“TỪ DỤ THÁI HẬU” VÀ SỰ TRẢ NỢ LỊCH SỬ

Ngày đăng: 5/10/2019 05:48:40 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi từng nhiều lần gây mếch lòng các nhà văn khi nói rằng: Văn chương Việt Nam mắc nợ lịch sử. Bởi vì, lịch sử nước mình hay lắm, đáng tự hào lắm, nhưng văn chương vẫn chưa làm tròn sứ mệnh hình tượng hóa lịch sử, đem lịch sử về với người dân, khắc sâu lịch sử trong họ bằng nghệ thuật đặc thù của chính mình.
Nhiều người bất bình, day dứt, trách cứ khi thấy lớp trẻ làu thông sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn sử Việt. Làu thông là nhờ đọc tác phẩm văn học và xem phim. Như vậy, văn học và điện ảnh chắc chắn có tác động rất lớn đến nhận thức lịch sử và tình cảm đối với lịch sử của người dân nói chung và lớp trẻ nói riêng. Người trẻ không hiểu lịch sử, không yêu lịch sử, một phần vì môn sử trong nhà trường không khơi gợi hứng thú do được viết theo quan điểm quan phương đầy đơn điệu và phiến diện. Nhưng phần khác, không kém quan trọng là văn chương, điện ảnh cũng không khỏa lấp được những khiếm khuyết của sử học. Đừng trách giới trẻ quay lưng với văn học và lịch sử, mà cần xem lại chúng ta đã mang đến cho họ những gì.
Mới đây, trên trang Facebook của một bạn làm công tác truyền thông cho câu lạc bộ MỞ SÁCH – MỞ TƯƠNG LAI của Huế có đăng một bức hình khiến tôi thực sự xúc động. Đó là bản vẽ sơ đồ phả hệ nhà Nguyễn phỏng theo cốt truyện tiểu thuyết TỪ DỤ THÁI HẬU của nhà văn Trần Thùy Mai. Đọc bản vẽ, có thể thấy được tình yêu lịch sử và tình yêu văn học của tác giả. Đọc bản vẽ, có thế thấy thành công của nhà văn Trần Thùy Mai khi chọn đề tài lịch sử.
Viết về lịch sử của triều đại phong kiến cuối cùng là một thách thức với nhà văn. Bởi vì sử học của nước nhà đã từng và vẫn còn nặng thiên kiến, bất công bằng với nhà Nguyễn, đặc biệt là Thế tổ cao hoàng đế Nguyễn Ánh – Gia Long. Bằng kiến thức lịch sử và độ khách quan cần thiết, tác giả Trần Thùy Mai đã trả nhà vua về với những giá trị vốn có của một người từng bôn ba lặn lội, long đong lận đận, nếm mật nằm gai để tạo dựng vương nghiệp. “Nhà vua là một người đàn ông trầm tĩnh, nhẹ nhàng và lịch lãm”, lại rất khôn khéo trong việc liên minh với Tây dương, sắc sảo trong việc chọn người kế nhiệm. Trần Thùy Mai đã mang đến cho người đọc một Nguyễn Ánh đáng mặt quân vương hơn những gì họ từng biết về ông qua lịch sử hiện đại. Với tôi, đây là vị vua được khắc họa thành công nhất của tác phẩm. “Cái gì của Cesar hãy trả lại cho Caesar”, trả lại chân diện cho một gương mặt lịch sử vốn chịu nhiều điều tiếng như vua Gia Long, đó là quan điểm lịch sử kín đáo mà sâu sắc của nhà văn Trần Thùy Mai trong tiểu thuyết này.
Những vị vua khác như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng sống động về hình sắc, trí tuệ, mưu lược và cá tính. Nếu bạn đọc trông chờ những trang viết cụ thể về công dụng của rượu Minh Mạng thì sẽ thất vọng. Bởi vì nhà văn như trả lời với hậu thế, với dân gian, với các hướng dẫn viên du lịch hời hợt rằng: Một đời vua Minh Mạng làm bao điều hay ho cho đất nước, sao cứ mãi ghi nhận ông ở công lực phòng the?
Vậy đó, gần một ngàn trang sách, hấp dẫn từ đầu đến cuối dù không sex, không kinh dị. Nước Việt thời Nguyễn từ đời Gia Long đến đầu đời Tự Đức được tái hiện một cách sống động và hấp dẫn còn nhờ tầm bao quát sự kiện rộng lớn của tác giả: có binh đao khói lửa, có đàn sáo hát ca, có hội hè nghi lễ, có anh hùng cứu mỹ nhân, có giết người diệt khẩu, có ngậm máu phun người, có dân tình phong tục, tranh quyền đoạt lợi, yêu đương thề hẹn, ghen tuông hờn giận… Có tất cả để rồi người đọc nhận ra có tình yêu đối với lịch sử của chính mình. Đối với một nhà văn viết về đề tài lịch sử, còn hạnh phúc nào hơn?
Từ bản vẽ sơ đồ phả hệ nói trên cho đến sự hào hứng của độc giả trong các buổi giao lưu tọa đàm về TỪ DỤ THÁI HẬU, có thể nói, nhà văn Trần Thùy Mai đã phần nào trả được món nợ của văn chương đối với lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta mong nhà văn vẫn tiếp tục mắc nợ rồi trả nợ, để bạn đọc còn được yêu lịch sử qua văn chương trong những tác phẩm tiếp theo.

      Nguyễn Thị Tịnh Thi

h1

h2

h3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác