Nguyễn Thị Ánh Huỳnh và tiếng khóc mặn của vàm sông

Ngày đăng: 6/06/2019 07:38:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vừa ra mắt tập thơ thứ tư “Những vàm sông đêm” – Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2018. Với chị, “Viết là đi vào cõi mù sương khó có thể tìm thấy lối ra. Nhưng nhờ những miền đất đã qua, những người đã gặp, tôi nhận ra được hướng đường… Ngày tháng chìm sâu và sẽ mất đi… Chỉ mong mỏi có ai đó dừng lại giây lát – nơi trang sách này – để cùng tôi gặp gỡ, thông cảm và sẻ chia…”. Lời ngỏ đó của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã được nhiều người thấu cảm, dừng lại lâu hơn với tập thơ này.

Đã từ lâu, trên văn đàn, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có giọng thơ riêng. “Những vàm sông đêm” tiếp tục là một minh chứng. Đó là sự duyên dáng, nữ tính mà sâu sắc, thấm đẫm chất Nam Bộ. Trong khi không ít người cứ làm dáng làm màu, giọng điệu rướn lên cho ra vẻ Nam Bộ thì Nguyễn Thị Ánh Huỳnh lại khác, cứ nhẩn nha viết, từng con chữ, từng ý nghĩ đã mang hơi Nam Bộ rặt ròi.

“Má chôn cuống nhau em vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây…/ gan ruột ai xuống xề câu vọng cổ/ khách thương hồ/ ly rượu bốc mù sương”…

“Ổ chim trên bàn thờ/ chung nước uống tàn nhang” (Miệt vườn).

Người con gái đất Cần Đước nói rất thật mà sao người đọc bỗng giật mình, bởi phải yêu quê hương miền hạ Long An đến nhường nào mới viết được những câu đầy ám ảnh:

“Đước à/ có tiếng cười lạt lẽo/ nhưng khóc không lạt lẽo/ khóc mặn/ một hôm/ những cây đước bước lên bờ thành người Cần Đước/ em – người đàn bà miền Nam gốc đước” (Cần Đước)

Trong bài thơ làm tựa đề cho tập thơ, hồn đất hồn người phảng phất trên những vàm sông ấy:

“Những vàm sông lỡ giấc ngồi lên/… những vàm sông sồn sồn/ không mảnh trăng làm y phục/… anh về phố lấy vợ/ vàm sông ế/ em theo chồng bỏ quê/ vàm nằm không” (Những vàm sông đêm).

Và khi những vàm sông đi biển một mình, sinh nở phù sa để nuôi châu thổ, khi những vàm sông ôm buồn tênh mà ngủ:

“Những người đàn bà xứ Nam Kỳ/ chết đi rồi/ hóa những vàm sông đêm”.

Tư duy thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đạt đến độ chín, sâu, từ những trải nghiệm, nghiền ngẫm mà lắng lại.

“Suốt ba mươi năm anh bảo/ em phải quên mình/ vì chồng con/ Tóc bạc rồi anh lại bảo/ em phải là chính mình/ không là mình chán lắm/ Anh ơi/ em còn mình đâu/… Chính mình của em/ là anh đó” (Chính mình).

Biết bao cuộc đời với những cung bậc xót xa, những người “ăn gió chướng, ngồi ca, người đàn bà mê anh kép Út, hóa thành chim bìm bịp”. Một lời rủ rê dễ thương: “Nhậu đi sông ơi/ tối nay gánh hát về ấp”, để rồi buồn đến não nề:

“Anh chê em cải lương/ gánh hát đi/ sáng ra bờ tre đẫm nước mắt/ vọng cổ ơi/ mặc kệ chồng em rất cải lương/ khi yêu/ ai chẳng xuống xề” (Vọng cổ).

Người viết cần tri kỷ, vẫn mong nghe một âm vọng. Trên hành trình sáng tạo không ngưng nghỉ là những náo động tâm tư. Nên dẫu đường đời từng trải, qua rất nhiều những ngõ nhỏ đời người, vẫn nhớ về một ngõ vui bởi nụ cười của người thương:

“Một mai ta thôi bước/ tuổi trẻ dừng phía sau/ xin gởi hồn về cũ/ là gặp ngõ ban đầu” (Ngõ nhỏ).

Nhà thơ luận về sự đi lạc ngỡ như dại khờ, đi lạc vào đời người khác hay người khác lạc vào đời mình. Hỏi và chỉ để hỏi, cũng như một lý giải qua biển cả và giọt mưa, loanh quanh không thoát khỏi đời mình.

“Để mốt mai này/ những bước đi đã hết/ chị vẫn muôn vạn lần/ đi lạc/ trong cuộc đời/ của các con” (Đi lạc).

Đọc thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, ta càng hiểu thêm về chị, nhất là khi nhà thơ từng trải qua quãng đời cơ cực của một gia đình trí thức, tần tảo vượt qua lận đận thời cuộc. Cay đắng nhiều, thêm quả ngọt, vợ chồng chị nuôi con khôn lớn, thành tài. Dù không còn những lãng mạn vẩn vơ song phía sau những câu chữ vẫn là màu lãng đãng mà chất chứa những ân tình sâu nặng.

“Chúng ta lấy nhau/ vì khát/ giếng nước yêu/ đứt sợi dây gàu/… em ngó trời/ thấy giếng mọc thành sao”

“Xin anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước” (Đừng múc cạn nỗi buồn).

Người đàn bà mê anh kép Út hóa thành con bìm bịp, ứa câu Văn Thiên Tường rồi chết. Tiếng bìm bịp ám ảnh, có bùa ngải:

“Cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước/ chị về Sài Gòn không đặng/ sợ chồng ghen/ có ai lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng”…

Và hay nhất của “Bìm bịp kêu thương”, với tôi, là câu này “Tiếng chim kêu/ làm góa cả buổi chiều”.

Thơ đi ra từ cuộc sống, thơ làm đẹp cuộc sống và người đàn bà làm thơ đều không tuổi, vẫn mãi là em, nhỏ nhẹ, dịu dàng:

“Anh để quên bên đường/ mùi lá cà độc dược/ em vấn cho mình bao điếu đắng/ rít hoài không giảm cơn đau” ( Anh là sợi khói).

Một tự sự hay một lời trách khéo và nghe nhói lòng:

“Em là miệt vườn/ anh bỏ quên/ ngoài cửa sổ” (Miệt vườn).

Nhẹ nhàng mà sâu lắng, “Những vàm sông đêm” đưa người đọc đi tiếp và dừng lâu hơn trên từng trang thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.

                    Nguyễn Hoàng Hoa 

                                                                    Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác