Viết là một thú vui tao nhã

Ngày đăng: 27/04/2018 10:44:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Ngày 14/4, tôi có dịp được trò chuyện với sinh viên ngành in của trường Đại học Kỹ thuật Thủ Đức về chuyện viết báo. Là nhà báo nhưng chưa từng giảng dạy, tôi chỉ trình bày những kinh nghiệm trong đời làm báo của mình. Nghe tôi nói chuyện,  BS Nguyễn Thanh Xuân, cựu học sinh đệ nhị A (NK66) chủ biên tờ Văn Chương Việt tại Hoa Kỳ yêu cầu tôi viết lại bài nói chuyện này cho tạp chí của anh. Nhận thấy mình chưa đủ trình độ để hướng dẫn các anh chị, nhất là những người trong nghề viết văn, nên tôi từ chối. Anh nói: “Với bề dày trên hai mươi năm của một nhà báo, dù anh nói không hay cũng có một vài cái để cho nguời đọc học hỏi”. Nghe lời anh, tôi cứ bày hết ra đây, hy vọng có những góp ý hay của bè bạn xa gần.(LM)

Tôi rất hân hạnh khi nói chuyện với các anh chị sinh viên ngành in ngày hôm nay. Chuyện là cô giáo Hương Lan của trường đã nhờ tôi nói chuyện với các anh chị sao cho các anh chị thấy việc viết lách không phải là việc làm khó khăn mà là một thú vui cần có trong cuộc sống. Trong các thú vui tao nhã ngày xưa là cầm kỳ thi họa, thì viết lách là một hình thức tương tự như Thi, một trong 4 thú vui của người trí thức là làm thơ. Làm thơ rất khó, phải biết niêm luật, vần điệu, còn viết văn hay viết báo đơn giản hơn, nghĩ gì viết nấy, giống như anh chị đã từng viết nhật ký. Viết để cho mình đọc, không sợ ai cười mình viết vụng.

Chọn thú vui viết nó cũng thỏa cho mình trong những lúc buồn, lại ít tốn kém hơn như việc chơi đàn, việc vẽ tranh, phải mua một cây đàn, mua giấy vẽ và bột màu. Anh chị không tin viết có khả năng xả stress thì tôi cũng xin nêu lên vài ví dụ cho thấy. Hiện nay có nhiều người đã có nghề nghiệp vững chắc nhưng vẫn mê viết báo và công việc viết này đã giúp cho họ phát triển nghề chính của mình hơn. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, BS Trần Bồng Sơn, BS Lương Lê Hoàng,  nhờ có nhiều bài trên báo mà nói đến tên các vị ấy nhiều người biết tiếng. Tương tự, ngày xưa khi muốn được tư vấn về pháp luật người ta biết đến luật gia Hoàng Trung Tiếu. Không biết khả năng chuyên môn các vị này cao hay thấp, nhưng việc viết báo đã đưa tên tuổi của họ đến với công chúng.

Một trường hợp khác là bác sĩ ở Mỹ, ông năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng sức khỏe vẫn dồi dào có thể phục vụ nghề y hơn năm năm nữa nhưng ông không làm mà về nhà viết truyện , làm báo – một công việc mà ông thích khi còn là học sinh trung học.

Làm thế nào để có bài viết. Việc dễ nhất là nhìn thực tế, nhìn những việc xảy ra chung quanh, đi du lịch ghi nhận những gì mà mình thấy. Việc ghi nhận càng tỉ mỉ càng tốt, mình ghi nhiều về sử dụng ít thì được , ngược lại mình không thể ghi chép ít thiếu số liệu về “ chế biến” thêm thì không nên. Khi đã đi đến nơi cần viết thì cố hỏi cho nhiều những chi tiết, đôi khi người khác nhìn có thể cho là mình lẩm cẩm, nhưng thà như vậy, nếu không thì về nhà viết tới chỗ cần chi tiết đó thì không biết hỏi ai, trở xuống nơi xa hàng mấy chục cây số hay hàng trăm cây số thì không dễ tý nào !

Là người viết thì phải tìm đề tài. Hôm trước tôi có nói chuyện với sinh viên khoa du lịch là các anh chị nên thiết kế cho mình một tour du lịch nho nhỏ tại quê hương mình, chứ đừng có lấy tour thiết kế sẳn từ một công ty lữ hành như Đà Lạt, Mũi Né, Vũng Tàu, Đà Nẵng mà lấy vùng quê hẻo lánh của mình làm tour du lịch. Thí dụ như nhà anh ở  miền tây, anh chị em bà con ở quê lâu lâu lên Thủ Đức thăm, anh chị dẫn họ đi đâu. Nếu là người có ý, thì một chương trình du lịch Thủ Đức được vạch ra, trong đó có điểm đi chơi gồm thắng cảnh, quán ăn uống, món ăn đặc sản…Một chương trình như vậy thì là tour đặc biệt, nhưng nếu người ở quê  đòi anh chị nói cụ thể thì đó là một bài viết về du lịch ở một xứ không phải là “Vùng đất du lịch”, thế có hay không? Với anh chị, Thủ Đức là nơi đang sống và học tập, tức biết rõ về địa phương. Thế thì trong chương trình đi tham quan, ta  có thể đưa khách đi Khu du lịch Suối Tiên, Chùa Một cột ( Nam Thiên nhất trụ), nhà thờ Thủ Đức đường Võ Văn Ngân, làng cà phê có trên trăm quán cà phê từ lớn đến nhỏ. Nem nướng Thủ Đức nổi tiếng ngày xưa, giờ ra sao. Thật ra, món ăn nào ở Sài gòn có là Thủ Đức cũng có hết, nhưng nem Thủ đức nổi tiếng gắn liền với đào kép cải lương ngày xưa thường lên đây ăn.

Với nhà báo có trường hợp không đến tận nơi, nhưng vẫn viết được là dựa vào tài liệu. Họ đến nơi họp báo, nhận tài liệu viết sẳn từ một công ty truyền thông, nghe nhân viên phụ trách báo chí của công ty đó báo cáo, về viết theo tài liệu đó. Do vậy, không lấy gì làm lạ khi một sự kiện mà hàng chục tờ báo đưa tin giống na ná như nhau. Tuy nhiên, nếu là nhà báo có kinh nghiệm, họ có câu hỏi riêng, có thêm chi tiết khác các bản tin khác. Tài liệu là nguồn thông tin quan trọng, do vậy nhà báo lão thành Lê Phú Khải nói với các phóng viên trẻ, các anh là những người có tài năng, tôi không có tài năng thì cần tài liệu. Câu “nhà báo nói láo ăn tiền” không phải là không có căn cứ nếu người viết chỉ tin vào bản tài liệu. Người viết phải có kiến thức để tìm thấy chỗ bất hợp lý trong tài liệu đó.

Viết bài để vui, nhưng vui hơn là có chỗ để đăng. Nếu anh chị có đề tài, viết xong rồi thì tìm tờ báo thích hợp để đăng. Ngày xưa báo chí tạm chia ra làm hai loại: Kinh tế và xã hội. Nay có hàng trăm tờ báo ở rất nhiều lãnh vực , mặc sức mà chọn lựa báo chí phù hợp. Báo kinh tế thì có tài chính, chứng khoán , ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp …

Báo xã hội thì có văn hóa, chính trị, quốc tế, kịch trường, thể thao, du lịch, thời trang, sức khỏe …

Do vậy, xem bài viết của mình phù hợp với tờ báo nào để gửi có khả năng đăng được.

Có trường hợp mình đã quen với một tờ báo thì bài viết phải có đề cập đến lĩnh vực đó, sẽ dễ đăng hơn. Thí dụ như tôi là phóng viên báo Tài Chính, tôi có nhà ở Vĩnh Long, về quê thăm nhà cũng cố gắng tạt qua thăm Sở Tài chính, Cục thuế để biết tình hình hoạt động các cơ quan trên, viết bài về thu ngân sách thì báo sẽ đăng vì vấn đề nêu ra nằm trong tôn chỉ của báo. Đi về miền nông thôn thấy phong trào làm cây giống phát triển, nhanh chóng tôi viết bài gửi báo Nông Nghiệp.

Viết bài xong hãy đưa một nhà báo hay nhà văn đọc góp ý, nếu không có những nhà chuyên môn trên thì đưa cho bạn mình đọc xem có hiểu mình viết gì không? Có nhiều khi , chuyện của mình thì mình biết, nên nhân vật trong bài cứ là anh ba, anh tư mà  độc giả không biết anh ta là ai, làm gì, tự dưng xuất hiện trong bài,  hay cái chi tiết này, có liên quan đến câu chuyện mà mình đã biết, người đọc không biết, nên viết ra người đọc khó tiếp nhận được.

Có anh hỏi tôi, mình không học một khóa nào về viết văn vậy thì có cách nào để học lóm không. Theo tôi chúng ta không dùng từ học lóm mà nên dùng từ tự học. Hầu như đa số các nhà văn, nhà báo đều tự học dù họ có tốt nghiệp đại học viết văn, đại học báo chí . Hồi nhỏ tôi được một anh bạn giới thiệu cho quyển “Hương sắc trong vườn văn” của Nguyễn Hiến Lê và  Hồi ký của nhà văn này. Ngoài việc ông chỉ cho ta cách thưởng thức một áng văn hay còn cho chúng ta biết cách thức làm việc hàng ngày của một nhà văn. Các anh cũng nên đọc thêm quyển “Cát bụi chân ai”, hồi ký của Tô Hoài, “Nhớ nghĩ chiều hôm” của Đào Duy Anh hai bậc tiền bối về viết sách. Đọc hồi ký có cái vui là biết thêm về những người sống cùng thời với tác giả, và biết họ đã tìm cảm hứng viết vào lúc nào.

Các anh hỏi tôi, làm thế nào để bài viết được dài ra, trong khi mới đặt bút viết có  năm trăm chữ là hết ý. Theo tôi, mỗi một chi tiết mà các anh đề cập đều có thể cắt nghĩa thêm hoặc liên hệ với cái hiểu biết thực tế của mình. Cắt nghĩa thêm thì có thể tra sách báo, tra tư liệu trên mạng để “độn vô” cho bài thêm dài, tuy nhiên phần độn ( tư liệu vay mượn) không nên quá  hai chục phần trăm toàn bài. Nếu nhiều quá thì là bài của người khác chứ không phải bài của ta. Tôi nhớ, lúc nhà văn Sơn Nam còn sống “lưu lạc” trên đường Lê Quang Định, Gò Vấp bị bệnh bất ngờ phải vào bệnh viện Nhiệt đới, các báo lập tức có bài đưa tin. Các phóng viên ấy viết gì? Họ tra cứu vào từ điển văn học hay tiểu sử của Sơn Nam chép gần 700 chữ, sau đó viết thêm tin ông bị đuối sức vào cấp cứu tại bệnh viện là xong một bài. Người đọc chưa biết ông già Nam Bộ (biệt hiệu của Sơn Nam) thì không ý kiến, chứ trong giới văn nghệ đọc bài này , họ cười cho. Cùng thời gian đó, ở báo SGGP, anh Mạc Can cũng có một bài viết về Sơn Nam, theo tôi rất là hay dù Mạc Can lúc đó chưa là nhà văn, chưa nổi danh chi cả. Mạc Can kể lại chuyện được làm bạn với Sơn Nam, đến nhà SN được tụi trẻ lối xóm chạy theo mừng rỡ, do vậy nhà văn hảnh diện khi có bạn là ảo thuật gia. Mạc Can chỡ Sơn Nam đi mua sách của SN và khi mua xong, ông đưa cho SN ký tặng, sau đó còn hỏi nếu quyển này lỡ tôi làm mất,  để dự phòng tôi mua thêm một quyển nữa, anh có ký tặng tôi không? Nhà văn Nam bộ hóm hỉnh ra dấu và nói: Vậy thì bán thêm được một quyển nữa.

Đọc bài báo của Mạc Can, ai từng quen biết Sơn Nam có thể hình dung ra ông già Nam Bộ mặt tười cười, giơ một ngón tay lên ra dấu số một như ông đạo Dừa ở Bến Tre thuở nọ.

Người viết đã viết bài thì tác phẩm đó phải là của mình, nếu vay mượn thì cũng ít thôi, chứ để chi tiết nào trong bài mình người đọc cũng biết rồi, đã đọc trước đây ở đâu đó.

Viết bài đã khó, đặt tựa cho bài còn khó hơn. Cái tựa sao cho hấp dẫn, lạ lẫm. Có người bỏ ra phân nửa thời gian viết bài để đặt cho một cái tựa. Đặt tựa  với nghĩa vừa hợp lý vừa gây tò mò như “Nghề..chó cắn áo rách” trên báo Nông Nghiệp viết về nghề nuôi chó dữ. “Nghề đâm hà bá” viết trên báo Thanh Niên viết và nghề làm hạ bạc ở sông rạch, bởi tục ngữ có câu Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá là những nghề thất đức theo quan niệm xưa. “Những kẻ không thích năm giường lèo” phóng sự đăng báo Đồng Khởi viết về những người có nhiều vợ, “Người đàn bà có thu nhập lớn nhất Việt Nam” viết về bà chúa xứ Núi Sam, mỗi năm thu được hàng ngàn tỷ đồng ! Từ đó cho thấy, muốn có tựa hay phải thuộc nhiều tục ngữ ca dao, thậm chí lời bài ca nổi tiếng để ví von cho vui tai dễ được chú ý.

Bài báo có người đặt thêm titre phụ. Bài báo khoảng ngàn chữ, có thể có  từ 2 đến 3 titre phụ, về hình thức trông bài đẹp hơn. Phần mở đầu gọi là mũ (chapeau) dẫn vào bài hay khái quát bài viết.

Buổi nói chuyện hôm nay do cô Hương Lan không nói rõ chủ đề, chỉ thấy tôi nói chuyện rất thú vị và muốn tôi nói như vậy với các bạn. Với yêu cầu truyền cảm hứng viết cho sinh viên, nói lợi ích của viết lách và  một chút cách thức về  viết báo, tôi mạo muội đặt tựa là “Viết là một thú vui tao nhã”.

Lương Minh

                                                                                                 ảnh Hương Lan

 

 

 

 

 

Có 14 bình luận về Viết là một thú vui tao nhã

  1. Kim Dung nói:

    Một bài nói chuyện không quá dài  , nhưng cũng đủ để mọi người biết được : “Viết là một thú vui tao nhã”, để mọi người chưa bao giờ viết có một khái niệm, có một hướng đi và một niềm đam mê để viết..  để rồi từ chưa quen thành quen. Cám ơn những điều anh Lương Minh đã  chia sẻ với kinh nghiệm qua thời gian làm báo của anh nhé.

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết khá hay  , chí lý , hấp dẫn của một nhà báo  lâu năm , từng  nếm trải  với biết bao kinh nghiệm trong nghề ,,những ưu thế trong đề tựa , đề mục ,,những cái nhìn  tuy nhỏ nhưng thật tinh tế , nhận xét  của anh  xem rất thường tình nhưng lại là quý báu   chân thành cho những ai muốn đi vào con đường tao nhã này  . Cảm ơn chủ quản trang TPH đã có những dẫn chứng sâu sắc thật lòng cho nghề  cầm bút .
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  ( Gia đình C  )

     

    • Phương Trang - NK1978 nói:

      Cô giáo Hoành Châu đánh giá bài viết của nhà báo Lương Minh khá hay “KHÁ” chính xác, rất mong đọc được bài viết của cô giáo Hoành Châu chắc sẽ “KHÁ” hay hơn bài viết của nhà báo LM nhiều.

      • Hoành Châu nói:

        Hihi ,cảm ơn nhận định của  em gái  Phương Trang , chị NK 72 , đến năm 1984 chị mới trở về trường cũ  trong vai ” người đứng lớp “,,, mời em  vào  đọc bài mới nhất của chị  ” Đêm nghe nhạc Trịnh  “, Phương Trang nhé  !
        Mến thương .
        Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

        • Phương Trang - NK1978 nói:

          Cô giáo Hoành Châu ơi! hình như cô bị bệnh chậm tiêu thì phải.

          • Hoành Châu nói:

            Chính vì PT gọi chị là ” cô giáo “,  đừng nên như vậy  ,,,cứ kêu  từ ” chị “cho bình đẩng hơn , em nhé ,,,BS  khám tâm dạ  chị rất tốt mà  !! Thật  vui  nhiều với   phản hồi  hài hước bất  thường   của em .  Mến
            Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

  3. Bài viết chân tình nên gần gũi dể cảm nhận. Tất cả những nhu cầu cần thiết để tạo thành một bài báo đã được hướng dẫn cặn kẻ ở đây. Xin ghi nhớ và cám ơn Thầy!

  4. My Nguyen nói:

    Bài viết của nhà báo Lương Minh rất hay, có nhiều điều xem như bình thường nhưng thật lý thú cho người cầm bút. Tôi cũng là một người ham viết lách nên khi đọc bài viết này, tôi đã học tập được nhiều điều bổ ích, tâm đắc cho bản thân. Chẳng hạn như phải thu thập nhiều thông tin cho bài viết; Viết xong nên cho người khác đọc trước…cũng như tầm quan trọng của việc đặt tựa bài viết. Tôi thấy bài viết này anh LM đặt tựa rất hay. Vâng, “Viết là một thú vui tao nhã”, một trong bốn thú vui “cầm kỳ thi họa”. Điều đó với tôi, vô cùng chính xác.

    Xin cảm ơn anh Lương Minh về bài viết bổ ích này.

  5. Neang Phi Rom nói:

    Phải nói là bài viết của nhà báo Lương Minh  thật xuất sắc, hướng dẫn cách viết rất cặn kẽ, LM thường nhắc tôi “người viết cứ tân bốc, khoe khoang cái tôi của mình, chắc chắn người đọc sẽ rất khó nuốt”, dù tôi công tác trong ngành giáo dục trên 30 năm, nhưng viết để thu hút người đọc không phải dễ, phải có bí quyết truyền đạt như lúc dạy học, hôm nay tôi được tiến bộ nhờ học hỏi rất nhiều ở LM “học thầy không tày học bạn” thật đúng. Cám ơn bài viết thật ý nghĩa, chúc sức khỏe để phục vụ cho bạn đọc ngày một phong phú hơn.

  6. Luong Minh nói:

    Xin cám ơn những nhận xét về bài viết của các anh chị. Điều mà tôi mong muốn không phải là bài hay hoặc dở mà là bài viết này có giúp ích được các anh chị chút nào hay không? Cũng như khi nói chuyện với SV , tôi muốn làm cho người nghe thích thú về việc viết lách, tuy nhiên thời lượng buổi nói chuyện có hạn và tôi cũng không chuẩn bị kỷ bài nói chuyện nên còn nhiều điều chưa đề cập tới. Đưa bài này lên trang nhà  với mong muốn có người hỏi thêm, bàn thêm để việc viết thực sự là thú vui. Xin cám ơn tất cả.

  7. Bạch Lộ NK 79 nói:

    Qua bài” Viết là một thú vui tao nhã” của Sải huynh Lương Minh, em cũng ngộ ra được rất nhiều điều bổ ích cho một người “văn như hủ nút” như em hihi…

  8. DIEP BICH NGỌC nói:

    Anh Lương Minh ơi ! Em thấy anh nói thật là hay  ,chứ em muốn viết lắm mà không biết viết cái gì, suy nghĩ mãi. Vậy anh chỉ em vài đề tài và hướng dẫn cho em viết để em còn tham gia với trang nhà TPH. Hổm rày em cũng bỏ lâu.

    • Luong Minh nói:

      Anh biết có nhiều bạn muốn tham gia viết cộng tác với trang nhà nhưng không biết viết gì và bắt đầu viết ra sao?. Viết báo thì khó vì không biết tôn chỉ của báo và viết ở mục nào của báo. Còn viết cho trang nhà thì rất dễ. Có thể nghĩ gì viết nấy và quản trang sẽ xem thích hợp với mục nào thì đưa vào mục đó. Tuy nhiên, để bài viết có được nhiều người đọc thì phải chọn đề tài. Trang nhà , độc giả đa số là CHS trường Tống nên những gì có liên quan đến trường xưa đều  được  độc giả hoan nghênh vì giúp họ nhớ lại thời kỳ hoa mộng. Đọc bài này, có người tìm thấy hình ảnh của mình hay của bạn bè trong đó.

      Viết về trường lớp cũ để ôn lại kỷ niệm ngày xưa, viết về thầy cô, những kỷ niệm khiến học trò nhớ ; nhớ về vài người bạn thân cũng là một đề tài.

      Trang nhà có mục bếp ấm rất thích hợp với quý bà nữ sinh. Ai cũng là đầu bếp của gia đình thì việc tìm món mới hay làm món ăn là chuyện thường ngày. Chỉ cần chịu khó viết ra công thức nấu nướng, kê khai nguyên liệu rồi viết lại cách nấu là có một bài. Nếu hay hơn thì dạo đầu bài viết, kể ra vài kỷ niệm với món ăn đó hay nói rõ vì sao mình biết được cách làm món ăn này thì là một bài “Bếp Ấm” tuyệt vời.

      Mục  du lịch hàm thụ dành cho những ai đi chơi, giới thiệu về chuyến đi của mình: đi đến những đâu, ăn món gì lạ, cảnh đẹp thế nào? Nếu có cảm nhận hay nhận xét gì về nơi đến thì càng hay. Diệp Bích Ngọc có thể viết về nơi đang sống là TX Bình Minh, nơi đó có làng nghề Tàu hủ ky, có làng bưởi năm roi, có làng nghề làm nhang, vùng trồng bắp. những ai đi ngang qua Bắc Cần Thơ thuở trước đều nhớ đến những người bán bắp ở bên đường. Gần đây, Bình Minh có thêm trái  thanh trà cũng là nguồn lợi lớn, Diệp có thể giới thiệu về vùng đất này. Những gì mà anh nói ở Bình Minh đều nằm trong mục “Vĩnh long mến yêu” được hết.

      • DIEP BICH NGỌC nói:

        Em cám ơn anh Lương Minh đã gợi ý cho em những đề tài và hướng dẫn cách viết bài báo như thế nào. Em rất vui, an tâm hơn khi viết bài tham gia với trang TPH_VL của mình.

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác