TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN IV)

Ngày đăng: 14/11/2018 10:06:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Thật là đơn giản khi em yêu anh. Em đang ở lứa tuổi mười bảy, đầy hy vọng, nhiều  lý tưởng và ngập tràn nguồn sống. Về lại nhà, ở trong phòng, em nhìn khuôn mặt mới của mình mà ngạc nhiên. Em duỗi đôi chân và thấy sao chúng mịn màng và có hình dạng đẹp thế. Em ngắm bộ ngực, ngưỡng mộ sự rắn chắc. Em lướt tay trên thân thể, hài lòng với cái eo thanh tú, cặp mông căng phồng, cái bụng lép xẹp và làn da mềm mại của em. Em gỡ mấy cái cặp tóc ra, một cảm giác vui sướng chạy qua em khi mái tóc mềm buông xoả xuống gáy. Lần đầu tiên trong đời, em ngắm nhìn mình một cách kỹ càng.

Em xoay trước gương,  vươn người, thân thể được duỗi ra để cảm nhận nguồn sống vừa mới trổi dậy nơi cơ thể mình. Khi mẹ em gọi từ nhà bếp là cơm đã chín, em xấu hổ, sự điệu đà của mình khiến em đỏ bừng mặt. Em mặc lại quần áo và đi xuống dưới nhà.

Những lộn xộn trong các tuần trước coi như đã qua. Em làm việc với tất cả năng lực và trở nên một con người mới. Em đánh máy các lá thơ mà không hề có lỗi, một hệ thống để sắp xếp được tìm ra, các chồng giấy nháp cũng như giấy ghi chú được xếp lại như một cuốn lịch ghi các cuộc hẹn một cách ngăn nắp. Bác sỹ Murray ngạc nhiên khi nhìn thấy sự biến đổi nơi văn phòng của mình.
“Nào, nào cô Beard”, ông lẩm bẩm nhiều lần, một nụ cười có vẻ ngạc nhiên lẫn công nhận hiện trên khuôn mặt ông. “Cô đem luồng gió hoàn toàn mới đến đây.”
“Tốt lắm, cô đã nắm vững được việc làm của cô đó Liz”, bà Maxwell nói khi bà tới gặp em ở văn phòng thư ký riêng của các vị đứng đầu công ty. “Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng tốt.”
“Cô trông giống như con mèo vừa được liếm lớp kem béo của sữa”, Jacqueline nói thầm với em khi chúng em đang xếp hàng cho bữa ăn trưa trong nhà ăn của công ty.
“Đúng vậy”, em cười và trả lời.
“Rồi sao-?”
“Anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời nhất mà tôi được gặp.”
“Anh ta có-mà cô cũng hiểu rồi chứ…?”
“Anh ấy hôn tôi- một hiện tượng lớn-, tôi tưởng là tôi đã chết và đang ở trên trời!”
“Ồ”, cô nói và nhìn lại phía sau xem có ai nghe câu chuyện giữa chúng em hay không.
“Coi bộ kỳ thú há nhưng anh ta có già lắm không?”
“Anh ấy mới ba mươi mốt tuổi, có gì là già đâu”, em nói để bênh vực. “Tôi thích anh ấy nhiều tuổi hơn tôi”.

“Vậy là con muốn mời cậu ta vào cuối tuần này”, mẹ em nói. “Có đột ngột quá không? Mẹ tưởng con gặp David?”

Nhớ lại lời nói dối, em cảm thấy ngượng ngùng.
“Ồ, mẹ ơi-anh ấy tuyệt vời. Con biết mẹ sẽ mến anh ấy. Mẹ làm ơn, làm ơn, làm ơn nha mẹ!”
“Được rồi. Dĩ nhiên là cậu ta được phép đến mặc dù thực dự, me không biết cha con sẽ nói thế nào.”

Cha mẹ tôi được tiếng là hiếu khách. Những bữa ăn ngon cùng một tủ rượu đầy ắp chỉ là một phần để ông bà chiêu đãi khách. Ông bà đều xuất thân từ vùng nghèo của Luân Đôn, cả hai đã đem hết sức lực làm việc để từ giai cấp thợ thuyền tiến lên được giai cấp trung lưu. Việc này đối với ông bà là một điều đầy ý nghĩa và quan trọng. Một ngôi nhà đẹp và lợi tức tương xứng làm ông bà thực sự hài lòng.

Smugglers Cottage nằm trong vùng cảnh vật xinh tươi của Sussex. Mất khoảng gần hai cây số để đến làng kế bên và khoảng hơn năm cây số để đến tỉnh lớn hơn. Ngôi nhà nằm trong thửa vườn rộng 15.000 mét vuông và bao bọc xung quanh vườn cả trăm ngàn thước đất.Câu chuyện về ngôi nhà vừa thú vị vừa có đầy đủ tài liệu lịch sử để chứng minh, đó là vào thế kỷ thứ 16 những người buôn lậu rượu  whisky dùng ngôi nhà này làm tổng hành dinh để ngủ qua đêm giữa đoạn đường đi từ Luân Đôn đến bờ biển phía nam. Với các cửa sổ bằng kính gắn chì, tường quét vôi thô màu trắng và những  xà ngang bằng gỗ thì đây là kiến trúc của English Cottage, y như trong sách. Những tủ và các kệ gắn liền vào tường, những đà ngang cửa, cao cả một thước rưỡi tạo nên dáng vẻ cho phía trong nhà. Vào mùa đông những thanh gỗ lớn cháy bừng bừng trong lò sưởi; trong lò bếp thật to, ngọn lửa ấm đang tí tách reo. Vào mùa hè, những lọ hoa tươi được đặt ở nơi cửa sổ bỏ ngõ mà ngọn gió làm lay động các tấm màn. Giường lò xo vừa được thông hơi, khăn tay thêu dành cho khách, những chén nhỏ đựng xà bông thơm mùi hoa hồng và cha em, đúng bảy giờ sáng, bưng trà và bánh bích quy lên tận phòng cho khách, đó là một phần phục vụ của một khách sạn năm sao.
Cha mẹ em thật rộng rãi, nồng hậu và bảo thủ, ông bà nhất định giữ thật chắc những gì ông bà đã tạo nên. Vẻ bên ngoài dự một phần quan trọng trong cuộc sống của ông bà. Tại Smugglers Cottage mọi thứ đều được chăm sóc kỹ càng. Bất cứ khi nào em cũng được phép đem bạn về nhà và bạn của em được đón tiếp nồng hậu, đôi khi có chút coi thường, đôi lúc vị nể tuỳ theo địa vị xã hội. Cha mẹ em thông minh và khiêm nhường, không bao giờ quên nguồn gốc của mình. Em thương cùng ngưỡng mộ và nhất là không làm trái lời ông bà. Hơn nữa cũng chẳng có trường hợp nào để em phải làm cha mẹ trái ý.
Một tuần trôi qua như tên bay. Tại sảnh đường danh dự của các thư ký riêng của các vị điều khiển công ty, em được đón tiếp một cách thân tình. Em tuy còn trẻ nhưng dễ thương, nói đúng giọng, ăn mặc chỉnh tề, giầy dép bóng loáng và vết may nơi vớ dài của em lúc nào cũng ngay ngắn.

” Chúng tôi vui mừng vì cô được lựa chọn”, Sally Palmer nói. “Vài người trong số các thư ký có khả năng nhưng họ lại không hội được điều mà một thư ký thực thụ phải có.”
“Các cô ấy đeo nữ trang rẻ tiền theo thời trang”, bà Wilmot thêm vào một cách bất bình.
“Tầm thường quá, hy vọng là cô không đeo những nữ trang như vậy, những thứ đó kêu lộp cộp hay lẻng kẻng, cưng ơi!” Đó không phải là câu nói mà là một lời cảnh cáo.

Bà Wilmot là thư ký riêng của người đứng đầu công ty. Bà đã làm việc ở đây từ lâu lắm rồi. Em cam kết với bà là em không bao giờ đeo nữ trang có tiếng kêu. Chính em phải tự khen mình là không bao giờ trong cuộc đời, em lại có thể quen với những món nữ trang như vậy.
“Nếu có gì không hiểu thì cô cứ việc hỏi.” Sally nói có vẻ ta đây chứ không phải là dễ dãi.
“Ở đây chúng tôi đều lớn tuổi cũng như có nhiều kinh nghiệm hơn cô. Chúng tôi sẵn sàng giúp cô.”
“Trời ơi, nơi đây chán quá”, Jackie thì thầm khi cô đem giấy tờ cho bà Wilmot. Các cô thư ký khác đang trong giờ nghỉ trưa nên em và Jackie có nguyên một căn phòng rộng cho mình.
“Anh ta có đến vào cuối tuần này không?” Em gật đầu. “Đến chiều thứ bảy và ở lại tới tối chủ nhật!”
“Ê, chắc là anh ấy phải mê cô lắm. Anh có biết về cha mẹ cô không?”
“Biết gì?” Em hỏi một cách bối rối.
“Ông bà có vẻ hơi khác lạ, có đúng không? Điều này có làm anh ta sợ không?”
“Tôi không hiểu, mà tại sao vậy”, em nói mà không biết mình nên bênh vực ai, anh hay cha mẹ mình. “Cha mẹ tôi vui khi gặp anh ấy.”
“Tôi đánh cá với cô đấy”, Jackie nói châm chọc.
“Nhưng anh ta có thích gặp cha mẹ cô không. Tôi muốn nói là, như vậy có vội vã quá không?” Câu hỏi này đã làm em ngập ngừng trong giây lát nhưng rồi sự ngờ vực mà cô ta khơi dậy cũng biến đi thật nhanh.
Niềm vui đầy lãng mạn đã đưa em bay bổng trên chín từng mây nên không hề hay biết là anh đang gặp sự bực mình lớn vì câu chuyện cuối tuần qua. Dấu hiệu đầu tiên liên quan đến sự việc này xảy ra vào ngày thứ năm khi mẹ và em đang dùng cơm tại bàn trong bếp.
“Olive kể cho mẹ nghe là, cuối tuần rồi, con làm cho Joan phải lo lắng”, mẹ nói mà mắt không rời khỏi dĩa thức ăn của mẹ.
Em cảm thấy máu chảy rần lên mặt và em cũng chỉ nhìn vào phần ăn còn lại trong dĩa của mình. Olive là mẹ của Joan.
“Joan nói, con hôn say đắm người đàn ông trẻ ấy”
“Vâng, chúng con hôn nhau”, em trả lời và tự hỏi, chị ấy nói say đắm là nghĩa như thế nào…với một nhân chứng đáng tin như vậy thì làm sao mà em chối được. Mặt khác, nếu em công nhận thì có thể việc mời anh tới chơi vào cuối tuần sẽ bị bãi bỏ. Thật là kỳ lạ khi em phải kể lại rõ ràng từng chi tiết về nụ hôn mà chính em cũng không nhớ đã xảy ra như thế nào và ở đâu.
Mẹ em tiếp tục ăn.
“Mẹ có buồn con không?” Em hỏi mẹ một cách thận trọng. Mẹ nhìn lên.
“Không, mẹ tin chắc là con biết cách cư xử.”
“Con không tin là Joan và Jock cũng nghĩ như mẹ”, em nói và lời của mẹ làm em thêm can đảm. “Sau đó họ có để cho chúng con một mình với nhau đâu”
Mẹ đặt dao và nĩa xuống rồi đưa chiếc khăn ăn mầu xanh và trắng lên môi.
“Thật là trẻ con”, mẹ nói và gấp chiếc khăn ăn, cuốn tròn lại rồi nhét vào chiếc vòng giữ khăn bằng bạc. “Karl làm nghề gì vậy?”
“Anh ấy là kiến trúc sư.” Anh được thêm điểm cộng và giá trị của anh cũng tăng theo.
“Thật hả?” Nghề nghiệp cũng không tệ lắm. Cậu ta coi bộ già hơn con nhưng cha mẹ sẽ xem sao vào thứ bảy này. Olive nói cậu ta là người Mỹ.”

“Không hẳn vậy”, em nói khi bắt đầu dọn bàn. “Anh ấy sinh sống ở Mỹ nhưng là người Đức.”
Nước nóng đang chảy vào bồn rửa chén và cả một núi bọt sùi lên trên đống chén dĩa.
“Cậu ta là người Đức à? Mẹ tin là cũng có những người Đức đàng hoàng khi mình biết rõ về họ. Không thể tất cả đều- ừ, mà con biết đó….Hãy kể cho mẹ thêm về cậu ta.”

Em quyết định dấu vụ ly dị của anh trong lúc này.
“Anh ấy mạnh mẽ lắm”, em nói và cảm thấy sung sướng khi được kể truyện về anh.”Anh ấy mạnh mẽ lắm…”
“Con muốn nói về thể chất?”
“Không, có nghĩa là cũng có nhưng ở đây con không có ý như vậy. Con muốn nói là anh ấy rất tự chủ và có tinh thần trách nhiệm. Người ta có cảm tưởng là anh có thể quán xuyến được mọi việc. Anh ấy biết rõ mọi việc xảy ra như thế nào, chẳng hạn về chính trị, về thương mại hay những việc gì khác…mẹ cũng hiểu, giống y như cha vậy.”
Mẹ đã rửa xong chén bát và đang lau tay cho khô. Sau đó mẹ quay sang em với vẻ chờ đợi.
“Nhưng anh ấy cũng rất nhẹ nhàng và…” em tìm một chữ thích hợp “chăm sóc, mẹ biết không, anh ấy nắm tay con khi chúng con xuống cầu thang. Ra ngoài đường, anh để con đi ở phía trong, phía các dãy nhà, những chuyện nhỏ như thế.”
“Rồi”, mẹ nói. ” Nghe vậy đủ biết cậu ta là người đàng hoàng.”

“Anh ấy thẳng thắn lắm, anh nói những gì anh nghĩ và cảm nhận.”
Khi kể cho mẹ nghe, em chỉ mong là mẹ không tra hỏi thêm vì em không muốn tiếp tục kể ra tất cả các chi tiết, nhất là cho mẹ biết những điều mà anh đã tâm sự với em trong công viên. “Anh ấy vui tính lắm, mẹ ạ”, em vội vàng nói để mẹ bị lạc hướng. “Không phải là anh kể chuyện tiếu lâm mà con nghĩ là anh ấy dí dỏm. Những việc thông thường hàng ngày mà anh ấy cũng kể một cách rất thú vị.”
“Nghe vậy mẹ mừng lắm. Mẹ vẫn tưởng là người Đức không biết khôi hài. Thế nào rồi mẹ và cậu ta cũng hợp nhau. Rồi, để xem tối thứ bảy này chúng ta sẽ ăn gì?”

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Có 6 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN IV)

  1. Cô ơi, khi 17 tuổi như tụi em hồi xưa thì tình cảm khác phái  còn rất ngây thơ trong sáng, có lẽ do ảnh hưởng văn hóa Á Đông. Nhưng những rung động tình yêu ban đầu thì có lẽ ở nơi nào và bao giờ chắc cũng giống nhau.

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Bạn ơi …Đọc truyện nầy..ta nhớ lại ta hồi mấy chục năm trước..cũng những xôn xao rung động đầu đời, những lo sợ khi dẩn ảnh, lần đầu tiên đến nhà ra mắt ” ông bô bà bô “

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đang hồi hộp chờ tối thứ bảy đây, cô ui!

  4. Hoành Châu nói:

    Nội tâm khi yêu nhau chấc luôn giống nhau nhưng  hành động  khi yêu  có khác nhau nhiều ,  tùy cá tính của  mỗi người , tùy quan niệm , giáo dục của gia đình , xã hội,  điều này không nhất định
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  5. My Nguyễn nói:

    Một tình yêu đầu thật đẹp! Những suy nghĩ và biểu cảm của cô gái tuổi 17 thật dễ thương. Một bà mẹ rất dịu dàng, tâm lý, chuẩn bị cho con gái buổi gặp gỡ vào tối thứ bảy…Em lại chờ Cô nhé!

  6. Lê Liên nói:

    Cô ơi ! Hay quá cô à.

    Em 17 tuổi rất hồn nhiên. Chỉ biết học, sinh hoạt với các em thiếu nhi, về nhà phụ việc GĐ với Ba của em….nhưng em hiểu được tâm tư của cô gái khi có rung động đầu đời trong hồi ký này…

    Em đang đợi phần tiếp theo của cô dịch

    Em mong Cô thật An lành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác