Đọc Thơ Đời Ngân Vọng của La Thụy

Ngày đăng: 8/08/2018 10:01:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Đã từ lâu, chúng tôi vẫn thường tự hỏi, giữa nhà thơ và nhà giáo chắc có cái “duyên” hay cái “nợ” gì trói buộc nhau. Vì hễ gặp nhà giáo, hỏi ra cũng là nhà thơ; gặp nhà thơ, hỏi ra thì cũng đã là nhà giáo! Có lẽ họ giống nhau ở chỗ là đem ngòi bút, trí tuệ của mình để hướng về một nét đẹp tâm hồn, phụng sự quần sinh. Nhà thơ, nhà giáo La Thụy không ngoài “duyên, nợ” đó. La Thụy sáng tác nhiều thơ văn, đăng trên nhiều tạp chí, báo viết, báo mạng; là chủ trang Blog BÂNG KHUÂNG và có nhiều tác phẩm được in chung. Tập Thơ Đời Ngân Vọng lần đầu La Thụy in riêng. Tuy chỉ có 45 bài thơ nhưng khá súc tích với những thể thơ Đường Luật, Lục Bát, Tự Do hàm chứa được nhiều đề tài về học đường, tình bạn, tình quê hương, tình yêu lãng mạn, rượu và, nhân sinh quan.

Với lời thơ trong sáng, chất chứa ý tình rất thật của đời thường, Thơ Đời Ngân Vọng đã “khôn khéo” chen lẫn những đề tài khác nhau, tạo hấp dẫn cho người đọc, dẫn người đọc đọc suốt từ bài đầu đến bài cuối lúc nào không hay!

Có lẽ do sự nghiệp “trồng người” trong tim La Thụy nên đã anh mở đầu trang bằng những lời đầy tâm huyết, khiến người đọc hân hoan bước vào vườn thơ của anh:

“Nhặt cỏ vườn hoa bé

Nâng niu từng nụ hồng 

Nhựa xuân rung se sẽ

Mộng hồn bay lâng lâng”

          (Trên bục giảng mùa Xuân)

 Sau đó chúng ta thấy ngay dạy học và làm thơ  không chỉ là nghề, mà còn là cái “nghiệp” trong suốt cuộc đời của tác giả:

“Văn chương nợ ấy còn chưa trả

Giáo nghiệp phận này vẫn phải mang.”

                                        (Hoài cảm)

 “Còn chưa trả”, “ nợ phải mang” tưởng chừng như lời than của tác giả khi bị bắt buộc trói vào nghiệp! Nhưng thực tế đó là niềm tự hào, sự tự nguyện của tác giả:

“Nghiệp bút ta vương hoài lận đận

Tinh thơ ai buộc mãi đam mê”   (Tiếng lòng) 

Nếu không thì sao sắp đến tuổi hưu, sắp được thoát “nợ”, anh lại cảm thấy tiếc nuối, vấn vương với trường lớp, bục giảng, và không quên ân cần dặn dò những đồng nghiệp lớp sau:

“Ừ thì mình cũng qua cầu

Rồi đây bục giảng thành màu khói sương”

 

và:

“Chúc người ở lại tâm đồng

“Trồng người” góp sức thành công bội phần”

                               (Thơ tặng người nghỉ hưu)

 Yên tâm tìm đến thơ – nỗi đam mê cuốn hút cả đời – tác giả ung dung tận hưởng thú thanh nhàn:

“Cho ta ít phút thanh nhàn

Câu thơ bất chợt xuất thần thăng hoa”   (Tàn niên cảm tác)

Và:

“Ung dung tự tại cười khinh khoái

Hào sảng ngân vang khúc tráng ca”    (Nhàn ca )

 

Thơ thường đi đôi với rượu. La Thụy say, không phải say vì rượu mà vì nỗi lâng lâng, vừa sảng khoái của cảm giác tự do, vừa mang miềm u uất:

“Danh lợi: chán chê vòng tục lụy

Rượu thơ:  ngây ngất thú yên hà”  (Chào xuân)

 

‘Mạch sầu hiu hắt làn môi

Đẫm thơm men rượu dệt lời thơ bay

Thả hồn rong ruổi trời say

Nghênh ngang gõ nhịp hao gầy tháng năm”   (Rong ruổi trời say)

Tình yêu và chất lãng mạn không hề thiếu trong thơ của bất cứ thi sĩ nào; nếu không chẳng khác nào một  vùng đất màu mỡ mà thiếu những loài hoa đẹp. Chất lãng mạn của La Thụy được thể hiện qua những câu thơ diễm tuyệt, cao vút …

 

“Xiêm áo mỏng ủ men tình thắm đượm

Tiếng hồ cầm huyền hoặc dáng liêu trai”   (Tranh Tố Nữ)

 

Sao khuya chếch bóng soi hoài vọng

Lãng đãng vàng gieo rợn nét trinh     (Liêu trai cảm tác)

 

Chất lãng mạn còn đột phá trong hai bài thơ toàn âm bằng (bình) với cách phóng bút điêu luyện đã khiến người đọc nhớ thơ một Thâm Tâm năm nào, hay cung nhạc u trầm của Đặng Thế Phong khi xưa; mà theo chúng tôi, có lẽ còn hay hơn thế nữa:

 

“Đêm đêm mơ ai nhìn mây trôi,

Chừ đây uyên ương không còn đôi

Rồi em sang ngang trên thuyền hoa

Giang hồ phiêu bồng ru đời ta”   (Tình xưa)

 

“Tương tư sao, đàn dâng sầu

Say men nồng hay say màu thời gian

Vời chân mây, nhòa non ngàn

Bâng khuâng heo may, mơ màng hơi thu”    (Hồ Cầm)

 

Sảng khoái ung dung là thế, tình tứ lãng mạn là thế, nhưng La Thụy vẫn không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng trước bóng xế của thời gian, trước những thăng trầm, dâu bể cuộc đời:

“Tráng khí ngày nao dường úa lạnh

Hùng tâm thuở ấy chợt trôi xa” (Chạnh lòng)

Những giây phút bùi ngùi nhớ quê hương:

Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc

Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào  (Vọng cố hương)

Trong giây phút đắm chìm trong nỗi suy tư về cõi thế, tác giả đã có những câu thơ thiền mang âm hưởng giáo huấn Nhà Phật như thi hào Nguyễn Du:

“Thiện tâm hạt đã nẩy mầm

Sao còn ảo hóa phù vân nỗi mình”  (Với Lương Minh Vũ)

 

Về một kiếp người, tình người:

 “Hồn thiêng sơn dã gọi bình  nguyên

Vạn năm thẳm đọng triền miên mộng dài

Vọng âm tiếng khóc sơ khai

Mênh mang tro bụi cõi người hóa thân” (Thụy du)

 

“Thôi xin đừng nói tỉnh mê

Thế nhân mắt trắng mệt mề đớn đau” (Tàn niên cảm tác)

Mặc dù có nhiều trăn trở trong cuộc sống, nhưng La Thụy vẫn luôn giữ được cái TÂM của mình, coi thường mọi thứ cám dỗ và đối phó với chúng với một thái độ lạc quan và cách suy nghĩ tích cực:

“Mặc cho phiền muộn rôi đi

Cái vòng danh lợi đâu ghì được ta”

                        (Còn gieo hạt mộng)

 “Cơm áo đong đưa lòng dậy sóng,

Sách đèn dang dở miệng hoen cười”

                               (Sơ thu tự thán)

Và luôn tin tưởng về một ngày mai tốt đẹp hơn:

“Chờ nắng hồng lên cành trỗ lộc

Giao thứa canh thức  nhánh đơm hoa”    (Chiều đông trẩy lá)

 

“Xôn xao nhựa chuyển run cành lá,

Phơi phới tình xuân phả nhạc lòng”      (Tình xuân)

 Và reo lên như trẻ thơ:

“Ờ thiên kỷ hết ta còn đó

Vật đổi sao dời xuân vẫn xuân” 

Và cuối cùng, là một niềm vui bất tận khi xướng họa thơ Đường cùng bạn hữu:

Xướng họa gieo vần thêu ý bút

Tâm giao nâng chén dệt đường tơ     (Tình thơ)

Một đời gắn bó với nghề giáo và đeo nặng nghiệp thơ, hẳn không phải mà ngẫu nhiên La Thụy cho ra mắt Thơ Đời Ngân Vọng vào dịp Ngày Nhà giáo. Đây là một tập thơ đáng đọc vậy.

Kha Tiệm Ly

 

 

 

 

 

Có 4 bình luận về  Đọc Thơ Đời Ngân Vọng của La Thụy

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thơ La Thuỵ hay, được Kha Tiệm Ly bình bằng bài bình ngắn gọn chắc lọc thật tuyệt !

  2. khatiemly nói:

    Thằng nào viết lòi tựa hay quá!

  3. My Nguyễn nói:

    Lời bình thật súc tích của nhà thơ Kha Tiệm Ly, đã làm toát lên nét đặc sắc của “Thơ Đời Ngân Vọng”, mà tác giả là nhà giáo, nhà thơ La Thụy. Bạn đọc muốn có ngay tập thơ này để thưởng thức, khám phá thêm…

  4. Hoành Châu nói:

    Đúng vậy , duyên nghiệp Nhà thơ  và Nhà giáo ,,, nhà giáo  mang nặng nghiệp thơ hiện  chiếm đại  đa số trong xã hội ta
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác