CHA TÔI

Ngày đăng: 14/09/2018 11:19:06 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Bệnh sỏi cuống mật lại làm cha đau mấy hôm nay, cha ói khi ăn. Thỉnh thoảng chị hai đưa cha lên bệnh viện Chợ Rẫy thông cuống mật, mỗi lần đi như vậy phải nằm lại BV ít nhất năm ngày. Năm nay cha bệnh nhiều hơn năm trước, vì tuổi lớn rồi ! Ngày chúng tôi còn nhỏ, đất nước thời kỳ thay đổi, cha không làm ở công trường nữa mà về nhà nuôi heo với phụ má tôi may đồ cho người lối xóm. Cha và má tôi học may một chỗ, ra nghề thì cưới nhau luôn. Lúc đó, có lần má bị mấy đốm lác chung quanh bụng, cha đi ra tiệm mua thuốc xức cho má, gặp một thầy lang chỉ cho bài thuốc thoa mấy lần là khỏi, cha nói với cả nhà, bệnh này đang thành dịch vì ra tiệm thuốc Tây họ toàn mua thuốc lác, cha quyết định bào chế thuốc trị lác đi bán. Không dừng ở đó, đến dịch ghẻ ngứa, cha bán thuốc trị ghẻ ngứa, cũng do cha ” bào chê”́, đến dịch bệnh huyết trắng của phụ nữ…cha đi mua thuốc ở tiệm thuốc Đông y đem đi bán. Đến thuốc này thì việc mua bán của cha hơi trở ngại chút…một hôm cha nhờ tôi ghi lại cái tờ hướng dẫn sử dụng chữ lớn hơn và viết nhiều tờ cho cha. Phải chi thời đó tôi có cái máy in như bây giờ! Cũng nên hiểu, bệnh này là bệnh phụ nữ và khi bán thuốc cha phải dạy người ta uống như thế nào, kiêng cử những món ăn nào vì cha ngại nói! Tôi đang học lớp tám, mỗi tối khi làm bài vở xong là tôi cặm cụi viết toa thuốc cho cha. Tôi thương cha tôi chịu khó, chịu cực đi giúp người.  Ngày trước, cha đi làm bằng xe con, mang giầy “bốt” .  Lúc đó cha còn một số “vốn kếch xù ” là mấy rương ” đồ nghề ” cha bán ăn cả đời không hết…Nhưng hể nơi nào có dịch bệnh gì là cha vác túi đi ” bán thuốc ” trị bệnh đó Cha đi vào những vùng nông thôn hẻo lánh. Có hôm dì tôi nói với má, không lẽ chồng mầy có vợ bé, nhà mầy trong thị xã đâu có nuôi gà, mà sao nó xin tao bao lúa vác về. Má nghe thì cười không nói gì. Một lần dượng năm nói với anh tôi, cha con xin mấy bộ đồ cũ của dượng sao không lấy về… Má hỏi cha xin bao lúa chi, lấy quần áo cũ làm gì? Cha nói, xin cho người ta! Cha bây giờ hiền rồi, ngày trước, cha đi làm hay đánh người, cha nói, nó ăn hiếp thợ của cha nên đánh cho nó sợ, tụi Đại Hàn, Phi Luật Tân với tụi Thái đó mà…

Cha nuôi hết cả nhà, chúng tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ cha trên chín mươi rồi, ông quên cả con cháu. Tôi mới về thì cha hỏi, con về hồi nào, hai đứa con đâu, má con ở trển khỏe hả? Tôi trả lời, dạ con mới về, hai đứa nhỏ đi học, má chồng con ở trển mất rồi, hôm đám tang cha có đi đó…cha lẩm bẩm, vậy hả? Rồi chừng nửa tiếng sau, cha lại hỏi, cũng câu hỏi đó và như vậy cho đến mấy lần. Nhưng dẫu cho cha có hỏi tôi trăm lần đi nữa, tôi vẫn trả lời cha đủ hết. Tôi thương cha vì không phải tôi nhớ ngày xưa cha cũng từng trả lời hết những câu hỏi ngây ngô trẻ dại của chúng tôi, mà tôi thương cha vì trong tận sâu ở tiềm thức một người bị cho là ” lú lẫn ” vẫn mang đầy lòng thương con cái, cha luôn quan tâm những người sống chung quanh “Cha ơi đừng gả con xa Bát cơm đôi đũa chung trà ai dâng”

Viết nhân sinh nhật lần thứ 90 của cha tôi

                      Kiều Phương.

Có 2 bình luận về CHA TÔI

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thương cái quên của cha mẹ lớn tuổi quá!

    Má tôi cũng 92 tuổi, khoảng tuổi của ba chị K Phương, cũng quên y vậy, cũng hỏi đi hỏi lại y vậy, chúng tôi cũng kiên nhẫn trả lời hoài y như vậy. Thương quá cha mẹ già!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác