NGÔI MỘ NHÀ VĂN BESTSELLER VIỆT NAM TẠI SÀI GÒN

Ngày đăng: 1/06/2019 10:21:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Văn giới Việt Nam hiện đại có ba nhà văn thuộc loại có số tác phẩm xếp ngang gần bằng khổ người của mình là Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương và Tô Hoài. Trong số đó, Lê Văn Trương là một nhà văn bestseller đúng nghĩa lúc sinh thời. Ông sinh ở đất Bắc, xuôi ngược khắp nơi, làm đủ thứ nghề, và nổi tiếng là một nhà tiểu thuyết bán sách chạy nhất lúc sinh thời. Nhưng ít ai biết, cuối đời, ông xuôi Nam, về sống và mất tại Sài Gòn.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã viết gần 200 tác phẩm. Theo thống kê, người thân trong gia đình ông hiện lưu giữ được 125 tác phẩm, 96 cuốn đã in và 29 cuốn chưa in. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Đưa cháu đồng bạc, Cô Tư Thung, Một người cha, Một lương tâm trong gió, Trong ao tù trưởng giả, Tôi là mẹ, Cánh sen trong bùn, Trường đời, Hai anh em, Hận nghìn đời, Một linh hồn đàn bà, Một cuộc săn vàng, Sợ sống, Ái tình muôn mặt, Đầu bạc đầu xanh, Những thiên tình hận, Lịch sử một tội ác, Triết học sức mạnh, Hai tâm hồn, Người mẹ tội lỗi, Kiếp hoa rơi,…

Ông được xem là nhà văn “người hùng”, trên cả hai phương diện, model nhân vật nổi bật nhất của ông là “người hùng”, và sức lao động sáng tạo của ngòi bút như một “người hùng”. Văn chương Lê Văn Trương thô ráp, sần sùi, mang đậm hơi thở của đời sống lao động, nhân vật thì mạnh mẽ, dấn thân đến mức gàn bướng cố chấp, khí khái đến mức giả tạo,…

Một bạn đọc yêu văn chương Lê Văn Trương đã từng tổng kết:

Trường đời trải mấy xuân mưa nắng,
Đọng lại nhân gian có Một người.
(“Trường đời” và “Một người” là tên hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn)

Nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964), bút hiệu Cô Lý, là nhà báo, nhà văn Việt Nam thời tiền chiến. Ông sinh tại làng Đồng Nhân (nay là khu phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cha ông là người gốc Hà Đông, lên lập nghiệp ở Bắc Giang. Trước cách mạng tháng Tám, Lê Văn Trương làm rất nhiều nghề: công chức Sở Dây thép, khai khẩn đồn điền, thầu khoán, buôn bò, buôn ngọc, buôn lậu… ở nhiều nơi, có khi sang tận Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… Song, về sau, ông làm báo, viết văn và cộng tác với nhiều báo như: Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá, Việt Nam hồn,… Sau Cách mạng tháng Tám, ông theo kháng chiến, làm chủ tịch Ủy ban Đãi vàng Bắc Bộ, vào bộ đội, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị Liên khu III. Sau bị bệnh, nên ông xin phép về Hà Nội chữa bệnh. Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách, cuối đời thì mất trong nghèo túng tại một con hẽm ở phố Bùi Viện (Quận 1, Sài Gòn).

Năm 1983, thi hài ông được con cái đưa về an táng tại một khu vườn ở phường Thạnh Xuân, Quận 12 hiện nay. Mộ nhà văn nằm lặng lẽ trong một góc khu vườn bên cạnh căn nhà cô con gái rượu của ông, cô Lê Thị Giáng Vân. Tại căn nhà này, cô Giáng Vân đã lưu giữ rất nhiều kỷ vật, sách in và tư liệu về nhà văn. Tại đây, con cháu ít ỏi của ông và bạn đọc yêu văn chương vẫn tụ họp vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm để làm giỗ cho ông.

Lê Văn Trương là một trong những mẫu nghệ sĩ “sống để viết” và “viết để sống”. Gần 60 năm tận hiến, Lê Văn Trương đã để phong cách sống của mình, cuộc đời “hoành tẩu giang hồ” của mình hằn dấu rất rõ trên những trang văn. Nhà văn Triệu Xuân từng viết: “Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nổi bật lên hai văn đoàn. Văn đoàn thứ nhất có trên dưới chục người, do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập, mang tên Tự Lực Văn Đoàn. Văn đoàn thứ hai, thực ra chẳng có đoàn nào cả, chỉ có một người, một người một cõi nghênh ngang, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản, số lượng độc giả say mê tìm đọc không thua kém gì văn đoàn thứ nhất, ấy là nhà văn Lê Văn Trương”.

Chừng ấy thôi cũng đủ để Lê Văn Trương ghi danh mình vào danh sách những nhà văn Việt nổi tiếng. Song theo tôi, cái đặc biệt của nhà văn là bằng một cuộc đời “giang hồ” thuộc loại bậc nhất trong văn giới nước Việt, bằng cách nghĩ của một người trải nghiệm sâu sắc nhất “trường đời”, ông đã khơi dòng cho một chi hệ văn chương đại chúng, đó là văn chương tiêu dùng… Chừng ấy đủ để ông yên tâm nằm giữa Sài Gòn mà vui vẻ bên người thân và bạn đọc !

Bài và ảnh TUỆ LÃNG

 

 

 

Có 1 bình luận về NGÔI MỘ NHÀ VĂN BESTSELLER VIỆT NAM TẠI SÀI GÒN

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc và biết thêm về nhà văn Lê Văn Trương, người cũ của một thời.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác