Vạn Lý – nhà thơ của hoài niệm

Ngày đăng: 9/04/2018 04:27:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi quen với Vạn Lý khi hai đứa vào đại học từ những năm sau năm 1976. Hai đứa có tính tình gần giống nhau nên khá hợp. Hồi đó bạn tôi còn trẻ lắm, dễ thương, dễ tin người và rất hoạt náo. Không ai nghĩ rằng với tính tình như thế mà có thể làm thơ, nhưng bạn tôi lại trở thành nhà thơ mới lạ!.

Vạn Lý đọc nhiều, nhớ dai. Bên trong vẻ bề ngoài trẻ con là một sự chông chênh trong cuộc sống. Có lẽ những thăng trầm, những biến cố trong thời cuộc, những ly tan, mất mát đã hình thành một Vạn Lý nông sâu khó lường…

Tôi là một đứa tào lao
Cả tin rằng có lối vào thiên thai
Mang mang hết tháng hết ngày
Tìm trong phố xá hương lài hương ngâu
(Tự Vấn)

Đọc thơ Vạn Lý, ta thấy bàng bạc kỷ niệm: con sông, bến nước, tiếng gà trưa, dòng sông, con đò…., là những hoài niệm dành cho lữ khách tha phương

Từ dạo tản cư nương đất khách
Nửa đời rong ruổi kiếp ly hương

Soi gương đếm tuổi thương đầu bạc
Nền trống vườn hoang mặc gió luồn
( Bếp ấm)

Cái hoài niệm trong thơ Vạn Lý hoàn toàn khác với cái hoài niệm mà chúng ta đã từng gặp: thương nhớ, khắc khoải. Nó như một đứa bé vừa kịp lớn đế cảm nhận làng quê, tình thân chung quanh bỗng dưng bị “ép ” đưa vào phố phường xa lạ nên luôn luôn muốn tìm về cảnh cũ, người xưa.

Hôm nay vui quá về quê cũ
Cất lại căn nhà nho nhỏ thôi
Đàn chim xa tổ về xây tổ
Bếp lạnh giờ đây ấm lại rồi
(Bếp ấm)

Vạn Lý là con thứ mười trong một gia đình đông con. Một gia đình có truyền thống  yêu nước. Tuổi thơ đơn độc, sợ hãi, sống khép kín nơi làng quê.

Rồi những năm tháng ác liệt của chiến tranh, gia đình ly tán: một số theo cha tản cư vô Sài Gòn, một số ở lại với mẹ giữ nhà. Sống ở đô thành, với lý lịch đen, người cha đã phải vất vả làm lụng nuôi các con thơ dại, Vạn Lý trở thành cô độc, lẻ loi. Để bù lại nổi nhớ mẹ, nhớ quê, Vạn Lý học và đọc… Nhưng kỳ lạ, càng đọc lại càng nhớ quê. Nó như người mang tâm trạng dùng men rượu giải sầu, nhưng càng uống càng sầu thêm… Và cứ như thế, sự hoài niệm quê nhà càng ngày càng lớn dần…

Quê mẹ chiều nay mây trắng lắm
Bay về đâu, mây hỡi bay về đâu?
Cho ta gởi chút niềm riêng sâu lắng
Về nơi xa theo dấu những con tàu
(Mây trắng)

Trong thơ ít thấy Vạn Lý nhắc về người cha? Hình ảnh người mẹ thời chiến tranh tiễn từng đứa con thân yêu ra đi, và hằng ngày mong ngóng bóng con trở thật bao la, vĩ đại. Nó giản dị như muôn ngàn bà mẹ Việt Nam

Nhúm muối mè với ruốc,
Nắm cơm…
Mẹ tiễn con
Ra ngoài ngạch cửa thành sương khói
chỉ gió đi về mấy chục năm.
( Mẹ tôi)

Với anh bốn Thiệu, người đi bộ đội , Vạn Lý đã có những vần thơ đầy xúc động:

Người lính già sờ tay vào hiện vật
Nòng súng rịn mồ hôi!
Miếng đạn trở mình nhói buốt
-Chiến tranh dứt đã lâu rồi!
………………………
Đêm mê thấy tim mình ứa máu
-Mình vẫn là người?
Người lính già sờ tay vào hiện vật
Nòng súng rịn mồ hôi!
(Bảo Tàng)

Với người anh thứ 5 Lê Điệu – là liệt sĩ

Nhà mình cách một dòng sông
Cách nhau chỉ một tầm nhìn
Nào ngờ cách mấy mươ i năm

Cách cả quãng đời xuân sắc

Trong chiến tranh, những người ở vùng “xôi đậu” luôn phải cố dấu những mối liên hệ ruột rà với “phía bên kia”, Vạn Lý cũng vậy, và…..

Khi hiểu được những điều vụn vặt
Bên sông
Đã vắng
Một người!
( Xa vắng)

Cái đau đớn, thiết tha cứ âm thầm… âm thầm gặm nhấm.

Vạn Lý đọc thơ không hay, có lẽ khi gặp bạn bè thì tính trẻ thơ trổi dậy, đọc thơ ngang phè, trong khi thơ của Vạn Lý là nỗi niềm, là hoài niệm mà thơ đọc như sắp sửa “uýnh nhau!”. Thơ Vạn Lý chỉ có Võ Khiếm, một bạn học trong lớp đọc là hay. Mặc dù xứ Quảng và xứ Huế văn hóa vùng miền có khác biệt, nhưng nỗi nhớ quê lai láng thì giống nhau. Giọng Võ Khiếm trong, truyền cảm, khi cất giọng ngâm thì “cả một trời quê hương”. Võ Khiếm mà đọc thơ Vạn Lý thì “tuyệt”.

Tình yêu trong thơ Vạn Lý

Cái tình yêu trong thơ của Vạn Lý cũng thật là lạ. Dù ở thời gian nào, lứa tuổi nào, ta cũng thấy hiển hiện một sự e ấp, ngây ngô. Không tìm thấy một sự dung tục nào trong suốt tập thơ, mà chỉ thấy là man mác, chờ đợi, nhớ thương…

Sài Gòn có mấy triệu dân
Mà đôi mắt gặp một lần không quên
(Sài Gòn)

Hoặc:

Một người chiều lẻ bên sông
Một người ngùi nhớ cánh đồng xa xanh
Tình yêu sao quá mong manh
Chưa giao bôi đã hóa thành hư không
(Nha Mân)

Hay vụng dại trên chiếc xe đạp bên cô bạn mới quen

Nhớ những bữa rủ rê nhau về chơi thành phố 
Một góc phố thân quen chiếc xe đạp cà tàng
Một cô bạn vừa quen hẹn hò còn mắc cỡ
Để chúng minh cứ thành kẻ lang thang
( Kỷ niệm)

Đôi khi ta cũng thấy được một sự nuối tiếc, muộn màng

Cây sầu đông trước ngõ
Gió vô tình đong đưa
Tôi vô tình mắc nợ
Lời hẹn về năm xưa
(Sầu đông)

Tình yêu trong thơ Vạn Lý thật nhẹ nhàng, tinh khiết. Không hề thấy tình yêu trần tục xác thịt. Chơi với Vạn Lý đã lâu, cho đến giờ tôi cũng không lý giải được Vạn Lý người và Vạn Lý thơ: Người thì hoạt náo, ham nhậu, thích đàn ca, nhìn … rất trần tục mà thơ thì thanh thoát, nhẹ nhàng, tiếc thương, dang dở…

Trong bài thơ Gái Bắc, chàng lãng tử Trung kỳ gặp cô gái Bắc trong dịp cuối năm nơi quán trọ. Tôi thật sự trông chờ “rượu nồng, men say” trong đêm trừ tịch. Hai nỗi niềm cô đơn nơi đất khách cùng hòa nhịp yêu đương, ngất ngây trong hương tình, quần nhau trong lạc thú… để ngày mai đón chào lộc mới. Sự đời là như thế! Còn Vạn Lý thì ngược lại.

Mình hững hờ đón xuân phương Nam
Rượu suông lòng nhạt gượng ôm đàn
Không tri âm cũng không tri kỷ
Không nhịp sanh cầm cất giọng khan….
(Gái Bắc)

Tình yêu cái gì lạ kỳ vậy trời!, vô lý, vô lý quá…. Nhưng với Vạn Lý là như thế…..

Bởi vậy làm sao chẳng… “Một mình

Đã tự dặn lòng không kể nữa
Năm xưa ngày ấy bóng trăng này
Bên em ta chỉ là cơn gió
Mà gió thì thường lơ đễnh bay….

Thôi thì mừng cho bạn, dù sao tâm huyết cả đời cuối cùng cũng hoàn thành.

Cám ơn bạn đọc thơ tôi
Đắng cay phơi trước ngọt bùi giấu sau
Thơ keo kết tứ trong đầu
Chỉ mong đọng lại vài câu là mừng.

Thơ hay lắm Vạn Lý ạ!, chúng tôi phải cám ơn bạn vì đã cho đời “lãng đãng” những vần thơ.

Võ Hoa Sơn

 

Có 2 bình luận về Vạn Lý – nhà thơ của hoài niệm

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thơ Vạn Lý hay, bài viết của Võ Hoa Sơn cùng rất tuyệt, càng chắp cánh cho thơ bay bổng lên.

  2. Vạn Lý nói:

    Gái Bắc

     Ta tha phương, em cũng tha phương

    Cùng chung tâm sự kẻ ly hương

    Ta trai miền Trung, em gái Bắc

    Gặp gỡ cuối năm quán dọc đường

     

    Em ở phương nào nơi đất Bắc

    Nơi dáng con đò trong gió bấc

    cũng liêu xiêu như nhánh liễu gầy

    Heo may vờn tóc buồn hiu hắt

     

    Làng ta nghèo lắm giữa miền Trung

    mời bạn về chơi cũng ngại ngùng

    bữa cơm ngày Tết sau mùa lũ

    đạm bạc như là chẳng có xuân

     

    Nhà trọ cuối năm quạnh quẽ thêm

    Ta nhớ nhà, cô đơn trong đêm.

    Còn em bây giờ đang nhớ mẹ

    như mẹ bây giờ đang nhớ em…

     

    Mình hững hờ đón xuân phương Nam

    Rượu suông lòng nhạt gượng ôm đàn

    Không tri âm cũng không tri kỷ

    Không nhịp sanh cầm cất giọng khan…

     

    Ta thấy em cười mà mắt ướt

    –         Xuân về vui chứ, sao lại khóc

    Nhìn kìa: người trẫy hội như nêm

    Vì mình, hãy diện chút đi em!

     

    Gái Bắc điệu đà lắm phải không

    Sài Gòn làm gì có mùa đông

    Trời chưa trở lạnh em đà rét

    Hay chỉ vì em nhớ áo bông ?

     

     

                                 Vạn Lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác