ĐI LÊN CỔNG TRỜI VÀ NHÌN XUỐNG MÂY TRÔI

Ngày đăng: 25/11/2019 10:19:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Buổi tối cuối cùng trên Bắc Kạn, chị Nguyễn thị Hồng Cúc đã phát biểu cảm tưởng của mình rằng: “Khi nghe rủ đi cùng, tôi chẳng cần hỏi sẽ đi những đâu và bao lâu, tôi chỉ cần biết mình sẽ cùng đi với những người quan tâm cùng nhau và chung một tấm lòng”, Chị chỉ mới tham dự Quán Văn vào ngày ra mắt số 69 ngày 03-11-2019, nhưng cũng đủ nghe nhịp đập những con tim yêu thương quanh mình. Chị hát lên bài ca xưa cũ Que la vie est belle như để thể hiện chân tình. Vâng thưa chị, chúng ta chỉ còn riêng một con tim để giao hòa nhịp đập cùng nhau.
Chi Lê Thị Ái Niệm nghẹn ngào trong nước mắt nói cảm nghĩ mình khi lần đầu đi cùng đến miền địa đầu giới tuyến. Chẳng riêng hai chị, ngay anh Nguyên Minh cũng chỉ nói gọn được vài câu trước khi dòng cảm xúc dâng trào.
Riêng Quang Đặng nói với vợ chồng chúng tôi: “Nếu em biết con đường gian nan như thế này chắc chắn em sẽ chẳng đi và chẳng bao giờ biết”. May mắn cho Quang Đặng đã kịp đi để thấy bằng mắt mình những hình ảnh, những con người ở tận đầu núi chân mây. Chị Hồng Cúc mới vừa thoát cơn tai biến, Chị Ái Niệm kết nối đoàn bằng chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng Trúc Hạ. Tịnh Thy từ Huế, Ban Mai và Trần Thị Diệu Nữ từ Quy Nhơn, Vợ chồng anh Tiết Hùng Thái&Phạm thị Mão từ Vũng Tàu, hai vợ chồng anh Minh Nữu&Kim Mai từ Mỹ như anh Hoàng Văn Sáng, phu quân của Dung Thị Vân. Số còn lại là những khuôn mặt thân quen tại Sài Gòn: Vợ chồng anh Nguyên Minh&Nguyễn thị Lan, Lê Ký Thương&Cao Kim Quy, Lê Triều Điển&Lê Triều Hồng Lĩnh, Đoàn Văn Khánh&Carol Kim, Nguyễn Sông Ba&Titi Hoàng, Nguyễn An Bình&Lâm Mỹ Hạnh, Đặng Châu Long&Phạm Thị Hạnh, Trương văn Dân&Elena, Ngô Thị Mỹ Lệ&Nguyễn Đình An, Lương Minh, Ngô Thị Kim Hoàng, Nguyễn Thị Quý, Hoài Huyền Thanh, Nguyễn thị Kim Oanh, Quách Mạnh Kha. Thật tiếc vào giờ chót, hai cặp Nguyên Cẩn&Ngọc Anh và Ngụy Ngữ hủy vé bay vì bận công việc. Hoàng Kim Oanh đang đi tận miền lắc lơ xa

Lánh đời lên núi leo đá dựng
Chớn chở non xanh lạnh nỗi niềm

Chúng tôi không đến Hà Nội, nhưng đi thẳng lên vùng Đông Bắc để hoàn tất chuyến ruỗi rong khắp miền đất nước còn dang dở: Tuyên Quang, Hoàng Su Phì, đèo Cổng Trời, Hà Giang, đèo Bắc Sum, Cổng trời Quản Bạ, Cao Nguyên đá Đồng Văn, Yên Minh, Lũng Cấm, thung lũng Sủng Lá, Nhà Vương, Lũng Cú, Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Cao Bằng, Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Bắc Kạn, hồ Ba Bể, Thái Nguyên…là những địa danh mà chúng tôi sẽ đi qua.
Cao nguyên đá Đồng Văn với diện tích 2356 ngàn cây số vuông trải rộng bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang đã khiến tôi ngạc nhiên và mê mẫn, Núi non nhìn từ trên độ cao 1600 mét trùng trùng lớp nối nhau như những đợt sóng xô. Tưởng tượng như một điệp trùng thành đá bất khả xâm nhập. Núi đá ở đây có tuổi khác nhau từ kỷ Devon (419 triệu năm đến 359 triệu năm trước) đến kỷ Pecmi (298 triệu năm đến 252 triệu năm trước) hình dáng ngổn ngang gò đống, càng lên cao đá lại có dạng đen tuyền. Nhiều mẫu hóa thạch các loài đã được tìm thấy cách đây từ 400-600 triệu năm đã khiến ta bồi hồi khi đứng giữa hoang sơ cổ đại như bị nhấn chìm vào chúng.

Cũng nơi đây, là nơi sinh sống của một phần tư triệu dân thiểu số của 17 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân H’Mông, Lô Lô, Dao, Pu Péo. Những di tích Nhà Vương Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, Mã Pì Lèng (sống mũi ngựa) cũng nằm trong quần thể Cao Nguyên Đá này
Vùng Đông Bắc chúng tôi đi lần này sẽ bao quanh năm tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Trừ Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh khác đều nằm trên sơn nguyên chon von 1600 mét. Thành phố đều bao bọc bởi núi và con đường đèo bao bọc bởi mây. Mây dưới thấp và núi trùng vây. Những ngọn núi không phải ngàn thước lên ngàn thước xuống như tây bắc. Nơi đây là những quần thể núi đá tai mèo lô nhô chớn chở như những mụt măng đất trước sau trên dưới tầm mắt ta đi. Và con đường như những chiếc lò xo mang hình sin làm khó những con người dự phần chinh phục nó.
Qua Tuyên Quang chưa có gì ấn tượng. Một thành phố đường rộng mênh mông nhưng hoang vắng xe qua. Giữa phố, một giao điểm lừng lững một cổng thành trơ trụi. Cái cổng thành dáng như một lò gạch thấp lè tè. Tưởng tượng ngựa xe ngày xưa cũng khó có thể qua cổng cao khoảng ba mét này. Họ cho là phục dựng với giá gần mười tỷ. Nhưng cái “lò gạch” mười tỷ này làm tôi phì cười khi phải xây dựng đến hai năm (2009-2010) trên khuôn viên chưa đến 100 mét vuông. Vẻ như cái cổng thành của dân xì trum vì quá bé. Một bạn chỉ hai chữ tàu trên cổng thành hỏi anh Lê Ký Thương chữ gì. Anh trả lời “Mạt Kiếp”. Ừ có thể nào là thành nhà Mạc của hơn 400 năm xưa. Chỉ có bốn năm hàng đá ong trên cùng bên cánh tường dài khoảng ba mét là vẻ thật, còn tất cả đều là gạch của thời nay. Tôi thầm nghĩ giá như cho tôi thấy cái hoang tàn đổ nát như lần tôi thăm di tích Mỹ Sơn còn thấy hồn thu thảo hơn cái thành chín tuổi này. Một sự tan nhưng vẫn còn nguyên mới ngô nghê.
Trụi trần lò gạch phô giữa phố
Thênh thang đường mở chẳng người qua

Khu tắm khoáng nóng Mỹ Tâm buổi chiều tôi đến hoang vu buồn như cơn ngái ngủ thiếu khách lại qua trong nhếch nhác hồ lớn bé trụi trần. May mà chúng tôi vẫn còn tiếng cười vui khi còn được bên nhau. Tối về xem đền Hạ, lại nhớ lần về làng cổ Đường Lâm giữa tù mù. Nhưng nơi đây, Đền Hạ chỉ thích hợp cho những người đồng bóng ngựa xe xanh đỏ dâng đầy trước chính điện đền.

@ GIÓ Ù Ù THỔI – TRĂNG DÕI DÕI SOI
Buổi sáng bảy giờ Tuyên Quang còn ngái ngủ bảng lảng sương giăng trên đường phố lặng ngắt xe qua. Trên tầng cao nhìn xuống chợt nhớ đến bụi lầm chen chúc Sài Gòn, một nơi chốn xe cộ chen chúc đường hẹp người đông. Ồ sao lạ. Những chốn tôi đang qua đường xây dựng nhưng thiếu nhộn nhịp dáng người. Một khập khiểng đáng buồn.
Anh bạn trẻ tài xế nói đùa: “Hôm nay chúng ta sẽ ăn lẫu sóc và cua”. Hơn 200 cây số đường núi đang thách thức tất cả. Và đoàn chúng tôi 40 người tuổi non ba ngàn năm. Tuyên Quang – Hoàng Su Phì chưa đầy hai trăm cây đã là một cuộc gian nan. Trong xe, mọi người hết đổ sang phải chưa kịp ổn định lại đổ về bên trái, cứ thế tiến lên. Riêng tôi ngồi cabin trước cứ mê mẫn ghi hình ảnh chập chùng núi, cô độc người vùng cao họa hoằng xuật hiện cùng sắc màu áo quần đặc trưng từng sắc tộc. Gió len qua khe kính chừa trên vẫn ù thổi mát lạnh. Mùa này nơi đây đã thu hoạch lúa và những cánh đông ruộng bậc thang chỉ còn trơ gốc rạ thiếu hẳn sắc vàng. Hà Giang đó. Một địa danh trong bốn tỉnh biên giới ngày nào còn trĩu nặng lòng đau của cuộc binh lửa cuối thập niên 70. Tôi dõi mắt theo những nhấp nhô núi, chập chùng đồi chạy ngược tầm mắt. Tôi cùng với xúc cảm pha trộn giữa đắng và cay,chua và bùi, đau đớn và đắng chát khi ngẫm những vầng xoay thế sự. Lẻ loi tôi ngồi giữa không gian bằng hữu chạnh thương đời chùng đọng, như một vết cứa mờ còn sót lại sau ánh sao rơi. Hà Giang, một vùng đất với hùng vĩ thiên nhiên và cùng tận lao đao con người. Những bậc thang ruộng, những ky đá núi đem xuống và đất mang lên để thi gan cùng trời đất, giành hạt lúa nuôi đời, đó là kỳ tích ngậm ngùi. Về đến nơi nghỉ trăng đã treo cao. Mùng mười trăng náu. Một ngày gian nan, bốn năm người ngầy ngật vì sóng núi, gió ngàn cùng “lẫu sóc cua”. Dẫu gì cũng đã lên để thấy một vùng kỳ vĩ và thương đau.

@ CỔNG TRỜI – CỔNG NGƯỜI

Đã qua đèo Cổng Trời để thấy mây trôi lững lờ dưới chân mình, đã tới Cổng Trời Quản Bạ để ngắm cánh đồng tam giác mạch phớt hồng trong nắng, đã chạm Yên Minh để sờ cao nguyên đá Đồng Văn đá tảng đen cùng vết cắt sắc nhọn khốc khô, ngang làng Sủng Lá nép mình trong thung lũng, nghe nói về dốc Thẩm Mã ngày xưa -chốn tuyển chọn chiến mã- nay đã thành đèo Thẩm Mã. Những em bé người Mông với sắc phục lễ hội cùng chiếc gùi hoa chào đón khách xa. Khu phố cổ Đồng Văn như một Hội An thu nhỏ. Các cửa hàng mang một sắc trầm, các quán cà phê nhẹ nhàng một tiếng nhạc đưa cùng con phố vây quanh bởi núi bủa vây. Qua di tích Nhà Vương, một địa danh lùm xùm tranh dành chủ quyền, qua làng Lũng Cẩm nghe lại chuyện của Pao, lên Mã Pì Lèng ngắm dòng sông Nho Quế, theo con đường Hạnh phúc nghe vọng nỗi niềm hàng lớp người trẻ làm đường gian nan để liên tưởng một con đường kinh hoàng một thời rực lửa, cuối cùng đến cột cờ Lũng Cú chỉ để ngó và quay về vì đã hoàng hôn. Buổi chiều cao nguyên như mạc mặt gọi hồn người phương xa, buồn và nao nao nghĩ đến ngày mai, mai đã sang Cao Bằng ngùi thăm Bản Giốc, Trùng Khánh vốn xa lạ ngày nào bỗng trở nên thân thiết bởi bi tráng sự đời.

Tấm bảng Vành đai biên giới (Border Belt) đã hiển hiện trước mắt, thác Bản Giốc cũng không còn mấy đỗi, không bao lâu đã thấy cổng kiểm soát cửa khấu. Chỉ là thủ tục thôi, nhưng lòng đã nao nao. Tôi cứ chụp, chụp nhưng không chụp thác lớn, Tôi không muốn lòng đau thêm. Không thể buông, vì sẽ không còn níu lại. Chiếc vũng nhỏ của thác nhỏ, cái hồ đầy của thác lớn cứ phô ra đấy lòng nào còn vui. Tôi chợt nhớ câu tám của ai đó vẳng trong tôi: “Lòng sầu thiếu phụ ngậm ngùi ải quan”. Bây giờ không thấy ải. Chiếu về ngang thăm động Ngườm Ngao. Một chiếc động nằm trong một núi có hình chiếc lon tròn cao. Động nhiếu tầng thách thức nẻo đi lối về của những người chưa già nhưng tuổi vốn đã cao. Thôi cứ thở giốc và bước đi. Sẽ tới thôi.

BẮC KẠN HẮT HIU – MAY MÀ CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG HÁT
Thật lạ lùng, chúng tôi trôi giữa phố chiều Bắc Kạn. Ngang dọc giữa phố, cửa hàng nhưng vẫn thấy quạnh hiu. May mà nơi chúng tôi ở còn có lác đác vài xe bánh mì. Xe hết bánh sau lúc chúng tôi qua. Muốn ăn uống phải đi thăm thẳm xa.

Sáng 11-11-2019 thư giản trên hồ Ba Bể. Hồ mênh mông và thiên nhiên hùng vĩ. Có núi, có hang động, có thác ghềnh, có con người bản địa chơn chất bán buôn. Chỉ một phiền toái trước khi vào. Cách khoảng mười mấy cây số trước khi vào cổng, tại một trạm kiểm soát kiểm lâm đã có người ra chặn đầu xe đòi bán vé. Sao lạ vậy, hay đã có sự ăn ra trong nội bộ tại đây, vì khi xe vào cổng không ai cần chặn chúng tôi mua vé.
Mỹ Lệ đã đặt nhà hàng Lá Cọ nơi chúng tôi dùng bữa trưa để cung cấp bữa cơm chiều hôm sau tại khách sạn. Và cũng là một sinh hoạt nhỏ trước khi rời xứ sở đìu hiu. Nơi đây là phòng sự kiện và đang trang trí để chuẩn bị một đám cưới. Chợt nhớ mười hai cặp của ngày hôm nay, trong chuyến đi này. Coi như một lần hâm nóng lại.
Cái đinh của hôm nay là liên khúc Hội Nghị Diên Hồng và Bạch Đằng giang như một tỏ bày. Tiếng hát đã vang lên, đã trầm lắng bên những con tim còn chưa nguôi nỗi chung riêng. Những lời phát biểu trong nước mắt những bạn xa mới gặp dù chưa đến lúc chia xa. Cám ơn tất cả các bạn, những tấm lòng chung.
Trên đường về Thái Nguyên-Nội Bài, chúng tôi có dịp gặp bạn Cao Thị Hồng do hay tin tìm đến hàn huyên trước khi đoàn trở về. Đời vẫn mãi là những chuyến đi. Hôm nay chúng tôi kết thúc một vòng tròn đất nước sau những chuyến Miền Tây, Miền Trung, Trung Nguyên, Tây Bắc và nay là Đông Bắc. Khi chúng ta cùng lên đường, chính là lúc chúng ta mang theo con tim trong từng cái nhìn trước mắt. Dù là một nơi chốn xa xăm nào đó, chúng ta vẫn nghe chung nhịp đập của những con người ta gặp dù thoáng qua. Họ chính là đồng bào ta, không phải là nhân dân, tâm tưởng đều mang dáng nước chung. Dáng thương khó của một giang sơn chờ đợi hồi sinh dù đã qua rồi chinh chiến. Đôi khi ta phải đi ngược vào bóng tối, chính lúc ấy ta sẽ thấy lại bóng mình. Trước mặt và lừng lững dõi theo ta.

Bài và ảnh ĐẶNG CHÂU LONG
25-11-2019

 

Có 2 bình luận về ĐI LÊN CỔNG TRỜI VÀ NHÌN XUỐNG MÂY TRÔI

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài hay, hình đẹp

    Đúng là nhà văn.

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay có tính giáo dục thời sự cao
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác