Rạch Giá thuở lên 10!

Ngày đăng: 5/01/2019 10:32:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Rạch Giá nằm ven biển, có 2 con dòng nước ăn thông với nhau và chạy gần như song song, một là rạch Vàm Trư, hai là Sông Kiên, sông Cái Lớn, bắt nguồn từ rạch Cái Lớn, U Minh Thượng, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện,  khi vào xã Vĩnh Thắng, quận Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (quê của soạn giả tuồng cải lương nổi tiếng Hà Triều chung với Hoa Phượng người Núi Sập, tỉnh An Giang), rạch rộng dần ra thành sông. Từ đây, dòng sông chảy theo hướng Tây Bắc, ôm lấy một cù lao, trên đó mọc nhiều cây giá (cùng họ với mắm, đước) rồi trổ ra biển.

Thấy mặt đặt tên, những người đến trước đã đặt tên cho khu vực này là ‘Cù lao Giá’, con rạch bám riết cù lao là rạch Cây Giá. Rồi tỉnh lỵ Rạch Giá thành lập trên đất cù lao nầy.

Từ Rạch Sỏi về tỉnh lỵ Rạch Giá, có cái cổng Tam Quan. Phía trên cổng có hàng chữ “CHÂU THÀNH RẠCH GIÁ”; chiều ngược lại có hàng chữ ‘TỔ QUỐC TRÊN HẾT”.

Muốn vào tới trung tâm tỉnh lỵ Rạch Giá ngày xưa đó, bà con mình phải đi qua hai chiếc cầu quay.

(Nhắc tới cầu quay, tui lại nhớ tới Mỹ Tho, thị xã quê mình. Khoảng 1890, Tây xây cây cầu đầu tiên bắc qua kinh Bảo Định để thay thế cho những cây cầu tre thô sơ hay những chiếc đò ngang nhỏ bé.

Cầu quay Mỹ Tho theo thiết kế của ông Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel, một thắng cảnh kiến trúc lừng danh tại thủ đô Paris, nước Pháp.

Thời thực dân chiếm đóng nước ta, Tây xây cầu xe lửa Bến Lức, cầu xe lửa Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông) ở trong Nam; cầu Hàm Rồng Bắc Trung bộ, thuộc tỉnh Thanh Hóa (bắc qua sông Mã xa rồi Tây tiến ơi); cầu Long Biên, gần Hà Nội (bắc qua sông Hồng). Tây gọi là cầu Doumer, theo tên  Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Mà dân mình khi kêu tên cầu như một tiếng chửi thề quân cướp nước).

Cầu quay, thoạt kỳ thủy, hoàn toàn làm bằng sắt thép vì thế giới chưa chế ra bê tông cốt sắt.  Để cho tàu bè lưu thông qua lại, hai đoạn của nhịp giữa tách ra và được kéo lên cao như hình mái nhà; xong hạ xuống, hai nhịp lại ráp vào nhau cho xe cộ và người bộ hành qua lại.

Dĩ nhiên tàu bè qua lại dòng sông nầy phải chờ tới giờ công nhân dùng tay quay hệ thống ròng rọc để kéo hai đầu nhịp cầu lên cao, mở ra.

Cầu quay nhà lồng chợ Rạch Giá bắt ngang sông Kiên, nối liền khu thương mãi với khu hành chánh cũng vận hành y như thế.

Riêng cầu quay Vàm Trư, trước khi vào tới nội ô Rạch Giá, thì khi quay nhịp cầu, nó chơi kiểu khác, thụt vào đất liền, dòng rạch thông thoáng để tàu bè chạy tới, chạy lui.

 

***

Tháng Sáu năm 1960, tui mới được 9 tuổi, thì thân phụ tui đổi từ quận Cái Bè, tỉnh Định Tường về làm Trưởng ty Bưu Điện Rạch Giá. Coi như được thăng chức vì từ quận lên tỉnh.

(Tỉnh Rạch Giá lớn nhứt về diện tích miền đồng bằng sông Cửu Long, dẫu vậy tỉnh lỵ lại nhỏ; nhỏ nhưng trù phú; vì vừa có rừng vừa có biển. Năm 1960 Đại tá Hoàng Văn Lạc, làm Tỉnh trưởng; ông nầy lon lá hơi to; thường chỉ cấp bậc Thiếu tá mà thôi. Còn ông Phó hành chánh là Nguyễn Văn Nam.  Hai ông nầy là ‘xếp’ của thân phụ tui, theo hàng ngang. Còn theo hàng dọc, Ty Bưu Điện trực thuộc Nha Bưu Điện Nam Phần đóng tại thủ đô Sài Gòn.)

Ngày dọn đi, ông quận trưởng Cái Bè Nguyễn Bá Cẩn (sau làm tới Thủ tướng cuối cùng của chế độ Sai Gon) cho xăng và tài xế để chở ba, má với 6 anh em tôi, cùng con chó Ki Ki (của ông quận đoàn trưởng Công Dân vụ quận Cái Bè cho lại trước khi ông lên đường đi Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường để đáo nhậm nhiệm sở mới) trên một chiếc xe bán tải (pick-up) Citroen trực chỉ qua Bắc Mỹ Thuận, Bắc Vàm Cống. Khởi hành từ 8 giờ sáng, chạy hoài chạy hủy, tới 4 giờ chiều mới tới Bưu Điện Rạch Giá nằm ở số 2 đường Tự Đức.

Ông ngoại tui từ quê theo tiếp con gái, con rể để dọn nhà. Tới nơi mệt quá, nằm lăn ra ngủ. Được một lát, miệng ú ớ la, rồi choàng tỉnh, mặt xanh lè, xanh lét. Ông ngoại tui gặp ‘quỷ’; vì đang nằm ngủ có một ông mặt đằng đằng sát khí đến, kéo giò hỏi: “Chú em là ai? Sao lại dám đến đây?” Má tui thuật lại chớ tui không dám đặt chuyện đâu nhe, thưa quý bà con.

Chắc vì tin tưởng có người khuất mày, khuất mặt như vậy nên thân mẫu tui rất siêng đi chùa. Mỗi lần rằm lớn, má đều dắt tui lên chùa Tam Bảo, hay gặp thầy Thành, dạy tui lớp Nhứt trường tiều học tỉnh ly Rạch Giá, mặc áo dà, chắp hai tay lâm râm đọc kinh Phật. (Lúc đó ông Mã Sanh Long làm Trưởng ty Tiểu học).

Rằm tháng Bảy, cúng cô hồn các đảng, thì đi chùa Thập Phương. Trên vách tường có vẽ mấy cái hình quỷ sứ cưa hai người ra đem nấu dầu; hình người ngồi trên bàn chông đầu đội chậu máu, những hình phạt tàn khốc cho kẻ làm ác ở thế gian. Coi ghê lắm. Lúc má kêu vào ngồi bàn đàng hoàng ăn cơm chay, tui no ngang hông hè, nuốt hổng vô, bèn buông đũa ra thơ thẩn phía sau chùa kế một dòng kinh. Cảnh vật coi êm đềm, u tịch.

Trước cổng chùa, có một chú tiểu ngồi vắt vẻo bên cạnh cái thúng, thí cô hồn, ném xuống nào là mía, bắp, khoai mì, khoai lang luộc, bánh tét, bánh ít… Có cả tiền cắc, tiền giấy, nhiều nhứt là 5 đồng. Đứa cô hồn nào giựt được khoái chí, la inh ỏi.

Nhỏ tuổi, nhỏ con, giựt không lại đám cô hồn sống nầy, đành chịu thua, tui làm khán giả đứng coi chơi.

(Có lẽ từ đó, học được bài học nầy, lớn lên ra đời thấy thiên hạ giành danh, giành lợi, giành gái, la chí chóe; tui chỉ lặng lẽ chuồn êm. Vì trong cái vòng danh lợi cong cong đó mình không đủ sức).

***

Ngang Bưu Điện, cũng ở trên đường Tự Đức, số 1, bên tay trái, là công quán. Lâu lâu gánh cải lương về hát ở rạp Đồng Thinh bên chợ là mấy ông kép chánh đến trọ ở đây. Trong đó có danh ca Minh Chí, vua xàng xê, hát cho đoàn Minh Chí Việt Hùng.

Thuở ấy là thằng nhóc mới 9, 10 tuổi thôi nhưng rành sáu câu như vậy vì Tía tui ngoài làm cho Bưu Điện, còn có thêm nghề tay trái là ký giả kịch trường nên mấy đoàn hát về Rạch Giá, soạn giả Bạch Diệp Minh Nguyên hay gởi thiệp mời và Tía tui luôn dẫn tui theo coi chơi.

Ngoài ra Rạch Giá còn hai rạp hát chiếu bóng là rạp Hòa Lạc và rạp Châu Văn ở đường Phó Cơ Điều gần bến xe đi Sài Gòn.

Nhớ Noel năm 1961, rạp Châu Văn chiếu phim Nhựt Bổn “Quỷ đồng đen”, mặc áo giáp sắt đi nhát con nít. Coi phim xong về ngủ nằm mơ thấy ‘quỷ’ không hè.

Rạp Châu Văn bề thế, nhiều ghế ngồi hơn rạp Đồng Thinh nên đại ban nào cỡ Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, chủ hãng dĩa Hoành Sơn, về mướn, hát tuồng dã sử ‘Tiếng trống sang canh’ của soạn giả Thu An.

Vai chánh vua Lê Long Việt do vua vọng cổ Út Trà Ôn đóng, mặc hoàng bào bị em mình, hôn quân Lê Long Đỉnh, rượt phải chạy tuốt vô rừng. Sương xuống lạnh, tuyết (bằng bông gòn) thả xuống rơi rơi, chơi luôn 6 câu vọng cổ muồi rệu nên ăn khách tợn.

Ngoài ra còn có người khổng lồ cao tới 2 mét 2 (tên là Nguyễn Văn Dữ quê ở Ba Tri, Bến Tre) theo xe ngựa đi phát quảng cáo, kích thích sự tò mò của bà con mình nên càng ăn khách tợn hơn nữa.

***

Nhắc tới Rạch Giá là phải nhắc tới nhà lồng chợ, nơi bán cái gì cũng ngon hết ráo. Mà nổi tiếng nhứt là bún cá nên có câu rằng: “Lần đầu ăn tô bún cá. Chạy dìa Rạch Giá bỏ má theo em!”

Tấm tắc khen, ca tụng bún cá Rạch Giá của người em xứ Kiên Giang như vậy là đụng la phông rồi. Bún cá ngon, ham ăn đến nỗi thành thằng con bất hiếu.

Giống như  mấy đứa con nít khác, cùng tuổi, thèm đường, hảo ngọt (giờ già khú đế rồi tui vẫn còn ‘hảo ngọt’) khoái ăn bánh bao ngọt của tiệm cà phê Quách Xái bên hông chợ, giá 2 đồng một cái.

Nhưng ba tui lại thích ăn sáng bằng bắp với xôi. Bắp giã, hột bắp xay sơ sài rồi đem hầm, trắng nõn, ăn với dừa rám nạo, rắc đường với lại muối mè. Ngoài ra còn xôi nước dừa, xôi nghệ. Vừa ngon vừa rẻ cũng chỉ tốn 2 đồng. Mấy đứa em tui thì khoái bánh bò, bánh da lợn, bánh tằm nước cốt dừa.

Còn cái xe bán mì hủ tiếu ở đường Phó Cơ Điều nữa chớ. Nhớ một hôm, tui ngủ sớm, giựt mình dậy, nhà vắng hoe; mới hay ba má dắt đám em mìmh qua đó ăn hủ tiếu mì.

Tui bèn lấy chiếc xe máy (hồi xưa gọi là xe máy nhưng không có gắn cái máy nào hết, tức xe đạp bây giờ) chạy theo. Chiếc xe đạp đòn dông cao, tui lại lùn beo, đâu đủ thước tấc để ngồi lên yên xe mà chạy. Bèn thọt cái chân ngang qua cái khung hình tam giác, đạp cà ẹo, cà ẹo nhưng vẫn chạy vo vo như người ta làm xiếc.

Qua cầu Cá chợ Rạch Giá quẹo tay trái chạy dọc bờ sông, xe đạp cán cục đá, tui té xuống, dộng đầu xuống mặt lộ nghe cái cốp. Tới nơi, được má cho ăn tô hủ tiếu mì lớn, ngon hết biết, mà vẫn còn hoa mắt, đầu vẫn quay mòng mòng.

Tối hôm đó về, nửa khuya lên cơn sốt, tui ói hết tô mì ra gối. Mở mắt nhìn lên, thấy má tui đang chườm nước đá lên cái trán nóng sâm sấp của mình.

Sau nầy lớn lên mới biết là tui bị té nặng đến nỗi chấn thương đầu, chưa nứt sọ để đi chầu ông bà ông vải đã là may. Chắc ông Trời bắt tui phải sống trên cõi đời ô trọc nầy mà trả cho xong nợ tiền kiếp cho con vợ của tui sau nầy.

Ôi! Nếu có kiếp sau, Diêm Vương hỏi: “Ê đầu thai trở về dương thế, chú mầy có muốn sống sướng như Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày ăn cho no mập rồi đi nói dóc hay không?”

“Dạ không! Chỉ xin Diêm Vương cho tui được tiếp tục làm con của má tui thế thôi!”

 

                                                                   Cầu Vàm Trư. Rạch Giá.

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Có 2 bình luận về Rạch Giá thuở lên 10!

  1. Kiều Phương nói:

    Bài tự sự nhưng đọc để nhớ lại một thời xa xưa, biết thêm một vùng đất miền Nam ngày xưa. Mong được xem sáng tác mới

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cảm ơn  những bài viết rất hay của tác giả Đoàn Xuân Thu.

     

Trả lời Kiều Phương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác