THÚ CHƠI SÁCH CỦA MỘC QUỐC KHANH

Ngày đăng: 12/09/2019 09:50:48 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Mộc Quốc Khanh (bút danh của Trần Trọng Quốc Khanh) còn được biết đến là người viết nhạc trẻ có ca từ đẹp như thơ và mang đậm sắc màu triết lý như CD Album “Những cơn mưa vô thường”. Dù không phải là nhà nghiên cứu, nhưng anh thích sưu tầm sách về Phật học, Thần học, Thiền học, triết học, mỹ học, tâm lý học…, và đã có một thư viện mini tại nhà với hơn 3.000 quyển sách gồm nhiều thể loại khác nhau.
Được biết, nhân Ngày sách Việt Nam đầu tiên 21/04/2014, anh được mời chia sẻ về tủ sách gia đình trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong chuyên mục “Tạp chí văn nghệ – Hệ phát thanh đối ngoại VOV5”. Để chia sẻ và khuyến khích văn hóa đọc, Lương Minh (LM) đã có buổi trò chuyện với Mộc Quốc Khanh xoay quanh đề tài này.

LM: Nếu không ngại, vui lòng cho biết anh sinh năm mấy, mê sách khi nào, hồi nhỏ có mê sách không?

Giữa những người đàn ông với nhau, không ngại nói chuyện tuổi tác đâu anh. Tôi sinh năm 1969, tuổi Kỷ Dậu. Hồi nhỏ vào thời học trung học tức khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng tôi chẳng hứng thú sách vở gì hết, mà nói thật nếu có thích thì cũng không có điều kiện để mua. Bởi vì lúc đó hầu như gia đình nào cũng gặp khó khăn về kinh tế, chỉ riêng chuyện lo cho con cái về cái ăn, cái mặc không thôi cũng đủ làm cho bố mẹ chúng tôi vất vả trong cuộc mưu sinh rồi.

Giả sử hồi đó có dư dả đi chăng nữa, thì phần lớn vẫn là những đầu sách xưa cũ để lại, chứ làm gì có nhiều ấn phẩm phong phú, đa dạng, thiết kế và trình bày đẹp mắt tại các nhà sách để tha hồ lựa chọn như bây giờ. Bố có để lại cho anh em chúng tôi một tủ sách nhỏ, khiêm tốn, chỉ chứa được vài chục quyển, trong đó chủ yếu là từ điển Pháp-Việt, Anh-Việt, tiếng Việt thôi. Không ngờ một tủ sách nhỏ kiểu truyền thống gia đình thời xưa lại tạo sức bật tinh thần rất mãnh liệt cho chúng tôi sau này.

Đến tuổi trưởng thành bước vào thời sinh viên, tôi vẫn chưa có khả năng sưu tầm sách mà chỉ mua giáo trình môn học cần thiết thôi, chủ yếu cũng vì lý do kinh tế. Sau khi ra trường và đi làm được khoảng 5 năm, tôi nhớ khoảng từ năm 1995 ở độ tuổi 26, tôi mới dần dần có ý thức sưu tầm sách, rồi từng bước mở rộng ra nhiều chủ đề khác nhau.

LM: Quyển sách đầu tiên anh chọn là gì vậy?

Thú thật, quyển sách đầu tiên tên gì và mua vào năm nào thì chúng tôi không nhớ, vì không có một ấn tượng gì hết. Tuy nhiên, chúng tôi nhớ rất rõ chủ đề Thiền – cụ thể là bộ “Thiền luận” gồm ba quyển của tác giả Daisetz Teitaro Suzuki (dịch giả Trúc Thiên, NXB Tổng Hợp TP. HCM, 1998) – đã lôi cuốn tâm trí rất mạnh mẽ, giúp mình bắt đầu ý thức về Thiền tông, triết học phương Đông, triết lý âm dương ngũ hành và từ đó khuyến khích bản thân chú tâm hơn vào việc mua sách một cách đều đặn và có hệ thống.

LM: Hiện nay anh có bao nhiêu quyển sách, thuộc chủ đề gì?

Chúng tôi sưu tầm sách và phân loại hơn 20 chủ đề khác nhau, gồm có Phật học (Kinh Phật, Thiền tông, Duy thức tông, Mật tông, Tịnh độ tông…), Ki-tô học (Kinh Thánh, Thần học, giáo lý…), triết học phương Đông, triết học phương Tây, âm nhạc (hòa âm, sáng tác, nhạc lý…), mỹ học, tâm lý học, văn học, thi ca, ngôn ngữ học, từ điển, lịch sử, thư pháp, kinh tế, tài chính, ngân hàng, tin học, sức khỏe, yoga, du lịch…

Sau 24 năm sưu tầm sách, hiện nay thư viện mini tại nhà chúng tôi có hơn 3.000 quyển được bố trí trên 5 kệ sách khác nhau. Để nhớ hết được hàng ngàn đầu sách, phải siêng năng nhập thông tin quyển sách vào máy tính để máy tính nhớ giúp mình, như tên sách, tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, giá bìa. Thú thật lúc đầu có cảm thấy rất lười với cái công việc có vẻ “hành chánh văn phòng” này lắm, may là sau đó bản thân tự khắc phục được hạn chế này và tập được thói quen nhập thông tin quyển sách vào máy tính sau khi mang sách về nhà.

LM: Anh có thể cho biết thêm về tính hiệu quả của một tủ sách dàn trải đa năng và mục đích lập thư viện mini tại nhà?

Có nhiều bạn bè thân hữu hỏi “ủa mua sách nhiều vậy có đọc hết không?”. Chắc chắn ai cũng thừa biết là không thể nào đọc hết được, kể cả các bậc tu sĩ xuất gia lâu năm còn chưa dám khẳng định đã đọc hết kinh điển nữa là. Hơn nữa, không ai đọc từng chữ một từ đầu đến cuối cả, mà chỉ chọn đọc phần nào có quan tâm hoặc hứng thú nhất từ bảng mục lục.

Tới một giai đoạn nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ chọn đọc sách với một số đề tài nhất định. Ví dụ hiện nay chúng tôi tập trung thời gian đào sâu đề tài Phật học hay Ki-tô học, Thiền học hay Thần học, triết học hay tâm lý học… Tuy số đầu sách tương đối trải rộng, nhưng những quyển sách đã sưu tầm đều là những tư liệu quý giá mà chúng tôi thấy có giá trị học hỏi từ trong đó, chứ không mua sách chỉ vì gia tăng số lượng hoặc trưng bày hình thức.

Biết mua nhiều sách đọc không hết, nhưng vẫn cứ sưu tầm tương đối đều đặn vì một trong những lý do như sau:

  • Trước hết, mua sách không phải để chưng, để khoe, mà là tinh thần ủng hộ cho nhiều người trong xã hội, trong đó có tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, nhà in, đơn vị phân phối/ phát hành sách và lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh đó. Một quyển sách làm ra tốn biết bao nhiêu công sức, tâm huyết, thời gian và chi phí. Do đó, mua sách gốc, chứ không phải sách lậu, là đóng góp một phần vào lợi ích xã hội, thể hiện lòng biết ơn đến những con người đó, khích lệ văn hóa đọc, nâng tầm ý thức về quyền tác giả/ quyền sở hữu trí tuệ… Trên tinh thần đó, ta mua sách vô tư, thoải mái, không bận tâm vào việc tính toán so đo là mua về có đọc không. Cứ mua sách về trước đã, nếu không đọc hoặc đọc không hết thì vẫn còn cơ hội trao tặng lại cho người khác. Đó là một cách gieo trồng hạt giống tài chính với cách hiểu phổ quát là: Bạn góp phần tạo doanh thu/ thu nhập cho người khác tức là tự tạo doanh thu/ thu nhập cho chính mình.
  • Việc sưu tầm sách giúp thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đời sống nội tâm của chính người mua sách, mà người ta thường nói là nhu cầu tự phát triển cá nhân/ bản thân. Đó là một cách gieo trồng hạt giống tri thức và trí tuệ cho bản thân. Nhờ thói quen này mà ta bớt phung phí tiền bạc cho những thỏa mãn vật chất.
  • Ngoài nhu cầu tự phát triển cá nhân ra, điều thỏa mãn hơn chính là sự chia sẻ nội dung những quyển sách hay trong gia đình hoặc với bạn bè. Vấn đề ở đây không phải là ai có kệ sách và có bao nhiêu quyển, mà cái chính là kệ sách này có thể khơi dậy lòng yêu thích đọc và sưu tầm sách, giúp nhiều người ý thức về việc trang bị tủ sách gia đình. Kinh nghiệm cho thấy không phải ai cũng có điều kiện và thời gian trang bị ngay cho mình một tủ sách cá nhân như mong muốn, có khi cần tìm sách thì sách đã hết xuất bản hoặc chưa tái bản. Vì vậy, việc chia sẻ sách với bạn bè là điều khích lệ tinh thần rất cao, chứng tỏ việc sưu tầm sách vừa có ích cho bản thân, vừa giúp ích cho người khác.
  • Trên kệ sách nhà mình, chúng tôi dán 40 bảng tên phân loại chủ đề sách rất rõ ràng, giúp tìm nhanh những quyển sách có chủ đề đang quan tâm. nhất là khi trong nhà có trẻ nhỏ hoặc nhiều người dùng chung kệ sách đó. Bảng phân loại chủ đề này được thiết kế với màu nhũ vàng, nhìn xa trông giống như những ánh sao vàng tỏa sáng. Với sự cầu toàn của mình, chúng tôi mong muốn bạn bè thân hữu khi đến nhà uống trà đàm đạo sẽ cảm thấy ấn tượng về một kệ sách gần gũi bởi sự sắp đặt tinh tế, tỉ mỉ, lôi cuốn, dễ chọn chủ đề sách cần đọc thông qua một không gian văn hóa thu nhỏ. Một số bạn bè đã đến nhà chơi, thấy ấn tượng về thiết kế kệ sách, thích cách bố trí các bảng tên phân loại chủ đề sách và chụp nhiều hình ảnh lưu niệm.
  • Việc sưu tầm sách bắt đầu từ năm 1995, nhưng mãi đến năm 2014 chúng tôi mới đủ điều kiện và ý tưởng để tự thiết kế một kệ sách tương đối hoàn chỉnh về đề tài và có tính thẩm mỹ như mong muốn. Với hơn 3.000 quyển sách khá nặng này, phải mất hàng tháng để tự tay sắp xếp từng quyển lên kệ. Có khi xếp xong rồi lại phải lấy xuống dời sang chỗ khác để đảm bảo thứ tự sắp xếp của các đề tài phải có sự gắn kết hợp lý. Nói chung, biết bao thời gian, công sức và tâm huyết dành riêng cho kệ sách này. Sau khi hoàn thành kệ sách ở tuổi 45, chúng tôi cảm nhận rất rõ đời sống tinh thần được nâng lên một cung bậc mới.
  • Cần tập thói quen mua sách đều đặn tức là ra nhà sách hàng tuần hay hàng tháng tùy thời gian của mỗi người. Hiện nay, hàng tháng chúng tôi ghé thăm nhà sách ít nhất hai lần. Đi ra nhà sách xem những đầu sách mới xuất bản hay tái bản cũng là một thú vui tao nhã. Mỗi lần ra nhà sách ta luôn có cảm giác mình giàu có, bởi sự sẵn lòng chọn lựa một vài quyển sách minh triết để học cách sống, tính chia sẻ và lòng yêu thương.

LM: Lợi ích thiết thực của việc đọc và sưu tầm sách như anh?

Khối lượng kiến thức sâu rộng, tích lũy lâu dài, có giá trị thiết thực từ những trang sách quý sẽ giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện kiến thức, nâng cao dân trí và nếp sống văn minh. Lợi ích của việc đọc sách thì rất nhiều, không thể kể hết. Chỉ xin ghi lại những gạch đầu dòng cốt yếu như sau:

  • nâng cao kiến thức, rèn luyện tinh thần, thậm chí thay đổi cuộc đời độc giả theo hướng tích cực.
  • hành xử tử tế, có trách nhiệm, biết cảm thông, tha thứ, giúp đỡ, chia sẻ với cộng đồng.
  • bớt thói kiêu ngạo, dạy đời, giáo điều, độc đoán, chụp mũ, rập khuôn.
  • bớt phê bình, chỉ trích, ganh tị, đố kỵ, ích kỷ.
  • ý thức tự rèn luyện bản thân với quyết tâm rất cao.
  • chấp nhận sự khác biệt, đa dạng, sáng tạo, độc đáo.
  • hòa nhã, lịch lãm, tinh tế, điệu nghệ, uyên bác, trí tuệ.
  • biết tôn trọng, tự trọng, nhẹ nhàng, hài hước, lôi cuốn người khác.
  • sống minh triết, đạo lý, hướng vào nội tâm, bớt bị ngoại cảnh chi phối.
  • hướng tới chân-thiện-mỹ, thăng hoa tinh thần, tiến hóa tâm linh.

LM: Việc đầu tư vào thư viện mini cũng tốn kém lắm phải không anh?

Đúng là như vậy, không hề có bất cứ khoản đầu tư nào mà không lấy đi một phần nguồn lực của bản thân hoặc gia đình mình. Thế nhưng, chúng ta vẫn không ngừng đầu tư về vật chất, lẫn tinh thần đấy thôi. Ví dụ về vật chất, đầu tư vào đất đai/ nhà cửa…, còn về tinh thần đầu tư vào công đức hoặc từ thiện, mà chẳng hề bận tâm gì về sự tốn kém hay mất mát cho những khoản đầu tư đó đâu. Vì sao? Bởi vì chúng ta thấu hiểu giá trị cũng như lợi ích mang lại của việc đầu tư với mục đích trong sáng đó.

Tương tự như thế, đối với tủ sách gia đình mình, chúng tôi cũng thấu hiểu giá trị cũng như lợi ích của việc đầu tư này như đã nêu trên. Với tủ sách này, chúng tôi muốn chuyển hóa thành một định hướng tương lai tươi sáng cho con cái mình. Đó là gia đình chúng tôi thống nhất giáo dục cho con cái thấy rõ những mặt tiêu cực của lối sống thụ hưởng vật chất. Với tủ sách được sắp xếp phân loại rõ ràng như thế này, con cái chúng tôi sẽ dễ dàng tiếp cận sử dụng cho việc học hành khi cần thiết. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở con cái nên dành thời gian trau dồi đọc sách để tự rút ra những bài học bổ ích và hạn chế lạm dụng các thiết bị điện tử giải trí. Xem như tủ sách này là hành trang mà chúng tôi chuẩn bị trước để cho con cái vững bước vào đời và trưởng thành hơn về mặt nhân cách. Nhìn chung, giá trị vật chất của tủ sách là không nhiều, nhưng giá trị tinh thần của tủ sách là vô cùng to lớn, không thể đo lường hoặc “quy đổi” thành tiền bạc được.

LM: Để bảo quản sách tốt, anh thường xuyên làm gì?

Thú thật, đây là câu hỏi dễ chịu nhất, nhưng khá bất ngờ bởi vì chúng tôi chưa phải làm gì để bảo quản sách cả. Nhờ câu hỏi này mà sau này chúng tôi sẽ lưu ý hơn. Hiện tại sách chưa phải xử lý bảo quản gì cả có lẽ nhờ được bố trí trong phòng khách, có đủ ánh sáng ban mai ấm áp, có đủ gió trời đối lưu thông thoáng, nên sách vẫn còn như mới, không bị ẩm mốc. Cho đến nay, tủ sách gia đình vẫn tốt, chưa phải xử lý gì cả, và đó vẫn là nơi mà bạn bè thân hữu thích ghé thăm và chụp hình kỷ niệm nhiều nhất, vì được chủ nhân mời trà, đàm đạo và tấu một vài bản nhạc guitar/piano trong sự bình an, hạnh phúc./.

LM thực hiện

Ảnh :Tư liệu của Mộc Quốc Khanh

 

Hình 1:                                              Chuyến đi nghỉ dưỡng

Hình 2:                   Tổ ấm yêu thương với Mộc Thanh Nga (vợ) & Mộc Khuyên (con)

Hình 3:                                   Thư viện gia đình của Mộc Quốc Khanh

Hình 4:                                            Phút thư giãn bên cung đàn

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác