of the connection between sense faculty and object, is not dependent on words, is non-deviating, and is determinate”. Như vậy, theo phái Nyaya, tri giác /tri thức phải hội đủ 4 điều kiện:
1.-Tri thức/ tri giác phát khởi từ sự nối kết các cảm giác quan và đối tượng.
2.Tri thức/ tri giác phát khởi không tuỳ thuộc vào ngôn ngữ.
3.-Tri thức/tri giác có điều kiện không bị sai lệch để ngăn chặn những tri thức sai lầm. Thí dụ 1: trường hợp nhận thức sai về “võ hến” (Av. oster shell) mà tưởng là một miếng bạc (Av. piece of silver). Thí dụ 2: Đêm tối, nhìn sợi dây thừng mà tưởng là con rắn.

Trường phái Nyaya quan niệm rằng các nguồn nhận thức (pramanas) là sự thực đứng đắn, không sai lầm, và rằng các nhận thức sai lầm không phải là pramanas mà nó chỉ là nguỵ- pramanas / giả pramanas (Srt. Pramanas- abhasa, Av. pseudo-pramanas) như ngồi trên chiếc tàu đang di chuyển thấy như bờ sông và cây cối ở bờ sông di chuyển.

 

4.-Tri thức/tri giác  có điều kiện xác định để ngăn chặn tri thức khỏi những sai lầm về đối tượng. Thí dụ như từ xa một người đang đứng trong sương mù, chúng ta không rõ đó là một con người hay là một cây cột.

 

Tri giác có thể có hai loại: tri giác bình thường và tri giác khác thường:

a.Loại tri giác bình thường (Srt. Laukika, Av. ordinary perception): là tri thức được phát khởi khi có sự tiếp xúc giữa các giác quan (sense organs) và đối tượng đang hiện có. 5 giác quan bên ngoài (Av.outer organs) như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) được dây thần kinh đưa vào một bộ phận của não bộ gọi là ý thức (Av.sense mind/mind consciousness/ mental phenomena consciousness), ý thức là giác quan ở bên trong (Av. inner organ).
Nhận thức trực tiếp có tính tự ý của ý thức/ tâm thức. Thí dụ: chúng ta có cảm giác buồn thì chúng ta tự biết rằng chúng ta đang buồn; còn nếu chúng ta buồn mà không biết vì sao mà buồn thì trong trường hợp này chúng ta thiếu tỉnh giác mà thôi.

                     b.-Loại tri giác phi thường (Srt. Alaukika, Av. Extra-ordinary/ non-normal perception), loại này có 3 loại:
b.1.- Nhận thức có tính tổng quát hoá từ các đối tượng đặc biệt (Srt. Samanyalakshana, Av. Perceiving generality from a particular object). Thí dụ: Nhìn thấy “một loại khói” đặc biệt cho một loại lửa, chúng ta tổng quát hoá “khói” (smokiness) là đặc tính của mọi “ngọn lửa” (fieriness).
b.2.- Nhận thức về tính chất của một vật/ một đối tượng bằng cách nhớ lại những tính chất của đối tượng mà chúng ta đang nhìn thấy (Srt. Jnanalaksana, Av. Perception of the properties of an object mediated by memory involves the visual experience of unpresented properties of an object which is currently seen). Thí dụ 1: Khi nhìn một trái ớt hiểm đỏ, chúng ta nhận biết rằng nó có vị cay. Thí dụ 2: Khi nhìn cụt nưuớc đá, ta biết nó lạnh. Thí dụ 3: Khi nhìn một miếng gỗtrầm hương”, chúng ta biết nó có mùi thơm.
Đôi khi chúng ta nhận thức một đối tượng bởi một giác quan mà đối tượng không phải là đối tượng của giác quan này, như “tôi nhìn mùi thơm của hoa hồng” (Av. I see a fragrant rose), chúng ta biết rằng mùi thơm là đối tượng của lỗ mũi, nhưng ở câu này thì mùi thơm được nhận thức bởi mắt.

b.3.- Nhận thức trong lúc thiền định ( Srt. Yogaja, Av. Yogic perception) hay trực giác thiền định. Trong tình trạng đang nhập thâm sâu vào thiền định, thiền giả có thể thấy các đối tượng/sự kiện/biến cố thuộc quá khứ, hiện tại hoặc thuộc về tương lai; thiền giả có thể đạt được một khả năng siêu phàm. Thí dụ: Thiền giả có thể quán chiếu vào đối tượng để đạt đạo/ đạt chân lý như trong “Bát-nhã Tâm kinh”: Bồ-tát Quán-tự-tại quán chiếu “ngũ uẩn là hư không”.

Đôi khi tri giác bị sai lệch vì có sự can thiệp bởi một vật khác, hoặc cảm giác quan bị bịnh. Thí dụ: “cặp kính màu” làm ta nhận thức màu sắc của đối tượng không như “chính màu” của nó. “Cặp mắt bị bịnh” có thể làm thấy nhiều đom đóm ở phía trước mặt.

2.-Suy luận (Srt. Anumana, Av. Inference):

2.1.-Đặc tính của suy luận (Av. Characteristics of Inference):

Theo Nyaya sutra, 1.1.5 thì: “Tri thức đi trước suy luận, suy luận có 3 bước: -từ nguyên nhân đến hậu quả, từ hậu quả bước ngược về nguyên nhân, hoặc từ những cái gì thường thấy”.
[An inferential cognition is preceded by that (perception), and is three fold: from cause to effect, from effect to cause or from that which is commonly seen.]

Định nghĩa về suy luận của trường phái Nyaya chú trọng vào đặc tính căn bản của suy luận: đây là nhận thức được kéo theo từ một nhận thức khác, suy luận tùy thuộc vào sự liên kết nhận thức này với nhận thức khác bằng một phương cách nào đó.

 

Anumana, chữ Sanskrit, nguyên nghĩa là “sau- sự nhận thức” (Av. after-cognizing) có nghĩa là suy luận là một nguồn của nhận thức theo sau một nhận thức có trước:
a.- Nhận thức đi trước suy luận bằng hai cách: 1.-Suy luận đòi hỏi phải có một nhận thức được thành lập bởi một sự liên hệ cố định giữa “dấu hiệu suy luận” (Av. inferential sign) và đối tượng được suy luận. 2.-Nhận thức phát khởi suy luận từ “dấu hiệu suy luận” như là một quỷ đạo (Av. locus) của suy luận.

b.-Suy luận đi từ nguyên nhân đến hậu quả, và từ hậu quả đi ngược về nguyên nhân. Thí dụ:Thấy khói bốc lên (hậu quả) biết có lửa đang cháy (nhân). Hoặc thấy lửa đang cháy (nhân) thì thấy khói bốc lên (hậu quả). Ý nghĩa này rất rõ ràng: một định nghĩa chính xác về suy luận như là “một nhận thức đến sau” (Av. later cognition) của một đối tượng bằng phương cách của nhận thức về “những dấu hiệu suy luận của nhận thức”.
Những gì mà nhận thức được nhận xét bởi sự đồng thuận của tất cả mọi người (Av. commonly seen) như là những gì không-do-sự liên hệ nhân quả (non-casual correlations), và không thay đổi/ luôn cố định.

 

Theo quan niệm cổ của trường phái Nyaya (Old Nyaya) thì suy luận có mấy điểm nổi bật sau đây:

a.-Trước hết, luận lý học (logic) được dừng lại ở nhận thức luận (epistemology) cơ bản, con người suy luận cho chính mình. Con người phản ảnh những loại lý luận xảy ra trong nội tâm vì mục đích giáo dục hay vì mục đích tự tranh luận cho chính mình.
b.-Thứ hai, suy luận như là cái ngòi phát khởi nhận thức về dấu hiệu (Av. sign mark) mà sự liên hệ với vài đối tượng  (Av. object/ property/ fact) khác đã được thiết lập một cách vững chắc. Nguyên nhân sơ khởi của nhận thức suy luận (inferential cognition) là một sự phán đoán sâu xa có trước tiên (Av. prior sub-sumptive judgment) mà nhận thức này bám chặt “dấu hiệu suy luận” (Av. inferential sign) vào chủ thể lý luận, trong khi đó nhận thức này tuyển lựa lại những dấu hiệu của sự đồng thuận không thay đổi đối với vài đối tượng hoặc vài sự kiện.

c.-Thứ ba, chức năng của luận lý học là đạt được nhận thức xác thực (Av. valid knowledge).

 

  • *   –

 

Nói cách khác, bên cạnh tri thức (Av. perception) thì suy luận  là một nhận thức gián tiếp về một đối tượng.

2.2.-Cấu trúc của suy luận (Av. the structure of Inference):

 

Phương pháp luận (Av. methodology) của suy luận là sự nối kết các suy luận diễn dịch, và các suy luận quy nạp.

Trường phái Nyaya đưa ra một phương pháp suy luận gồm có 5 phần hay 5 bước, Tàu dịch là Ngũ chi tác pháp/ hay ngũ phần tác pháp, còn gọi “Luận-thức-có-5-bước” (Av. a formal five-step argument), năm bước này theo thứ tự như sau:

1.Tôn (Srt. Pratija): là điều đòi hỏi phải được chứng minh. Đây là đề tài để suy luận (inferential subject) mà trong hiện tại chưa biết có đúng không? Nhiều nhà nghiên cứu Tây phương dịch là Thesis (chính đề) hay hypothesis (giả thuyết), có thể dịch là Theorem (Định lý).
2.-Nhân (Srt. Hetu, Av. Reason): là nguyên nhân, lý do sự kiên / sự vật xảy ra ở Tôn.
3.-Dụ
(Srt. Udaharana, Av. Example): là thí dụ đưa ra để làm sáng tỏ NhânTôn. Có hai loại thí dụ: – đồng dụ là thí dụ có đồng tính chất với Tôn; – dị dụ là thí dụ không đồng tính chất với Tôn.
Dụ là một tiền đề chính / hay Đại tiền đề (Major premise).
4.-Hiệp (Srt. Upanaya, Av. Re-affirmation) có nghĩa là tái xác nhận giá trị đúng đắn của thí dụ. Hiệp là một tiền đề phụ/ hay Tiểu tiền đề (Minor premise).
             5.-Kết (Srt. Nigamana, Av. Conclusion): là kết luận. Nhờ đã tái xác nhận giá trị đúng đắn của Dụ, chúng ta có thể đi đến kết luận: xác nhận giá trị đúng đắn của Tôn (điều đòi hỏi phải được chứng minh).

           Thí dụ:
1.-Tôn : Có lửa ở trên đồi..
(Av. There is fire on the hill)
2.-Nhân: Bởi vì có khói ở đó.
(Av. Because there is smoke there)
3.-Dụ:    Ở đâu có khói thì ở đó có lửa. Thí dụ như có khói ở bếp lửa, và không có khói ở mặt hồ.
(Where there is smoke, there is fire; like a kitchen hearth and unlike a lake.)
4.-Hiệp:   Có khói ở trên đồi.
(There is smoke on the hill.)
5.-Kết:  Nên có lửa ở trên đồi.
(Therefore there is fire on the hill.)

Trong thí dụ này:

Tôn: tức là lập thuyết: Có lửa ở trên đồi, đây là điều phải chứng minh.
-Nhân:là nguyên do :
Bởi vì có khói bốc lên ở đó.

 

Một thí dụ khác:
1.-Tôn: Socrate phải chết.
2.-Nhân: Vì ngài là con người.

3.-Dụ: Con người đều phải chết.
4.-Hiệp: Socrate là con người.
5.-Kết: Vậy Socrate phải chết.

                         2.-3.-Giải thích cấu trúc suy luận của trường phái Nyaya:

Chúng ta đứng từ đàng xa nên không thấy lửa ở trên đồi mà chỉ thấy khói bốc lên. Khóidấu hiệu luận lý (Av. logical mark). Nhờ dấu hiệu khói, chúng ta biết có lửa: “Bởi vì cái gì có khói thì có lửa” (Av. Whatever is qualified by smokiness is qualified by fieriness). Khói là một bằng chứng để chúng ta suy luận là có lửa. Chúng ta nhớ lại rằng ở đâu có khói thì ở đó có lửa, và chúng ta quả quyết rằng khói mà chúng ta thấy bốc lên ở trên đồi phải theo đúng một quy luật. Căn cứ vào quy luật này, chúng ta suy luận ra có lửa cháy ở trênđồi, mặc dầu chúng ta không thấy lửa. Đây là một nhận thức qua suy luận,  một nhận thức do kết quả của 3 điều: sự thấy, sự nhớ, và sự quả quyết (Av. the seeing, the remembrance, and the assurance). Suy luận này là một nhận thức được suy đoán từ một nhận thức được biết trước. Ở đây, lửa không được nhận thức trực tiếp mà do suy luận từ hiện tượng khói.

Cái nhân” (reason) là cái phải có liên hệ trực tiếp với đối tượng. “Cái nhân khói” phải có mặt ở “lửa”, khói phải có mặt ở các trường hợp đồng loại (Av. similar cases). Thí dụ: Ở đâu có lửa thì có khói. Trong bếp lò có lửa thì phải co khói ( Av. in kitchen hearth, fire is known to be concomitant with smoke). Ngược lại, “cái nhân” phải vắng mặt ở trường hợp khác biệt (Av. dissimilar cases). Thí dụ: mặt hồ không có lửa nên không có khói (Av. in lake, there is no fire, there is no smoke); một thí dụ có thể đối lập với “cái nhân” nhu nước đối lập với lửa thì nước không có lửa.Nói khác nơi nào không có lửa thì không có khói (Av. Where-ever there is no fire, there is no smoke).

Như vậy, khi đưa ra một giả thuyết, một luận đề, một định rồi muốn chứng minh thuyết này là đúng thì chúng ta phải dẫn chứng “cái nhân đúng đắn” để biện minh. “Nhân đóng vai trò hàng đầu của suy luận theo cấu trúc suy luận này”.

Có 4 loại suy luận:
1.-Suy luận phủ định:
Tôn: Ở đây không có cái bàn.
Nhân: Vì rằng không thấy có cái bàn nào cả.
2.-Suy luận đồng nhất:
Tôn: Trên núi đàng kia có cây.
Nhân: Vì thấy có cây thông.
3.-Suy luận nhân quả:
Tôn: Trên đồi đàng xa có lửa.
Nhân: Vì thấy có khói bốc lên.

 

Lửa là nhân, khói là quả, hoặc ngược lại khói là quả, còn lửa là nhân. Lửa và khói có liên hệ nhân quả với nhau. Do đó thấy có khói (quả) thì suy đoán ở đó có lửa (nhân).

 

4.-Suy luận theo mục đích:
Theo ngài Dignaga (Trần-Na) thì có 2 loại: – Tự ngộ (Internal inference), và –Ngộ tha (inference for others). Chúng tôi sẽ giải thích chi tiết ở mục “Nhận thức luận của Dignaga” .

 

3.-Loại suy (Srt. Upamana, Av. Analogical reasoning / Analogy):

Trong Nyaya Sutras 1.1.6 đã định nghĩa:
Loại suy là suy luận bằng cách nhận thức một đối tượng nhờ sự so sánh chỗ tương tự với đối tượng đã được biết trước”.
[Nyaya Sutra 1.1.6:  “Analogy makes an object known by similarity with something already known”.]

 

Nói cách khác, loại suy là một hình thức suy luận dựa vào một điểm giống nhau đã biết trước để kết luận về một điểm giống nhau chưa biết.

Thí dụ1:Một người đặt câu hỏi: con trâu nước (Av. water buffalo) là con thú có hình thù như thế nào? Người ấy được một vị khác diễn tả rằng con trâu nước trông giống như con bò (Av. cow), và trâu nước thường xuất hiện ở vài vùng đồng quê. Sau đó, người này có dịp ra vùng quê, anh ta thấy một con thú trông giống như con bò, nên anh ta biết rằng đó là con trâu nước. Cái nhận thức “con thú này là con trâu nước” được sanh khởi từ những nét tương tự với con bò, nhận thức này là một lý luận loại suy.

Thí dụ 2: Một học sinh không biết con bò hoang (Av. wild cow) là con thú có hình thù ra sao? Nhưng được một người sống trong rừng nói rằng con bò hoang giống con bò (cow). Nếu sau đó, học sinh này có dịp đi vô rừng, và gặp một con thú giống con bò thì cậu ta sẽ nhận thức ngay đây là con bò hoang. Sự nhận thức để nhận thức con bò hoang là do sự so sánh (comparison) hay loại suy (analogy) điều đã nghe được giải thích trước khi con bò hoang xuất hiện ở trước mặt.

 

4.-Lời chứng / Thánh lượng (Srt. Sabda, Av. Testimony, Words):

Nyaya Sutras, 1.1.5, định nghĩa:
Lời chứng/ Thánh lượng là lời xác nhận của một vị phát ngôn có đủ tư cách”.
                   [Nyaya Sutras, 1.1.5 : Testimony is the assertion of a qualified speaker]

 

Trong cuộc đời, con người cần biết nhiều sự kiện, sự vật; nhưng với thời gian có giới hạn con người có thể học hỏi một phần nào các sự kiện, sự vật qua những lời nói và lời viết của các nhân vật có uy tín, một nhân vật đáng tin cậy (Av. credit person), hoặc một nhân vật có đủ tư cách (Av. qualified speaker), hoặc những thông tin từ nguồn có thẩm quyền (Av. information from an authoritative source). Con người phải tin vào người khác, cha mẹ, ông bà, gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, tổ tiên và các vị đáng tôn kính khác trong xã hội để có thể chia sẽ kiến thức của họ một cách nhanh chóng, nhờ đó làm phong phú hoá kiến thức của mình. Nói cách khác, đây là một phương thức để đạt được những kiến thức đúng đắn qua lời nói hoặc qua bài viết được diễn tả bằng từ ngữ (Srt. Sabda, Av. Testimony, Words). Tính đáng tin cậy của nguồn kiến thức này rất quan trọng, và kiến thức đúng đắn chỉ đến từ lời nói, từ lời viết từ những nguồn đáng tin cậy (Av. reliable sources). Nói khác, lời tuyên bố chuyên chở kiến thức không có sự sai lạc hoặc bóp méo nào cả.

Người Tàu dịch chữ Sabda, tiếng Sanskrit, là Thánh lượng; đây là hình thức suy luận dựa trên thẩm quyền của một nhân cách có uy tín. Sabda có hai loại:

1.-Vaidika là những lời dạy trong bốn bộ Thánh Kinh Vedas được tôn trọng vì Thánh Kinh Védas là lời của Thượng đế (Av. Words of God), do Thượng đế nói lên. Thượng đế có một nhân cách tuyệt đối uy tín.
2.-Laukika là lời nói hay văn bản viết bởi nhiều nhân vật đầy uy tín. Một nhân vật đáng tin cậy (Av. trust worthy person) là một người luôn luôn nói sự thật, luôn luôn nói điều đúng đắn. Người đáng tin cậy là vị đã giải thoát khỏi vô minh, khỏi sự cẩu thả, khỏi những sai lầm của các giác quan, khỏi sự cám dỗ, khỏi sự lường gạt và khỏi sự nói dối của người khác.

Ngày nay, lời chứng (Av. Testimony) là lời tuyên bố của một người với lời tuyên thệ trước toà án, hoặc trước một cơ quan có quyền lực. Lời chứng vượt qua từ tri thức cá nhân (Av. personal perception), suy luận (Av. inference) và lý luận loại suy (Av. analogy).

Tri thức/ tri giác/ trực giác/ hiện lượng (Av. perception) là nguồn của nhận thức đạt được nhận thức về đối tượng một cách trực tiếp; còn suy luận, loại suy, lời chứng/ Thánh lượng thì tùy thuộc vào những nhận thức có trước để kích  khởi các nhiệm vụ của 3 nguồn nhận thức này. Nhờ những nhận thức xác thực (Av. valid knowledge) và nhận thức đúng đắn / hay Chánh kiến (Av. right knowledge), con người được giải phóng (Srt. Moksha, Av. Liberation) khỏi những khổ đau. Khổ đau được coi như là kết quả của những hành động sai lầm do tà kiến (wrong knowledge), do vô minh (Av. ignorance).

Trường phái Nyaya đã kết luận rằng nhận thức luận của trường phái này  chỉ có 4 nguồn của nhận thức, như đã trình bày ở trên, đây là các nguồn nhận thức đáng tin cậy và không thể cắt giảm được.

Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng thuyết Chính lý (Nyaya theory) về Prama (nhận thức xác thực, Av. valid knowledge) và Pramanas (các nguồn của nhận thức, Av. Sources of knowledge) có những liên hệ đến đời sống hằng ngày.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta có thể đạt được nhận thức xác thực (Av. valid knowledge) từ bốn nguồn của nhận thức là: tri giác, suy luận, loại suylời chứng/ Thánh lượng. Mọi người trong chúng ta đều chấp nhận rằng chúng ta đạt được sự nhận biết đúng đắn là do tri giác thì chúng ta phải nhận rằng suy luận là một nguồn khác của nhận thức bởi vì nếu không có suy luận thì chúng ta không thể nào nhận biết được những sự việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Loại suy cũng giúp chúng ta đạt được nhận thức đúng đắn. Chúng ta cũng đạt được nhiều nhận thức đúng đắn từ những lời nói của những vị đáng tin cậy. Nói tóm, chúng ta phải chấp nhận 4 nguồn của nhận thức này. Tri giác là nhận thức trực tiếp (Av. direct cognition), còn suy luận, loại suy và lời chứng là những nhận thức gián tiếp ((Av. indirect cognitions).

Nhận thức xác thực (Av. valid knowledge) thì tương xứng/ tương hợp với đối tượng của nó, còn nhận thức không xác thực (Av. invalid knowledge) thì không tương xứng/ tương hợp với nhận thức về thực tại như chính nó (Av. knowledge with reality). Còn sai lầm thì phủ nhận nhận thức về thực tại. Như vậy, sự thật hay sai lầm của nhận thức có sự liên hệ đến sự tương xứng và không tương xứng với điều hay vật thực (Av. fact). Thí dụ: Khi ăn thức ăn nào tương tự đường, nếu chúng ta cảm thấy có vị ngọt thì đây là nhận thức đúng đắn, còn nếu chúng ta không cảm thấy ngọt thì nhận thức này không đúng đắn. (Còn nữa)

                GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Lời BBT:

Đây là tài liệu triết học do GS Nguyễn Vĩnh Thượng gửi cho trang nhà nhằm giới thiệu với bạn đọc cũng như tham khảo ý kiến các bậc cao minh về tài liệu này. Toàn tập dày 69 trang, trang nhà mới đăng 19 trang, cho anh chị em tham khảo. Đây là  vấn đề hóc búa , không phải ai đọc cũng lĩnh hội được, do vậy để giúp cho người đọc và tác giả đạt được mức hiểu nhau, anh chị em nào thắc mắc, mạnh dạn đặt câu hỏi để GS giải thích rõ ràng, hầu sau này viết lại dễ hiểu hơn (Lương Minh)

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác