CẦU TRONG SINH HOẠT CỦA DÂN QUÊ VÙNG CAO LÃNH

Ngày đăng: 13/06/2018 11:12:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Đây là bài viết rất công phu của bạn Dương Văn Triêm ở Đồng Tháp gửi trang nhà. Thấy đây là kiến thức rất cần cho người ở thành phố hiện nay, nên chúng tôi xin đăng lại , mong sẽ góp phần tư lệu cho anh chị em và xin cám ơn tác giả về bài viết này (Lương Minh)

 Cầu khỉ

Cầu khỉ là loại cầu đơn giản, dùng vật liệu sẵn có tại địa phương, bắc tạm bợ qua các con kinh, rạch… Cầu được bắc nơi kinh rạch nhỏ để tiện cho việc đi lại trong khoảng cách gần, muốn đi lại không cần phải lội sông hay bơi xuồng qua lại.

Do người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được vì cầu nhỏ và khó đi như những nhánh cây mà khỉ làm cầu để chuyền từ cây này qua cây khác, giống cầu của khi nên đặt tên là cầu khỉ.

Một ý kiến khác cho rằng chính dáng người đi lom khom khi qua cầu như con khỉ nên cầu dành cho “khỉ – người” đi, được gọi là cầu khỉ.

Cách giải thích khác nữa, xuất phát từ “khỉ khọt” chỉ sự bất động, không ổn định và “lời cảnh báo” có thể nguy hiểm. Có thể chính vì cầu khỉ vừa không đảm bảo về yếu tố thẩm mỹ vừa không đảm bảo về độ an toàn nên cầu mới có tên như thế.

 

                                                   Một cây cầu khỉ ở  Cao Lãnh

Cầu khỉ thường làm ứng với độ sâu nước và nhu cầu qua lại: Nếu nhiều người đi thì phải chắc chắn, nếu có trẻ em đi thì cần phải có tay vịn thấp, làm hai tầng tay vịn. Người ta thường chọn chỗ nước nông và nước không chảy mạnh để bắc cầu.

Vật liệu làm thân cầu là tre, tràm, gáo… đã qua ngâm bùn thối để chống mối mọt. Còn tay vịn dùng tầm vong hoặc thân cây tre đực.

Người ta lấy 2 thân cây dài chọn phần gốc vạt nhọn rồi đem đi xốc xuống lồng kênh, rạch tạo thành hình chữ X, đến khi nào thân cây không thể ăn sâu xuống đất của lồng kinh, rạch được nữa thì dùng dây buộc tại điểm giao nhau của hai thân cột để làm trụ cầu. Tiếp đến là lấy thân cây khác bắc lên trụ vừa làm xong, tạo thành các nhịp rồi đến làm tay vịn, xem như hoàn tất công việc bắc cầu.

Mặt khác, nhịp giữa cầu không buộc chặt, được gọi là cây “quá giang”, để ghe lớn qua lại thì nhấc lên mà đi. Nếu nhiều ghe xuồng qua lại, thì đoạn quá giang có thể làm cao vượt lên, để phần nhiều ghe thuyền chui được qua cầu.

Dựa trên cấu tạo có thể chia cầu khỉ thành 3 loại: cầu 1 nhịp, thường bắc qua các mương, liếp nhỏ; cầu 2 nhịp bắc qua những kinh, rạch vừa và cầu 3 nhịp bắc qua những kinh, rạch lớn và sông vừa. Cầu khỉ có 2 loại: cầu có tay vịn và không có tay vịn.

Kinh nghiệm đi cầu khỉ là phải đi chân không để tăng khả năng bám của chân với thân cầu, men theo thân câu sao cho bàn chân khỏi bị chệch hướng, tay “lần tay vịn” (qua từ từ, cẩn trọng), nhưng tay không được quá tì nặng vào tay vịn, sẽ làm gãy tay vịn, tay vịn để giữ thăng bằng.

Cầu ở đây thường gắn với sinh hoạt của gia đình hơn là của làng xã, đó là những cây cầu bắc qua mương liếp, rạch xẻo của mỗi nhà chứ không phải là những cây cầu dành để họp chợ, hóng mát cho cộng đồng như ở Bắc Bộ.

Tuy nhiên, làm cầu là để phục vụ việc đi lại của nhân dân, đến thời Thoại Ngọc Hầu mới có. Cùng với việc đào kinh, xẻ rạch, năm 1826 ông đã cho đắp đường từ Châu Đốc lên núi Sam. Con đường này được làm gần 7 tháng với hơn 440.000 nhân công, có bắc 4 cây cầu gỗ đủ để người, xe cộ qua lại không sập. Công trình này đã được ông cho dựng bia lưu lại dấu tích,  gọi là bia “Châu Đốc tân lộ kiều lương ký”.

 Cầu cá

Giai đoạn trước, có thể nói hầu hết nhà ở đồng, vùng Cao Lãnh đều không có nhà vệ sinh trong nhà mà người ta lợi dụng nước sông, rạch để làm nơi đi vệ sinh. Chung quanh nhà đâu đâu cũng có nước sông, rạch, kinh, mương với triết lý “lấy nước làm sạch”, người ta chọn nơi nào vừa xa nhà, vừa kín đáo.

Nếu nhà không có cầu, khi cần, người ta bơi xuồng ra sông, rạch hoặc đồng, lựa nơi vắng vẻ… Sự tồn tại một số cụm từ “đi sông”,  “đi đồng” nhưng phổ biến nhất là “đi cầu” là bằng chứng cụ thể.

 

                                                        Một cây cầu cá

Từ năm 1954, bắt đầu có phong trào dân Bắc di cư vào Nam, văn hoá cầu tõm lại được đồng bào mang vào Nam và càng ngày càng phổ biến vì lượng cá tự nhiên bắt đầu giảm dần, nhu cầu nuôi cá tăng dần.

Trong việc chọn giống cá “nuôi cầu” này, cá tra/cá vồ được ưu tiên hàng đầu vì sức ăn mạnh và do không thích dòng chảy nên không tìm cách thoát khỏi ao, kể cả khi mùa nước nổi. Cá tra/cá vồ, do đặc tính vừa nói nên chỉ sinh sản ở Biển Hồ (Campuchia), người ta vớt cá bột (cá con vừa mới nở) về ươm, khi lớn bằng ngón tay thì chở đi bán khắp miền nơi. Vào đầu mùa mưa, ai có đi về nông thôn miền Tây sẽ nghe vang dội khắp nơi tiếng rao mời của những người bán cá con này, cả trên bộ lẫn dưới sông rạch: “Ai mua cá vồ nuôi hôn…”.

Do cầu cá làm từ vật liệu cây lá sẵn có nên hầu như không tốn kém gì, lại thoáng mát, không hôi thối và tận dụng được phân làm thức ăn trực tiếp cho cá. Cũng chính vì đặc tính cây nhà lá vườn và không có cửa mà cầu tiêu cá mang tính mở, tính cộng đồng  như bản chất dân miền sông nước.

Một số bài đồng dao liên quan đến cầu cá:

Bà chằn lửa, Sửa cầu tiêu, Ba giờ chiều, Đứt dây thiều, Lọt cầu tiêu.

Hay:

Anh hai ơi chị hai có bầu, Anh đừng rầu như trái bí đao.

Anh có đau thì đau bụng đẻ, Anh có đẻ thì đẻ nhà thương, Anh có thương thì thương vợ bé, Anh có té thì té cầu tiêu!

Ngày nay, người càng đông đúc, lượng chất thải ngày càng nhiều, nước không còn đủ khả năng tự xử lý, môi trường ngày càng trở nên ô nhiểm. Do đó, hiện nay mô hình cầu cá dần dần bị xóa bỏ.

 Cầu bến

Do sống trong điều kiện sông nước, xuồng ghe trở thành phương tiện đi lại phổ biến nó vừa thuận tiện vừa rẻ về giá thành vận chuyển: đi xóm thăm bạn bè, mua trà, mua bánh, đám cưới, đám ma, rước bà mụ, rước thầy thuốc vẫn dùng ghe xuồng… Xuồng khi chở nặng, gặp nước xuôi, người đi bộ chạy nhanh chưa ắt theo kịp.

Cầu bến gắn liền với xuồng ghe, là nơi neo đậu của xuồng ghe gia chủ hay của khách đến nhà viếng thăm hoặc liên hệ công việc… Ngoài chức năng đó thì cầu bến còn là nơi giặt quần áo, tắm rửa…của gia đình.

                                                                Cầu bến 1 nhịp 

Vì vậy, việc bắc một cây câu bến chắc chắn rất được chú trọng vừa đảm bảo tính thẫm mỹ, chất lượng phải vừa tiện sử dụng như: cầu không được bắc quá cao so với mặt nước sông cũng không được quá thấp. Vì bắc quá cao thì khó lấy nước từ sông lên sử dụng cũng không được quá thấp so với mực nước sông vì người ta không ngồi trên cầu để giặt giũ được…

Về cấu trúc thì cầu bến giống như cầu cá, nghĩa là chỉ bắc có nữa đoạn ra sông nhưng lại có nhiều điểm khác biệt: Từ bờ sông độ dốc cầu nghiên theo chiều xuống dần và dài hơn cầu cá; Cầu bến có thể có nhiều nhịp và không có nhà cầu, chỉ được bắc ở mé sông, kinh, rạch và trước nhà.

Có điều kiêng kị là không được bắc cầu bến đối diện với cửa cái của nhà để tránh “làm ăn thất bát”.

Cấu tạo lát cắt cầu bến 2 nhịp

Cầu bến về cơ bản cũng có 3 loại như cầu khỉ: 1 nhịp, 2 nhịp, 3 nhịp.

Ngoài chức năng dùng để sinh hoạt, cầu bến có là “biểu trưng” cho tính cách gia chủ, khi coi dâu rễ điều trước tiên đến nhà là người ta nhìn cây cầu bên, nếu cầu ngay ngắn, chắc chắn… chứng tỏ gia chủ là người cẩn thận, tỉ mỉ, còn ngược lại, gia chủ là người xuề xò, cẩu thả, xem bị đánh giá.

Vì vậy, khi gia đình nào chuẩn bị cưới hỏi thì ngoài chuẩn bị những điều cần thiết cho tiệc cưới, còn rất chú trọng đến việc sửa chữa hay nâng cấp cây cầu bến ngoài việc cho thuận tiện sinh hoạt còn với ý nghĩa trên. Gặp người kỷ tính, có thể vì cây cầu mà không làm xui với nhau được.

 Giàn (sàn) nước

Có người gọi “giàn” nước cũng có người gọi “sàn” nước nhưng “giàn” hay “sàn” đều dựa vào đặc điểm là rộng về bề mặt diện tích của nó mà gọi, liên tưởng đến giàn bầu, mướp hay sàn nhà.

Sàn nước có chiều dài ngắn nhưng bề mặt diện tích rộng theo chiều ngan, diện tích rộng để đảm bảo cho nhiều người sinh hoạt được cùng một lúc. Sinh hoạt hằng ngày chỉ khoảng một, hai người trong gia đình ngồi rữa chén bát. Khi có đám tiệc, hàng xóm đến tiếp nấu nướng mới đông.

Cấu tạo sàn nước

Sàn nước về cách thức xây dựng cũng giống như các loại cầu khác nhưng địa điểm bắc sàn nước chủ yếu là ở các mương, hầm cạnh hong nhà. Việc làm sàn nước cạnh hong nhà và gần bếp ngoài thuận lợi trong việc sinh hoạt còn giúp cho người ta vệ sinh lu khạp để đảm bảo cho nước sử dụng luôn sạch được thường xuyên.

Khi bắc sàn nước người ta không chú trọng việc sử dụng nguồn nước mương, hầm ở đây, chỉ chú ý đến mương, hầm sao cho thuận lợi việc thoát nước. Do vậy, các mương, hầm ít nước, không có nước hoặc nguồn nước không sạch đều được sử dụng để bắc sàn.

 Cầu thang nhà

Vùng sông nước Cao Lãnh nhà sàn là kiểu nhà phổ biến, vì nơi đây vào mùa nước nổi, ngập rất sâu và kéo dài hơn nơi khác. Sàn nhà cao hay thấp thùy theo mực nước hàng năn trong vùng. Sàn nhà được nâng bởi một hệ thống nống (trụ) được làm bằng loại gỗ chịu nước. Trụ sàn và cột nhà không liên quan gì với nhau, trụ nào ngâm trong nưới lâu ngày bị mục có thể thay thế dễ dàng.

Đây là kiểu nhà sàn phổ biến lâu đời ở vùng Đông Nam Á. Trong những cuộc khai quật khảo cổ học gần đầy ở Đồng Tháp Mười, cư dân Phù Nam đã biết xây dựng loại nhà này. Phần dưới sàn vào mùa kiệt có thể sử dụng là nơi sinh hoạt gia đình, tu sửa nông cụ, chứa vật tư, củi đuốt…

Do sàn nhà cao, muốn lên xuống nhà được dễ dàng người ta làm cầu thang. Cầu thang nhà cố định được gắn với cửa chính của nhà và cửa bếp. Cầu được làm từ hai thân cây đặt song song nhau từ sàn nhà đến mặt đất theo góc xéo, sau đó đặt các thân cây ngan gọi là nấc thì cầu thang có thể sử dụng được.

 Cầu ghe

Cao Lãnh là một vùng đất nằm phía bắc sông Tiền của Đồng Tháp, kinh tế nông nghiệp trồng lúa là chủ yếu, do vậy có nhiều nghề phụ ra đời như thu mua lúa hay gọi là hàng sáo.

Người mua lúa dùng bằng ghe, có sức chở lớn. Do ghe lớn lòng ghe sâu dễ mắc cạn nên không thể cập sát đất liền, như xuồng. Vì độ trớn của ghe có thể làm hư cầu bến nên người ta mới làm riêng cầu cho ghe hay còn gọi là cây “đòn”.

Đòn là một tấm ván gỗ dài từ mấy thước trở lên và rộng khoảng mấy tấc, độ dày cả tấc, người ta chuộng loại cây bền có sức chịu lực tốt. Trên bề mặt của đòn có các nấc bằng cây hoặc cao su cách nhau với khoảng cách nhất định, để tăng độ bám của chân khi nhân công vác lúa hột lên xuống ghe.

Khi ghe vừa cập bờ, có người dùng sào chống chịu vào bờ để giảm lực ghe, người khác văng dây ghe lên bờ và nhảy theo dây, cầm dây buột ghe vào bờ. Tiếp đến, có người lấy đòn trong khoang ghe, cất đầu đòn lên bờ cho người trên bờ nắm lấy và bắc ở vị trí thích hợp để có thể dễ dàng lên xuống giữa ghe với bờ. Khi ghe rời bến, thì người ta vừa tháo dây ghe vừa rút đòn, nhưng đảm bảo sao cho người sau cùng lên ghe được thuận lợi.

Ngày nay, với việc phát triển của khoa học kỹ thuật các loại cầu của người dân ở đồng được thay thế bằng những loại phương tiện khác nhau. Nên các cây cầu dần dần chỉ còn lại trong ký ức.

Dương Văn Triêm

 

 

Có 1 bình luận về CẦU TRONG SINH HOẠT CỦA DÂN QUÊ VÙNG CAO LÃNH

  1. Lê Liên nói:

    Một bài viết rất hay, có giá trị phục vụ cho việc tham khảo.

    Cảm ơn tác giả và trang nhà rất nhiều.

    Lê Liên rất thích hoài niệm, thích học hỏi những kinh nghiệm dân gian lắm. Nên hy vọng được đọc những bài viết tương tự như thế này.

    Thân ái,

    Em, Lê Liên.

Trả lời Lê Liên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác