Nhà thơ Phùng Hiệu – Từ góc nhìn đời thường đến Biên bản thặng dư

Ngày đăng: 30/11/2019 08:47:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đại thi hào Goethe nói: “Thế giới rộng lớn, phong phú và cuộc sống đa dạng tới mức sẽ chẳng thiếu gì nguyên cớ để làm thơ. Nhưng tất cả các bài thơ phải được viết ra “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội), nghĩa là hiện thực phải tạo ra nguyên cớ, chất liệu để làm việc đó. Cơ hội riêng lẻ trở thành chung và nên thơ bởi vì nó được nhà thơ gia công. Tất cả thơ của tôi đều là những bài thơ “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội); chúng được hiện thực thôi thúc và vì thế có cơ sở”.

Tôi nghĩ nhà thơ Phùng Hiệu cũng vậy, anh lăn lộn nhiều trong cuộc mưu sinh, vừa là nhà báo, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, địa ốc và là người làm thơ trong một hiện thực xã hội Có vấn đề. Vậy nên, chất liệu thi ca ngồn ngộn giữa đời thường, phản ánh ngổn ngang cái hiện thực sáng tối, đậm nhạt để tạo thành vòng xoáy nhận thức và cảm xúc trong tâm hồn nhạy cảm của một công dân có trách nhiệm. Thơ Phùng Hiệu bật ra những vần điệu trầm hùng và chát đắng trong hoàn cảnh như vậy. Trong suốt quá trình nghiền ngẫm tập thơ, trong tôi chợt lóe lên tia chớp: phải phân loại các bài thơ trong BBTD thành những nhóm nội dung, mặc dù sáng tác của anh là một thể thống nhất không nên tách rời. Nhưng không sao, tôi nghĩ một vài lát cắt đôi khi cũng làm rõ hơn những gì mà tác phẩm chứa đựng bên trong.

Tôi tạm xếp chung những bài có dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất Tôi, Ta, ở đó, nhà thơ nhận diện chính mình khi quan sát thế giới hổn tạp của thời đại, bao gồm : 1.Nhấp phím. 2. Ngôn ngữ lên ngôi. 3. Sự thật không thể bị giết chết. 4. Kẻ hở bình minh. 5. Nghịch lí viên gạch. 6. Giấc mơ hiện thực. 7. Sự giao cảm của tưởng thức. 8. Lửa – trên nóc nhà thế giới. 9. Âm vang của câu ca dao. 10. Ném đá. 11. Ngụy tạo. 12. Phía sau bức tường giải tỏa. 13. Sự lãng mạn của cái ác. 14. Nói với ngài. 15. Di Nguyện.

Nhóm thứ hai gồm 16 bài, là quá trình nhận diện hiện thực phủ phàng tạo giá trị thặng dư, bao gồm:1.Quét rác. 2. Tiếng nấc trong khu rừng cao su. 3. Biên bản thặng dư. 4. Cuộc mưu sinh. 5. Dấu chấm. 6. Tết của người công  nhân góa phụ. 7. Phía sau ánh đèn lừa dối. 8. Sự mất tích của người công nhân. 9. Sa thải một cơn mơ. 10. Em vẫn lớn lên. 11. Dấu chân Bình Lộc. 12. Đằng sau tờ vé số. 13. Sau lưng tiếng kẻng công trường. 14. Phố ngập. 15. Bước tha phương. 16. Đứt cáp.

Nhóm thứ ba là những khúc thương ca cho đất nước nhược tiểu, bao gồm:1.Em giữa miền Trung. 2. Bão lòng. 3. Quy hoạch tự do. 4. Nghĩ về quê hương tôi. 5. Tiếng rên gạch cát. 6. Với mẹ. 7. Điểm danh quá khứ. 8. Cánh chim bám biển. 9. Các anh không về mắt đảo rưng rưng. 10. Biên bản chủ quyền.

Mời bạn cùng tôi dạo đọc thơ anh:

  1. Nhận diện

“Nhấp phím/ những con chữ nhảy múa trên cánh đồng ngôn ngữ/ cho cảm xúc tuôn, cho lãng mạn trào/ mơ về em/ ta mới biết cuộc đời còn có tình yêu và câu thơ sót lại”. (BBTD, tr 9). Vâng, cái sót lại sau cùng vẫn là tình yêu và câu thơ, sau bao lần nhà thơ nhấp phím xâm nhập vào mọi ngõ ngách của thế giới đương đại đa chiều hỗn mang, để niềm tin vào cuộc đời trong tâm hồn thi nhân vẫn là giá trị vĩnh hằng, được nhà thơ khẳng định một lần nữa trong bài Ngôn ngữ lên ngôi: “Tôi nghĩ thế giới này có thể mất đi/ Nhưng còn lại vần thơ nhân cách”.(BBTD tr11).  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Đây thực sự là một định nghĩa thơ của nhà thơ Phùng Hiệu” (BBTD, tr 6). Nhà thơ nhận diện sự thật của xã hội đương đại như một tai ương, thế giới mà anh đang sống đầy dẫy dối lừa, công lý bị bóp méo tàn nhẫn: “Tôi đi tìm công lý/ Tin chắc ở phía chân trời có ánh bình minh.” Thế mà, hỡi ôi, nhà thơ lại băt gặp: “Nhưng khi vừa đến chân trời tôi chạm phải bóng đêm”. Nơi đó,“lương tri lộ diện”, cái lộ diện chắc chắn ko phải là những tia nắng ấm tốt lành, mà chỉ là “hành trình giả tạo”. Khi vấp phải nghịch lý viên gạch, Phùng Hiệu viết: “Khi những viên gạch vỡ ra/ là lúc bức tường bê tông rắn lại” Anh thấy gì? “Trên công trường quy hoạch tự do/ Những viên gạch tiếp tục vỡ ra, Hành trình chưa khép lại”. BBTD, tr 21) Hành trình nào? Có phải là hành trình số phận của con người đang chen lấn, ép sát vào nhau giữa những bức tường bê tông tua tủa mọc lên từ “những cánh tay quen thuộc tìm về”? Để rồi, trong anh, đau đáu một giấc mơ, giấc mơ chua chát: “Giấc mơ tôi được làm người/ một con người thật sự tự do” nhưng khốn khổ thay, giấc mơ ấy chỉ “được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao” Tại sao vậy? đây là câu trả lời, như một lời buộc tội, như một cáo trạng cho các quan tòa: “Bạch ngài/Một khi thế giới vô hình không đủ sức dọa nạt ác nhân/ Thì hữu hình tất nhiên trả giá.” Đó là những “đố kị, tranh giành, đua chen, đốp chát”, khi mà “con người luôn ném đá về nhau”. Vậy thì, cái gì còn lại, cái gì đáng để tôn vinh, tôi nín thở lắng nghe nhà thơ giải bày“Hãy trở về với lãng mạn trường thi/ Để một ngày ta nhận thấy, Để một năm ta nhận ra, Sự lãng mạn không mang đến nguy hại cho con người/ Chỉ có thể làm nên tên tuổi.” Tôi thở phào nhẹ nhỏm, dẫu sao, chúng ta và nhà thơ cũng còn một con đường, một lối đi nhân cách. Xin phép được mượn lời tác giả Bảo Trung trong bài báo “Ánh sáng phía sau dòng lệ” (GDTĐ, tr 26):“Phùng Hiệu tìm đến sự giải thiêng cho những sự thật, lật tẩy để thanh tẩy bao ngụy tín trong cuộc sống đang tăng tốc phi mã trong  vòng xoáy của vật chất, của những toan tính thực dụng…”.

                                                                                           Buổi ra mắt tập thơ Biên bản thặng dư

  1. Hiện thực tạo giá trị thặng dư trong Biên Bản Thặng Dư

Mười sáu bài thơ, như là một tập hợp đầy bản lĩnh của nhà thơ, phản ánh hiện thực xã hội Việt đương đại. Xin được trích trong bài tựa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều : “Anh đã dối mặt với những bất hạnh và bất công mà không hề sợ hãi và anh đã thi ca hóa được những thô nháp, trần trụi của đời sống. ( “Sự thật của nhà thơ” , BBTD, tr 7). Tôi đồng cảm với tác giả bài viết, và cho rằng, Phùng Hiệu lượm nhặt chất liệu cuôc sống hết sức chọn lọc và tinh tế. Đôi mắt anh bừng sáng để xoáy sâu đến tận cùng khi nhìn về những mảng tối nhạt nhòa của bóng đêm. Những mảnh đời rách bươm, những bàn tay tóe máu nhọc nhằn lao khổ được anh thi ca hóa, không phải để làm nền cho thơ anh khác lạ, hiếm hoi trong trường chữ nghĩa hiên nay, mà chính là cứu cánh cho lương tri hướng về những con người lao động nghèo khổ, những người không hề biết mình đổ mồ hôi và máu xương để cho các thế hệ hôm nay và mai sau lập BBTD, là bản cáo trạng cho xã hội đầy dẫy bất công: Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu? …Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra/ Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột! (Quét rác. BBTD, tr 13).Phùng Hiệu đã nhìn thấu suốt cả cuộc đời chị công nhân quét rác, và nhà thơ cũng cho chúng ta thấy cách đánh giá của anh về những chủ nhân của chị, sử dụng chị để tạo ra giá trị thặng dư, đã coi chị là cái gì, sẽ đền ơn đáp nghĩa với chị như thế nào? Không có một tâm hồn mẫn cảm và đầy cảm thông, không cùng sống chết với những con người lam lũ, người ta không thể nào viết lên những câu thơ nhu thế.

“Chị bấu vào chỉ số thặng dư/Tờ văn bản được ghi bằng nước mắt/…Anh lê những bước chân về phía công trường/ Lót vào lòng nắm xôi lên giá.”/….Em cầm tuổi mười lăm/ Bước vào nhà máy/…Được cấp bằng “chiến sĩ tăng ca”….Thặng dư/ Thặng dư/Thặng dư./ ..Áp đặt lên những mảnh đời vô sản/ Biên bản ….thặng dư…” Chúng ta còn có cơ hội thốt lên lời nào nữa? Những câu thơ của nhà thơ Phùng Hiệu đã là máu tím bầm của tình trạng xuất huyết nội, nhà thơ viết bằng chính bàn tay cầm công cụ của những người vô sản hiện đại, có khác gì của các tầng lớp vô sản thế kỉ trước? Vậy thì làm sao? Nói lên cái gì? Lí thuyết nào cứu rỗi cho họ? bàn tay nào nâng họ lên khỏi những vũng sình nhầy nhụa mồ hôi và nước mắt? Thượng tầng xã hội rêu rao những gì? Hay bất công và lợi ích nhóm vẫn là những bàn tay bạo Chúa?

Và đây là thân phận các nàng Kiều thời đại, Phùng Hiệu không lột tả tâm tư nhức nhối của Kiều, nhà thơ thấy các em như là một biểu trưng cho thất nghiệp, cái trinh trắng rủ bỏ nhân cách vì bó tay trước cuộc đời, bởi bàn tay các em nhỏ bé yêu ớt quá, mà thế lực đồng tiền quá là “vĩ đại”, nó ngốn ngấu tất cả: “Em cầm tấm bằng phổ thông rong ruổi…./ ở đây không nói chuyện học đường…./trong ánh đèn lừa dối/ nhan sắc được phô trương bằng những đường cong thân thể…/ em hiện diện như một nàng tiên chơi trò chuyển nhượng…” ( Phía sau ánh đàn lừa dối. BBTD , tr 29.).

Tôi tạm dừng trích dẫn thơ Phùng Hiệu mà xin mượn lời nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Đọc tập thơ “Biên bản thặng dư”của Phùng Hiệu, cảm giác nặng lòng khó tránh khỏi. Thế nhưng, qua những câu chua chát lại thấy vẻ đẹp của nước mắt, qua những lời ai oán lại thấy sức mạnh của tình thương….” ( Phùng Hiệu-Niềm riêng rét cóng từng ngọn lửa tàn . Lê Thiếu Nhơn, BBTD, tr 85.

3.Thương ca nhuợc tiểu

Mảng cảm xúc dành cho quê hương trong BBTD trầm hùng giai điệu của một bản thương ca, gióng giả lay động trái tim hàng triệu con dân nước Việt. Thế kỉ trôi qua/ Biển Đông chưa có ngày yên ả/ Năm 1956/ Hoàng sa mất một phần máu thịt/….Năm 1974/ Bảy mươi tư người Việt hy sinh…../ Năm 1988/ Gạc ma hóa thành biển lửa…/ Năm 2013/ Với âm  ưu đường lưỡi bò dối trá…/ Hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc ngàn đời luôn đe nặng lên đầu dân tộc Việt. Bao nhiêu lần đánh thắng kẻ thù là bấy nhiêu lần cống nạp, các vương triều quật cường Đại Việt xưa đã hiên ngang giữ vững cõi bờ. Nay, ý đồ bá quyền đại Hán lại đang thực hiện âm mưu thôn tính dần dần bờ cõi nước Nam. Đất và biển ngàn năm đang bị đe dọa, chúng đang tràn ngập lãnh thổ: Rồi một ngày bô xít Tây Nguyên/…Đất cát kêu gào đau rát giọt tài nguyên..Rồi một ngày chất thải Formosa….Biếtt bao giờ lãnh thổ được bình yên? Câu trả lời là đây, nhà thơ đã đến Colin, hòn đảo giữa Trường sa dài rộng hiên ngang:  “Mặc cho những họng súng quân thù luôn khát máu/ ….Sáu mươi bốn anh hùng hóa đá giữ biên cương.” (Các anh không về mắt đảo rưng rưng.” ( BBTD. Tr 74) Những ngư dân bám biền cũng trở thành những người hùng giữ nước trong thơ Phùng Hiệu “Xác con thuyền chìm dần xuống đáy tự do/ Anh trồi lên bằng tinh thần “chiến binh bám biển”. (Cánh chim bám biển. BBTD. Tr72). Ngoài ra, nhà thơ còn viết về người mẹ Việt Nam muôn đời lao nhọc nuôi nấng cả dân tộc lớn lên, (Với mẹ, TR 59) những phút suy tư về thân phận quê hương nhược tiểu, ( Nghĩ về quê hương tôi. Tr. 52) những cảm xúc đẹp thăng hoa từ câu ca dao ngàn năm vọng lại…( Âm vang của câu ca dao. TR 44)

Khi mới cầm trên tay và lướt đọc qua, ta những tưởng BBTD là một tập thơ gai góc, khó cảm thấu, khó nhập tâm. Thế nhưng, đi sâu vào những cảm thức mới mẻ trong thơ Phùng Hiệu, ta lại thấy ngời lên cái thiện tâm, vị tha, nhân bản và là tiếng nói của những nhà thơ biết đem thơ đến cho con người bằng tất cả yêu thương và hiến tặng.

Trân trọng giới thiệu BBTD đến với bạn đọc gần xa. Mong đón nhận những tập thơ hay của Phùng Hiệu trong thời gian tới. Chúc nhà thơ tiếp tục thành công trên sự nghiệp văn chương của mình.

Bà Rịa, ngày 27/11/2019

Nguyên Bình (bài đăng trong Văn chương Phương Nam)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác