Thới Xuyên : nhà văn tiền chiến

Ngày đăng: 7/07/2019 10:02:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Thới Xuyên là nhà văn tiền chiến ở quê tôi Chợ Lách, từng là giáo viên nên người địa phương gọi ông là thầy giáo Bá. Tên thật ông Nguyễn Văn Bá, sinh ra bên dòng sông Thới Định, năm Giáp Thìn 1904, tại làng Tân Thành, quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long (nay là thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nên lấy bút hiệu là Thới Xuyên, có nghĩa là sông Thới. Khi tôi về Chợ lách sống năm 1977, tôi không được biết ông nhưng nghe tiếng vườn hoa ông Giáo Bá. Ở Chợ Lách , những năm sau 1976 vườn hoa Giáo Bá nổi tiếng nhất vùng vì dân địa phương không ai trồng hoa, họ trồng cây gì ăn được, bán được, còn hoa là loại xa xí  nên rất hiếm. Chính vì vậy mà mỗi khi có khách, bạn bè ở phương xa đến tôi đều dẫn đến vườn hoa Giáo Bá chơi coi như giới thiệu cả đẹp quê hương với khách. Năm 1983, tôi có đưa nhà văn Sơn Nam đến đây và ông cũng đưa vườn hoa này vào tác phẩm Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa- Văn minh miệt vườn vì thấy cảnh đẹp và cách làm cây giống, cây kiểng vùng này có nhiều nét mới.

Thập niên năm 80, nhà xuất bản Tiền Giang cho ra đời một loạt tác phẩm cua Hồ Biểu Chánh, trong đó có  cuốn Người Vợ hiền.  Thật ra cuốn Người vợ hiền này là của ông Thới Xuyên đã từng đăng trong Phụ Nữ tân văn năm 1929, lúc Phan Khôi cũng cộng tác ở đó. Nhận định về Người vợ hiền, ông Phan Khôi cho rằng đọc trong sách, thấy có cảnh giống mường tượng như hoàn cảnh mình, hay là chỉ có một chấm, một nét giống mường tượng như mình, cũng đủ khiến cho mình cảm động. Huống chi cái cảnh trong cuốn tiểu thuyết nầy là cảnh người đời thường gặp, làm cho người đọc phải cảm động là phải. Như vậy là nhờ tác giả khéo tả.
“Theo như con mắt tôi (Phan Khôi) thì trong cuốn truyện nhỏ nầy, phần ái tình là trọng hơn. Còn có ai đồng ý với chúng tôi nữa, hãy nên đọc tiểu thuyết nầy đi. Khi đọc xong, trong ái tình, ai được thanh sạch thì nên vui mừng, ai có tội lỗi thì nhờ đó mà sám hối.  Ai phản đối với chúng tôi, cũng nên đọc. Trong cuốn sách nhỏ nầy, tôi lại thấy một chỗ rất hay, là giảng luân lý luôn mà không làm cho người ta khó chịu, cái luân lý nó hợp với nhơn tình. Về phần văn thì nhiều vẻ tự nhiên, gần như thanh thoát. Khéo nhứt là hay tả những chỗ không tả. Đại khái như, tả cái “làm thinh”, tức là tả tâm sự. “Làm thinh”, ấy là không tả, mà tả. Rốt hết, tôi phải thật tình khen tặng tác giả, và hai tay trân trọng giới thiệu cuốn tiểu thuyết nầy cho bà con.”(1)

Do cuốn sách ra đời đến lúc tái bản (1989) hơn nửa thê kỷ, nên Nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang để tên tác giả của Người vợ hiền là Hồ Biểu Chánh và phát hành đi khắp nơi. Trong lúc đó, gia đình Thới Xuyên không biết, nhưng học trò của thầy giáo Bá lại hay. Anh học trò tên Nguyễn Hồng Tâm học với thầy giáo Nguyễn Văn Bá ở trường tiểu học An Hữu hồi năm 1960, đã bỏ công lặn lội xuống Chợ Lách báo cho gia đình tác giả biết là truyện của thầy người ta in lại nhưng không để tên thầy! Người con trai thứ chín của Thới Xuyên tên Nguyễn Thanh Nguyên liên lạc với NXB tổng Hợp Tiền giang, đem bằng chứng trưng ra để lấy lại tên tác giả tiểu thuyết cho cha mình. Đến nơi, NXB nói một câu rất “chí lý” , chúng tôi biết tác giả nhưng không biết gia đình ở đâu, thôi lấy tên Hồ Biểu Chánh để sách bán chạy hơn!

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, hiện sống ở Pháp cho biết, do biết rõ tác giả Thới Xuyên nên việc chi nhuận bút không có khó khăn gì. Năm đó 1989, NXB trả nhuận bút được ba trăm mười hai ngàn đồng, tức 3% tổng giá trị sách in. Thật ra, đối với gia đình thì vấn đề quan trọng là lấy lại tên tác giả cho quyển Người vợ hiền, chứ không mấy quan tâm đến nhuận bút.

Chuyện tưởng tới đây là chấm dứt, nhưng bên Việt Nam Thư quán (vnthuquan.net) vẫn để Người vợ hiền là của Hồ Biểu Chánh, ông Thanh Nguyên phải viết thư yêu cầu chỉnh sửa, ở đây cũng đòi trưng bằng cớ chứ họ không thể đơn phương sửa lại được. Thư qua lại đến cả tuần và lấy tư liệu của nhà văn Phan Khôi viết đăng trên báo Trung Lập mới xong!

Gần đây , tôi có đọc Nghệ thuật và nhân sinh của nhà văn Thiếu Sơn (2), trong phần phê bình sách ông chỉ đề cập đến ba quyển: Tố Tâm của Song an Hoàng Ngọc Phách; Nguời vợ hiền của Thới Xuyên và Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Nói như vậy, không phải văn học Việt Nam có 3 quyển này là nổi trội mà thời điểm bình minh của tiểu thuyết thì ba quyển này là tiêu biểu. Nói về Người vợ hiền, nhà văn Thiếu Sơn  cho đây là món quà của Thới Xuyên  khi ông mới nhập tịch vào làng văn, được nhiều người hoan nghinh nên ta cũng chú ý. Nhất là ông đúc ra một người vợ hiền cho gia đình Việt Nam. Thiếu Sơn khen cuốn Người vợ hiền có giá trị luân lý, nhân vật người vợ hiền trong truyện  có tư cách, phẩm hạnh có thể lấy làm mẫu mực cho phụ nữ, làm ý trung nhân cho nam giới. Tuy nhiên, Thiếu Sơn nghi ngờ ý tưởng sáng tác này có phải của Thới Xuyên hay vay mượn của ai? Thiếu Sơn hỏi rồi cũng tự trả lời là  mượn của nhà văn Pháp Henry  Bordeaux trong cuốn Honnête femme. Cô Dung là  Germaine, Hữu Chí là Ferriere, còn Josiane là Berthe,vợ của Cheran. Thiếu Sơn cho rằng tác giả mượn mà khéo léo, thêm bớt sửa đổi  cho thích hợp  với thị hiếu của người Việt Nam. Và rồi, cuối cùng Thiếu Sơn nhìn nhận tác phẩm được vậy là nhờ cây viết tài tình của tác giả, làm cho tác phẩm có giá trị văn chương.

Ông  Thanh Nguyên thì cho rằng cha ông (nhà văn Thới Xuyên) trước đây đi dạy ở xã Nhơn Phú, quận Cái Nhum lấy vợ thuộc con nhà gia thế ở xã Bình Hòa Phước, quận Chợ Lách, Vĩnh Long. (nay là huyện Long Hồ ). Vì bất đồng quan niệm sống với vợ, ba ông ly dị, và cưới một người con gái khác thuộc gia đình nông dân ở tỉnh Sa đec.  Trong hoàn cảnh đó, cũng với bức xúc chuyện xung đột nàng dâu, mẹ chồng giữa hai giai tầng xã hội thời ấy, nên cha ông viết tác phẩm “Người vợ hiền”.

Nói về việc sáng tác của nhà văn Thới Xuyên, con trai Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng:  Ba tôi viết truyện để tập viết văn, không có ý đăng báo. Hồi đó, ông có chủ trương viết văn cho gọn, trong sáng, dễ hiểu. Nhiều người đọc Người Vợ Hiền, ngỡ là Hồ Biểu Chánh, nhưng ba tôi chỉ cho tôi thấy những câu văn mà ông cho là lê thê, rườm rà, của Lê Xuyên, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn văn Bảy.. , cho tôi học hỏi. Ba tôi rất thích cách hành văn “của Tây”, nhất là câu văn đối thoại, viết sao tránh “là, rằng”, nhưng vẫn giữ được ý nghĩa, nhập vai nhân vật, hợp ngữ cảnh. Ông cứ nhắc tôi đọc quyển “La clarté française” hoài để tập nói và viết cho trong sáng.
Nhân đọc một tiểu thuyết “Mon ennemie cherie”, ba tôi mới phóng tác, thành “Đời Cô Đằng”.  Giai đoạn đó, ba tôi viết cho tờ La Cloche fêlée của Nguyễn An Ninh, quen biết một người làm cho báo Phụ Nữ Tân Văn. Người nầy tìm gặp ba tôi, biết ông có tác phẩm Người Vợ Hiền, thấy hợp với tôn chỉ một tờ báo Phụ Nữ nên đề nghị  ba tôi cho ông ta đăng feuilleton.
Sau đó, ông ký giả thấy độc giả thích Người Vợ Hiền, gợi ý ba tôi cho đăng tiếp “Đời Cô Đằng”. Tiếc là sau này năm 1970, bản thảo giao cho người bạn nhờ in, chưa kịp hoàn chỉnh thì biến cố 75 xảy ra, chuyện văn chương tạm thời gián đoạn.

Lương Minh

 

—————————————————————–

(1)Phan Khôi: Trung Lập, Sài gòn ngày 4-2-1931

(2) Thiếu Sơn, Nghệ thuật và nhân sinh NXB Giáo dục , tháng 11/2008

Có 2 bình luận về Thới Xuyên : nhà văn tiền chiến

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Một bài viết có dạng tìm tòi nghiên cứu rất đáng đọc, cũng nhằm tôn vinh những nhà văn gần gũi quanh ta mà có tầm vóc lớn, đáng kính.

    • Luong Minh nói:

      Ông Thới Xuyên tức thầy giáo Bá, là cha của ông Nguyễn minh Giám, có tiệm sữa Radio năm 1960 dãy phố Pasteur (hủ lô) bên hong trường Tống Phước hiệp. Ngày xưa, Chợ Lách là quận của tỉnh Vĩnh Long nên ông giáo Bá được nhiều người ở Vĩnh Long biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác