ĐỌC THƠ LÊ KÝ THƯƠNG

Ngày đăng: 1/06/2018 04:03:38 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Là dịch giả của những kiệt tác Phù Thủy Xứ Oz (L. Frank Baum), Một Nỗi Đau Riêng (Kenzaburo Oe); từng thực hiện 13 cuộc triển lãm hội họa; có nhiều tranh và tượng gốm trong những bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước; thành viên của nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức; tác giả của tập thơ Bếp Lửa Còn Thơm Mùi Bã Mía và hàng trăm tác phẩm văn học trên nhiều thể loại gồm thơ, truyện, ký, tạp văn, tiểu thuyết, phê bình văn học…, họa sĩ – nhà văn – dịch giả Lê Ký Thương đã có một gia tài nghệ thuật đáng kể.
Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thơ hay của Lê Ký Thương trong tập Hành Trình Nghiệp Thơ (Bản thảo).



Có thể xếp Triệu Phú của Lê Ký Thương vào loại thơ tình kinh điển. Bài thơ thể hiện sự chân tình, đa tình, lụy tình một cách khéo léo, sâu sắc:
“Tôi tích lũy nỗi buồn nhiều hơn niềm vui
Bây giờ yêu em để thêm giàu có
Thế giới này mai sau không còn ai đau khổ
Tôi sẽ thành triệu phú của tình yêu”.
Biết yêu em sẽ tích lũy thêm nhiều nỗi buồn và đau khổ, nhưng tôi vẫn cứ muốn gom hết nỗi đau khổ trong thiên hạ, để trở thành triệu phú của tình yêu. Nghĩa là tôi cũng đã gom hết yêu thương trong thiên hạ trao về một người. Càng thất bại tôi càng giàu có. Bằng cách đánh tráo khái niệm, triệu phú của tình yêu thực chất là kẻ trắng tay tự nguyện đóng đinh mình trên thập giá tình yêu.
Tương tư là một đề tài phổ biến trong thơ tình Đông Tây kim cổ. Nhưng đến với nỗi tương tư của Lê Ký Thương, ta cũng sẽ tìm thấy sự mới mẻ trong những cảm xúc xưa cũ:
“Những sáng của thương
những chiều của nhớ
Những đêm thèm một giấc mơ hôn
Nằm đợi mãi trăng không về gọi cửa
Thơ cắn vào thơ
buốt cả hồn” (Tương Tư).
Ba câu đầu là xúc cảm của nhung nhớ, nhớ nhung; của đợi chờ một tình yêu vô vọng. Thường thôi! Bởi thơ tình, thơ tương tư của ai, ở thời nào mà chẳng bổi hổi bồi hồi “như đứng đống lửa như ngồi đống than” như thế. Nhưng đến câu cuối cùng, điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ mới được bừng tỏa: “Thơ cắn vào thơ/ buốt cả hồn”. Câu thơ này có đến ba tầng sáng tạo. Thứ nhất, “cắn” và “buốt” là những từ có sức mạnh cảm giác, giàu tính biểu cảm. Chúng tác động vào người đọc rất nhanh, dễ tạo nên nỗi đồng cảm với nhà thơ. Thứ hai, “thơ cắn vào thơ” chỉ sự cô đơn đến cùng cực, như thể là ta gặm nhấm nỗi buồn của ta, không thể/không muốn/không cần chia sẻ với ai. Thứ ba, câu thơ bảy chữ được tác giả ngắt làm hai: “thơ cắn vào thơ” đặt ở dòng trên và “buốt cả hồn” ở dòng dưới. Đây là thủ pháp “ngữ pháp ngắt dòng”, dòng trên vắt qua dòng dưới. Cả hai dòng ghép lại mới thành một câu có ngữ pháp trọn vẹn. Ngữ pháp vắt dòng vừa tạo nhịp ngưng, vừa có tác dụng kéo dài, lan tỏa. “Thơ cắn vào thơ” là nỗi đau tự đày đọa. “Buốt cả hồn” là bổ ngữ của “cắn” – đau – một nỗi đau không hình hài mà có sức truyền cảm ghê gớm. Ngữ pháp vắt dòng khiến nỗi tương tư như dài thêm, nhức nhối thêm. Cũng đúng thôi, nếu nhung nhớ thoáng qua, nếu không chao đảo hồn phách, ngơ ngẩn dại khờ, bần thần lẩn thẩn thì còn gì là tương tư!
Bài thơ Tâm Thanh Nhàn rất xuất sắc khi thể hiện cuộc sống và tâm tình của người hàn sĩ:
“Trăng đứng tuốt trên ngàn
Giục gà gáy canh tan
Tỉnh giấc dậy nhen lửa
Đun một ấm trà sen
Nghe mùi mía khô cháy
Chờ khi trăng vừa tàn
Uống một ngụm trăng tan”.
Bảy câu thơ đều sử dụng những thi liệu gần gũi, bình dị: trăng trên ngàn, ánh lửa, trà sen, mùi mía khô cháy, trăng tàn. Tất cả những hình ảnh, âm thanh, mùi vị quen thuộc đó gợi nhớ về một khung cảnh bình yên, thanh nhã. Cuối cùng, cái đời thường được thăng hoa, thoát tục trong hai câu thơ cuối: “Chờ khi trăng vừa tàn/ Uống một ngụm trăng tan”. Quá tuyệt! Ta thường nghe trăng tròn, trăng khuyết, trăng tàn. Nhưng “trăng tan” là một hình ảnh mới mẻ, độc đáo và tràn đầy thi ý. Trong khoảnh khắc của đêm tàn ngày tới, tay nâng chén giữa trời đón bình minh. Trăng đã tàn nhưng dư ba cuối cùng của ánh trăng còn lan tỏa trong trời đất, tưởng có thể tan nhẹ vào chén trà trên tay người, trôi vào lòng người như để thỏa mãn niềm khát khao giao cảm với đất trời của kẻ tao nhân.
Cảnh nghèo, phận khó của cha mẹ, của bản thân và những người lao động cực khổ khác cũng là một đề tài không thể thiếu của nghiệp thơ Lê Ký Thương. Tuy nhiên, ngay cả trong nghèo khó, kẻ sĩ dù đói lòng, đói rượu nhưng không thể đói thơ, đói chí khí. Vì vậy, vẫn có những bài thơ rất nên thơ trong cảnh cùng bần: “Tôi thương thằng tôi/ Còng lưng đẩy gạch/ Còng lưng xúc hồ/ Đêm mơ làm vua” (Trên Công Trường Sông Lũy), “Chú chuột nhắt khua môi liếm mép/ Hũ gạo trống trơn/ Chuột ơi!/ Ta không có gì hơn/ Ngoài trăng đang giận hờn…” (Trống Trơn), “Nhà vắng teo/ Bếp chiều héo khói/ Lũ chuột lục cơm nguội/ Nồi niêu trống trơn/ Ruột rỗng không/ Tay chân bủn rủn/ Vẫn còn lạc quan: Không ai giàu ba họ/ Không ai khó ba đời” (Héo Khói). Thật là cười ra nước mắt! Có phải đây là những lúc nản lòng biết “vịn câu thơ mà đứng dậy”? Cho nên Lê Ký Thương vẫn có thể trào lộng với lũ chuột đói, vẫn sáng tạo được từ “héo khói” để chỉ bếp lạnh, vẫn biết no trăng lúc rỗng ruột, và nghĩ đến một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là gì nếu không phải là sự khẳng định khí chất “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Một số bài thơ của Lê Ký Thương mang dáng dấp của thơ haiku và thơ tứ tuyệt (mặc dù về hình thức và thi pháp, tác giả không cố ý trình bày theo lối haiku hoặc tuân thủ luật thơ tứ tuyệt). Tính cô đọng và giàu sức gợi từ những hình ảnh nhỏ nhoi, bình thường; câu chữ ngắn gọn hàm chứa sự nhiệm mầu vừa sâu lắng uyên thâm, vừa đơn sơ giản dị như một công án khiến ta có cảm giác đang được chiêm ngưỡng những bức tranh thi trung hữu họa: “Phiến cỏ/ bờ mương xanh mộng/ Thảnh thơi/ chuồn đậu/ tím mồng tơi” (Thảnh Thơi), “Cuốn chiếu đo thời gian/ Thiếu đi một khắc/ Ngỡ ngàng!” (Đo Thời Gian), “ Chim hót!/ Chim hót!/ Tiếng chổi quét đường/ Rất ngọt” (Chim Hót), “Vũng chân trâu tĩnh mịch/ Nhái bén đang đắm mình/ Trong mỗi giọt chân kinh” (Chân Kinh), “Trầm mình dưới lá/ Con ốc sên/ Vểnh râu nghe kinh” (Nghe Kinh), “Mủn mỉn non trăng/ Tiếng gà gáy sáng/ Tỉnh giấc kê vàng/ Bạc đầu thiên thu” (Non Trăng), “Trời nổi trận tam bành/ Mưa thình lình trút xuống/ Con bướm cánh mỏng tanh/ chết oan!” (Chết Oan)… Cảm hứng thơ chợt đến như một ngẫu nhiên, tình cờ. Nhà thơ đã chộp lấy những khoảnh khắc của thế giới tự nhiên quanh mình, nhìn thế giới ấy bằng cái nhìn Phật tính, thiền tính và cấu tứ từng bài thơ theo các motif bất ngờ – đốn ngộ, tương hợp – tương phản, liên tưởng – so sánh… rất điệu nghệ.
Những bài thơ ngắn trên thể hiện cảm thức thẩm mỹ yêu quý những vẻ đẹp tao nhã, u huyền, trầm lắng chứ không chuộng cái lộng lẫy rực rỡ. Con chuồn chuồn, con bướm, con ốc sên, phiến cỏ, cơn mưa… đã làm nên nhịp điệu bình thường của sự sống. Đằng sau những hình ảnh bình dị đó là tâm hồn yêu vạn vật, là sự chiêm nghiệm về lẽ đạo và lẽ đời đầy thâm trầm của nhà thơ:
“Mở mắt xuống biển
Ngắm sóng bạc đầu
Thấy cành khô mục
Nghĩ về mai sau” (Sóng Bạc Đầu).
Nghĩ gì về mai sau khi chợt thấy cành khô mục nổi trôi giữa mênh mông sóng biển? Đừng hỏi! Vì sẽ không có lời giải đáp. Phép bỏ lửng, tính không hoàn kết và thi pháp chân không khiến bài thơ rất giàu sức gợi. Người đọc không thể, không muốn biết nhà thơ nghĩ gì mà sẽ quay về với nội tâm của chính mình, tự tra vấn mình sẽ nghĩ gì khi đứng trước khung cảnh ấy. Ở bài thơ này, kết thúc không có nghĩa là chấm dứt, mà là khơi mở đến vô tận, vô biên.
Trong bài thơ Lạy Tạ, nhận thức về quy luật cuộc đời được xuyên thấm qua triết lý vô thường của nhà Phật:
“Lạy tạ lá khô rơi
Cho cành non nẩy lộc
Lạy tạ cả cuộc đời
Lẽ vô thường là thật!”
Lạy tạ lá khô cho cành non nảy lộc, lạy tạ cái mất cho cái còn sinh sôi, lạy tạ vòng luân hồi cho sự sống miên viễn. Cái bền vững nhất, thật nhất, cái còn nhất chính là cái vô thường, là vòng luân chuyển của sắc sắc không không. Giản dị mà uyên áo, không cần thiết phải cao đàm khoát luận, bài thơ chạm vào lòng người sự thức tỉnh, cảm nghiệm về lẽ nhân sinh nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi.

Trong suốt cuộc đời, mọi trạng huống sinh tồn và biến động của cuộc sống đều được nhà thơ Lê Ký Thương ghi lại như một cuốn nhật ký – hồi ký bằng thơ với khoảng 350 bài. Đó là kết tinh của tình yêu, của máu, nước mắt và duyên nợ với văn chương:
“Suốt một đời
Tường dính mồ hôi
đậm dấu lưng người – máu rỉ
Nhòe mặt chữ
Tình bằng duyên nợ cái văn chương!”
(Nợ Văn Chương)

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

****
[Xin xem thêm LÊ KÝ THƯƠNG: TÌNH BẰNG DUYÊN NỢ CÁI VĂN CHƯƠNG, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Tập san VHNT Quán Văn, số 53, 03/2018]

                                          Tịnh Thy và nhà thơ Lê Ký Thương (ảnh LM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác