Chuyện tình dưa đầu heo!

Ngày đăng: 25/01/2019 05:13:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ăn thịt heo trước hết là phần đầu. Bắc gọi là thủ lợn; Nam gọi là đầu heo. Bà con miền Tây mình khi van vái điều gì, được đắc thành sở nguyện thì thực hiện lời hứa với người khuất mặt, khuất mày đã giúp cho tai qua nạn khỏi. Rủng rỉnh tiền, thì cúng nguyên cả một con heo. Nghèo nghèo một chút thì cái đầu heo cũng đặng.

Nếu lỡ nổ, chơi sộp, hứa nguyên con là phải cúng nguyên con. Còn hứa nguyên con mà cúng chỉ có cái đầu thì coi chừng ông bà giận bẻ cái cần cổ mầy, cái miệng lọi qua phía sau, là hai tay vẫn còn phía trước thì thấy đường đâu mà bóc thịt heo bỏ vô miệng.

Chuyện rằng: nhà thơ Tản Đà xứ Bắc chỉ ăn có một thủ lợn tức cái đầu heo mà rườm rà quá thể. Cái đầu heo luộc, khệ nệ đem cúng trên bàn thờ. Xá xá chờ một hồi cho nước dãi (miền Nam gọi là nước miếng) tràn ra cả khóe miệng, nhịn hết nổi, nhà thơ bèn hai tay kính cẩn bưng xuống (coi chứng rớt).

Rót đầy ly rượu, cầm dao xẻo một miếng tai heo, chấm muối, nhai rau ráu, chiêu một ngụm, chơi một miếng xôi.

Lai rai hoài đến hết thì thôi. Hết là tới quắn cũ tỉ say, lăn quay ra mà ngủ.

***

Nói thiệt tình tui chỉ biết ăn, nấu là mù mịt. Muốn ăn nhậu gì đó là nhờ vào một tay của em yêu. Bằng em không chịu nấu nướng gì ráo thì tui đành đi tiệm vậy thôi.

Nội cái đầu heo, em làm được biết bao nhiêu là món. Cái món khoái khẩu, nhậu chết bỏ, là món dưa đầu heo. Tết nào em cũng làm vì món nhậu rất bắt nầy chứa cả một trời kỷ niệm.

Ôi! nhớ xưa nhà tui ở cạnh nhà em, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn (Giậu là cái hàng rào đó ạ). Nên lâu lâu, tui vạch rào, ngó qua coi em yêu làm cái gì trên sàn nước gie ra mé mương.

Chiều 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về Trời, tui thấy em mặc chiếc áo bông hường, ngoeo ngẩy vác cái đầu heo ra sàn nước ngồi chành bành để nhổ lông… heo.

Em cầm  dao bửa cau bén ngót, thiện nghề như một tay đồ tể, cạo sạch lông; xong tách đầu heo làm hai phần xương và thịt. Phần xương, em để riêng vào một cái thau nhôm. Phần thịt đầu, gồm hai cái lỗ tai, thịt mũi, thịt nọng, em lóc ra, ngâm với nước lạnh có pha một ít phèn chua rồi xả sạch, để ráo.

Tui hút gió, em nhìn qua, tay tui chỉ ra bờ mẫu. Ngón tay trỏ và ngón tay cái đâu vào nhau, còn ba ngón bên bàn tay trái với 5 ngón bàn tay phải giơ lên. Em cười lỏn lẻn đánh tín hiệu cũng bằng ngón trỏ cong vào ngón còn lại giơ lên trời nghĩa là ‘ok’!

(Còn hôm nào, mặt trận miền tây không yên tĩnh vì ông già Tía em ở nhà thì ba ngón còn lại của em cụp xuống có nghĩa là không, tối nay không có được.)

Đêm đó, tui ngồi cạnh em trên bờ mẫu còn nghe phảng phất mùi thịt heo quanh quẩn đâu đây, tui nói: “Cha! Năm nay nhà Mén ăn Tết lớn!”

“Tía kêu Mén làm dưa đầu heo để Tía đãi khách đó anh!”

“Cha nghe hấp dẫn quá! Nhưng đãi khách nào vậy? Phải có người tới coi mắt Mén phải không?”

Em ngoe ngẩy lắc đầu. Mà nếu có, em nhứt định không ưng; cho dù Tía em có “Đem em ra treo tại cái cột đình. Đứt dây rớt xuống thương mình em vẫn thương!”

“Thiệt hé?! Thề đi!” Em bèn thề: “Đứa nào phụ anh cho bà bắt nó! Còn anh cũng vậy phải thệ hải sơn minh, phải thề lại em mới tin! Chẳng qua em nghe con ‘Chín Bờ Đò’ bán xôi gần sạp thịt heo của tía em ngoài chợ nói nó kết anh lắm! Anh là người duy nhứt trong cái xóm nầy có ăn có học. Nó chẳng ham ruộng cả ao điền chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ thôi hè!”

Tui vội vàng cải chính: “Anh đâu có học chữ Nho, anh học chữ Tây. Mà học cũng tới cái ‘đít lôm’ thôi!”

“Thì cái ‘đít lôm’ của anh đủ làm thầy thông, thầy phán; đủ để sáng rượu sâm banh tối sữa bò nên con Chín Bờ Đò tính phổng anh trên tay của em!”
Tui bèn trấn an em rằng: “Thôi lấy con Chín Bờ Đò bán xôi, ngày nào cũng ăn nếp ngán lắm. Anh chỉ thương con Mén bán thịt heo thôi. Ngày nào ăn thịt heo mình cũng đâu có ngán. Biết bao nhiêu là món! Nhưng nè cái đầu heo em làm món gì vậy?”

“Thì em bắc nước lên bếp, nấu sôi đổ thịt vào luộc vừa chín tới, vớt thịt ra ngâm vào nước lạnh, rửa sạch để ra rổ cho ráo, dùng vải the sạch lau từng cục thịt đã luộc chín cho ráo. Tiếp đến, đổ thịt đã luộc vào thau, ướp muối, đường, tỏi, bột ngọt rồi cho vào keo giấm đường, muối, riềng… khoảng tới 30 Tết là ăn được. Dưa đầu heo nhai dòn dòn xực xực uống với la de là hết xẩy đó anh yêu!”

Xong em vẽ ra một chân trời viễn mộng: “Khi về làm vợ anh rồi, mỗi khi gió chướng thổi về trên ngọn ô môi, Tết tới, em sẽ làm dưa đầu heo cho anh nhậu để nhớ ngày đầu đôi ta tao ngộ chiến hé!”

***

Tết năm đó, mùng Hai, Tía tui kêu: “Tèo à! Mặc quần áo mới vô, bỏ vô quần đàng hoàng ra vẻ con nhà có học, chải đầu với bi-ăng- tin, đừng để xước xước như con gà ướt… Theo Tía với Má mầy qua nhà con Mén. Tía Má nó đánh tiếng cho nhà mình tiến tới!”

Nghe tới cái vụ đi hỏi vợ là tim tui đập thình thịch, mặt mày đỏ ké, mắc cỡ ngang xương hè. Nên thoái thác: “Thôi Tía với Má đi đi! Con đâu biết ăn nói gì đâu hè?”

“Mầy cưới vợ hay tao?” Tía tui gằn giọng: “Mầy tối nào cũng dụ khị con gái người ta, dắt ra bờ mẫu; bộ tưởng thiên hạ đui điếc hết sao mà không biết? Lần lửa hoài, cái bụng con Mén chang bang lên là Tía Má mầy phải phải trầu rượu dắt mầy qua cho mầy thú phạt thì mặt mũi nào tao dám ngó người ta he”“Phần qua bên đó mầy không cần nói; chỉ cần ăn thôi!”

Nghe tới ăn, nhớ tới cái món dưa đầu heo em yêu từng quảng cáo, nước miếng tui nhểu ròng ròng. “Thôi Tía tính vậy cũng đặng! Chớ ý con là họ muốn gả con gái họ cho con trai của Tía là họ phải qua đây chớ?!” “Mắc mớ gì mình phải qua nhà nó?”

“À cái thằng nói ngộ! Bộ cái xứ nầy theo chế độ mẫu hệ hay sao? Mầy có chút đỉnh Tây học mà quên phứt cái phong tục của ông bà mình. Trâu tìm cột chớ cột nào tìm trâu?”

Vậy là mùng hai Tết năm đó! Năm Tân Hợi, 1971.  Để coi cũng hơn nửa thế kỷ rồi đó chớ. Tui lúm cúm theo Tía Má tui qua nhà em Mén.

(Nhà em chỉ có hai anh em. Thằng anh tên là Chí và em tên là Mén. Chí Mén.)

Tía em mời Tía tui lên ngồi bàn trên, trước tủ bàn thờ tiên tổ. Má tui với Má em trên bộ ván gỏ, ngồi ngoáy trầu!

Tía em giả lã: “Hỏng dám nào! Tết nhứt tới nơi, tui mời anh vài ly rượu, do cái tình chòm xóm, nhứt cận lân nhì cận thân. Sát nhà nhau, thân con hơn bà con ruột thịt nữa đó anh.” Tui vọt miệng chen vô: “Bác trai nói chí phải!”

Tía tui nạt ngang làm tui cụt hứng hè “Nín! Con nít bày đặt thèo lẻo, ăn cơm hớt. Để Tía” “Dà đúng như thằng Tèo con tui nói, anh nói quả là phải phải.”

(Đời mà! Ai nói trật lất mà mình cứ cho họ nói phải, là cửa ải ngăn cách nào cũng vượt qua vì nghe tâng bốc, trong bụng họ khoan khoái lắm)

Tía em quay vô trong kêu: “Mén à! Dọn ra cái gì cho Tía với với Bác ba đây làm sương sương, tình thương mến thương, nhân ngày tết nhứt đi con!”

Thì “Dạ Tía!” Cái giọng nhẽo nhẹt như Điêu Thuyền vâng lời quan Tư đồ Vương Doãn đi ‘bồi’ rượu cho Lữ Bố vậy!

Một dĩa dưa đầu heo nè, tôm khô củ kiệu cho bàn trên. Trên bộ ván gỏ, Má tui ngồi với Má em là dưa hấu, bánh Tét nhưn mỡ, ăn với củ cải mắm làm dưa.

Tía em lấy cái nhạo trên bàn thờ xuống, rót vào ba cái ly hột mít. Nhắc cái nhạo hơi cao, mà rượu không đổ ra giọt nào! Tía em quả là một người điệu nghệ, dân nhậu thứ thiệt.

Xong quay qua tui, Tía em nói: “Tết nhứt mà thôi miễn lễ cho thằng Tèo được phép ngồi chung bàn. Mình làm sương sương vài ly vui Tết đi anh!”

Nghe lời như cởi tấc lòng, tui khép nép ngồi xuống ghế, chẳng qua là tui thèm món dưa đầu heo của em Mén mà thôi. Dai dai, xừng xực cắn một cái ngập chân răng, quá đã.

Tía em bảo tui gắp một miếng rồi cầm ly rượu đế lên. Tui khẳng khái chối từ: “Thưa bác Tư Hí, con chỉ khoái món dưa đầu heo của em Mén mới ngồi.  Phần con không thích uống rượu đế. Nóng quá. Con thích lave BGI Con Cọp mà nhãn trái khóm uống mát làm sao, đã hết biết!”

Tía tui trừng mắt nhìn rồi sửa lưng tui: “Con đừng gọi anh Tư là Bác Tư Hí nữa. Ảnh ‘hí’ là kệ ảnh! Thiên hạ kêu như vậy là đồ vô phép; phận con cháu; đừng có hỗn hào.”

Ai dè Tía em binh tui nhe! “Ối anh ơi! Tui hí thì cháu kêu hí phải rồi. Tui chịu cái tính chân thật không dóc láo. Thấy sao nói vậy!”

“À Tèo à! Nghe cháu có cái bằng ‘đít lôm’ của Tây; cưới vợ về cháu tính làm sao nuôi nó?”
Tui bèn trả lời: “Thưa Bác Tư! Con không phải là người không  hiểu đạo thánh hiền. Con tin có ông Trời. Có chút chữ, con sẽ đi viết báo, đặt chuyện dóc, kiếm tiền nhuận bút để nuôi em Mén. Dẫu hổng nhiều, no thì không nhưng chết đói là không có.

Người ta hay nói lấy bồ đựng lúa chớ không phải để đựng chữ là do nông dân cà nanh với dân trí thức. Lúa đầy bồ bán rồi cũng hết. Chữ lai rai bán hoài hổng hết đâu nhe Bác Tư!”

“Ờ! Bác Tư đồng ý với con! Chữ con đủ nuôi vợ rồi. Nhưng vợ chồng xáp lại phải đẻ con chớ… Thì làm sao nuôi tụi nó”?
“Dà như đã nói, con tin ở ông Trời! Trời sanh voi Trời sanh cỏ mà. Con của con sau nầy là cháu ngoại của bác Tư. Con ăn hiền ở lành ông Trời không nỡ bỏ. Con của con là cháu ngoại của bác Tư thì hai bác bỏ sao đành.”

Thì Tía em phán rằng: “Như vậy cháu Tèo nghĩ bác Tư là ông Trời hả?”

Tui bèn khoanh tay cúi đầu: “Bác Tư dạy quả không sai!”

***

Vậy đó bà con ơi! Tưởng ông già vợ tương lai là ông Trời mà không phải! Tui mới là ông Trời đây! Cày như trâu có chút đỉnh tiền, con vợ tui, con gái bác Tư ngày cũ, và đám con tui là cháu ngoại của ổng bây giờ, muốn gì có nấy!

Ổng già vợ tui bàn giao chức ông Trời cho tui mà hổng chịu bảo gì nhau! Hu hu!

 đoàn xuân thu.

melbourne

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác