TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI ( PHẦN IX)

Ngày đăng: 8/07/2018 06:02:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Tháng sáu là một tháng không có chủ nhật, với tôi dường như tháng này có hai bức tường bao quanh một lối đi như trong nhà tù với một cái cửa sắt khoá kín, cánh cửa đưa đến phần học bổng của trường Trung học.

                                                                  Hình 1/ Trường trung học của Marcel tại Marseille

       Đó là tháng để ôn tập lại tất cả mà tôi phải miệt mài một cách mê say, không phải vì muốn thu thập kiến thức mà vì lòng tự hào. Tôi là học sinh được chọn lựa để bảo vệ danh dự cho trường “Chemin de Chartreux”.

Vì kiêu ngạo nên tôi xử sự như một diễn viên hài. Trong giờ chơi, tôi bỏ rơi bạn bè và đi lên, đi xuống dọc theo bức tường trong sân trường. Trước mắt bạn bè, những người không dám làm rộn nhà “triết gia”, tôi nghiêm trang với cái nhìn xa vắng lẩm bẩm các câu để học thuộc lòng

Khi có bạn nào dám bắt chuyện, tôi làm như thể vừa rơi xuống từ chín từng mây sáng suốt, tặng cho kẻ quấy rối đã bị bạn bè của tôi chỉnh, một cái nhìn thật đau đớn.

Màn hài kịch mà tôi đóng bằng tất cả sự tin tưởng cũng không phải là vô ích: nhiều khi diễn viên hài đóng vai một anh hùng cũng trở thành anh hùng thật sự. Sự tiến bộ làm các thầy của tôi ngạc nhiên. Ngày thi đến, với áo cổ cồn, đeo nơ, hai má xanh xao, tóc chải vuốt, tôi đã làm bài khá giỏi.

Ông hiệu trưởng, người có nhiều cộng sự viên tỏ tường trong hội đồng thi, cho chúng tôi biết là bài luận của tôi đáng được chú ý, bài chính tả không bị lỗi nào và chữ viết rất đáng được khen thưởng.

Tiếc thay tôi không giải được bài thứ hai, bài nói về cách luyện kim chất đồng. Bài này khó đến nỗi chỉ có một trong số hai trăm học sinh hiểu được, đó là Oliva. Vì thế hắn ta được giải nhất còn tôi nhận giải nhì.

Không ai la rầy tôi nhưng đó là một sự thất vọng lớn lao. Sự thất vọng này biến thành sự phẫn nộ đối với hội đồng thi khi ông hiệu trưởng bao quanh bởi các nhà giáo trong sân trường, đọc to câu hỏi tai hại đó lên. Ông nói – vâng, chính tai tôi đã nghe thấy –  ngay cả ông khi đọc lần đầu tiên cũng không hiểu nổi câu hỏi này.

Thầy Besson chứng nhận bài tập này chỉ để dành cho những học sinh có kiến thức thật cao. Thầy Suzanne cho là người ra một câu hỏi như vậy thật sự chưa bao giờ nói chuyện với trẻ con. Thầy giáo trẻ và sôi nổi Arnaud giải thích là lần này càng chứng tỏ thêm sự xảo quyệt cũng như mánh lới nham hiểm của các trường trung học. Ông đi đến một nhận định là với trí óc lành mạnh của con người thì không ai có thể hiểu được bài tập này và cuối cùng ông đã chúc mừng tôi vì tôi đã không hiểu câu hỏi trên.

Đương nhiên sự phẫn nộ cũng lắng dần khi mọi người biết được Oliva không phải là kẻ phản bội mà cũng xuất thân từ một trường tiểu học, trường Rue de Lodi. Trường này cũng là trường anh em thân thiết với trường của tôi. Điều nhận định là cả hai giải nhất và nhì đều xuất phát từ trong vòng các trường của mình khiến cho sự thất bại của tôi trở thành một thành công lớn.

Tôi vì thất vọng không cùng nên làm tất cả những chuyện nhỏ nhen để hạ giá chiến thắng của kẻ nguy hiểm Oliva.

Tôi phao tin, một kẻ biết rõ về việc luyện kim thành đồng như vậy thì chỉ có thể là con trai của một người làm các đồng xu giả mà thôi.

Sự phỏng đoán một cách thù hằn lẫn lãng mạn này được Paul vì tình anh em cho là đúng và tôi có ý định sẽ loan truyền sâu rộng hơn trong trường. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu tôi không đột nhiên thấy rõ là kỳ nghỉ hè đang đến trước mắt.

Ovila cùng câu hỏi nham hiểm tự nhiên biến mất, ông Hiệu trưởng và các học sinh lớp trên cũng không để lại một dấu vết gì nữa. Tôi cười và lại mơ mộng, run lên vì sung sướng và bồn chồn chờ đợi ngày khởi hành.

Tuy nhiên một có một bóng mờ trong dự tính của chúng tôi.

Chú Jules và dì Rose không đi cùng được. Có nghĩa là trong nhà sẽ trống trải và tôi sợ là sự vắng mặt của một người lãnh đạo cũng làm cho việc săn bắn bị bất lợi. Thêm vào đó gia đình chú vắng mặt vì phải đi về Roussillon để trình diện em họ Pierre với gia đình của chú, một gia đình chuyên làm rượu vang, họ đang nóng lòng chờ đợi để được gặp Pierre.

Cậu bé của các vị cao niên đó chỉ là một em bé bự, cười luôn miệng và bắt đầu tập nói. Bé chưa nói đúng được chữ ‘R’ nên tôi nhắc dì Rose là, nếu đem bé đến ở với người ngoại quốc mà họ sẽ dạy bé nói thổ ngữ vùng Perpignan thì sẽ không tốt cho bé. Dì trấn an tôi bằng cách hứa chắc là cả gia đình dì sẽ trở về Bastide Neuve với chúng tôi trước ngày mùng một tháng tám.

Cuối cùng là ba mươi tháng sáu, một đêm trước của ngày với nhiều sự kiện lớn xảy ra.

Mặc dù cố gắng nhưng tôi không sao ngủ được, giấc ngủ giúp tôi quên đi những giờ chờ đợi buồn chán. May là tôi còn có thể tìm cách tưởng tượng trong đầu khoảng thời gian tuyệt vời mà chỉ còn một ngày nữa là bắt đầu. Tôi tin chắc sẽ còn vui hơn là hè năm ngoái bởi vì tôi đã lớn hơn cũng như mạnh mẽ hơn. Tôi cũng đã biết những bí mật của vùng đồi núi và một cảm giác thật nhẹ nhàng đến với tôi khi tôi nghĩ tới Lili, giờ này chắc hắn cũng mất ngủ như tôi.

Sáng hôm sau cả nhà lo dọn dẹp vì chúng tôi sẽ rời nhà trong hai tháng. Mẹ sai tôi tới hiệu tạp hoá để mua các viên long não, khi cơn lạnh bắt đầu thì túi của ai cũng phải có những viên này.

Sau đó chúng tôi lo đến hành lý mà mẹ tôi đã sắp sẵn từ nhiều ngày trước, giống y như dọn nhà. Mẹ nhắc nhiều lần là Francois phải đến với con lừa, cha làm như điếc nay phải nói ra sự thật. Sau khi mua sắm quá nhiều để làm cho cuộc nghỉ hè được dễ chịu và chắc chắn thì tình trạng tài chánh trở nên khó khăn, nếu phải trả thêm bốn phật lăng nữa thì quỹ sẽ thiếu hụt.

– “Và ngoài ra”, ông nói, “bây giờ chúng ta có bốn người, Paul đủ mạnh để mang được ít nhất là ba kí lô….”

– “Bốn!” Paul kêu lên, mặt đỏ vì hãnh diện.

– “Con mang được ít nhất là mười kí”, tôi nói.

– “Nhưng mà Joseph!” mẹ tôi than. “Hãy nhìn bao nhiêu là gói và va li! Bộ anh không thấy sao? Anh không nhìn kỹ sao?”

Nghe thế cha tôi, mắt thì mở hé, hai tay giang ra và hát lên với giọng êm dịu:

                       “En fermant les yeux je vois là-bas

                         Une maisonnette toute blanche

                         Au fond du bois…”

Sau bữa ăn sáng vội vã, hành lý được phân chia khéo léo, chúng tôi có thể khởi hành mà không phải bỏ bớt món nào.

Tôi đeo hai túi, một đựng đầy xà phòng, túi kia là đồ hộp và xúc xích. Dưới nách là một bó được buộc chặt một cách khéo léo gồm có khăn vải, mền, áo gối và khăn tay. Giữa những món này mẹ tôi xếp những đồ vật dễ vỡ. Dưới nách trái là hai chụp đèn bằng thuỷ tinh và một tượng nhỏ bằng thạch cao, hình một vũ nữ khoả thân, giơ một chân lên cao. Bên nách phải là lọ muối to bằng thuỷ tinh (mua tại chợ trời giá một phật lăng rưỡi) và một đồng hồ báo thức lớn (hai phật lăng rưỡi) dùng để đánh thức các thợ săn với tiếng reng thật mạnh. Vì quên không tắt nên tôi vẫn nghe tiếng tích tắc xuyên qua tấm mền.

Ngoài ra trong túi đeo của tôi còn được nhét thêm những hộp củi để nhóm lửa, những túi hạt tiêu nhỏ, hột Muskat, đinh hương, nui, chỉ, nút áo, giây giày, hai lọ mực được gắn xi đóng kín.

Trên lưng của Paul, chúng tôi buộc một cái cập táp cũ đầy cả đường, phía trên cặp là một cái gối, cuộn tròn trong cái khăn quàng cổ. Từ phía sau không còn thấy được đầu của hắn.

Bên tay trái, hắn xách một cái giỏ lưới, nhẹ nhưng cũng chất đầy hoa khô dùng làm trà như hoa Linde, hoa cúc, và quả hoa hồng

Tay phải không cầm gì vì hắn phải dắt em gái ôm một con búp bê sát vào ngực.

Mẹ tôi định sẽ xách hai va li (bằng da giả) đựng dao muỗng nĩa bạc (bằng thiếc) và dĩa bằng sành. Dĩ nhiên là quá nặng nên tôi quyết định xách bớt cho mẹ. Một nửa số nĩa nhét vào trong túi xách của tôi, muỗng vào cặp của Paul và sáu dĩa bằng sành vào túi đeo lưng của tôi. Mẹ tôi bận quá nên không để ý đến việc này.

Túi đeo lưng căng phồng của cha tôi mà các túi ngoài đều đầy đến nỗi muốn rách, nặng ít nhất là bằng trọng lượng con người của tôi.

Chúng tôi phải nhấc túi đó lên bàn, cha tôi bước tới một bước rồi quay lưng lại phía bàn, quanh hông của ông, một thắt lưng đầy những túi đựng đồ nghề, cổ chai và rễ tỏi tây lòi ra. Một, hai, ông quỳ xuống. Chúng tôi tìm cách đưa túi đeo thăng bằng trên vai ông, em Paul kinh ngạc, đầu dựa vào phía sau, miệng há ra, hai tay nắm lại để giúp cho công việc nguy hiểm đến tính mạng này.

Nhưng cha tôi không bị ép nát bét, chúng tôi nghe tiếng khoá buộc dây và rồi túi đeo được đẩy từ từ lên phía trên. Trong sự im lặng hoàn toàn chúng tôi nghe thấy tiếng kêu của một đầu gối, tiếp theo là đầu gối kia và Joseph tuyệt vời của chúng tôi đứng ngay dậy.

Ông thở thật sâu, cử động đôi vai để cho các giây của túi nằm vào đúng chỗ đoạn ông đi tới, đi lui trong phòng ăn.

“Yên ổn!” ông nói và không ngần ngại, ông xách luôn hai cái va li lớn. Hai va li này đầy đến nỗi chúng tôi phải dùng dây để buộc ba vòng và sức nặng đã trì hai tay cha tôi trông như tay ông bị kéo dài ra.

Ông lợi dụng điều này một cách khéo léo để nhét thêm một tay cây súng săn (trong một túi da ép) ngoài ra còn có một ống nhòm của Hải quân mà chừng như bị cuộc tấn công tại Kap Horn làm hư hại vì ống kính kêu lập cập như có những viên mưa đá nằm trong đó.

                                             Hình 2/ Đợi xe điện để về quê

                                      nguồn hình : phim Le Château de ma mère) 

Thật là khó khăn để leo lên khoảng trống ở phía sau xe với tất cả hành lý nặng nề như vậy, lúc xuống xe cũng không phải dễ. Đến giờ tôi vẫn còn nhìn thấy người bán vé để tay trên sợi giây báo hiệu một cách thiếu kiên nhẫn trong khi chúng tôi cố gắng đem sức ra để leo được lên xe.

Dù thế chúng tôi vẫn thấy sung sướng và sức mạnh tăng lên gấp đôi trước viễn ảnh một kỳ nghỉ hè thật dài. Nhìn thấy cảnh lữ đoàn của chúng tôi, ai cũng thương hại và đề nghị giúp tạm một tay. Cha tôi cười, cám ơn và từ chối, biểu diễn bằng cách phóng nhanh như phi ngựa để chứng tỏ là ông thừa sức để mang nặng như thế.

Một người chuyên chở tốt bụng, đang chở đồ đạc dọn nhà, đỡ hai va li cho mẹ tôi và treo dưới xe kéo của ông mà không nói lời nào. Chúng đong đưa một cách yên bình cho đến khi chúng tôi đến cửa ngõ của Đại tá. Wladimir đang đợi chúng tôi, trao cho mẹ tôi bó hoa hồng và kể cho chúng tôi là ông chủ lại bị thống phong nên phải ở trong phòng. Ông sẽ bất ngờ đến thăm chúng tôi ở Bastide Nueve, điều này làm chúng tôi vừa vui vừa hãnh diện vừa bối rối. Ông ta xách hộ tất cả mọi thứ trừ những món đồ đã buộc chặt vào người mang vác. Ông tháp tùng chúng tôi xuyên qua công viên của lâu đài công chúa ngủ trong rừng tới tận cửa ngõ của Dominique. Đoạn đường thứ ba này đối với chúng tôi sao dài hơn vì chúng tôi không thấy Dominique đâu cả và tất cả các cửa sổ đều đóng chặt.

Chúng tôi nghỉ chân dưới một cây vả lớn, cha tôi dựa lưng vào giếng nước, để túi đeo lưng trên thành giếng và dùng tay xoa lên hai vai bị túi đeo làm đau. Sau khi tươi tỉnh lại, chúng tôi tiếp tục lên đường.

Cuối cùng chúng tôi đến cái cửa màu đen, cái cửa của sự sợ hãi, cái cửa của sự tự do.

Chúng tôi nghỉ một lát, yên lặng để sửa soạn cho kỳ khảo sát cuối cùng.

“Joseph”, mẹ tôi tái nhợt, nói, “em có linh cảm!”

Cha tôi cười.

“Anh cũng vậy!” ông nói. “Anh có linh cảm là một kỳ nghỉ hè tuyệt diệu đang trải ra trước mắt chúng ta! Anh có linh cảm là chúng ta sẽ được thưởng thức những sâu chim nướng ngon lành, chim Krammet, chim trĩ, chim Alpendrossel! Anh có linh cảm là các con, mỗi đứa phải lên ít nhất ba kí! Thôi  bây giờ đi! Cả ba tháng dài chẳng ai nói gì cả, tại sao hôm nay họ lại làm phiền chúng ta?”

Ông nhỏ dầu vào lỗ khoá, làm mọi biện pháp đề phòng như thường lệ rồi mở cửa ra và   cúi cong người để đẩy những món đồ nặng nề trên người ông qua cửa.

– “Marcel”, ông nói, “đưa cho cha gói đồ của con và đi trước đi! Để cho mẹ con yên trí, chúng ta phải thật cẩn thận. Đi thật chậm!”

Được che bởi hàng rào, tôi lướt đi như người da đỏ Sioux đang trên con đường của trận chiến để thăm dò. Không thấy gì cả. Tất cả các cửa sổ của lâu đài đều đóng kín ngay cả cửa sổ căn hộ của người canh gác.Tôi gọi cả nhóm đang đợi  lệnh của tôi.

– “Đi nhanh lên”, tôi nói khẽ. “Người canh gác không có ở đó.”

Cha tôi tiến đến gần hơn, nhìn căn nhà ở phía xa và nói:

– “Thật sự và đúng vậy!”

– “Tại sao anh có thể đoan chắc như vậy?” mẹ tôi hỏi.

– “Dĩ nhiên đôi khi hắn ta phải rời lâu đài. Hắn ở một mình nên cũng phải đi mua bán chứ.”

– “Tất cả cửa sổ đều đóng hết làm em không yên lòng. Có thể hắn nấp sau cánh cửa và quan sát chúng ta.”

– “Bây giờ nên chấm dứt!” cha tôi nói. “Em có sự tưởng tượng thật bệnh hoạn. Anh cá với em là anh có thể vừa đi qua đây vừa hát. Nhưng thôi được rồi, để thần kinh của em được yên, chúng ta chơi trò người da đỏ, chúng ta lén bước thật nhẹ và không làm lay động một ngọn cỏ nào của thảo nguyên.”

Chúng tôi đi tiếp với tất cả thận trọng và thật là chậm. Cha tôi bị gánh nặng đè nên đổ mồ hôi thật nhiều. Paul đứng lại và lấy một nắm cỏ để quấn vào dây xách của gói đồ. Cái quai cắt vào tay hắn. Em gái hoang mang nên câm nín y như con búp bê của em.

Đôi khi em đưa ngón tay trỏ nhỏ xíu của em lên môi, đưa mắt như con thỏ đang bị đuổi, cười và thì thầm: “Suỵt! Suỵt! Suỵt!” Vẻ nhợt nhạt của mẹ làm tôi nhói tim nhưng rồi tôi thấy ở tận xa, vượt qua cây cối phía bên kia bức tường, đỉnh của Tête Rouge, nơi mà tôi còn nghe thấy tiếng hoà âm của dế khi tôi đặt bẫy chim lúc trời vừa tối.

Tôi biết Lili ở Treille cũng đang đợi tôi với nét mặt thản nhiên nhưng trong lòng tràn đầy tình thân thiết cùng nhiều tin mới lạ và bao nhiêu dự tính.

Chúng tôi đi hết con đường dài mà không gặp cản trở, và cũng không phải là không sợ hãi để đứng trước cánh cửa sau cùng, cánh cửa kỳ diệu, cánh cửa mở rộng kỳ nghỉ dài của chúng tôi.

Cha tôi quay lại và cười với mẹ tôi.

– “Bây giờ, linh cảm của em ra sao?”

– “Mở cửa nhanh lên! Em van anh: nhanh, nhanh lên…”

– “Đừng có bối rối như vậy!” ông nói. “Em thấy chưa, chúng mình thoát rồi.”

Ông mở khoá rồi đẩy cửa. Cái cửa như chống lại. Với giọng khàn khàn, ông nói:

– “Người ta buộc một cái xích cùng một cái khoá rồi!”

– “Em biết mà”, mẹ nói, “anh có giật ra được không?”

Tôi nhìn thấy cái xích được luồn vào trong hai cái vòng: một vòng được gắn vào cửa, vòng kia gắn chặt vào cây cột mà gỗ nhìn như đã mục

– “Đương nhiên là mình có thể giật nó ra”, tôi nói.

– Cha tôi nắm lấy cổ tay tôi và nói khẽ:

– “Con khôn quá hả? Đó là trộm cắp!”

– “Ăn trộm!” một giọng khàn khàn nổi lên. “Đúng rồi, ăn trộm! Bị ít nhất là ba tháng tù!”

Hình 3/ Cha mẹ hoảng sợ vì gặp tên canh gác lâu đài kinh khiếp

(nguồn hình : phim Le Château de ma mère)

Từ trong bụi rậm bên cửa, một người đàn ông có chiều cao trung bình nhưng béo mập bước ra. Hắn ta mặc đồng phục màu xanh lá cây và đội cái mũ kê pi. Trên thắt lưng treo một cái túi da đen trong đó lòi ra một khẩu súng lục. Hắn ta dẫn con chó bằng dây xích, con chó mà lâu nay chúng tôi vẫn kinh sợ.

Nó to như con bê và cái đầu trông như chó Bulldog. Bộ lông bẩn thỉu của nó bị rụng nên có những lỗ hổng lớn mầu đỏ, trông giống như một cái bản đồ. Giò trái phía sau bị thỏng xuống và giật từng cơn. Từ hai cái môi dầy, rãi chảy lòng thòng và trong miệng, hai răng nanh dài chìa ra để xé thịt các nạn nhân vô tội. Một mắt của con quái vật bị mù nhưng con mắt kia thì trợn trừng nảy lửa như đe doạ trong khi nó gầm gừ và như thổi sáo qua cái mũi đầy nhớt.

Khuôn mặt của người đàn ông cũng kinh khủng không kém. Lỗ mũi đỏ có đầy chấm trông như quả dâu tây. Một bên râu mép thì trắng treo vào nửa kia màu vàng xám trông giống như cái đuôi bò và những nhúm lông nhỏ mọc sát vào mắt hắn.

 

Mẹ tôi kêu lên kinh hãi, dấu mặt trong bụi hồng lay động. Em gái khóc. Cha tôi tái nhợt vì chấn động và không động đậy. Paul trốn sau ông, tôi cố can đảm để nén sự sợ hãi xuống.

Hắn ta nhìn chúng tôi mà không nói thêm lời nào trong khi con chó thở hì hục.

– “Ông ơi”, cha tôi bắt đầu.

– “Mọi người làm gì ở đây?” tên tàn bạo rống lên. “Ai cho phép các người đi vào vùng đất tư của ông Nam tước? Các người có phải là khách hay bà con của ông hay không?”

Hắn ta nhìn chúng tôi lần lượt từng người với cặp mắt tròn xoe như xoáy vào người hắn nhìn. Mỗi lần hắn nói, cái bụng cũng như khổng súng lục lại nảy lên cao. Hắn tiến về phía cha tôi.

– “Đầu tiên hết, tên ông là gì?”

Tôi nói lập tức: “Esménard Victor.”

– “Im đi!” cha tôi nói. “Bây giờ không phải lúc nói đùa.”

Bị vướng gánh nặng nên ông phải cố lắm mới rút được tấm các từ trong ví và đưa ra .Tên quái đản này đọc xong rồi nói với tôi:

– “Được huấn luyện tốt quá hả! Biết đưa tên giả nữa!”

Hắn nhìn tấm các một lần nữa và la kên:

– “Giáo viên tiểu học! Thật tình! Một nhà giáo đi lén vào phần đất của người khác! Giáo viên tiểu học! Cũng có thể là không đúng. Khi con cái nói tên giả thì người cha cũng đưa ra một cái các giả mạo được.”

Nhưng rồi Joseph tìm lại được lời nói để biện hộ cho sự việc của mình. Ông nói về ngôi nhà (đôi khi ông cho đó là một túp lều), về sức khoẻ của con cái, về con đường quá xa làm mẹ tôi quá mệt nhọc, về ông ty trưởng nghiêm khắc. Ông nói một cách nghiêm trang, bình thản nhưng cũng có vẻ than van. Máu chảy lên đầu và tôi giận điên. Ông hiểu thật rõ tôi cảm nhận ra sao vì thế ông bối rối bảo tôi:

“Đừng đứng đây! Đi ra chơi với em con đi!”

“Nó chơi cái gì? Ăn cắp mận hay sao? Đứng nguyên tại chỗ!”, hắn thét lên. “Đây cũng là bài học cho mày!”

Rồi quay sang cha tôi:

“Cái chìa khoá gì vậy? Ông tự làm lấy hả?”

“Không”, cha tôi nói khẽ.

                                  Hình 4/ Tên canh gác độc ác tịch thu chiếc chìa khoá

                                            (nguồn hình : phim Le Château de ma mère)

Tên quái đản xem xét chìa khoá, tìm thấy dấu hiệu gì trên đó mà tôi cũng không biết và la lên:

– “Đây là chìa khoá của cơ quan hành chánh! Ông đánh cắp nó!”

– “Ông biết là không phải vậy”

– “Vậy từ đâu ông có?”

Hắn ta đối xử một cách miệt thị. Cha tôi hơi ngập ngừng rồi can đảm nói:

– “Tôi nhặt được”

Tên canh gác chế diễu:

– “Phải rồi, phải rồi! Ông nhặt được ở ngoài đường và biết ngay là nó dùng để mở cửa nào. Ai đưa cho ông chìa khoá này?”

– “Tôi không thể nói cho ông biết được.”

– “À há, ông từ chối không khai, tôi sẽ ghi tất cả trong bản tường trình và người cho ông chìa khoá này sẽ không còn dịp để đi qua phần đất này nữa.”

– “Không”, cha tôi nói một cách mạnh mẽ, “ông không được phép làm như vậy, ông sẽ không làm cho họ mất việc chỉ vì họ tốt bụng và vì thân tình mà…”

– “Một công chức vô lương tâm!” hắn ta gầm lên. “Tôi đã quan sát và thấy hắn lấy trộm trái vả của tôi tới mười lần….”

– “Đó là sự lầm lẫn. Tôi thấy ông ta hoàn toàn chân thật.”

– “Hắn đã chứng minh”, tên canh gác chế nhạo, “khi hắn trao tay cho ông chiếc chìa khoá công vụ!”

– “Ông không hiểu lý do”, cha tôi nói. “Ông ta đã làm việc tốt nhất cho dòng nước. Tôi biết rõ về xi măng và hồ, và sự hiểu biết này cho phép tôi góp phần vào việc bảo trì công trình to lớn bằng những nhận xét. Ông xem, đây là cuốn sổ ghi chú của tôi!”

 

Tên canh gác cầm cuốn sổ và lật các trang giấy.

– “Ông tự cho mình là người giám định ở đây phải không?”

– “Vâng, ở một lãnh vực nào đó”, cha tôi nói.

– “Trong này toàn là thẩm định?” hắn nói và chỉ về phía chúng tôi. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy việc thẩm định! nhưng trong cuốn sổ có ghi là từ sáu tháng nay , mỗi thứ bảy, ông đều đi qua đây mà không có phép, đây là một bằng chứng không thể chối cãi được!” Hắn ta đút cuốn sổ vào trong túi.

– “Bây giờ ông mở tất cả các gói này ra!”

– “Không”, cha tôi nói. “Đây là đồ vật riêng tư của tôi.”

– “Ông từ chối hả? Ông phải coi chừng, tôi là người canh gác tuyên thệ!”

Cha tôi suy nghĩ giây lát đoạn ông đem túi đeo lưng xuống và mở ra.

– “Tốt là ông không từ chối, nếu không tôi gọi cảnh sát.”

Chúng tôi phải mở va li, đổ các túi ra, mở dây các gói xách và việc này kéo dài mười lăm phút. Cuối cùng tất cả gia tài nghèo nàn của chúng tôi nằm đầy trên bãi cỏ tại sườn của các mương rãnh, giống như đó là phần thưởng của một gian hàng chơi trò bắn súng. Lọ muối lấp lánh, cô vũ nữ giơ chân và cái đồng hồ báo thức chỉ bốn giờ ba mươi phút một cách công bằng cho ngay cả tên quái vật ngu đần đang giám định mọi thứ một cách ngờ vực. Việc kiểm soát kéo dài thật lâu và chính xác. Đồ dự trữ của chúng tôi nhiều khiến hắn ganh tỵ.

– “Giống như một tiệm tạp hoá bị ăn cướp.” hắn nói một cách cay độc.

Rồi hắn kiểm soát quần áo và chăn mền một cách nghiêm nhặt như một nhân viên quan thuế Tây Ban Nha.

– “Bây giờ đưa cho coi cây súng săn”, hắn nói.

Cái món ngon này hắn để dành đến phút cuối cùng. Sau khi hắn mở cái bao dễ hư, hắn hỏi:

– “Súng có nạp đạn không?”

– “Không”, cha tôi nói.

– “May cho ông!”

Rồi hắn mở nòng súng và đưa lên mắt như một cái ống nhòm.

– “Sạch sẽ”, hắn nói và nói thêm lần nữa: “May cho ông!”

Như một cái bẫy chuột, hắn để cho nòng súng rút trở lại và nói thêm:

– “Với một cây súng như thế này, có thể bắn trật một con chim trĩ nhưng lại bắn gục một người canh gác. Một người canh gác vô tội.”

Hắn ta nhìn chúng tôi một cách u ám và tôi thấy rõ ràng sự ngu dốt vô giới hạn của hắn. Sau này khi ở trường Trung học, lần đầu tiên đọc những chữ của Beaudelaire: “Sự ngu đần trên trán của con bò đực”, tôi lại nghĩ ngay đến hắn. Hắn chỉ thiếu có cặp sừng mà thôi. Nhưng tôi hy vọng vì danh dự của phụ nữ, họ sẽ gắn cho hắn vài cặp sừng trên đầu.

Thình lình hắn hỏi một cách thánh thiện:

– “Đạn ở đâu?”

– “Tôi chưa có”, cha tôi nói. “Tôi luôn luôn chỉ chế tạo đạn vào đêm trước ngày đi săn. Vì trẻ con, tôi không muốn chứa đạn trong nhà.”

– “Dĩ nhiên”, hắn nói và nhìn tôi một cách nghiêm khắc.

– “Khi một đứa trẻ nói tên giả và có khuynh hướng trộm cắp thì hắn chỉ thiếu có khẩu súng đã nạp đạn.”

Tôi thực sự hãnh diện khi hắn phán xét tôi như vậy. Đã từ mười phút tôi nghĩ đến việc đến ngay thắt lưng của hắn để rút cây súng lục ra và bắn hắn chết một cách thích thú. Tôi thề là nếu không có con chó khổng lồ mà nó sẽ đớp khi tôi tiến gần thêm một bước thì tôi đã thực hiện dự định này.

Tên canh gác đưa trả khẩu súng lại cho cha tôi và đưa mắt quan sát thêm một lần nữa mọi món đồ nằm rải rác khắp nơi. 

– ” Tôi không biết“, hắn nói một cách ngờ vực, “là giáo viên lại được trả lương khá như vậy.”

Cha tôi nhận được một trăm năm mươi phật lăng lương tháng nhưng ông trả lời đốp chát:

– “Bởi vậy tôi mới muốn ở lại làm thầy giáo!”

– “Người ta đuổi ông vì ông tự mình làm lỗi”, hắn nói. “Tôi không thể làm trái lại được. Bây giờ ông đem đồ đạc của ông về lại nơi ông tới. Tôi sẽ làm bản tường trình khi tôi còn nhớ mọi điều trong đầu. Đi Mastoc!

Hắn ta giật cái dây và kéo theo con chó, nó quay lại gầm gừ một cách dữ tợn như thể tiếc là không giết hết được tất cả chúng tôi.

Đúng lúc này cái đồng hồ báo thức kêu lên như tiếng pháo nổ lẹt đẹt. Mẹ tôi la lên rồi ngã xuống cỏ. Tôi nhào tới và mẹ ngất xỉu trong tay tôi. Tên canh gác quay gót giầy lại và nhìn thấy cảnh ấy, hắn cười vang và nói:

– “Đóng kịch giỏi! Nhưng chẳng được gì!”

Rồi hắn ta đi khỏi, kéo theo con quái vật giống hệt như hắn.

Mẹ tôi tỉnh lại ngay. Trong khi cha tôi thấm lạnh thái dương cho mẹ thì những giọt nước mắt và các nụ hôn của con cái lại hiệu nghiệm hơn cả lọ thuốc muối để ngửi của Anh quốc.

Bây giờ chúng tôi mới nhận ra là em gái biến đâu mất. Em bò trốn dưới một bụi dâu Brombeer như một con chuột hoảng sợ. Chúng tôi gọi nhưng em không trả lời, nằm không động đậy, hai tay che mặt.

Chúng tôi thu lượm và xếp mọi thứ lại một cách lộn xộn, chẳng hạn mấy cái xúc xích xếp chung với xà phòng cùng với vòi nước rồi buộc giây lại. Cha tôi nói nhỏ:

– “Khi làm điều không phải thì người ta cảm thấy yếu thế làm sao! Cái tên canh gác này là một thằng hèn nhưng luật lệ đứng về phía hắn. Tôi là nạn nhân của sự lừa dối của tôi, cùng với tôi đều là những người phạm lỗi: vợ tôi, con tôi, cái chìa khoá. Kỳ nghỉ hè bắt đầu tốt đẹp nhưng tôi không hiểu là nó sẽ chấm dứt ra sao.”

– Joseph”, đột nhiên mẹ tôi nói một cách vui vẻ, “dù mọi việc xảy ra nhưng đó không phải là tận thế!”

Cha tôi trả lời bằng câu nói:

“Một khi tôi là thầy giáo thì tôi có nghỉ hè. Nhưng trong tám ngày nữa tôi không còn là thầy giáo nữa thì tôi nghỉ theo ca.” Rồi ông kéo dây của túi đeo lưng lại cho ngay ngắn.

 (Còn tiếp) 

Lê-Thân Hồng-Khanh 

 dịch từ bản tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguyên tác: Le Château de ma Mère của Marcel Pagnol

Nguồn hình : phim Le Château de ma Mère

 

 

 

 

Có 4 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI ( PHẦN IX)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những suôn sẻ, thuận lợi rồi cũng qua đi, trở ngại khó khăn lại tới, không biết rồi bước ngoặt tới như thế nào, vì người dịch đã dừng lại để gây nôn nóng tò mò cho bạn đoc, ui Cô ui!

  2. Hoành Châu nói:

    Tới gay go rồi đây ! cái  ”  gút ” cuối cùng  này phải được mở ra ,,để mới có cái kết  gọi là có hậu,,,, đúng như vậy đó cô ơi ! Hihi,,,’  như lời nói vui , nhỏ nhẹ của  mẹ tác giả ,,,,,,,,,,,” Dù mọi việc  xảy ra   nhưng đó  không phải là tận thế  !”,,,,Câu này chính là tiền đề cho đoạn kết  ,,,người đọc hãy vui lên nhé  ,,,Chúc cô và gia đình  mãi  vạn an ,
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  ( Gia đình C )

  3. Hoành Châu nói:

    Xin hỏi BBT, ” Bao giờ tổ chức ngày SN của Trang nhà vậy ,,,” , Hoành Châu chưa nghe rõ thông tin ” Cảm ơn trước
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )

  4. Hai em ơi, ông trời không cho ai mọi thứ và cũng không lấy của ai tất cả. Trong cuộc sống của chúng ta, cái may thường có cái rủi tiếp nối, niềm vui rồi cũng có sự ưu phiền đi kèm vì vậy tinh thần lạc quan sẽ giúp chúng ta tuy té xuống nhưng vẫn đủ can đảm đứng dậy để mà tiến bước.

    Cô chúc tất cả các em đều có sự lạc quan giống như mẹ của Marcel để cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa hơn.

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác