MỘT QUYỂN TRUYỆN CA NGỢI LÒNG NHÂN HẬU

Ngày đăng: 14/10/2018 12:55:33 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Trên tay tôi là tập truyện ngắn “BÁNH ĐÚC CÓ XƯƠNG”, tác phẩm văn học thứ tư của nhà văn, nhà thơ Kha Tiệm Ly vừa gửi tặng. Kha Tiệm Ly là tác giả văn chương quen thuộc với nhiều độc giả. Ông là hội viên hội VHNT Tiền Giang, thành viên của Vikipedia, có nhiều truyện ngắn, biên khảo, thơ tình, thơ đường và đặc biệt nổi tiếng với những bài phú hào hùng chống quân xâm lược như phú Hoàng Sa nộ khí, Hoàng Sa tiếu ngạo phú, Trường Sa tâm thư phú, Điểm mặt quân thù phú, Đối diện quân thù phú, Tự trào phú, Sắc tài thán phú, Phú tặng Vợ, Văn tế quan tham, với hàng chục triệu lượt truy cập.
Ông viết được nhiều thể loại: văn, thơ, phú, kịch bản điện ảnh. Thơ ông được bạn đọc, văn nghệ sĩ trong nước xếp vào hàng “Những nhà thơ được mến mộ hiện đại”, được nhiều tiến sĩ, học giả, giáo sư, văn thi sĩ khắp nơi đánh giá là một trong vài người làm phú hay nhất nước.
Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, dù từng học đại học luật khoa Sài Gòn, dạy Quốc văn và Hán văn tại nhiều trường tư thục, nhưng sau 1975 ông phải ngưng viết làm vườn, làm rẫy, bán hàng rong vv… để mưu sinh. Dẫu trong hoàn cảnh lầm than, khốn khổ, ông vẫn giữ được nhân cách cao quý của một trí thức chân chính, sống có đạo đức, có lương tâm. Ông có câu nói nổi tiếng: “Viết không khó, nhưng viết sao cho người thích đọc mới khó” và “Người nghệ sĩ có lòng tự trọng không thể vì quyền lực hay chén cơm manh áo mà phóng bút viết bừa bất chấp búa rìu dư luận; không thể quỳ mọp mình mà uốn cong ngòi bút hầu cầu hưởng lợi lộc nhất thời lưu tiếng xấu trăm năm”!
Tập truyện ngắn của ông chỉ gồm 18 truyện ngắn, có 2 truyện viết về nếp sống bình yên, dễ thương, đất đai trù phú của miền tây; 9 truyện về tình người nhân hậu ở nông thôn, dù nghèo đói hoạn nạn vẫn đầy ắp yêu thương, quan tâm, giúp đỡ; 3 truyện mượn hư cấu nói về đảo điên thế sự; 4 truyện nói về văn chương, đạo đức của người cầm bút.
“Cưới vợ miệt vườn” và “Tôi cưới vợ” là 2 truyện ngắn nói về cảnh chọn vợ, kén dâu, kén rể của giữa thế kỷ trước. Tình người đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần duyên dáng ý tứ của những cô gái quê như bông hoa đồng nội phảng phất hương thơm kín đáo nơi cây lành trái ngọt.
“Bánh đúc có xương” là tên sách, cũng là tên một truyện ngắn nói lên nét đẹp nhân hậu của tình người. Dưới con mắt hẹp hòi thiên kiến, người ta thường mặc định oan cho những bà mẹ kế là cay nghiệt độc ác, hành hạ con chồng. Nhưng người mẹ kế trong truyện của Kha Tiệm Ly là người đàn bà nhân hậu, hy sinh, yêu thương, chăm sóc 4 đứa con chồng như con đẻ của mình, người ngoài không hề hay biết đó là con riêng và mẹ kế. Ngòi bút của ông đánh tan cái định kiến cay độc:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.

Toa thuốc cùi”, chuyện một gái giang hồ sống dưới đáy xã hội, bị khinh khi nhưng gặp được người đàn ông tốt, cô cũng biết ăn ở chí tình phải đạo. Không rời bỏ lúc chồng bị hoạn nạn cùi lở, cô chăm sóc hết lòng. Người chồng cũng vậy, tặng cho người khác toa thuốc cùi mua bằng rất nhiều tiền để mong giúp đỡ người khác không hề tính toán.

“Tôi bán vé số”, kể  về nỗi gian nan vất vả mưu sinh của người nghèo. Tác giả lột trần mánh khóe trong nghề và cả sĩ diện rởm của kẻ “đói chết bỏ chớ không bán vé số” chỉ vì nghề này bị coi là mạt hạng. Nhưng kẻ sĩ có lòng tự trọng vẫn không coi là điều hổ thẹn vì nhân cách của mình cao hơn kẻ trọc phú ngu si hợm hĩnh, ông biết nghề lương thiện nào cũng đầy chua chát.
“Thằng Quách què”, một câu chuyện cay đắng, tàn nhẫn, đau xót về tình cốt nhục. Cha mẹ lợi dụng sự tật nguyền của con để đưa con làm máy kiếm tiền cho mình tiêu xài. Vì sự đua đòi, sĩ diện, học làm sang mà đánh đập từ bỏ con mình, làm đứa trẻ chết oan, sự tận cùng tàn ác và khốn nạn.
“Ngài chỉ thấy ánh sáng đẹp của sao Bắc Đẩu chớ không bao giờ đi tới, vì nó ngoài vạn dặm thiên hà!”.
Và…những kẻ muốn nổi tiếng, nếu thấu hiểu và vượt được vòng kiềm tỏa của 3 chữ PHÙ, DŨNG, NÔ mới mong trở thành kẻ sĩ chân chính…
Gấp cuốn sách lại, tôi cảm nhận được nhân cách cao quý của người cầm bút. Ông không chỉ tặng tôi một tác phẩm, ông còn gửi tặng bạn đọc tấm lòng nhân hậu, lương thiện, công bằng và cốt cách chính nhân quân tử của mình.

Mùa thu lá phong

                                                         Tác giả Mùa thu lá phong

 

Có 2 bình luận về MỘT QUYỂN TRUYỆN CA NGỢI LÒNG NHÂN HẬU

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc thơ phú của Kha Tiệm Ly rồi, rất ấn tượng.

    Nay biết thêm tập truyện của tác giả tài năng Kha Tiệm Ly hảo hán – có G ( tác giả bảo thế )

     

  2. NHA nói:

    Rất ngưỡng mộ nhà văn nhà thơ Kha Tiệm Ly.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác