MÙA NƯỚC NỔI…MÙA CÁ LINH…

Ngày đăng: 4/08/2019 10:46:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Gió đưa, gió đẩy… về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá, về đồng ăn cua… Về sông ăn cá ư ? Đúng rồi, sông Hậu, sông Tiền quê tôi ngày xưa ấy cá ơi là cá ! Có 2 loại cá, loại nhỏ con. Có rất nhiều là cá cơm và cá linh. Cá cơm sống theo bờ sông cái quanh năm, còn cá nhỏ còn gọi là cá Mồm, lớn lên là cá cơm, nhưng cá cơm nước ngọt không nhiều bằng cá cơm biển, nên không đủ số lượng để ủ nước mắm. Con cá linh có rất nhiều, lại có mùa chứ không quanh năm. Mỗi năm đến mùa nước nổi là đến mùa cá linh, khoãng đầu tháng 7 âm lịch là thượng nguồn, miệt Tân Châu, Hồng Ngự là có cá linh non rồi dần dần đến hạ nguồn Long Xuyên, Ô Môn, Cần Thơ…cứ thế con cá lớn dần đến khi mùa nước rút…. Cách nay 50  – 60 năm, đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa 2 vụ chưa nhiều (nói chi đến vụ 3), cách bắt cá thô sơ , chỉ bằng lưới , chài nên nguồn cá rất dồi dào. Bắt cá linh có 2 cách, nhiều nhất là : Đóng đáy và lưới giựt. Đóng đáy là chọn khúc sông có dòng chảy thuận lợi về nguồn cá, khi nước rút…cá từ trong các cánh đồng thoát ra sông cái…Có những miệng đáy, cá vô nhiều quá, cất đáy không nổi, sợ sạt đáy phải dùng dao rọc đáy, xả bớt cá trở ra sông…. Lưới giựt: Một giàn lưới dài hàng vài trăm mét, hai chiếc ghe phủ lưới giáp hai bờ sông…kéo lưới một đoạn, khép lưới lại, cất lưới lên, bắt cá… Ngày ấy, cá linh bán, đơn vị đo lường là thùng (20 lít), giạ (40 lít), Dân ở nơi đấy họ bơi xuồng đến các miệng đáy, hoặc lưới giựt mua cá linh về ủ nước mắm. Có những miệng đáy, cá bán không hết, họ phơi khô để bán “cá làm phân” cho các nhà rẫy, nhà vườn làm phân bón…Tột nhất là bón cây thuốc lá. Con cá linh ngon, hấp dẫn có lẽ chỉ một phần, mà ngon là vì giáp năm mới có, nên nhiều người thích vì lâu ăn mới them. Thói thường là vậy, có thèm ăn mới ngon… Cá linh non kho lạt với xã ớt, kho lạt với tương hột, cá linh lăn bột chiên…Nhà có đàn bà khéo tay thì cá linh kho mía.., ăn chừng ba, bốn lửa, con cá linh kho ăn thật bùi và ngon giống như cá mòi hộp . Dân nhậu thì cá linh nhúng dấm (ngày nay gọi là lẫu), rau vườn thì thiếu chi…lá bằng lăng non, đọt chòi mòi, đọt xoài, bông điên điển, nhậu không say, không về…. Năm 1988, tôi đi làm thuê tận Hà Nội, đến mùa nước nổi chợt nhớ đến mùa cá linh non, đến món cá linh nhúng dấm, nhớ ray rứt không ngủ được. Từ năm 1999, Chợ Mới (An Giang) quê tôi, các lãnh đạo anh minh nghĩ ra chuyện : “Bao đê chống lũ” làm lúa vụ 3, họ chạy theo sản lượng lúa, gạo, chứ họ không cần biết đến hiệu quả kinh tế. Lúa vụ 3 năng xuất kém, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, phí bơm nước ra…cao, lời ít có khi lỗ !Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng một số nhà khoa học khác phản bác chuyện này, vì họ đã bỏ phí đi lượng phù sa mà tạo hóa ban tặng. Đến nay, ngồi ngẫm nghĩ mà ngậm ngùi…. Còn môt món ăn từ cá linh, tí nữa quên là cá linh kho mắm. Má tôi khi còn sống, mấy năm cuối đời có bệnh đau bao tử, nhưng má khoái ăn mắm kho cá linh, vì bệnh phải cử ăn, nếu cố ăn lén, bệnh tái phát thì phiền các con, nên cố nhịn…tôi biết, nên sắp xếp kho mắm cho má ăn, tôi mua sẳn thuốc trị đau bao tử cho má uống trước, đi chợ mua các thức ăn cần thiết cho món mắm này….Má cứ ăn thoải mái, ăn xong, uống thêm vài lần thuốc là im ru…Má rất vui. Nhà nghèo, còn nhiều khó khăn, cũng chưa nuôi nổi cha mẹ, cố gắng làm cho cha mẹ không phiền lòng cũng là cách báo hiếu. Ngày nay, cách đánh bắt cá tàn bạo quá, gần như hủy diệt : xiệc điện, những giàn đăng ven bờ sông dài hàng cây số bằng lưới cước, con tép, con cá bằng cọng chưn nhang cũng không lọt!

Bao phen quạ nói với diều. Cù lao ông Chưởng có nhiều cá, tôm…. Vùng sông nước ngày xưa cá, tôm ăn không hết dùng làm phân bón, ngày nay 80% cá ăn hàng ngày là cá nuôi, cá thiên nhiên cạn kiệt dần….

04/8/2019

Trịnh Kim Thuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác