Hai lần may mắn

Ngày đăng: 6/04/2018 07:18:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Khoảng năm 1977 tôi và những người dân công xã Tân An Luông được một chiếc xe GMC chở xuống Trà Cú để đào kinh. Trong đời đã có vài lần được di chuyển bằng xe GMC, và lần đi Trà Cú là lần cuối được đi bằng loại quân xa này.

Đến Trà Cú, sau khi được sắp xếp nơi đóng quân, tôi và ba người bạn đi tìm chỗ đóng quân của phòng giáo dục Vũng Liêm, mục đích gặp các cô giáo dạy tại trường Tân An Luông. Tìm mãi chẳng gặp nơi ở của cán bộ phòng Giáo Dục, gặp được nơi đóng quân của trường cấp ba Vũng Liêm, hỏi thăm anh Hạnh dạy tại trường này, anh cũng chẳng biết. Anh cũng là người Cầu Mới, học Tống phước Hiệp trước tôi ba năm.

Đi lòng vòng một hồi gặp được một tiệm bán tạp hóa. Tiệm này đang trúng mánh, tấp nập người ra kẻ vào. Chúng tôi cũng bước vào tiệm, khám phá ra tiệm đang bán một món quý, rượu đế Xuân Thạnh. Chúng tôi kéo “bốn cây,” về chào vùng đất khô cằn Trà Cú. Lần đầu tiên chúng tôi đến Trà Cú, chỉ vừa dạo quanh một vòng nhỏ, trên một con đường đất rợp bóng tre gai, nhưng chúng tôi biết đây là một vùng đất khô cằn, vì nếu không khô cằn thì chúng tôi đâu cần phải xuống nơi này đào kinh.

Trở về nơi đóng quân, chúng tôi “cưa” liền bốn xị Xuân Thạnh với khô, mắm đem theo ăn để đào kinh, được mang ra làm mồi nhậu. Thêm vài người bạn trẻ tham gia, bốn xị chẳng thắm thía, chỉ hơi hơi chếnh choáng men cay.

Rượu vào thì thơ ra, nhưng chúng tôi chẳng biết làm thơ, thôi thì ngâm thơ của người làm. Lúc đó mới rời ghế nhà trường cũng chưa lâu, còn thuộc nhiều thơ. “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai…”

Sáng hôm sau bốn thằng tôi đi lãnh bốn phần đất làm chung. Không biết bao lâu rồi nơi đây không mưa, đất cứng dữ dội. Mới ra quân, chưa đào được bao nhiêu đất, đã gãy hai cán vá. Tôi không nhớ viết là cái vá đào đất hay là dá đào đất. Bốn thằng đem ba đã gãy hai, chúng tôi tự động thu quân về nghỉ. Ngày vẫn còn dài, rượu đế Xuân Thạnh tiếp tục. Đang nhậu lai rai, anh Mười Thuộc – xã đội trưởng du kích đi ngang qua nhìn chúng tôi. Anh là trưởng toán dẫn đoàn Cầu Mới đi Trà Cú đào kinh. Trời đánh cũng tránh bữa nhậu, anh Mười để yên cho chúng tôi nhậu.

Sáng hôm sau chúng tôi vác cái vá cuối cùng ra phần đất, anh Mười đã có mặt tại phần đất của chúng tôi từ hồi nào rồi. Anh cũng mang theo một cái vá, và vô phụ làm với chúng tôi. Anh vừa đào vừa giải thích cách đào làm sao cho không bị gãy cán. Thì  ra anh đã biết lý do chúng tôi về sớm ngày hôm qua. Sau khi nghe anh giải thích cách đào, tôi ngại ba tên kia không nghe kịp. Tôi nhắc tuồng lại: “Anh Mười nói, nhấn sâu xuống, đừng nạy ngang liền, sẽ gãy cán. Nhẹ nhàng đưa tới đẩy lui.” Ba tên kia hiểu nên từ đó chúng tôi không bị gãy cán nữa.

Anh Mười phụ với chúng tôi một buổi, lẹ thiệt gần theo kịp những toán kia. Anh Mười ngưng tay, nói: “Mấy ông biết làm rồi, cứ tiếp tục vậy nhen. Tôi phải đi đốc thúc các toán khác.”

Anh Mười đi rồi, chúng tôi nhìn lại, phần đất đã làm ngon lành lắm. Chúng tôi rất hài lòng và tự động tan hàng. Về nấu cơm, dọn ra, chẳng canh chẳng rêu, chỉ khô chỉ mắm, nuốt chẳng vô. Một thằng chạy đi mua vài xị Xuân Thạnh về nhâm nhi cho trôi cơm. Các toán khác đi làm buổi chiều, chúng tôi thong thả, đi làm trể trể chút, trời mát hơn.

Chiều xuống chúng tôi ra phần đất, những toán khác lục tục ra về. Anh Mười đi với một toán của ấp nhì hay ấp ba, gần ngoài Cái Nhum về ngang. Thấy chúng tôi còn làm anh rất hài lòng, rồi anh đứng lại nhìn. Không biết anh nghĩ như thế nào, anh nói với toán đi chung với anh, mấy cha này làm yếu quá, mình vô phụ với mấy cha này làm một tăng cho kịp ngày giao, một toán làm không rồi cũng không giao được.

Toán đi với anh Mười làm hay quá, chỉ một loáng sau chúng tôi đã thanh toán hết những phần đất cứng trên mặt. Anh Mười ra lịnh, về nghỉ được rồi.

Ngày hôm sau đã đến phần đất mềm nhưng chúng tôi cũng chỉ làm lệu ệu, cũng về sớm, cũng lai rai cho đến chiều. Mọi người đã ra về, chúng tôi mới ra phần đất. Đêm đó trời mát trăng thanh, chúng tôi làm hết sức mình, khoảng một tiếng nhưng phần đất của chúng tôi vẫn còn khá nhiều so với hai phần đất hai bên.  Đuối sức rồi! Chúng tôi tập họp hàng ngang, hò dô ta trở về doanh trại, ngoéo tay với nhau ngày mai ra trận sớm.

Sáng sớm hôm sau, hai tên đã thức rồi, ngồi uống cà phê “hàm thụ,” một tên vẫn còn nằm nướng. Tôi ra phần đất trước nhất, khám phá ra một điều thú vị. Đất không có chưn, đêm qua phần đất của chúng tôi còn cao hơn hai bên. Trong đêm mạch nước ngầm đã san bằng dùm, hôm nay bề mặt phần đất của chúng tôi, ngang bằng hai phần đất hai bên. Tôi đi nhanh về rỉ tai cho ba tên kia, và nói với ba tên kia nên giử bí mật điều chúng tôi khám phá. Từ đó, buổi sáng chúng tôi chỉ làm lệu ệu, buổi chiều ra trể và về trể nhất, để hai toán kế bên không biết hôm trước chúng tôi đã làm đến đâu.

Tôi tự nghĩ, con kinh ta đào, khi có nước chảy qua, có còn nguyên vẹn hình dáng con kinh hay không. Rồi tôi đi dài theo con kinh, chỉ hai lớp đầu là đất, phía dưới toàn là cát. Rồi tôi lượm được những vỏ sò, vỏ ốc như tôi đã thấy ở bải biển Vũng Tàu. Như vậy nơi đây ngày xưa là bải biển? Nếu ngày xưa nơi đây là bải biển, thì cách đây lâu lắm rồi, tại sao vỏ sò, vỏ ốc không bị hóa thạch, không bị tiêu hủy. Hỏi nhưng chẳng có câu trả lời.

Không nhớ sau bao lâu, con kinh cũng đào xong, anh mười Thuộc đến nói với chúng tôi: “Mấy ông nhậu dữ hả! Xong rồi! hôm nay nhậu không?”

Nhậu thì nhậu, sợ thằng Tây nào. Nhập thêm mấy tay nữa bắt đầu nhậu tưng bừng. Sau mấy tuần rượu, anh Mười quay qua hỏi tôi:

– Ngày bà nội ông làm đám giỗ, có toán du kích về, ông có biết là ai không?

– Tôi không biết.

Anh Mười chỉ vào anh và nói:

– Tôi nè!

– Hồi đó gặp anh, tôi chạy. Anh có bắn tôi không?

– Bây giờ không bắn, chớ hồi đó bắn à.

Anh mười Thuộc nhắc, tôi nhớ lại. Ngày 11 tháng 11 âm lịch năm 1973 là ngày đám giỗ ông nội tôi. Đêm hôm trước họ hàng thân tộc đến đông lắm. Một sòng bầu cua, một sòng bài cào, một sòng tứ sắc cho mấy bà. Tôi đứng coi ông chú và cậu tôi đánh cờ tướng. Bàn giữa nhà ba tôi đang tiếp khách, tôi nhớ có thiếu tá Trụ, thiếu tá Sóc, đại úy Chơn, ông xã trưởng, phó xã trưởng, ông thiếu úy cảnh sát và khoảng năm người nữa tôi không nhớ tên. Tôi thấy ba tôi kéo tay áo lên coi đồng hồ, rồi ba tôi nói, đi về! Tất cả đồng đứng dậy ra về, lúc đó đồng hồ treo tường vừa gõ bảy tiếng. Khoảng mười lăm phút sau, đứa em út khóc ré lên, chưa bao giờ em khóc to như vậy. Má tôi biểu tôi, đem em về nhà tôi, làm sữa cho em bú. Nhà tôi ngay khu chợ Cầu Mới, nhà bà nội tôi cách nhà tôi khoảng một trăm mét, cạnh dòng sông Mang Thít về hướng Xuân Hiệp.

Đứa em út ít khi khóc, nếu có khóc, tôi ẳm lên, em nín liền. Hồi nhỏ tôi không biết ẳm em, tôi chỉ bồng em lên, để ngực của em dựa vào ngực và vai của tôi.  Đêm hôm đó tôi cũng vác đứa em út như vậy, và em vẫn còn khóc, nên tôi đi nhanh ra về. Đi ngang qua nhà kế bên, tôi thấy ba bốn người đi nép sát cửa, thận trọng tiến về phía nhà nội tôi. Lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ gì, đi thẳng về nhà làm sữa cho em bú. Đứa em út bú xong, để em lên võng, em vẫn còn cự nự chưa chịu ngủ. Ru một hồi em ngủ, tôi nhờ chị hai coi chừng, tôi trở lên nhà bà nội coi đánh cờ. Đi hơn nửa đường, gặp má vú. Má vú cho biết, má lòn cửa sau ra được, du kích còn đang ở trong nhà bà nội tôi.

Trong một đêm được hai lần may mắn. Lần trước chỉ chậm một phút, chắc bị anh mười Thuộc bắt. Lần thứ nhì, nếu đi nhanh hơn khoảng ba phút cũng bị bắt.

Nguyễn Hoàng Hưng

 

 

 

Có 6 bình luận về Hai lần may mắn

  1. Hoành Châu nói:

    Mạng anh ÚT Hoàng Hưng còn lớn quá  chết sao được .. Sao mấy ông thích nhậu lười biếng lao động quá , tối ngày nhớ tới nhậu không hà , làm sao  bảo đảm nuôi vợ, nuôi con   đây,,
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  2. Hoàng Hưng nói:

    Dạ thưa Cát Cát lúc nhậu thì chưa có vợ. Có vợ rồi thì đâu dám nhậu nữa.

  3. Hoàng Hưng nói:

    Một bạn email có vài thắc mắc. Xin trả lời bạn. Con đường từ chợ Cầu Mới đến nhà bà nội tôi khoảng 100 m, còn một căn nhà nữa đến nhà bà nội tôi, con đường quẹo qua trái, khoảng 50 m, con đường quẹo qua mặt và qua cây cầu. Qua cầu con đường chia hai ngã. Quẹo trái khoảng 200m là cánh đồng. Quẹo phải sẽ đi dọc theo bờ sông. Mấy anh du kích chắc không đi ngã này, vì chiếc giang thuyền của chi khu đi tuần thường lắm. Đường đến nhà bà nội tôi là đường cùng rồi, có một con rạch khá lớn.
    Chắc chắn là mấy anh du kích đi ngã từ cánh đồng vô. Trong nhà có nhiều em từ xóm trên đến chơi, một trong các em đã đi cho các anh du kích biết tin. Không biết em này ra đi cho tin vào lúc nào và các anh du kích xuất phát từ đâu, đến trể khoảng 16 phút.
    Lúc tôi vác em út ra về, các trai tráng trong nhà đang dọn bàn nhậu ngay cửa và các bạn trai này đều là nhân dân tự vệ, người nào cũng có súng. Nên khi vác em bé đi ngang thấy có người có súng, tôi không hề biết đó là mấy anh du kích,tôi tưởng là mấy anh nhân dân tự vệ. Đó cũng là điều may, nếu tôi biết đó là mấy anh du kích, đứng lại cũng tiêu, bỏ chạy cũng chết, đi tự nhiên và vác em bé đang khóc, mấy anh du kích bỏ qua, vì mục tiêu của mấy ảnh là mấy ông chi khu và xã trưởng..

  4. VÕ THI LÀI nói:

    Bài anh Hoàng Hưng viết hay quá ,rất thú vị về chuyện đào kinh .Người ta nói dịp may không đến hai lần vậy mà anh Hoàng Hưng được hai lần may mắn gọt sớt .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác