CHỊ EM BRONTË – CHARLOTTE, EMILY, ANNE BRONTË

Ngày đăng: 24/08/2018 03:35:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Trong chúng ta, những ai trước 75 khá Anh văn hoặc học chuyên về Anh văn chắc đều biết về chị em Brontë, nhất là Charlotte và Emily Brontë với hai cuốn truyện nổi tiếng trên thế giới là “Jane Eyre” và “Wuthering Heights”. Tôi được làm quen với chị em Brontë qua tác phẩm “Jane Eyre ” dưới ngòi bút phỏng dịch tuyệt vời của nhà văn Hoàng Hải Thuỷ lúc tôi mới chập chững bước vào ngưỡng cửa trung học. Hàng ngày sau khi đi học về tôi đều háo hức để được đọc tiếp truyện dài “Kiều Giang”, tên dịch của Jane Eyre, được đăng từng kỳ trên nhật báo. Tôi như hoà mình vào nhân vật chính Kiều Giang, một cô bé mồ côi cha mẹ và được người cậu đem về nuôi trong gia đình gồm có vợ và hai con.

                                    Hình 1/ Tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Brontë
Không may, chẳng được bao lâu thì người cậu qua đời nên từ đó cuộc đời Kiều Giang trở nên khốn khổ vì sự ngược đãi của người mợ và con của bà ta. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bất hạnh Kiều Giang vẫn cố gắng vươn lên để trở thành cô giáo và xin được một chỗ dạy kèm cùng chăm sóc con gái của một người đàn ông giàu có, không vợ. Cuộc tình nảy nở giữa Kiều Giang và ông chủ nhưng định mệnh đưa đẩy khiến Kiều Giang lại gặp biết bao cay đắng nên phải bỏ ra đi. Cuộc đời lận đận nhưng cuối cùng Kiều Giang cũng được một chút ơn trời, được hưởng gia tài của một người chú giàu có, tìm lại người đàn ông mình yêu nay đã trở nên nghèo khó vì tài sản và thị lực bị tiêu huỷ trong trận hoả hoạn. Kiều Giang quyết định lập gia đình với người đàn ông mình yêu và vượt qua được mọi khó khăn, thử thách để cùng chung hưởng hạnh phúc lâu dài với đứa con trai đầu lòng của hai người.

                               Hình 2/ Tác phẩm Wuthering Heights của Emily Brontë

Truyện “Jane Eyre” tuy tình tiết không kém phần bi thảm nhưng có một kết cục tương đối tốt nên làm đọc giả hài lòng.
Trong khi đó cuốn truyện “Wuthering Heights” (Đỉnh gío hú) của Emily là một chuỗi dài sự việc đầy căng thẳng. Đọc cuốn truyện này bằng tiếng Anh khi số vốn Anh ngữ của tôi đã kha khá, tuy nhiên vì kết cấu của câu truyện cũng như những nhân vật dính lứu với nhau một cách phức tạp về cả mặt tình cảm lẫn huyết thống nên với số vốn tiếng Anh của tôi dạo đó, tôi đã phải cố gắng lắm và phải đọc đi, đọc lại mấy lần mới hiểu được tất cả mọi tình tiết cũng như tâm lý của nhân vật chính có tên là Heathcliff.
Heathcliff cũng là trẻ mồ côi lên sáu, nghèo khổ, lang thang trên đường phố của tỉnh Liverpool được ông đại điền chủ Earnshaw đem về làm con nuôi và cùng chung sống với ông và hai con của ông, con trai Hindley và con gái Catherine tại cơ ngơi của ông có tên là Wuthering Heights thuộc vùng Yorkshire.
Heathcliff là một người có cá tính mạnh mẽ, đam mê, hoang dại và không chịu nhường bước cho bất cứ ai đụng chạm đến quyền lợi của mình. Mr Earnshaw thương yêu Heathcliff như con nhưng sau khi ông qua đời, Heathcliff đã bị Hindley vốn sẵn ghét Heathcliff ngay từ ngày đầu, bạc đãi, hành hạ và đầy đoạ Heathcliff không khác gì người giúp việc hạ đẳng.
Catherine, mặc dù yêu Heathcliff nhưng lại chọn Edgar Linton, người thừa kế chính của giòng họ Clinton, để kết hôn
Với địa vị và tài sản của gia đình Linton, Catherine có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn vì anh cô, Hindley sau khi vợ qua đời đã đâm ra nghiện rượu, bỏ bê công việc nên đưa Wuthering Heights vào tình trạng phá sản.
Heathcliff ra đi mang theo mối hận lòng. Ba năm sau ông ta giàu có và trở lại Wuthering Heights để thực hiện việc trả lại mối thù mà ông đã mang đối với Hindley, Catherine cũng như với Linton, tuy là người ngoại cuộc nhưng đã cướp người yêu của ông ta.
Câu truyện vì thế chứa đầy bi thảm, căng thẳng và đôi khi hoang dại qua tâm lý phức tạp của Heathcliff.
Cách viết cứng cỏi nên vào thời đó người đọc đều nghĩ tác giả là nam giới. Cả Charlotte, Emily va Anne đều xuất bản sách cũng như tập thơ dưới bút hiệu nam giới Currer,  Ellis và Acton Bell để tránh sự kỳ thị. Chỉ có người con trai duy nhất Branwell Brontë là dùng tên thật của mình.

Ba chị em Brontë : Anne, Emily và Charlotte (từ trái sang). Hình do Brannwell Brontë vẽ.

Bốn anh chị em Brontë là bốn trong số sáu người con của mục sư Patrick Brontë (1777-1861) và bà Maria Branwell. Gia đình của mục sư cư ngụ tại một ngôi làng hẻo lánh Haworth thuộc vùng Yorkshire-Moors, nơi mà điều kiện sống cũng như thời tiết rất khắc nghiệt.
Mẹ mất sớm khi Anne, cô con gái út mới được một tuổi nên người dì là Elizabeth Branwell về sống chung để thay chị mình nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như tài trợ một phần cho việc học của các cháu.
Lên sáu, Emily cùng các chị theo học một trường nội trú dành cho con cái của các mục sư. Một phần vì điều kiện sống khắt nghiệt và thiếu lành mạnh tại trường nên hai người chị bị bệnh và qua đời.
Cuộc sống khó khăn và buồn thảm nên Charlotte, Branwell, Emily và Anne chỉ có thú vui duy nhất là đọc sách. Bốn chị em đã nghiền ngẫm không biết bao nhiêu là sách trong thư viện của cha và đắm chìm vào trong thế giới ảo tưởng của mình. Phần lớn thơ văn của chị em Brontë đều bắt nguồn từ những đề tài trong thế giới mộng mơ do chính họ tạo ra. Chị em Brontë có kiến thức cao vì ngoài việc thâu thập sự hiểu biết tại trường học, họ còn được cha dạy thêm về nhiều môn học khác nhau và dì Elizabeth là người dạy dỗ và hướng dẫn các cô gái trong việc bếp núc cùng tề gia, nội trợ.
Sau khi học xong, Charlotte, Emily cũng như Anne đều có thời gian hành nghề dạy học hoặc làm gia sư (dạy học và chăm sóc cho con cái của các gia đình giàu có) nhưng công việc làm này không đem lại niềm vui cũng như hứng thú cho cả ba chị em.
Emily và Charlotte có hoài vọng là sẽ mở một trường tư ở Haworth nhưng tiếc thay, ước vọng này không thành.
Charlotte là chị lớn nhất trong số bốn chị em nhà Brontë còn lại và là người duy nhất lập gia đình và sống qua hết tuổi trưởng thành. Làm thơ từ năm mười ba tuổi, hết lòng chăm sóc và hướng dẫn các em chẳng khác gì người mẹ hiền. Trong thời gian buồn bã và cô đơn khi theo học tại Roe Head, Mirfeld, bà đã sáng tác rất nhiều bài thơ u sầu. Học xong bà trở thành cô giáo tại trường này một thời gian, sau đó làm gia sư. Bà không hài lòng với công việc này vì bị chủ nhân đối xử mà theo bà, giống như với nô lệ.
Charlotte đã chứng kiến các em của mình qua đời ở tuổi còn trẻ. Lập gia đình năm 1854 và có mang đứa con đầu lòng ngay sau đó nhưng tiếc thay vào năm 1855 bà đã từ bỏ cõi đời cùng đứa con trong bụng vì bệnh lao phổi (cũng có nguồn tin là vì bệnh thương hàn).
Bà xuất bản thơ cũng như ba cuốn tiểu thuyết, nổi tiếng nhất là “Jane Eyre”. Cuốn “The Professor” trước Jane Eyre và quyển “Vilette” sau Jane Eyre lại không được ưa chuộng.

Emily chỉ thua Charlotte hai tuổi, đối với các nhà viết tiểu sử thì Emily là một gương mặt bí ẩn. Vì bản tính e lệ, rụt rè, khép kín nên ngoài anh chị em trong gia đình, bà hầu như không hề giao thiệp với một ai và không có bạn bè. Sau này những điều người ta biết về bà đều do từ lời tường thuật của Charlotte mà thôi.
Bà yêu cây cỏ, thiên nhiên và có mối quan hệ mật thiết với thú vật. Có thể nói, cuộc đời của bà gắn liền với khung cảnh của vùng Yorkshire-Moors nên mỗi khi xa nhà bà đều quay quắt, nhớ thương và mong muốn được trở về.
Vì hoàn cảnh sống cũng như vì khí hậu khắc nghiệt của quê nhà, sức khoẻ của bà càng ngày càng hao mòn. Từ bệnh cảm đưa đến việc viêm phổi, rồi dẫn đến bệnh lao. Emily không chịu uống thuốc và chữa trị nên bà qua đời vào năm 1848, ba tháng sau ngày anh của bà Branwell từ trần. Một người giúp việc cho gia đình đã cho là bà mất vì tim tan vỡ trước cái chết của người anh thân yêu.

Cô em gái út Anne Brontë là người có ngoại hình duyên dáng nhất trong ba chị em gái Brontë, rất gần và gắn bó với Emily và được dì Elizabeth thương yêu nhất. Khi còn nhỏ Anne không tới trường mà được cha dạy học tại nhà, kể cả việc học vẽ và âm nhạc. Lớn lên Anne theo học trường nội trú ở Mirfeld. Năm mười chín tuổi bà tìm được việc làm gia sư. Sau khi thay đổi chỗ làm hai lần bà bỏ việc làm để trở về sống tại nhà và để hết thời giờ cho việc làm thơ và viết sách.
Cuốn sách đầu tay của bà có tên là “Agnes Grey” được viết dựa vào kinh nghiệm mà bà đã trải qua trong thời gian làm việc kèm trẻ. Cuốn sách thứ hai và cũng là cuốn cuối cùng là “The Tenant of Wildfell Hall”. Lúc ban đầu cả hai cuốn sách đều được xuất bản với bút hiệu Acton Bell.
Anne qua đời ở tuổi hai mươi chín, bà không nổi tiếng bằng hai chị, không phải vì bà thiếu khả năng mà một phần vì sau khi bà mất, Charlotte đã không cho tái bản truyện của bà.
Cả ba chị em Brontë đều có năng khiếu làm thơ, viết văn và hầu như đã dùng hầu hết thì giờ cho văn chương, nghệ thuật.

                                     Hình 4/ Ngôi nhà của gia đình Brontë tại làng Harworth

Năm 1846 Charlotte cho xuất bản tập thơ của ba chị em với bút hiệu Currer, Ellis và Acton Bell. Mặc dù tập thơ chỉ bán được hai cuốn nhưng chị em Brontë vẫn không nản lòng, vẫn tiếp tục viết và sáng tác.
Năm 1847 truyện dài “Jane Eyre” ra đời và được đón nhận nên thành công về mặt thu nhập, trái hẳn với cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên là “The Professor” và cuốn cuối cùng mang tên là “Vilette”.
Cũng trong năm đó cuốn truyện “Wuthering Heights” của Emily và cuốn “Agnes Grey” của Anne cũng được xuất bản nhưng tiếc thay không gây được nhiều tiếng vang.
Một năm sau, Emily qua đời vì bệnh lao phổi. Đến năm 1850 cuốn sách “Wuthering Heights” được tái bản và trong lời đề tựa, Charlotte đã viết để xác định là cuốn sách này có giá trị và hay hơn cuốn Jane Eyre nhiều.

Ngày nay “Jane Eyre” cũng như “Wuthering Heights” đều là những tác phẩm văn chương nổi tiếng trên thế giới và được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển giá trị. Charlotte, Emily và Anne đều qua đời lúc còn trẻ, nếu không chắc chắn những thế hệ sau còn được thưởng thức thêm nhiều đại tác phẩm dưới ngòi bút tài hoa của chị em Brontë.
Charlotte Brontë (1816-1855) bút hiệu Currer Bell
BranwellBrontë    (1817-1848) hoạ sĩ
EmilyBrontë         (1818-1848) bút hiệu Ellis Bell
Anne Brontë.       (1820-1849) bút hiệu Acton Bell

Lê-Thân Hồng-Khanh
Tài liệu tham khảo và hình ảnh: nguồn net

 

Có 7 bình luận về   CHỊ EM BRONTË – CHARLOTTE, EMILY, ANNE BRONTË

  1. Luong Minh nói:

    Đọc sách để rèn luyện kiến thức, rèn luyện tâm tánh, thế nhưng theo các học giả Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê thì phải đọc các danh tác, các sách hay . Các anh chị ra nhà sách hiện nay không biết cơ man nào là sách, nhìn phát ngộp, do đó việc chỉ điểm của cô Hồng Khanh là việc làm rất cần thiết, giúp người học chọn được sách hay, không phải mất thời gian để đi tìm tác phẩm, tác giả.

  2. Hoành Châu nói:

    Em đã đọc những hết  tác phẩm này rồi nhưng có dịp để nghiền ngẫn lại vẫn thích thú hơn, Cảm ơn cô ạ
    Em Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những nhà văn tài hoa bạc mệnh ở

    thế kỷ 19, đe lại những tác phẩm kinh điển một thời, ấn tượng nhất đối với phần đông chúng ta là Đồi gió hú ( Đỉnh gió hú ), đúng không thưa Cô ?

    Cảm ơn cô khắc lại những nét chính về 4 chị em tác giả nổi tiếng này, điểm lại những tác phẩm mà độ tuổi cô, chúng em từng mê say theo dõi.

  4. Trầm Hương Ptt nói:

    Cám ơn bạn đã cho đọc lại và đưa mình về ký ức của một thời trung học..Ráng đọc những tác phẫm tiếng Anh đến mờ con mắt, tra tự điển mỏi cả tay…để hiểu nguyên bản…Chị em nhà Bronte” quả là có khiếu văn chương, sống trong tình trạng nghiệt ngả của hoàn cảnh… chỉ có con đường đi vào văn chương mới mong giải tỏa những u uẩn trong cưộc đời..Rất tiếc họ chết quá sớm , nếu không thì đúng như lời bạn nói..” Những thế hệ sau còn được thưởng thức thêm nhiều đại tác phẫm dưới ngòi bút tài hoa của chị em Bronte”    và tôi cũng mong bạn có nhiều thì giờ để dịch những tác phẫm văn chương cho mọi người đọc .

  5. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Jane Eyre và Wuthering Heights là những tác phẩm kinh điển tiếng Anh nêu đều được đưa vào giảng dạy tại đại học Văn Khoa Sài Gòn.

    Chứng chỉ dự bị Anh văn có giảng dạy phần A Prose Masterpiece (Một Kiệt Tác Văn Xuôi) nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản thế nào là một quyển truyện tiếng Anh hay qua cách dàn ý, sắp xếp tình tiết, giới thiệu nhân vật, cách dùng từ, chơi chữ… dựa trên quyển Jane Eyre bản tóm lược.

    Quyển Wuthering Heights được dạy trong chứng chỉ Văn chương Văn minh Anh.

    Em phải đồng ý với cô Trí là đọc truyện Anh (như quyển Wuthering Heights) vừa nặng đầu vì câu phức khó hiểu, vừa mỏi tay vì phải tra tự điển!

  6. Hồ An Nhiên nói:

    Cô Khanh ơi , Jane Eyre là truyện em yêu thích đến bây giờ

  7. Bạn Trí ơi,
    Cùng các em,
    Rất vui khi thấy chị em Bronte đã đưa bạn và các em trở về thời xa xưa khi tóc còn xanh và còn cắp sách đến trường. Chúng ta lúc mới lớn, thích đọc, thích miệt mài cùng sách vở đều tạo cho mình một thế giới mộng mơ. Tiếc thay chúng ta không có khả năng thiên phú như chị em Bronte để để lại cho đời những kiệt tác như Jane Eyre và Wuthering Heights.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác