Đọc tập thơ ”Thầy tôi” của Trần Bảo Định

Ngày đăng: 5/12/2019 04:24:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi có ba buổi sáng được rảnh rỗi ngồi trước bình trà con “độc ẩm”, lần giở từng trang thơ “Thầy tôi” của Trần Bảo Định. Tôi tò mò xếp các bài thơ theo thứ tự đậm nhạt của tình cảm: Tình nghỉa Thầy – Trò, bạn vong niên, tri kỷ.
Thầy Nguyễn Khắc Dương sinh năm 1925 tại làng Thịnh Xá, nay thuộc xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh. Thực tế, gia đình ngụ cư tại làng Gôi Mỹ – một làng nằm cạnh làng Thịnh Xá.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, Thầy là con của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (đỗ 1907, đời Thành Thái). Thầy theo học Triết Trường Đại học Sorbone, Paris. Năm 1965, Thầy về nước. Năm 1966, Thầy lên Đà Lạt giảng dạy môn Triết học, làm Phó Khoa trưởng và sau đó, là Quyền Khoa trưởng Văn khoa thuộc Viện Đại học Đà Lạt.

Tôi và anh Trần Bảo Định quen biết nhau từ những năm 1966-1967 tại Đà Lạt. Anh Định học ban Triết, còn tôi học ban Việt văn. Thỉnh thoảng, anh em trao đổi thời cuộc, trao đổi văn chương.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, đến năm 1969, chúng tôi bặt tin nhau.
Khi cầm tập thơ ”Thầy tôi” của nhà thơ Trần Bảo Định, do NXB Văn hóa & Văn nghệ, ấn hành 2014, tôi có một niềm vui nhè nhẹ và hình ảnh Thầy , bạn Thụ Nhân trở về đầy ắp trong ký ức tôi. Và, cũng thật bất ngờ, anh dành nguyên một tập thơ để nói về về người Thầy khả kính của mình. Tình nghĩa Thầy – Trò, trong từng câu thơ, bài thơ của Trần Bảo Định đã vượt lên trên sự khen – chê, hay – dở để lưu giữ tình nghĩa Thầy – Trò đi qua miền đất ngày một mất dần những thứ…lẽ ra không mất.
Với Thầy Nguyễn Khắc Dương, tình cảm Thầy – Trò giống như những hạt vàng gieo trên mảnh đất Thụ Nhân, nó cứ sinh sôi nẩy nở và sống mãi với thời gian, dù cho quy luật khắc nghiệt của đổi thay, hủy diệt. Cứ nhìn mái đầu bạc bên những mái đầu bạc, nhìn vết hằng năm tháng trên những gương mặt quần tụ mỗi năm, ta thấy rõ giá trị vượt thời gian của những hạt vàng ấy. Trần Bảo Định, ngoài những tình cảm quí giá Thầy – Trò như mọi anh em Thụ Nhân, còn do cái “Bụi” của cuộc sống, nên đã có cơ hội nâng cái tình cảm ấy lên.

“những chàng sinh viên bụi…
Đời nghèo sống lầm lủi…
Thầy- quán trọ tình thương”
(”Tâm tình”, TR.33)

Thầy đi cưới vợ cho trò, Thầy vào “bưng biền” thăm, tặng trò lọ dầu hay như buổi chia tay thoát hiểm :

“Ngậm ngùi tiễn trò đi
Mắt buồn lệ ứa mi…
Thầy dúi ổ bánh mì”
(”Vượt thoát”, tr. 41)

Và, từ đó, cái nghĩa được khắc sâu đã thể hiện hài hòa đượm màu “Lục Vân Tiên” trong cuộc sống:

“Con đi vào chốn sa trường
Biết còn sống sót mà thương nhớ Thầy!”
(”Thư gửi Thầy Nguyễn Khắc Dương”, tr. 58)

Hay như:

“Ta về phố rợp trời sao
Say men chiến thắng chợt đau nhớ Thầy”
(”Nhớ thầy”, Tr. 59).

Do “Bụi” nên những dịp gần gủi, được tâm sự và nghe những lời tâm sự của Thầy, biết rỏ hoàn cảnh gia đình, cuôc sống, nỗi niềm, kể cả những suy tư mơ hồ xa xôi của Thầy:

“Cha Hoàng giáp bảng vàng…
Chịu oan khuất đoạn trường”.
(”Thăm quê”, Tr. 95)

“Xa làng Gôi Mỹ chiều thu ấy
Là hiến dâng mình Thiên Chúa ơi!
(”Chiều Khắc Dương”, tr. 83)

Tôi giật mình khi đọc câu thơ sau và thấy có chút bất bình trong cách gọi người Thầy đáng kính.

“Mặt nước hồ chao mây gợn sóng
Nỗi buồn cô quạnh Khắc Dương ơi!”
(”Chiều Khắc Dương” tr. 83)

Cả hai Thầy – Trò, đều cùng cảnh ngộ luân lạc nơi đất khách, chung nỗi nhớ quê. Ngày mai – cái ngày mai, về đâu?

“Chim chiều lữ thứ cô đơn
Về đâu giữa chốn hoàng hôn quê người!”.
(“Chiều cô đơn”, tr.12)

Và, những câu thơ tiếp theo cho thấy Thầy – Trò đã từng chia sẻ những gì cần chia sẻ và tâm hồn từng thấu cảm nhau tự lúc nào. Vì thế, ranh giới Thầy – Trò tự nó biến mất, nhường chỗ cho ”bạn vong niên”. Trần Bảo Định thốt lên: ”Nỗi buồn cô quạnh Khắc Dương ơi!”, cũng là tiếng kêu xé lòng của kẻ sĩ làm thân khách lữ. Thầy – Trò tình thân đến mức:

“Có hôm con ngủ lại
Thầy trò đắp chung chăn”
Xa thầy con thèm khóc
Đời lạc chốn phong trần”
(”Ký ức”, tr.44)

Tình Thầy – Trò trong tập thơ này không dừng lại ở đó. Không phải chỉ là cái nghĩa, cái biết về hoàn cảnh của nhau mà nó đi đến sự hòa nhập vào nhau. Trong trò có hồn của thầy và trong thầy có hồn của trò. Trong cuộc sống không phải lúc nào thầy trò cũng được gần gủi nhau. Mà có khi ở trong một nghịch cảnh đối chọi nhau. Trò là ”người chiến thắng”, Thầy không phải là kẻ chiến bại, nhưng bị làm ”người chiến bại”. Sự ngăn cách đó không phải như ở bên này sông, bên kia sông mà nó vô hình và thăm thẳm. Gặp mặt nhau không dám nhìn, thậm chí không dám để hình ảnh ấy vào tâm trí mình vì, sợ có tội. Nhưng, ở đây không phải như vậy. Người học trò đã vượt lên trên cái thời khắc đau thương ấy, để giữ trọn vẹn hình ảnh trân quý của người Thầy – Thầy viết chư hoa.
Và, Trò – như hòa nhập trong từng bước truân chuyên của Thầy. Suy nghỉ điều Thầy suy nghĩ, khổ đau điều Thầy khổ đau. Họ đã trở thành “đôi tri kỷ”.

“Ông giáo già ngồi ủ rũ
Thềm rêu giảng đường xưa
Đôi mắt buồn Hội Hữu
Trời chợt mưa trái mùa”
(”Ông giáo già”, tr. 98)

Hay như:

“Quê nhà yêu dấu ơi!
Khắc Dương đã về rồi
Giọt lệ nào để khóc
Giọt lệ nào để vơi?”
(”Thăm quê”. tr.95).

”Trở về nơi xuất phát đi tù
Phố vắng, đường trơn, tiếng chó tru
Trăng lạnh lùng rơi, thông rụng trái
Thương ai lạc bước giữa đêm thu”
(”Sổ lồng”, tr. 77)

Tác giả tập thơ “Thầy tôi” hình như, không phải làm thơ để chơi với chữ nghĩa, không phải làm thơ vì thơ, mà làm thơ như một nhật ký ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống đời mình. Bên cạnh những câu chữ nôm na, cũng có những từ ngữ xuất thần, như câu thơ sau đây:

“Ta về phố rợp cờ sao
Say men chiến thắng chợt đau nhớ thầy”
(trích ”Nhớ thầy”, tr. 59).

Hai chữ “chợt đau” nằm trong bối cảnh “phố rợp cờ sao” và “say men chiến thắng” quả không phải từ ngữ bình thường mà nó là cái thần của tác giả, là cái chất “Văn” trong cõi nhân sinh, là chất “thơ” trong cõi thi ca. Và, nó cũng cho thấy bản lĩnh của một con người dám coi thường miếng đỉnh chung để quyết giữ đạo nghĩa Thầy-Trò.

Có một điều hơi lạ, người đọc sẽ thấy rải rác trong tập thơ các từ ngữ, hình ảnh Phật, Chúa đứng cạnh nhau, đan xen nhau và có khi được sử dụng như là lẫn lộn. Như hình ảnh người Thầy, lúc là “Nhận bí tích Thánh Tẩy”, lúc lại là “Chín năm diện bích vô thường”(hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma). Người đời thường nói Chúa bác ái, Phật từ bi. Ở đây ta thấy có “ Thầy về đền Thánh Chúa từ bi”. Đây có phải là cái sai của tác giả không? Chắc là không. Tôi nghĨ đây là cái tâm thức hòa hợp, hòa giải được những khác biệt của cuộc sống, đem lại sự bình an, gần gủi, hạnh phúc cho mình, cho người. Và nếu tìm hiểu sâu hơn chút nữa, thì tâm thức này có thể có được từ cái “Bụi” kiêu bạc của tác giả.

Anh Nguyễn Hoàng Đông cũng là một đồng môn dưới mái trường Thụ Nhân, đã có những dòng viết về tập thơ ”Thầy tôi” của Trần Bảo Định:

“Anh viết nhiều về cái “ Tôi “, nhưng không là cái “ Tôi Trần Bảo Định“ mà cái “ Tôi“: Mẹ tôi, Thầy tôi, Vợ tôi (2014), Làng tôi (2015)… “Anh viết như sự ghi nhớ tình yêu thương người, yêu thương mình; như muốn gửi chút tâm tình của một người đã qua ngưỡng cửa ”thất thập cổ lai hi’. Anh dân Nam bộ ”chánh tông”, nghĩ sao viết vậy, không cầu kỳ chải chuốt, không múa chữ…Sự hồn hậu trong thơ và bằng lối viết bình dị, ngôn ngữ gần với lời nói thường ngày của người dân quê…đã cõng cái tình đi vào lòng người đọc, và ngấm rất sâu”.

Kết thúc bài viết, xin được trích dẫn hai câu thơ của Thầy Nguyễn Khắc Dương, để thấy Thầy-Trò như những hạt bụi nằm trong hạt bụi:

”Mai sau cát bụi hoàn nguyên thể
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè”.
( ”Hạt bụi”, Thế Tâm tạp vận, Nguyễn Khắc Dương).

Phan Long Côn

Có 2 bình luận về Đọc tập thơ ”Thầy tôi” của Trần Bảo Định

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thơ của 2 Thầy trò đeu hay,

    Tình Thầy trò thật đáng trân trọng

    Bài viết cảm động.

  2. Mạch Tứ Hải nói:

    Tôi thấy ở đây chốn thị thành.Những đầu tóc bac những đầu xanh.Những trường học cũ rêu in nóc.

    Dưới mái reo vui trẻ học hành.Tôi thấy thầy tôi mắt đã mờ.Mà còn dạy dỗ trẻ con thơ.Mà còn tận tụy hơn năm trước.Với số quá đong đám học trò.Thầy Ơi Thầy khổ đã bao lần.Mái tóc sương pha đã mấy phần.Có lắm chiều tà mưa phủ trắng.Thầy cười tha thứ kẻ vong ân.Con nhớ ở đay cũng lúc nầy.Con còn bập bẹ ít vần  tây.Một lần Thầy bảo chung trong lớp.Ran sức mai sau sẽ có ngày.

    (Trích trong  bài học thuộc long 1956)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác