NHẠC HÙNG TIỀN CHIẾN 1930-1945 (Kỳ 2)

Ngày đăng: 21/08/2019 08:07:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

   Thực ra, giới nghiên cứu có nói đến thể loại hành khúc xuất hiện trong giai đoạn này, mà ít đề cập đến dòng nhạc hùng 1930-1945. Nhưng thực tế đã tồn tại một loạt những ca khúc với những đặc trưng riêng về giai điệu và nội dung, có  thể gọi là dòng nhạc hùng  tiền chiến. Dòng nhạc nầy có nội dung kêu gọi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu lịch sử vẻ vang dân tộc. Giai điệu là hành khúc với nhịp đi hùng tráng, phù hợp với nhịp đi tập thể, bài hát cộng đồng.

    

  Trong giai đoạn này, dòng nhạc hùng gần gũi với dòng nhạc đỏ (nhạc cách mạng) và vào cuối giai đoạn lại giao hòa với nhau.

Dòng nhạc hùng được đẩy lên cao trào bởi các nhóm nhạc gồm các nhạc sĩ tài hoa có xu hướng dân tộc: Đồng Vọng, Tổng Hội Sinh Viên, nhất là khi nhóm Hoàng Mai Lưu được thành lập (1941).

Nhóm Đồng Vọng được Hoàng Quý thành lập vào năm 1939, với các nhạc sĩ tên tuổi: Phạm NgữĐỗ NhuậnLưu Hữu PhướcVăn CaoCanh ThânTô Vũ, trong ba năm: 1943-1945 đã sáng tác và phát hành hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài với khoảng 70 nhạc phẩm, trong đó có nhiều tình ca, nhưng chủ yếu là nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc. Trong đó, riêng Hoàng Quý viết một loạt ca khúc: Trên sông Bạch Đằng, Nước non Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Gọi bạn lên đường, Lời vọng ngàn xưa, Xuân về, Chiều xuân, Đêm trong rừng, Dưới bóng thông xanh, Nắng tươi

NS. Lê Thương

So với Đồng Vọng thì nhóm Tổng Hội Sinh viên và nhóm Hoàng Mai Lưu mang tính chính trị nhiều hơn. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khởi đầu là nhóm sinh viên có khả năng văn nghệ ở Hà Nội trong đó có nhiều sinh viên miền Nam, nên sau đó ca khúc của nhóm lan tỏa ra khắp nơi. Trong một bài viết, nhạc sĩ  Lê Thương cho rằng: “Từ 1943 đến 1945  thì Tổng Hội Sinh Viên đã chế ngự  phong trào Tân nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có”. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật. Lưu Hữu Phước cùng với các sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên. Những ca khúc đó thường lấy đề tài lịch sử ca ngợi những chiến công, những anh hùng dân tộc, đặc biệt phải kể đến những bản nhạc của Lưu Hữu Phước. Nhiều ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh… của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Góp công lớn trong nhạc hùng tiền chiến là nhóm văn nghệ yêu nước Hoàng Mai Lưu gồm 15 người với đủ các bộ môn nghệ thuật: thi ca, nhạc, kịch, họa mà mũi nhọn và có tiếng vang nhất là âm nhạc, nên ngày nay nhắc đến Hoàng Mai Lưu công chúng thường nghĩ đến ca khúc của nhóm này. Hoàng Mai Lưu là họ của ba  sáng lập viên: Huỳnh (Hoàng) Văn Tiễng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước, gợi lên hình tượng bông mai vàng bay tỏa hương thơm, ra đời vào mùa hè 1941 tại Sài Gòn. Trong giai đoạn này, nhiều ca khúc yêu nước và cách mạng của nhóm được sáng tác, phát hành và lưu diễn khắp nơi. Có thể kể thêm các ca khúc của họ, ngoài những nhạc phẩm nêu trên: Bạch Đằng giang (1941), Ải Chi Lăng (1942), Bài hát của thiếu nữ Việt Nam

(1942), Việt nữ gọi đàn (Bài hát của phụ nữ Việt Nam 1942) của Lưu hữu Phước với lời của Mai Văn Bộ; Bài hát suối Lồ Ồ (1943), Bài hát của đoàn hùng (1943-1945), Xếp bút nghiên (1944) của Lưu Hữu Phước với ca từ của Huỳnh Văn Tiễng; và những ca khúc khác với nhạc của Lưu Hữu Phước và lời của cả nhóm: Hội nghị Diên Hồng (1942), Âu ca Việt Nam (1944), Hờn sông Gianh (1944)… (Năm sáng tác và  tên của đồng tác giả với Lưu Hữu Phước trong các ca khúc trên  dẫn từ cuốn “Hoàng Mai Lưu & Các ca khúc trong phong trào âm nhạc cách mạng” của Huỳnh Văn Tiễng & Bùi Đức Thịnh – NXB Trẻ, 2002). Như vậy, Lưu Hữu Phước là thành viên chủ chốt của cả ba nhóm nhạc yêu nước kể trên và là sáng lập viên của hai nhóm nhạc: Tổng Hội Sinh viên, Hoàng Mai Lưu, là người có đóng góp lớn lao trong việc hình thành phát triển dòng nhạc hùng Việt Nam.

Gắn bó cùng hai nhóm Tổng hộiHoàng Mai Lưu, ở Nam bộ có Nguyễn Mỹ Ca, cháu nội của Nguyễn Tri Phương, người được xếp hạng thứ 953 trong Danh sách Nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới, ngoài tình ca nổi tiếng Dạ khúc,  đã sáng tác nhiều hùng ca yêu nước như: Đến trường, Vui đi học, Chiêu hồn nước…, trong đó thành công và có tiếng vang nhất là Chiêu hồn nước.

                                                                    NS. Hoàng Quý

Nhạc sĩ Phạm Duy góp vào dòng nhạc hùng bài Gươm tráng sĩ (1944); La Hối (xếp thứ 1045 trong Danh sách Nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới) với Gió thiêng liêng, Thanh niên tiến hành khúc; Võ Đức Thu với Quyết tiến, Một ngày đã qua; Văn Cao với Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941), Gò Đống Đa (1942)…

       Đỗ Nhuận cũng đóng góp cho dòng nhạc này với Trưng Vương (1939 – ca khúc đầu tay lúc tuổi 17) và liên ca khúc: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc của vở ca cảnh Nguyễn  Trãi – Nguyễn Phi Khanh được ông viết năm 1940-1941.

           Lê Thiên Minh Khoa

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác