LÀM BÁO XUÂN NHƯ THẾ NÀO ?

Ngày đăng: 11/02/2019 06:03:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi làm báo Tài chính Thị trường từ năm 1995, đây là tờ báo kinh tế chuyên về tài chính, ngân hàng chứng khoán. Tuy nhiên, khi làm báo xuân thì tờ báo không được khô khan, phải có thêm văn hóa, xã hội , ẩm thực  cho người đọc nhẹ đầu trong những ngày xuân. Không biết các báo khác làm báo xuân như thế nào chứ báo Tài Chính thì có thành lập ra một tổ biên tập riêng cho tờ xuân. Tổ này đưa ra đề cương báo, một số bài về chính trị, một số  bài về kinh tế, văn hóa, xã hội. Gom bài vở, biên tập kỷ, chọn lọc xong làm montage, xem bon 1 đem đi nhà in là giải tán tổ báo xuân.

Đứng đầu ban báo xuân là nhà báo Vũ Hạnh Hiên, nguyên phóng viên báo Nhân dân. Vũ Hạnh Hiên là người viết báo giỏi có nhiều kinh nghiệm, trước đây ông ở miền Bắc lấy bút hiệu Vũ Hạnh, khi vào Nam ông thấy có nhà văn Vũ Hạnh, lớn tuổi và nổi tiếng hơn mình nên ông liền đổi bút danh là Vũ Hạnh Hiên. Trước năm 1997 chưa có báo mạng, ông viết những gì tôi chưa được biết và ngay bây giờ tìm những bài báo ông viết hay tiểu sử của ông cũng tìm không ra, hy vọng những người cùng thời với ông sau  nhắc lại để lớp đàn em còn biết đến. Tuy nhiên, tôi nhìn ông biên tập báo, cách hướng dẫn phóng viên viết bài mà đoán được “công lực” ông cỡ nào. Ông có tật thích uống bia, sáng chiều phải có vài ve mới làm việc được, nhờ vậy tôi biết được khả năng phân tích bài vở của ông  trong những chiều sau khi làm việc.

Mấy năm đầu các báo cũng theo mô típ cũ của báo xuân trước 75, năm nào cầm tinh con gì thì có bài về con vật đó , sau có chế thêm năm Hợi phỏng vấn doanh nhân, nghệ sĩ tuổi Hợi. Báo đoàn thể thì viết về lãnh đạo tuổi Hợi. . . Về hình thức thì mỗi báo có sáng kiến riêng, báo nào cũng có cây mai, cây đào, cô gái áo dài màu sặc sỡ. Tuy nhiên, hình ảnh cũng có thể phạm chính trị nếu có ai soi vào. Có năm báo tỉnh bị thổi còi do đưa hình cô gái bán vé số lên trang bìa vì cho rằng sao không lấy hình cô công nhân viên chức. Tay họa sỹ trình bày bìa hoảng quá nhưng thông minh biện hộ : “ cô bán vé số Kiến Thiết cũng là người của công ty XSKT, người của nhà nước đó chớ”. Do bìa báo quan trọng như vậy nên báo này ăn cắp ý tưởng báo kia chế biến lại một chút. Ngày các báo xuân phát hành ngoài sạp, sếp báo ra sạp gom vài tờ báo đẹp đưa cho kỷ thuật viên trình bày lại theo ý mình. Trong tòa soạn có vài người thì thầm, đọc giả chỉ cần mua một tờ báo mình là tổng hợp được các tinh hoa các báo xuân năm nay!

Nói về đề tài năm con gì thì viết bài liên quan năm con đó sau này chỉ còn các báo tỉnh thực hiện, báo trung ương xem đó là lỗi thời. Nhớ năm 2003, một cây viết lão thành ở Vĩnh Long khoe với tôi, năm nay anh bán con dê được sáu chỉ vàng, tức nói nhuận bút viết về dê tổng cộng được giá như thế !

Báo xuân có chức năng giải trí nên chọn bài vở sao cho nhẹ nhàng , ít đề cập chính trị mà người đọc ngán ngẩm từ lâu. Nhà báo viết khô khan nên các nhà văn thường được các báo mời cộng tác trong dịp này. Đắc hàng nhất là nhà văn Sơn Nam, kể chuyện ăn tết xưa ở miền Nam, tục lệ thờ cúng ông bà, giai thoại về nhà văn xưa ăn tết thế nào? Cây viết ăn khách nữa là Nguyễn Ngọc Tư, cô này dân Cà Mau nổi tiếng với Cánh Đồng bất tận. Sài Gòn tiếp thị có lúc mời Nguyễn Ngọc Tư về viết, trả lương cao, cô hỏi về đây viết gì, lãnh đạo báo nói cô viết gì cũng được miễn không viết báo là được rồi.

Thật ra người đọc cũng kén tay viết; về văn học thì các nhà văn tên tuổi, nhà báo kỳ cựu, về kinh tế thì mấy ông tiến sĩ  tốt nghiệp nước ngoài, các giáo sư các trường đại học như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Thọ … Trong làng, nhà báo, nhà văn thì đông nhưng tìm người viết báo tết rất là khó. Theo thư ký tòa soạn tạp chí KTNN thì  các vị giáo sư không thích viết báo, vì viết một bài báo mất nhiều thời gian nhưng chỉ dùng được một lần, trong khi soạn bài giảng thì dùng được nhiều lần mà thù lao giảng dạy nhiều lần hơn hẳn viết một bài báo.

Mấy năm càng về sau, bài tết hay càng hiếm do người viết có tên tuổi ngày càng mai một. Nhớ những năm nhà văn Sơn Nam còn sống, các báo đặt bài ông viết không kịp. Báo Bà Ria Vũng Tàu thấy tôi thân với Sơn Nam nên nhờ tôi đặt bài. Sáng chủ nhật tôi lên thư viện Gò Vấp uống cà phê với ông và đặt một bài viết cho báo tết. Ông hỏi một bài viết cho báo Vũng Tàu được bao nhiêu tiền. Tôi nói , anh Triệu Hải – thư ký Tòa soạn nói báo ở Sài Gòn bao nhiêu, báo Vũng Tàu trả bấy nhiêu. Ông cười nói : Ngon nha !

 

Nói thế chứ  cả tuần sau tôi chưa thấy bản thảo hay bài viết của ông đâu cả ! Trong khi , ông phát họa cho tôi nghe rất ư hấp dẫn, nào là Lịch sử đình Thắng Tam, Vua Bảo Đại làm gì ở Vũng Tàu …Một người thân cận của ông nhắc nhở , muốn đặt bài thì phải ứng tiền trước. Thế là , tôi phải móc túi lấy ba trăm ngàn, tương đượng 25% nhuận bút cho ông. Ông nói, viết cho Vũng Tàu mà không được đăng thì đem về gửi bản tin Gò Vấp nó cũng chê !

Tôi theo ông mấy tuần liền để lấy bài, một hôm ông bảo có bài rồi, vội vàng vào tủ mà Thư Viện dành cho ông lấy ra một sấp giấy tập học sinh viết tay khoảng gần 30 trang giao cho tôi. Tôi mừng quá, chẳng kịp đọc trong đó viết gì vội gửi về Vũng Tàu để lên khuôn. Chữ ông viết khó coi, nghe đâu anh Triệu Hải nhờ nhân viên đánh máy đánh lại và anh biên tập thì mới đăng được. Khi báo ra, nhìn bài đăng tôi phục người làm tòa soạn vì họ đã cắt gọt sao cho phù hợp với trang báo, phù hợp với tính cách của ông già Nam bộ kể chuyện lịch sử khẩn hoang vùng Bến Nghé. Thật ra, tòa soạn báo chỉ cần tên Sơn Nam để quảng cáo tầm vóc của báo thôi chứ bài viết mà để tên người khác thì chưa chắc.

Năm nào cũng vậy, gần tới thời gian làm báo xuân là các báo ra thông báo kêu gọi nhà văn, cộng tác viên từ các nơi gửi về.  Lẽ ra , tòa soạn phải chọn bài hay nhất để đăng, nhưng còn vấn đề tình cảm, quen biết mà chọn sao cho có tình. Bài của phóng viên cơ hữu phải được đăng ưu tiên vì nghĩ đến cảnh là một người gắn bó với báo cả năm trời, báo xuân không có bài nào thì buồn lắm. Ưu tiên kế tiếp là bài đặt của các cây viết tên tuổi như đã kể trên, còn lại mới là bài hay, hấp dẫn, không có không được.

Các bài của cộng tác viên bị rớt từ báo xuân sẽ được đăng trong số tất niên, số tân niên, đương nhiên nhuận bút kém và không được sang trọng bằng bài đăng trong báo xuân. Gần tết, cộng tác viên xem số tất niên thấy bài mình được đăng là buồn năm phút, nó đồng nghĩa với bài gửi báo xuân bị đẩy ra ngoài. Có kinh nghiệm này, tôi thường tìm mua các báo số tất niên của Kinh Tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ cuối tuần, trong số báo này bài vở đặc sắc như báo xuân mà  giá báo là báo thường. Có lần ngu si , tôi đem kinh nghiệm này ra viết bài phổ biến với người đọc, chẳng báo nào đăng cả !!

Tôi còn có kinh nghiệm “bá đạo”  là không mua báo xuân sớm, vì giá báo xuân đắt gấp mươi đến hai mươi lần báo thường. Thí dụ tờ báo Xuân TT giá 45.000 đ, chỉ cần qua đến mùng 9, mùng 10  tháng giêng ngoài hiệu sách cũ còn 8.000 đồng. Vì sao mà rẻ như vậy? Báo xuân khi phát hành, các quan chức được phóng viên biếu, tòa soạn biếu, các nhà kinh doanh được tặng, có khi họ được tặng hai ba tờ giống nhau, để chật nhà nên hết tết là bán kí lô cho bà ve chai, báo sẽ theo đường dây sách báo cũ về tiệm, mình ra đó mua để bổ khuyết cho bộ báo xuân năm Tuất của mình.

Ở miền Nam, độc giả xem báo xuân rất quan trọng, ngày tết trong nhà có vài tờ báo xuân cùng quả bánh mứt trên bàn, khách đến xông đất ai trò chuyện thì trò chuyện, ai đọc báo thì liếc qua vài tờ để gọi là thưởng xuân.  Là dân yêu văn nghệ các bạn tôi có khi cả năm không đọc báo Văn Nghệ trung ương (Hội nhà văn) nhưng đến tết cũng mua  một tờ với  giá đắt thấu trời bỏ trong nhà để biết nhà văn , nhà thơ nào được chú ý, ai lui vào dĩ vãng.

Lương Minh

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác