20 GIỜ Ở LA GI (Tiếp theo)

Ngày đăng: 9/08/2018 10:00:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

Sáng thức giấc, sau một đêm thù tạc, Phú Đoàn đưa Luơng Minh đi ăn phở đối diện nhà. Lẽ ra Lương Minh thức sớm để đi thăm chợ và các thắng cảnh ở thị xã này, nhưng thấy bạn bèo nhèo qua đêm thức trắng (thức đến 2g sáng hôm sau) vì ông bạn Đình Xuân tửu lượng quá cao (uống thêm một chai rượu ngâm trái chuối rừng), nên thôi. Ăn chưa xong, Phú Đoàn đã gọi nhà thơ Lương Bút, Ái Liên, Trương Thị Sáng… những nhà thơ nữ này không có mặt trong cuộc  nhậu chiều qua.

Do hẹn với các anh chị lúc 8 giờ, nên tôi còn nửa tiếng đi dạo quanh thị xã này. Đi ngang qua cầu Tân Lý bắc ngang con sông Dinh thấy tàu thuyền đánh cá tấp nập liền dừng lại nhờ bạn mình cho một vài kiểu làm kỷ niệm. Cảng La Gi theo Phú Đoàn nói, đây là cảng thuộc loại  lớn nhất tỉnh Bình Thuận và cũng là loại lớn vùng duyên hải Nam trung bộ, lại sát cạnh Chợ cá biển La Gi một chợ đầu mối cung cấp hải sản tươi sống đông lạnh đi Sài Gòn.

Quán cà phê Huyền Thoại nằm trên đường Thống Nhất, TX La Gi, một điểm hẹn mà ai cũng biết. Chưa đi hết TX La Gi nên không biết có phải đây là quán lớn nhất thị xã không, nhưng nhìn không gian dành cho khách thì lớn lắm. Nhiều khu vực  trên cao, dưới thấp, có chỗ ngồi nhìn ra ruộng lúa xanh tươi, có phòng banh dành cho trẻ con. Chính vì thế mà nhà thơ Đỗ Ái Liên đi uống cà phê với bạn dẫn theo cháu ngoại và để nó chơi trong nhà banh.

Buổi sáng  trời chuyển mưa, tôi và Phú Đoàn phải lựa chỗ ngồi sao cho vừa sáng, vừa không ồn ào, lại được dù che mưa nhỏ để có thể trò chuyện nghe rõ. Ngồi một lúc thì nhà thơ Giang Đà (Lương Bút) đến, hôm qua anh ngủ trễ nên sáng nay dậy muộn. Tập thơ “Xin như mây trắng” mà anh tặng tôi hôm qua là tác phẩm đầu tay của anh, trong đó có 48 bài được anh viết từ nhiều năm nay. Nghe nói anh cũng có nhiều khả năng, làm thơ, biên khảo về địa danh. Anh không những là nguời thừa kế anh Phan Chính cái chức vụ chi hội trưởng chi hội văn học nghệ thuật thị xã mà còn  thừa huởng cái  khả năng nghiên cứu về địa phương của anh Phan Chính.

Sáng nay, tôi có ý  muốn gặp anh Phan Chính một nhà văn, nhà nghiên cứu lão thành ở vùng đất biển này. Anh đã xuất bản cuốn Huyền thoại xứ biển (2007); La Gi đất xưa Diện Hải Bối Lâm, một công trình nghiên cứu về La Gi khá đầy đủ so với các huyện thị khác. Phú Đoàn cho biết anh vừa đi Hàn Quốc về không biết có ở nhà không hay còn chu du nơi khác (?) Thế là tôi mất đi cơ hội gặp gỡ vị sư hynh này !

Chị Ái Liên và chị Trương Sáng cũng đến. Ái Liên  còn có bút hiệu khác là Đỗ Quyên, chị là em chú bác với nhà thơ Đỗ Nghê (BS Đỗ Hồng Ngọc) và là chủ một cửa hàng kinh doanh gas ở thị xã này. Nghe Phú Đoàn giới thiệu về người bạn ở Vĩnh Long ghé chơi, chị chu đáo đem theo tập thơ Chạm cõi mênh mông để tặng tôi. Tập thơ này in xong hồi cuối năm ngoái gồm hơn 60 bài thơ được nhà thơ Đoàn Thuận đề tựa và nhà thơ Như Anh viết lời bạt. Chị Trương Sáng là người làm thơ có bút hiệu là Sáng Phương Đông cũng sinh hoạt ở CLB Thơ ca La Gi (anh Hải Đăng làm chủ nhiệm). Chị lớn tuổi hơn tôi và Phú Đoàn nhưng tính tình cởi mở, gương mặt trẻ trung, vì vậy mà Phú Đoàn cứ gọi chị là em gái miết, chị chỉ cười trừ.

Trò chuyện chưa được bao lâu thì đến giờ xe đến rước tôi quay về Sài Gòn. Tôi phải về nhà Phú Đoàn để lấy hành trang đi về. Về nhà, Phú Đoàn lấy tập Thơ Đời Ngân Vọng tặng tôi, tập này do Kha Tiệm Ly đề tựa năm 2013 và được NXB Văn học xuất bản tháng giêng năm 2014. Qua tập này tôi được biết thêm về bạn mình, một người làm thơ, viết văn lâu năm, có nhiều thơ in chung nhiều tác giả hàng chục năm trước. Điều đáng ngạc nhiên là anh có sức quy tụ anh chị em mạnh mẽ ở thị xã La Gi này, dù anh không ở trong Ban chấp hành trong chi hội văn nghệ và Ban chủ nhiệm CLB thơ. Phải chăng sự nhiệt tình của anh với giới văn chương đã giúp anh có chỗ đứng trong làng văn.

Lương Minh

 

h1                                                Trên cầu Tân Lý

h2

h3

h4                                                     trong quán Huyền Thoại

h5                                                   Đỗ ái Liên ký tặng sách

h6

h7                                                   Chị Sáng- Lương Minh- Đỗ Ái Liên – Phú Đoàn

 

 

Có 9 bình luận về 20 GIỜ Ở LA GI (Tiếp theo)

  1. My Nguyễn nói:

    Anh Lương Minh thật là diễm phúc, gặp được những nhà thơ ở La Gi. Vậy việc định tổ chức cho bạn bè trang TPH đi giao lưu ở La Gi, anh có còn định tổ chức ko?

    • Luong Minh nói:

      Chuẩn bị đi nên mới ghé La Gi đó chứ. Ở khu vực này có nhiều thắng cảnh đẹp, chị lên danh sách và định ngày đi. Tôi sẽ thiêt kế tour có nhiều cảnh . nếu đi 2 ngày thì thong thả hơn, còn 1 ngày thì rất mệt , từ VL đi Sai Gòn 3 giờ, ra La gi cũng mất 2.30 giờ. Đi sớm, ra đó cũng trưa, ăn cơm xong thì đi được 1 điểm là hết 3 – 4 giờ chiều về thì tới VL cũng 10 giờ đêm. Mệt mà kết quả khong là bao

      • My Nguyễn nói:

        Như hôm trước đã bàn, có thể đi vào khoảng trung tuần tháng 9. Nếu như anh LM nói thì phải đi ít nhất 2 ngày mới được… Cánh VL My sẽ tập hợp danh sách, ở SG anh nhờ chị Phi Rom nhé!

  2. NHA nói:

    Đề nghị LM tìm hiểu lý do vùng đất này có tên là LA GI, nếu có thể ? < cho biết nguồn gốc của từ ngữ La Gi…luôn>

  3. La Thụy nói:

    Đọc tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi thật tâm đắc với kiến giải của anh Phan Chính:
    La Gi là một địa danh khá lạ từ cách viết, cách đọc. Trong Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882, và trước đó trong châu bản  “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877, đã từng đề cập đến địa danh La Di, ghi theo biểu tra chữ Hán thì chữ La nghĩa là lưới, Di là nước nhỏ. Chữ Di  trong chữ Hán này viết theo chữ quốc ngữ hiện hành là Di (Dê I di)… Từ La Di cũng không thể là từ Hán Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc… Với nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu)
    Trong bản đồ hành chính thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Thuận trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ ”. Trong quá trình cộng hưởng ngôn ngữ với người dân bản địa đã được Việt hóa trở thành ngữ âm địa phương, rồi ghi chép lên bản đồ hoặc có phần do người dịch để phục vụ cho yêu cầu hành chánh đã làm sai lệch nguyên ngữ… Đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh.. Có thể coi địa danh La Di với La (ngữ âm người Chăm) với thành tố của Di (chữ Hán), về mặt ngữ âm La kết hợp với ngữ nghĩa Di tưởng chừng vô lý nhưng thực tế có nhiều địa danh đã hình thành từ trường hợp đó. Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên.(tr. 16 – 22).

  4. La Thụy nói:

    Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến cách phát âm có khác nhau. Với dân bản xứ hoặc đã sống lâu năm ở đây đã quen đọc La Gi là “la di” hoặc /la zi/. Nhưng, với người ở xa đến, kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương đọc địa danh La Gi là “la-ghi”…
    “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, là tập sưu khảo, địa danh, vì vậy tôi xin mạn phép được bàn qua địa danh La Gi. Theo thiển ý của riêng tôi, Tiếng Việt hiện hành đang sử dụng mẫu tự La tinh để ghi. Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U, Ư đọc là “gờ”, các cô giáo lớp 1 khi dạy cho học sinh thì hướng dẫn là “Gờ đơn” để phân biệt với “Gờ kép” được viết bằng 2 con chữ GH (GHI đọc là “ghi”). Nếu chữ G trước nguyên âm I thì đọc là /Zi/ như gió, giếng, giun, giẻ, già… Như vậy, La Gi đọc là /la zi/. Nếu thêm dấu huyền vào hai tiếng LA GI thành LÀ GÌ  (la huyền là, gì huyền gì) LÀ GÌ đọc “là gì” có ai đọc “là ghì” đâu !

    “Về chữ viết từ La Di thành Lagi có từ khi Pháp đô hộ cầm quyền, căn cứ vào ngữ âm, chữ Hán Nôm ghi trên bản đồ triều Nguyễn và được phiên âm để dùng làm địa danh hành chánh.” (Phan Chính)


    Người Pháp đọc chữ D thành Đ (đê), nếu ghi thành LA DI theo mẫu tự La Tinh, thì người Pháp sẽ đọc là “la đi” 
    Vì vậy, người Pháp đã căn cứ theo âm Hán Việt LA DI để viết thànhLagi  đọc theo tiếng Pháp, cho gần sát với âm bản ngữ địa phương /la zi/ hoặc /laji/. Trong tiếng Việt, Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm E, Ê, I  mà đọc là “gờ” thì phải được viết bằng 2 con chữ GH mà các giáo viên dạy hs lớp 1 gọi là “Gờ kép”. Tiếng Pháp cũng được ghi bằng mẫu tự La Tinh. Tương tự như cách ghi âm tiếng Việt, chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, O, U đọc là “gờ”, nhưng chữ G đứng trước các nguyên âm E, I thì  GE đọc là /je/ /jơ/,  GI đọc là /ji/ nghe gần giống /ze/, /zơ/, /zi/, chẳng hạn: áo gilet đọc là /ji lê/; gène/jen/, nhưng khi đọc là “gờ” thì trong tiếng Pháp, chữ G ghép với chữ U, tương tự như trong Việt chữ G ghép với chữ H chẳng hạn: Guillaume Apollinaire đọc là “ghi zôm”, la guerre (chiến tranh)  “la ghe”
    Xin nói thêm, về việc người Pháp ghi trên bản đồ hành chính thời Pháp thuộc cho gần sát với âm bản ngữ địa phương. Địa danh Kê Gàhọ ghi là Kéga. Chữ é người Pháp đọc là ê, nhưng nhiều người kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương không rành tiếng Pháp đọc là ké ga. Kéga đọc theo tiếng Pháp với âm ngang ngang là “kê ga”, nếu đọc lên bổng xuống trầm, nhấn giọng ở ké, hạ giọng ở tiếng “ga” thì Kéga đọc gần như Kê Gà trong tiếng Việt.
     Đọc những bài “Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại”, “Chuyện xưa mùa lễ hội”, “Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà” trong tập sưu khảo “LaGi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi bỗng thích thú nghĩ đến những cụm từ ngồ ngộ “La Gi là gì” “La Gi, ly gia” và nảy sinh một tứ thơ vui, mượn lời du khách phương xa đến La Gi thắc mắc về những địa danh  thật lạ lùng với họ:
     

  5. La Thụy nói:

     LA GI

        Chưa đi chưa biết La Gi
        Đi rồi cứ hỏi là gì hở em?
     
        Rùa kia mu cứng hay mềm
        Hòn Bà sao lại là tên đảo rùa?
        Núi Ông chẳng lẽ chào thua
        Ly gia chẳng được phân bua một lời
        Kê Gà đèn biển chọc trời
        Đề huề Hán Việt cùng ngồi cạnh nhau
        Tiếng KÊ tên gọi của Tàu
        Còn GÀ tên Việt… chụm đầu giao duyên!!!
        Tới đây lạ nước lạ miền
        Nghe danh Thầy Thím hiển linh cứu đời
        Xin cho được hỏi ít lời
        THẦY nam THÍM nữ ? Ngát trời khói hương
     

  6. Luong Minh nói:

    Cám ơn anh La Thụy đã có lời giải thích tỉ mỉ. Tiếc là hôm đó tôi không gặp Phan Chính để trò chuyện thêm.

  7. Luong Minh nói:

    La Thuy gửi quyển sách ” “LAGI ĐẤT XƯA…” theo dạng tập tin đính kèm và dẫn đường link các bài của anh đăng (khoảng 3/4 quyển sách)

     
    MỜI XEM ĐƯỜNG LINK:

    https://phudoanlagi.blogspot.com/search/label/PHAN%20CH%C3%8DNH

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác