DỐC TÌNH

Ngày đăng: 7/05/2018 09:53:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Hôm nay may mắn được một người bạn chia sẻ một đoạn văn mà chị viết về Đà Lạt cách đây khá lâu: “Đà lạt im lìm, Đà Lạt sao mà nhiều dốc, những con dốc quanh co mà đi cả tuần vẫn cứ như sắp lạc lối, có lẽ vì thế người ta say và mơ màng trong Đà Lạt nhiều hơn…”

Nghe kể, lí do khiến Đà Lạt có nhiều dốc là vì ngày xưa, chưa có nước máy, phải dùng nước giếng, người ta tập trung sống dưới thung lũng. Sau này, nhà cửa phát triển, họ làm nhà trên đỉnh đồi, những con đường dốc sinh ra là một “đặc sản” của Đà Lạt để phù hợp với hoàn cảnh sống. Ngày xưa, người Pháp đến Đà Lạt quy hoạch kiến trúc, bị Đà Lạt cảm hóa, bị “lấy mất hồn” nên cũng phải nương theo các con dốc, chan hòa vào thiên nhiên và để nhu cầu thói quen của dân địa phương dẫn dắt. Người Pháp quy hoạch mọi thành phố theo lối bàn cờ ngay thẳng nhưng với Đà Lạt, họ để cho Đà Lạt tự quy hoạch, chẳng theo quy luật nào, cứ thoải mái và tự nhiên nương theo đồi xuống thung lũng bằng đường ngắn nhất là được. Chính nhờ vậy, Đà Lạt trở thành một thành phố cao nguyên mang vẻ đẹp mà không một nơi nào sánh được. Ai đã trót yêu Đà Lạt, nghe nói đến những dự án đại lộ thẳng tắp, phá cho núi thấp xuống, san phẳng những đồi Dã Quỳ hay kéo những dốc cheo leo cong queo kia thẳng tưng ra, cũng sẽ cảm thấy tâm hồn nhầu nhĩ cùng cái mặt nhăn như đôi giày leo dốc đến nhà người yêu ….

Có người bạn tôi từng thắc mắc vì sao Đà Lạt dù đã phát triển đến mức mùa lễ hội nào cũng kẹt xe nhưng tại sao mãi mà không có cái đèn xanh đèn đỏ nào. Thì bởi vì Đà Lạt là thành phố toàn dốc, tưởng tượng ngay đầu đường (tức là đầu dốc) đặt một cái đèn giao thông, đến khi có đèn đỏ, không hiểu cả đám xe sẽ tụt xuống như thế nào khi chờ. Hơn nữa, đường lối quy hoạch như bàn cờ mới sử dụng được đèn giao thông, còn với kiểu đường dốc và cầu thang rải ngẫu nhiên theo quy luật của tự nhiên thì làm sao mà áp dụng được cái quy cách do con người nghĩ ra? (đấy là do tôi nghĩ thế!)

Đà Lạt sinh ra trên núi, bao gồm nhiều ngọn đồi nhấp nhô khác hẳn với phố núi có phần bằng phẳng như Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột. Nhà cửa cuả người Đà Lạt xưa thả trên núi đồi cheo leo giữa lưng chừng, rải trên đồi nên đường cũng vắt ngang dọc thuận theo tự nhiên, và vì tự nhiên hơi “ngẫu hứng” nên dốc cũng sinh ra một cách hồn nhiên. Đà Lạt có những con dốc nghiêng nghiêng nhè nhẹ cũng có những con dốc cao thách thức. Này nhé, em cứ mặc áo dài, vô tư với quần, thậm chí váy nhưng đừng mặc váy ngắn một phần vì Đà Lạt lạnh lắm, với lại, nhiều khi em đứng trên đầu dốc, ai đó đứng cuối dốc ngước mặt lên thì… . Có thể hình dung dốc ở Đà Lạt như thế này: từ đỉnh đồi cao, xuống thấp nhanh không khoan nhượng khiến hai thanh niên mới quen biết đi chơi về ban đêm qua con dốc đó sẽ chẳng thể nói câu nào chỉ có thể thở hổn hển vì … leo dốc mệt nhoài. Dốc buộc ta phải đi chậm thật chậm đếm từng bước chân nếu không muốn đứt hơi, không thích đếm bước chân thì đếm hàng thông hai bên đường hoặc vừa đi vừa ngắm hoa dại hay hít thật sâu cái mùi ngo thoang thooảng trong không trung bàng bạc, lãng đãng. Làm sao vội vàng được khi vừa leo dốc vừa thở, vừa cười vừa nhăn, chưa đi đã mỏi, và nghĩ đến lúc trở về ta được con dốc cao chót vót này khoản đãi cuộc lội bộ xuống dốc vô cùng phong lưu, nhàn nhã. Nhưng mà chỉ người địa phương mới thích xuống dốc dù bằng phương tiện nào, người Đà Lạt quá quen với cái cảnh du khách dừng xe ngay trên đầu dốc không dám chạy xuống phải động viên: cứ xuống từ từ thôi rồi đi đằng sau xe níu cái yên xe giúp cho người ngồi trên xe khỏi sợ hãi đứt phanh…

Đà Lạt là thung lũng như lòng chảo và Hồ Xuân Hương là trung tâm của lòng chảo đó. Những con dốc đổ về Hồ Xuân Hương xưa kia bây giờ trở thành những trục đường lớn nối vào trung tâm. Cho nên, ai đến Đà Lạt cũng phải nhận ra là dù có đi kiểu gì chúng ta cũng ra đến Hồ Xuân Hương, ngày nào có việc có khi đi qua Hồ Xuân Hương vài lần là bình thường. Ngày nay, nhiều con đường hình thành, đi đường bằng thì đi hơi lâu, còn nếu muốn nhanh thì leo dốc, hoặc đi xuống những bậc cầu thang là lối đi tắt sẽ nhanh hơn rất nhiều. Nhiều con dốc ở Đà Lạt có những bậc thang cắt ngang để người đi bộ khỏi bị đứt hơi giữa dốc. Ai đi bộ thì chịu khó bước theo cầu thang mà lên cho nhanh. Điển hình là cái cầu thang lớn cắt ngang nối dốc Lê Đại Hành từ khu Hòa Bình vào chợ. Người Đà Lạt đi bộ chẳng ai dại gì thả bộ hết dốc rồi cua một vòng cho xa mệt lừ, ai cũng đi qua cầu thang cho tiện. Chỉ có du khách thích vừa đi vừa ngắm cảnh thì mới đi xuống thư thả sẽ cảm thấy đời thật mềm, thật dễ tha thứ. Những bậc cầu thang chênh vênh như ai làm rơi giữa trời những phím dương cầm cùng với dốc quanh co, cao khắc khoải tạo nên một giai điệu phố núi dịu dàng, đằm thắm, chan chứa tình yêu….

Cũng vì dốc mà người Đà Lạt có tính cách lãng mạn mà yêu đời, hiền hòa mà thanh lịch, chầm chậm nhưng vui tươi. Song, “đặc sản” đi kèm với cái “bản sắc” cao nguyên đó chính là: Con gái Đà Lạt. Con gái Đà Lạt không mặc váy, không ăn ngoài đường, nói chuyện chậm rãi, cười không hở răng, đi không vội, cứ hiền hòa thanh lịch và dễ gần vô cùng nhưng cũng mang đậm bản chất phóng khoáng, phong lưu của đất trời đại ngàn. Cũng vì dốc, con gái Đà Lạt được người xứ khác hình dung là có bắp chân to do leo dốc nhiều. Sự hình dung có phần “khiếm nhã” không biết có đúng không nhưng nhìn con gái Đà Lạt má ửng hồng núp sau chiếc khăn quàng cổ đan tay đi ngược gió lên dốc thương lắm! Khung cảnh lãng đãng và nên thơ vô cùng, nếu đó là một buổi chiều bàng bạc màu khói ngo (1), mùi nhựa ngo phả vào không khí thì bất kì chàng trai nào cũng sẽ mơ ước đến một ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên.

Ngày còn đi học thường nghe thầy cô kể một giai thoại về con gái Đà Lạt leo dốc rất dễ thương. Anh chàng người Sài Gòn đến Đà Lạt chơi, thấy con gái Đà Lạt trắng trẻo xinh xắn hiền lành nên nổi tính “trai thành phố” chọc ghẹo nhẹ nhàng, kiểu nhìn thấy cô nào thì gọi “em ơi” để xem con gái Đà Lạt liếc mắt thế nào. Đang đi giữa dốc gặp một cô gái quàng khăn len đi ngược gió lên, anh chàng cất tiếng gọi, nhưng chẳng nhận được cái liếc mắt đưa tình nào mà thấy cô gái đứng lại thở hổn hển, tụt cái khăn len xuống lộ ra khuôn mặt ửng hồng nhìn anh chàng thành phố xa lạ hỏi lại “Dạ, anh gọi em có gì ko?”, làm cho chàng trai ngẩn tò te, quên mất mình đang ở đâu lắp bắp “Đây có phải Đà Lạt không em?”. Mối tình của trai xứ khác với gái Đà Lạt cứ tự nhiên diễn ra nơi những con dốc cao hổn hển đó, người Đà Lạt gọi vui là DỐC TÌNH. Còn con gái xứ khác mà trót yêu thương chàng trai Đà Lạt thì phải cởi bỏ hết cái vẻ chảnh chọe, kiêu kì đài các hay năng động tinh nghịch đi mà sống chậm lại, khép mình nơi những căn nhà gỗ mộc mạc đơn sơ sâu kín nhất của xứ sở. Cô nào không chê cái thành phố lắm dốc đi phát mỏi chân, chê núi đồi chênh vênh trong khói ngo trắng trời…thì chỉ có thể nói cô ấy yêu Đà Lạt nhiều hơn yêu anh thôi!

Chợt nhớ những câu thơ của ai…

“Con phố nhỏ lượn quanh về một ngõ

Đường nhấp nhô, đồi núi cũng nhấp nhô

Qua Xuân Hương rồi ghé về than thở

Đi một ngày chưa hết được xứ mơ.”

.

                 Lạc Yên

 

 

  • Ngo là cách người Tây nguyên gọi cây Thông, gỗ thông làm mỗi cho củi cháy, bốc khói trắng rất thơm

 

Có 1 bình luận về DỐC TÌNH

  1. Kim Dung nói:

    Bài viết của bạn Lạc Yên nói lên hết phong cảnh và tố chất của người Đà Lạt. Nhưng là Đà Lạt của những ngày tháng cũ…  Đà Lạt hôm nay đã thay đổi quá nhiều, những nét đẹp tự nhiên , hoang sơ đã dần dần bị can thiệp bởi bàn tay con người. Con người cũng vậy…  dân từ các nơi đổ về đây kinh doanh, nét e ấp kín đáo của con gái Đà Lạt cũng không còn… Đến rồi không muốn đến nữa. Tôi tiếc cho một Đà Lạt.. xứ sở mộng mơ một thời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác