Nhà toán học, tác giả sách ‘Định lý cuối cùng của Fermat’ qua đời tại Mỹ

Ngày đăng: 27/11/2019 01:44:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Nhà toán học, tác giả sách ‘Định lý cuối cùng của Fermat’ qua đời tại Mỹ

TS: Nguyễn Xuân Sanh

Tiến sĩ Lê Quang Ánh, tác giả những cuốn sách đã xuất bản như Định lý cuối cùng của FermatThiên tài và số phận – Chuyện kể về các nhà toán học vừa qua đời ngày 23.11 tại California (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.

Tiến sĩ Lê Quang Ánh

Hình cũ của nhân vật

Sau nhiều tháng bị bệnh, tiến sĩ toán học Lê Quang Ánh vừa qua đời ngày 23.11 tại TP.Riverside, California, hưởng thọ 77 tuổi.

Người yêu toán học một cách say mê

Anh Lê Quang Ánh là người quen thuộc với những bài viết rất hay và duyên dáng về những câu chuyện lịch sử toán học. Một số bài được đăng trên báo mạng bạn bè. Anh cũng có hợp tác với báo Pi do nhóm các anh Ngô Bảo Châu và Hà Huy Khoái phụ trách. Anh cũng xuất bản được 2 quyển sách quý là Định lý cuối cùng của FermatThiên tài và số phận – Chuyện kể về các nhà toán học.

Anh Ánh là cựu sinh viên của GS Đặng Đình Áng tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn những năm 1960. Là người yêu toán học một cách say mê, khiến anh không thể không viết lách, giống như không thể không viết thư cho người mình yêu vậy. Anh rất khiêm tốn, chỉ gửi cho bạn bè đọc, không có dụng ý gì khác. Cho đến khi tôi “khám phá” anh, và khuyên anh ấy nên đăng lên mạng và xuất bản để phổ biến cho nhiều người. Lúc đó anh mới bước ra khỏi vòng cô lập.

Anh có một tố chất rất quý: suy nghĩ độc lập và luôn luôn đi tìm cách mới để giải quyết các bài toán. Khi qua Mỹ, anh đã nỗ lực để lấy thêm bằng PhD (tiến sĩ) toán cho bằng được tại UC Irvine, và rất hãnh diện về sự phấn đấu đó. Anh là một trong ít người giữ được ngọn lửa khoa học cháy, và làm việc không có tuổi về hưu. Tình yêu thì đâu biết tuổi hưu!

Anh đã nhận dịch cho tôi một quyển sách về nhà toán học Gauss giữa lúc anh đã nhuốm bệnh, tin rằng anh sẽ phấn đấu dịch xong. Nhưng rất tiếc anh chỉ đi được nửa đường.

Anh Ánh có sức khỏe rất tốt, sống rất giản dị và lành mạnh, cái lành mạnh của một nhà làm khoa học không ham thích gì ngoài khoa học. Anh chơi thể thao (bóng bàn). Anh không quan tâm đến thế giới trước mặt, mà luôn để tâm hướng về vùng đất xa hơn: Toán học. Hè năm rồi anh Ánh còn lái xe đưa tôi đi mua sách ở Cali, và kể huyên thuyên những câu chuyện toán, cười nói thật vui, với một tâm hồn bình dị và trong sáng. Anh có thói quen đi ngủ sớm lúc 9 giờ tối, rồi thức dậy khoảng 2 giờ khuya và làm việc. Những người làm khoa học hay có những thói quen đặc biệt khác người.

Thế rồi thình lình anh bị bệnh, cách đây khoảng nửa năm. Anh cố phấn đấu, nhưng định mệnh không mỉm cười với anh. Anh ra đi giữa tuổi đang sung sức viết, còn có thể cống hiến thêm những tác phẩm hữu ích cho đời. Bài cuối cùng của anh về nhà toán học Ấn Độ Srinivasa Ramanujan.

Sách của tiến sĩ Lê Quang Ánh

Vì một tình yêu khoa học
Một trong những lá thư cuối cùng của anh viết cho tôi có nội dung: “Tôi đã và đang “chiến đấu” với căn bệnh của mình. Tuy nhiên diễn biến không thấy khả quan. Thôi thì ai cũng phải tới bến cuối cùng. Tiếc là một chuyến về Việt Nam lần cuối để từ giã bà con, bạn bè và tất cả những người quen biết không thực hiện được”. Anh có nhờ tôi vài việc liên quan đến xuất bản, cũng như một bản “di chúc”.
Thật vô cùng thương tiếc anh. Đất nước đang cần anh. Một thiệt hại khó được bù đắp ngay. Tôi mất đi một đồng nghiệp quý báu có thể còn hợp tác với với nhau nhiều. Xin gửi anh lời của Einstein: “Những thứ đích thực có giá trị không sinh ra từ tham vọng hoặc ý thức trách nhiệm đơn thuần, mà đến từ tình yêu và sự hiến dâng cho nhân loại và những điều khách quan”.
Anh có lẽ một thời đã sống rất cô đơn với tình yêu toán học của anh, trước khi đến với cộng đồng. Nhưng anh đã không bỏ cuộc để về “vui thú điền viên”. “Về hưu” hay “gác kiếm” là những khái niệm xa lạ đối với anh. Anh đã sống trọn vẹn với “tiếng gọi” bên trong của anh cho đến phút chót. Anh một mình vẫn cặm cụi nghiên cứu và viết lách – vì tình yêu khoa học như lý do duy nhất.
Tiến sĩ Lê Quang Ánh tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Sài Gòn, khóa 1963-1967. Dạy trung học ở Vĩnh Long, Sài Gòn từ 1967 1996. Ông qua Mỹ năm 1996.
Ông lấy bằng cử nhân, thạc sĩ (toán) ở CSU Long Beach, California, rồi tiến sĩ (toán) ở UC Irvine, California.
Trong thời gian (2000-2010) ông vừa học và dạy ở một số trường College.
Sau đó ông làm việc, ở nhà đọc và viết về lịch sử toán học.
 https://m.thanhnien.vn/giao-duc/nha-toan-hoc-tac-gia-sach-dinh-ly-cuoi-cung-cua-fermat-qua-doi-tai-my-1152436.html

Có 2 bình luận về Nhà toán học, tác giả sách ‘Định lý cuối cùng của Fermat’ qua đời tại Mỹ

  1. Neang Phi Rom nói:

    Đọc bài của TS Nguyễn Xuân Sanh viết về thầy Lê Quang Ánh thật hay, thật xúc động rơi nước mắt.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cảm ơn những bài viết hay như thế này, cho ta hiểu thêm về một người đáng quý, một bậc tài năng.

Trả lời Neang Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác