KHẮC KHOẢI TẾT QUÊ

Ngày đăng: 19/01/2019 08:52:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Mùa bấc đi qua sớm hơn mọi năm. Gió xuân đã bắt đầu thổi xạc xào trên những dòng sông tôi đi qua. Cánh đồng tĩnh lặng, lúa chín vừa được gặt xong để lại những gốc rạ khô trơ trọi trên đầm đất phơi mình trong ánh nắng hanh vàng. Người thương hồ chúng tôi thường đón tết bằng tâm trạng bộn bề, bằng nỗi lo áo cơm và nỗi niềm hoài nhớ hoài thương về miền quê xa ngái. Tôi nghe ba thỏ thẻ với má: “Tui với mình vất vả cả năm trời, tết nhứt tới nơi thì để lòng thư thái, đừng lo nghĩ chuyện mưu sinh”. Ba dặn vậy chứ ba cũng lo, sự khắc khổ nhọc nhằn hiện hình trên nét mặt. Má tôi cười hiền, chiều chiều má xách gàu ra sau lái múc nước sông gội đầu, rửa mặt, rửa tay. Còn tôi, mỗi khi gió xuân hây hẩy lùa trong nắng, lòng tôi lại mơn man nhớ về cái xóm nhỏ êm đềm nép mình bên bờ rạch Mái Dầm, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, được sống những ngày ấu thơ bình yên ngọt ngào trong sự cưu mang, đùm bọc của những con người hiền lành tình nghĩa.
Tôi cứ thương hoài ngày tết quê mình. “Tết xứ mình vui lắm. Ăn tết xứ nào cũng không bằng ăn tết quê mình”, má tôi nói vậy, nước mắt lưng tròng. Tết – quê – mình, ba tiếng ấy nghe đơn giản nhưng với chúng tôi sao xa vời quá. Ngày chúng tôi còn sống trong căn nhà lá trong rạch Mái Dầm, tết năm nào má tôi cũng ngào mấy mẻ mứt, gói dăm bảy đòn bánh tét nhân chuối nhân mỡ thơm lừng rồi biểu tôi đem biếu cho hàng xóm. Những con người lương thiện sống quanh quẩn trong con rạch nhỏ sớm ngắm nắng rải trên đồng, chiều nghe tiếng bìm bịp thắt thẻo kêu, đợi chuyến đò muộn về ngang qua vàm sông mà ngóng trông người xa xứ. Chúng tôi đùm bọc lẫn nhau, có bánh mứt cũng chia đều mỗi người một ít. Chúng tôi trọng nghĩa tình hơn tiền bạc, tháng năm trôi qua ngọt bùi như mùa nước phù sa. Khoảnh khắc cả xóm nhỏ kéo nhau ra cánh đồng đốt đống rạ khô đêm giao thừa, lửa rơm rực rỡ, khói trắng cuộn lên bầu trời,… cứ sống dậy trong lòng tôi mỗi khi tết đến. Ba hứa với má con tôi: “Làm ăn khấm khá nhà mình về xóm Mái Dầm một chuyến cho út Ny thăm ông bà, vợ chồng mình thăm bà con chòm xóm”. Lòng tôi nôn nao. Đã ba năm chúng tôi ăn tết thương hồ lang bạt trên sông. Chiếc ghe cứ đi trên hành trình mưu sinh tứ xứ, ngày tết, ba cho ghe dừng lại ở một quãng sông nào đó nghỉ ngơi cho đến khi trăng rằm tháng giêng dịu dàng soi xuống lòng sông ba mới nhổ sào lui ghe. Chân vịt cứ tành tạch quay đều, mũi ghe cứ xé sóng tiến về phía trước. Trên hành trình sông nước lênh đênh đã có lúc tôi nhớ đến khắc khoải những nếp nhà rơm rạ chân quê êm đềm trong xóm Mái Dầm, nhớ cầu tre quê hương, nhớ khuôn mặt tảo tần và nụ cười dễ mến của những người xóm nhỏ. Dòng đời đưa bến sông quê xa mãi, xa mãi, những ký ức về mùa tết năm xưa cũng lùi vào giấc mơ hoang hoải mờ xa…

  Chiếc ghe tôi đi qua muôn nẻo rộng sông dài. Trời đã sáng và tôi cũng đã thức từ lâu. Tôi nằm trong ghe tai lắng nghe sóng vỗ oải oạp ngoài sông. Hình như chiếc ghe đang chạy ngang qua một xóm ven sông nào đó. Tôi nhổm người ngồi dậy, má tôi đang ngồi phía sau lặt rau, tôi hỏi khẽ:
– Mình đang ở đâu vậy má?
Má vẫn cúi mặt nhặt rau muống thả gốc rễ xuống dòng sông, ngập ngừng giây lát, má nói:
– Má không biết. Ngồi dậy mà coi, xóm nhỏ đông vui lắm!
Nghe má nói, tôi vội vã chải lại mái tóc rồi ra mũi ghe ngước mặt nhìn. Cuộc phiêu lưu của chúng tôi đi qua hàng trăm xóm làng mà tôi không nhớ hết tên, chắc xóm Mái Dầm đã để thương để nhớ trong lòng tôi nhiều quá, trái tim tôi đã dành trọn cho xóm cũ không còn chỗ cho bất kỳ cái tên nào khác suốt dọc đường sông nước. Hai bên bờ, nhà cửa san sát nhau. Những ngôi nhà sàn ló ra sông, trên sàn lãn có người ngồi khom người cọ nồi, rửa chén, giặt đồ. Thấy ghe chúng tôi đi ngang qua, đám con nít trên bờ trần truồng như nhộng, mặt mày đen nhẻm trỏ tay theo rồi nói xô lô câu gì tôi không nghe rõ. Chúng còn đứng trên cầu nhảy xuống sông, nước văng bọt tung tóe. Tôi nhìn về phía bọn trẻ, mỉm cười. Một đứa con nít độ chừng năm, sáu tuổi cũng cười lại với tôi. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm lên. Những tia nắng nhảy múa trên mặt sông vui mắt, ghe xuồng xuôi ngược, ngọn gió lộng hất mớ tóc mai của tôi phất phơ.
– Bữa nay ngày mấy rồi hả má? – Tôi hỏi.
Má tôi chau mày ngẫm ngợi rồi nói trổng:
– Ba mươi.
– Trời, qua bữa nay là năm mới rồi, nhanh quá má ha.
– Ừ, ngoảnh đi ngoảnh lại có bao lâu đâu.
Đi ghe, có lúc tôi quên cả ngày, cả tháng. Tôi thường đếm thời gian bằng chu kỳ của mặt trăng: trăng tròn, trăng khuyết, trăng khuất mây mờ,… Ba tôi than sống trên sông mù tịt tin tức, tháng ngày, giống như mình đang ở một thế giới khác. Má sợ ba buồn nên hôm nọ vừa tan buổi chợ má ghé vào cái tiệm nhỏ cuối chợ mua cho ba cái radio cũ để ba nghe thời sự, nghe cải lương cho đỡ cô quạnh. Đã ba mươi tết – ngày cuối cùng của năm, vậy mà chúng tôi vẫn lặng lẽ như những ngày bình thường khác. Bỗng tôi thấy chạnh lòng, mắt cay xè, tôi ngoảnh mặt đi để má không thấy tôi khóc. Ở xóm lạ, các nhà đã chuẩn bị đón tết cả rồi. Ngồi trước mũi ghe tôi ngửi thấy mùi mứt phơi đặng nắng bay là là trong gió. Mứt gừng, mứt mít, mứt đu đủ,… hương mứt nào tôi cũng nhận ra. Tôi chợt nhớ những ngày sắp tết mấy năm về trước, má tôi cũng tất bật chuẩn bị làm mấy món mứt ăn tết, gừng má trồng trong vườn, dừa ba hái trên cây. Trưa nắng, tôi bưng mẻ mứt gừng ra sân phơi rồi ngồi canh lũ trẻ trong xóm. Đêm xuống, má ngồi quệt mồ hôi ngào mẻ mứt dừa, má thêm chút màu xanh, màu hồng cho bắt mắt. Đêm ba mươi khuya lơ khuya lắc cả nhà vẫn còn thức đợi giao thừa trong tiếng nổ lép bép của những đốm lửa bung ra dưới nồi bánh tét sôi sùng sục. Tôi ngồi canh bánh đầu suy nghĩ vẩn vơ, cũng có khi tôi ngủ gục, nước sôi réo rắt làm tôi giật mình thức dậy chạy đi múc nước châm thêm vào nồi rồi thức đến sáng. Đêm giao thừa nghe má kể chuyện ngày xưa, chuyện những miền quê nghèo mà má đi qua đón cái tết trong không khí bình yên quá đỗi. Má bảo: “Hồi thương hồ cơ cực lắm”. Má đâu biết được rồi sẽ có ngày má lại trở về với kiếp thương hồ lang bạt muôn nơi. Bên kia sông, nhà bà nội đốt đống lửa trước sân nướng bánh phồng, tự dưng tôi muốn qua bên ấy mà chiếc xuồng đã chìm nghỉm dưới bến sông, lòng tôi tiếc nuối vẩn vơ…
Ước gì mình được ăn tết trên bờ, được sống lại trong không khí náo nức năm xưa chứ không phiêu dạt như cánh lục bình trôi về vạn nẻo. Tôi nghĩ bụng.
Ba năm bôn ba, chiếc ghe nhỏ nương nhờ con nước. Chúng tôi đi qua quãng sông bình yên, quãng sông nổi sóng. Đời thương hồ phụ thuộc vào sông, má sợ sông giận nên tết năm nào má cũng bưng mâm gạo muối ra mũi ghe khấn vái rồi thả tất cả xuống lòng sông sâu. Má tin sông sẽ chở che cho cuộc đời của ba con người vì nợ nần cùng túng đành bán mảnh đất máu thịt nơi xóm Mái Dầm rồi đi ghe tha phương cầu thực, nay đây mai đó, gặp nơi đất lành chim đậu là dừng lại buôn bán, làm ăn,… mấy hôm lại đi. Mùa thì chăn vịt chạy đồng, lúc thì bán hàng bông, buôn gạo, buôn muối… Chúng tôi cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, nhưng nỗi nhớ quê hương cứ lịm mãi trong lòng mỗi độ gió xuân hây hẩy.
Chiếc ghe rời xóm nhỏ chạy ra sông lớn, dòng sông chia làm ba nhánh – ba ngã rẽ. Ba tôi loay hoay không biết rẽ hướng nào. Má nói:
– Kiếm cái chợ dừng lại để tui lên bờ mua lặt vặt mấy thứ ăn tết.
Ba “Ừ” rồi tấp ghe vào chợ nổi trên sông. Buổi chợ sáng hôm ấy, má tôi mua nải chuối, rau thịt, chục khóm, ít mứt dừa, mứt chuối… rồi ghe tành tạch chạy đi. Ba hỏi:
– Mình ghé đâu đây?
– Ba út Nỵ coi chỗ nào thoáng thoáng thì ghé, tui đâu có biết.
Ba tôi rẽ ghe vào một khúc sông vắng, trên sông lục bình lơ đãng trôi. Nắng xuân cũng trôi. Hai cánh đồng mênh mông gió, cái cây khô nằm trơ trên bờ, xóm xa xa, khói bếp vẩn lên nền trời trắng muốt… Ba dừng lại đây, nghĩa là năm nay chúng tôi sẽ ăn tết ở nơi đây, vùng đất lạ huơ lạ hoắc mà tôi chưa bao giờ nghe nhắc đến. Đời chúng tôi cứ thế mà lang bạt đến những miền đất khác nhau, những dòng sông xa xôi chằng chịt trên dãy đất miền Tây này không dứt quãng…
Ôi, tôi nhớ xóm Mái Dầm đến rụng rời, nhớ bến sông quê, nhớ mái nhà nhỏ nép mình bên bờ sông, sau nhà là cánh đồng. Chắc người dân chân quê cũng nhớ tôi, nhớ ba má tôi nhiều lắm. Tôi nhớ mảnh vườn, gốc rạ, đống rơm khô. Nhớ tất cả. Nơi đây không phải là chỗ mà tôi yêu thương, không phải nơi tôi được sinh ra và lớn lên, có một tuổi thơ thật ngọt ngào, bình yên rực rỡ.
– Má ơi, ba ơi,… con muốn về xóm Mái Dầm ăn tết. Mình về nhà, về với ông bà, với bà con lương thiện… được không ba?
Má tôi bật khóc. Còn ba, nghe tôi năn nỉ, ba ngồi im lặng sau lái rít thuốc, mắt ba nhìn cụm lục bình trôi trên sông. Chắc ba nghĩ gia đình mình cũng lênh đênh như cụm lục bình ấy. Chắc ba nhớ quê đến khắc khoải trong lòng…
– Mình khổ quá, đất ruộng đã bán đi rồi, mình chỉ còn cái nền nhà trơ trọi cỏ rày mọc hoang,… lấy gì mà sống hả con?
– Con nhớ xóm Mái Dầm. Má ơi, mình về đi mà má… Con năn nỉ… Ba năm xa xóm rồi còn gì nữa đâu? – Tôi nức nở.
Im lặng hồi lâu, ba nói:
– Thôi mình về xóm Mái Dầm. Ba sẽ đưa cả nhà về xóm Mái Dầm đón tết. Rồi mình ở đó luôn…
Má tôi châng hẩng:
– Về xóm… về thiệt hả, ba út Nỵ?!
– Ừ, vợ chồng mình còn cái nền nhà, còn đôi bàn tay. Không đâu bằng quê mình.
Má con tôi mừng rơm rớm nước mắt.
Ba dong ghe trở về.
– Xóm Mái Dầm chắc xa lắm, má heng?
– Ừ, xa thiệt! Mà sông sẽ đưa mình về. Sông muôn đời vẫn yêu thương mình, dẫu ngọt bùi, cay đắng…
Trên mặt sông, nắng xuân nhẹ nhàng rơi. Một màu nắng đẹp tươi và thánh thiện mà tôi trông thấy!

Hành trình về quê là hành trình thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. Dọc đường về nhà, má tôi cứ hát: “Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương/ Ở nơi nào cũng có tình yêu thương”… Tôi cũng lẩm bẩm hát theo.
Đường về quê qua bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu con rạch, cánh đồng, xóm lạ… Nước sông vẽ lối tôi về. Ngồi trước mũi ghe, tôi mường tượng cái cảnh đón tết nơi quê mình, chắc vui lắm, hệt như những cái tết xa xưa tuy nghèo mà ấm áp nghĩa tình. Ba nói vống:
– Mình về lại xóm Mái Dầm. Tết nay chắc cơ cực, vất vả đây. Tui với mình dựng lại cái nhà đón tết rồi mình ở lại luôn, không đi đâu nữa.
Má tôi “Ừ”, mỉm cười. Đã lâu rồi tôi mới thấy nụ cười trên khuôn mặt tảo tần của má. Tôi nhớ hồi đó ba nói với má con tôi: “Nhà mình nghèo quá, ở lại xóm không sống được, mình đi bao giờ khấm khá mình mới trở về”. Đó là lời thề với sông. Và rồi sông lại đưa cả nhà tôi trở về với xóm Mái Dầm. Chính sông đã phá bỏ lời thề của chúng tôi. Để được về nhà. Để được bình yên trong chân quê rơm rạ.
– Má ơi, chừng nào mới tới xóm Mái Dầm, hả má? – Tôi hỏi.
– Không lâu đâu con. Con ngủ đi, chừng nào tới, má gọi dậy…
Tôi gật đầu.
Trước khi chợp mắt ngủ yên tôi vẫn còn trông thấy từng giọt nắng xuân tinh khôi trong trẻo rơi trên sông, như những giọt sương lung linh trong xóm mai đầy nắng…
           HOÀNG KHÁNH DUY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác