TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN XII)

Ngày đăng: 13/12/2018 06:41:59 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

– “Lại có thơ nữa sao?” Bà Wilmot nói trong khi em để ví cùng lá thơ trên bàn giấy của em. “Cậu ta viết thơ cho cô thường xuyên quá. Tôi hy vọng là cô sẽ không đọc thơ trong giờ làm việc.” Dĩ nhiên là em sẽ làm ngược lại. Bác sỹ Murray không có trong văn phòng nên em sẽ lấy cớ sắp xếp hồ sơ để vào phòng của ông mà đọc thơ anh cho yên tĩnh. Em treo áo khoác ngoài lên, lướt lá thơ vào túi váy. “Trong buổi tiệc khiêu vũ tối, cô sẽ mặc gì hả Liz?” Sally muốn biết trong khi em đang soạn thơ từ.
– “Tôi không tham dự đâu”, em nói.
– “Nhưng cô phải dự chứ!” Sylvia nhìn hoảng sợ trước máy đánh chữ của cô ta. Buổi sáng còn sớm quá nên hai người thơ ký kia vẫn chưa đến.
 “Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của công ty. Mọi người đều tham dự, cô cũng phải đến và đem theo người tháp tùng.” 


“Tôi không đến được”, em nói. “Người tháp tùng của tôi là Karl nhưng anh ấy lại ở California. Tôi không thể tham dự mà không có anh ấy, tôi không thích vậy.”
– “Dĩ nhiên là cô dự, cưng ơi đừng có trẻ con.” 
Giọng bà Wilmot hơi có vẻ bực bội. “Chắc chắn là cô cũng quen với một thanh niên trẻ khác và đem anh ta đi cùng.”
– “Tôi đoán là cô sẽ đến một mình”, 
Sally nói. “Cũng có nhiều người tới dự mà không có tháp tùng. Cô có thể chọn một trong những thanh niên dễ thương ở phòng thí nghiệm ngồi cạnh ở bàn ăn và khi khiêu vũ thì thiếu gì người sẽ mời cô.
Em bắt đầu cảm thấy khó chịu. “Tôi không dự”, em lập lại. “Karl sẽ không thích và nếu không có anh ấy, tôi cũng không muốn đi. Tôi không muốn nhảy với đàn ông khác.”
– “Cậu ta sẽ không thích, thật không !” Bà Wilmot đằng hắng một cách không tán thành, rời khỏi ghế để đứng dậy một cách hiên ngang. “Cậu ta tưởng mình là ai mà có quyền bắt cô phải tuân theo trong khi cậu ta không có mặt ở đây? Buổi dạ vũ được cấp trên của công ty tổ chức cho nhân viên, cô phải biết ơn là có chủ nhân rộng rãi như thế.” Bà cầm ví và đi về hướng nhà vệ sinh.
Đỏ bừng mặt, em bắt đầu mở các thơ gởi cho Bác sĩ Murray.
– “Cô đâu cần phải kể cho cậu ta nghe”, Sally nói vì nhận ra nỗi buồn của em. “Thực ra là cậu ấy cũng chẳng cần phải biết.”
 “Đúng rồi”, Sylvia đồng tình. “Đừng kể cho anh ta nghe. Anh ta đâu cần biết mọi chuyện, ngoài ra việc đó cũng không làm hại gì cô nếu cô có gặp gỡ vài cậu thanh niên cùng lứa tuổi.”
– “Đàn ông không cần biết tất cả những gì mà chúng ta làm.” 
Sally thì thầm như thể đang có một đám đàn ông đang cùng nghe. “Cô chỉ tới để khiêu vũ chứ có làm gì khác đâu.”
Bà Maxwell đang ở phòng in bản sao để quan sát một nhân viên đang tìm cách xử dụng máy.
– “Thực sự tôi đâu phải tham dự, phải không?” Em hỏi bà ta.
– “Dĩ nhiên là cô phải đi, cưng ơi, cô sẽ có một buổi tối tuyệt diệu. Cô có sẵn một áo đầm thật đẹp, cô sẽ thích thú, ngoài ra còn có thức ăn ngon và khiêu vũ nữa. Chàng trai Michael Westbury, cô biết đó, nhân viên phòng thí nghiệm, lâu nay anh ta để ý đến cô. Đây là một cơ hội mê hồn mà tất cả mọi người đều tham dự.”
– “Bác sĩ Murray không dự”, em nói. “Ông nói với tôi là ông không đi vì ông ghét bữa tiệc khiêu vũ và bà Murray cũng thế.”
Bà Maxwell chỉ cho cô gái trẻ cách lấy bản mẫu ra khỏi máy và bảo cô ta đem những bản  phóng ảnh về phòng làm việc. Bà đóng cửa phòng lại và quay về phía em.
– “Bác sĩ Murray là người lớn tuổi và là nhân viên cao cấp, cưng ơi. Ông có quyền làm hoặc không làm tuỳ theo ý của ông. Cô chỉ là một cô thư ký và dù có được thăng chức một cách đột ngột thì cô cũng vẫn còn non nớt. Với địa vị của cô, cô phải có một số bổn phận phải làm. Tham dự buổi tiệc khiêu vũ là một trong những bổn phận đó. Tại sao lại cô lại phải kịch nghệ như vậy?”
– “Tôi không muốn dự.” Mặc dù em cố giữ nhưng nước mắt vẫn chảy dài trên má. “Không có Karl, tôi không muốn đi đến đó, chắc chắn là anh cũng không thích. Tôi có làm cho ai thương tổn đâu khi tôi không tham dự và cũng chẳng ai để ý đến việc tôi vắng mặt.”
Dĩ nhiên là người ta để ý”, bà Maxwell nói có vẻ thất vọng. “Cô đừng có trẻ con. Bây giờ cô tới gặp Jacqueline đi và trao đổi một chút với cô ta. Cô ta thích lắm đó.”
Em leo lên các bậc thang một cách chậm chạp tới chỗ làm việc của Jackie, cô ta vừa được thăng chức và làm ở phòng kế toán với hai cô khác.
– “Tôi có một áo đầm đỏ tuyệt lắm”, cô nói. “Áo hở vai và thật bó. Derek gần như muốn té xỉu khi thấy tôi trong chiếc áo này hôm đi mua áo. Michael Westbury muốn hỏi xem cô có bằng lòng đi dự tiệc với hắn ta hay không. Tôi biết được là vì hắn ta nói với Pauline Watkins rồi cô ta cho tôi biết. Hắn ta nói, cô là thiếu nữ đẹp nhất của công ty, đẹp hơn cả nữ tài tử Debbie Reynolds.”
– “Tôi không tham dự”, em nói.
Jackie để cuốn sổ rơi xuống và hai cô kia thì ngước lên khỏi máy đánh chữ.
 “Không có Karl, tôi không muốn đi. Anh ấy chắc cũng không thích.”
– “Thôi mà, đừng có ngu ngốc như thế”, Jackie cúi xuống để nhặt cuốn sổ lên. “Cô sẽ thích thú lắm. Mặc cái áo đen mà cô đã kể cho tôi nghe, mua ở Bond Street. Đừng nói cho anh ta biết, anh ta đâu có ở đây, cô có biết anh ta làm gì ở San Francisco không? Chắc chắn là cô không nghĩ, anh ta tối nào cũng ngồi ở nhà và nghĩ đến cô.”
– “Đúng đó”, 
một cô nói. “Anh ta cũng lớn tuổi rồi, phải không? Cũng có thể là anh ta du hí ở các club, ai mà không biết, ở bên Mỹ thường là như vậy.”
– “Hơn nữa”, 
cô khác xen vào, “Nếu anh ta thực sự yêu cô thì anh ta đã chẳng bỏ đi và bây giờ anh ta vẫn ở đây.”
Bây giờ thì em không còn cầm được nước mắt, em chạy ra khỏi phòng để về lại tầng lầu yên tĩnh của các vị lãnh đạo công ty.
Một khi anh còn ở tại Anh, câu chuyện tình của chúng ta được mọi người chia sẻ một cách chân tình và nồng nhiệt. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu lời khuyên về thời trang, về cách xử sự thường xuyên đổ xuống như mưa. Việc anh ra đi và chúng ta phải chờ một năm được xem như là một quyết định hợp lý, thế mà bây giờ, anh đã thật sự xa em thì chẳng còn ai chú ý đến anh nữa. Em một mình với tình yêu cũng như nỗi cô đơn của em. Để em không bị coi là một đoá hoa đồng nội chơ vơ, họ gán ghép em với một nhân viên trẻ làm việc ở phòng thí nghiệm. Em có cảm tưởng, những người chung quanh em, không ai hiểu gì về tình yêu đích thực, tất cả chỉ là nông cạn, bề ngoài. Em cảm thấy cô đơn khủng khiếp thêm vào đó còn bị tổn thương và tức tối. Em quyết định, buổi tiệc khiêu vũ đó sẽ diễn ra mà không có em.
Phòng làm việc của Bác sĩ Murray mát lạnh và yên tĩnh. Đó là căn phòng nằm ở cuối hành lang thật dài của tầng lầu ba. Cành lá của cây sồi và cây tần bì chạm vào cửa kính, vòm lá cây che bớt ánh mặt trời. Thảm màu cà phê sữa thật nhạt và bàn giấy bằng gỗ quý ngập tràn ánh sáng màu xanh. Em soạn giấy tờ và xếp lại từng chồng chứng tỏ như em đang làm việc, rồi em để cho mình lọt thỏm vào chiếc ghế bành mầu xanh lá cây đậm, cầm chiếc dao mở thơ bằng ngà để dọc bì thư.
Lá thơ đầy nét chữ đẹp đẽ của anh, chữ “s” bay bướm giống như những con rắn nhỏ màu xanh ẩn hiện trong khắp lá thư.
Em áp lá thư lên mặt như muốn tìm kiếm bàn tay người đã viết và gấp lá thơ. Anh bắt đầu để dành tiền, nếu cứ tiếp tục như thế này thì anh sẽ đáp ứng được đòi hỏi của
cha em. Anh viết, anh nhớ em lắm nhưng ý thức phải làm việc cho tương lai của chúng ta làm anh có thêm sức mạnh. Anh mong chờ ngày chúng ta kết hợp với nhau. Với anh, em là tất cả, là cuộc đời của anh, là những gì anh mơ ước, anh quả quyết là cuộc sống du mục của anh chỉ còn trong quá khứ. Việc tìm kiếm đã chấm dứt và anh sẽ ở yên ổn tại một nơi.

 

Những giòng chữ của anh an ủi em và làm bớt đi nỗi lo sợ của em. Lá thơ của anh đã tạo thêm sức mạnh cho em. Em nhất định không đi dự tiệc, mặc cho mọi người bình phẩm, mặc cho những gì sẽ xảy ra. Em đọc thư không biết bao nhiêu lần và rồi em vẫn ngồi đó để mơ đến tương lai, đến cuộc sống chung của chúng ta, đến ngày em được đến với anh ở California.
Em có thể tưởng tượng ra ngôi nhà xinh đẹp của chúng ta với khoảng vườn trước nhà, một thảm cỏ trải dài tới con đường đầy cây mọc hai bên vệ đường.
Em nhìn thấy em, như một Doris Day tóc nâu với eo nhỏ, đeo tạp dề ca rô trên chiếc váy xoè cùng với cái áo tay phùng cổ bẻ gọn gàng.Trong căn bếp sáng bóng, màu vàng nhạt, em nướng bánh ba tê và bánh ngọt cho anh. Mỗi tối khi anh đi làm về, hương thơm của bữa ăn em tự nấu sẽ đón chào anh. Anh mở cửa và gọi “Em yêu, anh về rồi!”, em chạy vội ra để đón anh. Chúng ta có chiếc xe hơi Chevrolet màu xanh lá cây hay là chiếc xe Buick màu hồng với cây cản lớn bằng nhôm sáng loáng và trong máy hát, vang lên giọng ca của Tony Bennett, ca tụng thành phố chúng của chúng ta.
Khi em đứng lên để lo việc sắp xếp, chân em đụng vào một ngăn kéo bàn giấy đã mở sẵn của Bác sĩ Muray. Em cúi xuống để đóng lại thì thấy một xấp hình màu. Tấm hình trên cùng là hình của một phụ nữ được chụp trong giường. Em ngồi lại vào ghế mà chẳng suy nghĩ gì đến việc đang làm, em lấy tấm hình ra khỏi ngăn kéo.
Người phụ nữ không đẹp, thấy rõ là mập mạp với mái tóc vàng chen lẫn với những nhánh tóc màu xám, nét mặt hơi thô. Bà ta ngồi dựa vào một núi gối ở phía sau của giường ngủ, đầu giường làm bằng gỗ quý, chạm trổ. Cái áo ngủ với cổ áo nhún ren, trông  không phù hợp và mỏng dính khiến người ta có thể nhận ra được bộ ngực của bà. Bà nhìn thẳng vào ống kính, một ngón tay đặt trên vành môi dưới đầy đặn, miệng hơi hé mở. Em bắt đầu lật xem các tấm ảnh khác.
Em thừa biết là em không nên làm vậy nhưng em không sao cưỡng lại được. Bây giờ thì không còn áo ngủ nữa và bà ta nâng bộ ngực vĩ đại bằng hai tay. Núm vú đen chĩa thẳng vào ống kính. Như ngừng thở, em vẫn tiếp tục xem. Những tấm hình giống như loạt hình Dia được đặt trong máy, như một cuốn phim được chiếu tuần tự để trình bày cảnh một người phụ nữ khoả thân để cho người chụp hình xem có thể xem từ từ.
Cứ thêm mỗi tấm hình thì da thịt lại càng được trưng bày nhiều hơn. Tấm mền cũng dần dần được đẩy xuống phía dưới cho đến khi người ta nhìn thấy hết tất cả, kể cả nơi bắt đầu khoảng đùi của bà.
Mặc dù chỉ có một mình trong phòng, mặt em cũng đỏ bừng vì ngượng, em cảm thấy nóng cả người. Em còn trẻ, thân hình rắn chắc và thon thẻ, em nhớ lại hôm em đứng trước gương để ngắm nghía đường cong của mình. Một mặt em cảm thấy ghê tởm vì những vết nhăn cũng như những khối thịt của người đàn bà lớn tuổi này, mặt khác lại bị lôi kéo bởi sự thân mật gây sốc của các bức hình.
Vẫn dựa vào các gối, người phụ nữ hoàn toàn khoả thân nằm dài trên giường trong khi người chụp tiếp tục bấm máy, bà ta mở đùi và kéo đầu gối lên. Người chụp càng ngày càng tiến đến gần.
Chấn động vì nội dung của các tấm ảnh cũng như vì sự xem trộm một cách trơ trẽn của mình, em xếp các tấm hình lại với nhau. Khi em đặt xấp hình giống như đặt chồng bài lá trên bàn thì tấm hình trên cùng rớt xuống, nằm xấp trên sàn và trên mặt sau có chữ viết.
Em nhặt tấm hình lên, dựa vào ghế và đọc những hàng chữ:
Người yêu Ellen đẹp tuyệt vời của tôi.
Thật là hoan lạc, thật là khát khao.
Stuart, Giáng sinh 1961.
Em không biết em đã ngồi đó bao lâu để nhìn vào những giòng chữ này trước khi em cất và đóng hộc bàn lại. Em thực sự xúc động, chưa bao giờ em trông thấy những gì giống như vậy. Em cho đó là những tấm hình của một gái điếm nhưng những giòng chữ đã chứng minh trái lại, đã thay đổi ý nghĩa của các tấm hình: trong tình yêu nhục dục, từ đồi truỵ trở thành đam mê. Em bị lay động vì sự ngây thơ của mình, chấn động vì sự thiếu hiểu biết của mình về sự thân mật trong tình yêu nhục dục, em cảm thấy như bị bỏ rơi một mình. Phải chi anh có mặt ở đây, em sẽ kể anh nghe và anh sẽ giải nghĩa tất cả cho em. Nhưng anh lại ở phía bên kia quả địa cầu và em không đủ tự tin cũng như không tìm ra đúng chữ để viết cho anh những gì em đã trông thấy, những cảm xúc rối bời xảy ra nơi em. Em cũng sợ phản ứng của anh. Anh đánh giá cao sự trong trắng của em và vì thế anh có thể cho là em đã đánh mất.
Anh sẽ nghĩ gì về em khi anh biết là em tiếp tục xem từng tấm hình một như bị mê hoặc. Phải chăng em trở nên dơ bẩn trước mắt anh. Em gục đầu trên bàn, khóc nức nở một cách cay đắng.
(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

 

 

 

Có 4 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN XII)

  1. Tình yêu của Liz quả là vô cùng tha thiết mãnh liệt  dù cô mới 18 tuổi cùng những tâm trạng  ngổn ngang phức tạp. Khi bằng tuổi Liz, thời xưa hầu hết tụi em đều rất  mơ mộng ngây thơ.

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Theo dỏi bản dịch của Hồng Khanh, tôi học được rất nhiều điều ở cách diển đạt những suy nghĩ, miêu tả thế giới nhỏ xung quanh cô sống và tâm trạng khi yêu.

  3. Càng đọc cuốn truyện tự thuật của Liz Byrski chúng ta càng thấy tác giả đã diễn tả tâm trạng cũng như tâm lý của mình, một thiếu nữ trẻ mới biết yêu lần đầu, một cách rất chân thật và sâu lắng. Đây cũng là điểm thành công của Liz vì đã lôi cuốn được người đọc và cũng không có ít người đã tìm thấy mình nơi hình bóng của Liz.

  4. My Nguyễn nói:

    Cô ơi! Đúng như Cô nói, người đọc đã thấy thấp thoáng bóng mình trong đó qua câu chuyện tình thật đẹp của Liz, một cô gái trẻ đang yêu. Ngày xưa ở tuổi 18, những tình cảm học trò thật hồn nhiên thơ mộng…nhưng không thể nào lột tả tâm trạng một cách chân thật, tài tình như tác giả đâu Cô ạ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác