Đi học thiền với thầy Đào khánh Thọ

Ngày đăng: 19/04/2018 04:41:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Khoảng năm 2007, đọc trong mấy tờ báo ở quận Cam, cùng giới thiệu một khóa hướng dẫn tu tập thiền sắp khai giảng, tôi quyết định đi học thử thêm một lần nữa, hai lần trước học thiền của những thiền đường khác, chỉ vài hôm rồi bỏ cuộc. Ngày khai giảng, xa lộ có một tai nạn bên hướng ngược chiều, hướng bên này mọi người chạy khá chậm nhìn qua chỗ bị nạn. Tôi đến lớp học hơi trể, thầy đã bắt đầu dạy rồi. Bước vào cửa thứ nhì, làm bộ như là vô tình bước lại gần những cô đang ngồi trên nền xi măng. Đứng nhìn về tấm bảng đen thầy đã viết và đang giảng về hệ thần kinh giao cảm, đối giao cảm, thùy đỉnh, thùy chẩm. . Thoáng bồi hồi,nhớ lại thời đi học, những danh từ này có trong cuốn vạn vật năm đệ nhất.

Cô ngồi gần nơi tôi đang đứng lấy quyển tập đập đập lên chân tôi, rồi cô nhích vô, biểu tôi ngồi xuống. Tại cô biểu nghen, thật ra tôi cũng thích lắm. Buổi trưa có người đi mua cơm chay dùm, cô ngồi gần biểu tôi đến một góc, ngồi ăn trưa cùng cô và hai người bạn ngồi kế cũng vừa mới quen. Có hai giờ nghỉ trưa, chúng tôi thong thả ăn, kể cho nhau nghe vô số chuyện, như đã quen nhau từ lâu. Cũng đúng, vì chúng tôi có cùng một người thầy, là Đức Phật Thích Ca,  rồi một cô đề nghị cùng kể lại chuyến “hải hành” và nhường tôi kể trước.

Đúng 8 giờ tối ngày 28 tháng 2 âm lịch “taxi” đưa tôi cập vào chiếc tàu đánh cá đang neo giửa sông Tiền gần bắc Mỹ Thuận. Khoảng 15 phút sau tàu khởi hành, chạy vòng qua Mỹ Tho ra cửa Đại. Tàu chạy gần đến đồn công an, bị vướng lưới đáy. Năm đó là năm nhuần, có 2 tháng hai, tôi đi vào tháng hai sau, cũng như tháng ba của mọi năm, lúc đó chưa phải là mùa mưa, nhưng khi chân vịt tàu bị lưới đáy quấn, trời đổ lại cơn mưa tầm tả, nhờ vậy chủ đáy không xuống thăm đáy. Phải đau lòng lặn xuống cắt đáy chạy thoát thân. Ngang qua đồn công an trời vẫn còn mưa, không bị xét tàu, chạy thẳng ra biển. Trưa hôm sau ra đến hải phận quốc tế, chủ tàu cho ra ngoài và chị hai quê ở Vũng Liêm bắt đầu dọn cơm. Chủ tàu cho ăn cơm ngày hai bửa, vừa chạy vừa câu cá ngừ, kho và nấu canh chua. Khi chủ tàu biết gần đến dàn khoan, buổi ăn cuối chủ tàu đãi ăn thịt heo và hỏi xin tiền Việt Nam, bây giờ không còn giá trị với chúng tôi nữa.
Chạy đúng ba ngày ba đêm vào những ngày của “tháng ba bà già đi biển,” mặt biển chỉ sóng gơn lăn tăn và cặp được vào dàn khoan ở Mã Lai. Tất cả 48 người bước nhanh lên dàn khoan. Chủ tàu de ra, chạy mất dạng. Tàu dầu của dàn khoan đưa chúng tôi vào Bidong.

Ba cô kia kể, cô nào cũng thê thảm, đói khát đến tuyệt vọng, mới được tàu Mỹ cứu. Tàu của một bị vô nước, sắp sửa bị chôn vùi dưới đáy biển, cũng được tàu Mỹ cứu. Ba cô nói, tôi là người may mắn nhất và đặt cho tôi là “Mr Lucky.” Tôi nói, “lucky” của các cô đặt là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ cũng “lucky,” nhưng là gì, các cô biết không? Là quen với ba cô. Ba cô tủm tỉm cười.

Mười ngày học thiền trôi qua nhanh. Sau buổi mãn khóa tôi cùng ba cô ra quán ăn, trao đổi số điện thoại, email,cho nhau hẹn gặp nhau khóa tới.

Khóa sau, cô đập đập vào chân tôi vào khóa trước đã đi lấy chồng, không dự. Cô lấy chồng khá muộn màng, lúc đó cô đã hơn bốn mươi, nhưng có còn hơn không. Vắng cô không còn vui như khóa trước. Rồi cả ba khám phá ra, ai cũng mến cô này. Bầu không khí luôn vui tươi cũng nhờ cô.

Sang khóa thứ ba gọi là khóa Bát Nhã 2 vào đầu năm 2009, thầy dạy tại Thiền Viện ở Riverside, cách quận Cam một giờ lái xe, một cô đã đi tiểu bang khác, cô còn lại ngại quá xa không đi. Tôi từ Pomona lái vô Riverside chỉ hơn nửa tiếng, đường đi hơi khó, nhưng cảnh hai bên đường thật đẹp. Đến nơi, quẹo trái vào cổng thiền viện, lần này tôi đến khá sớm, bải đậu xe còn nhiều chỗ trống. Xuống xe, ra mở cửa sau, vừa bưng thau xôi xoay qua, thầy Đào khánh Thọ vừa bước tới hỏi, còn gì nữa không em, thầy bưng phụ với. Dạ! thầy bưng dùm em chè xôi, em mở cóp sau bưng gạo, đồ khô.

Nhớ mấy năm trước một buổi tiệc tại nhà thầy Thọ, tôi cũng mang xôi đến. Vợ của thầy Trần văn Liêm (dạy trường luật Sài Gòn) hỏi cách nấu xôi. Tôi trả lời cô, con cũng không biết, để con gọi điện thoại về nhà, rồi cô nói chuyện với vợ của con. Lúc đó trông cô rất mạnh khỏe. Khoảng hai tháng sau cô ngủ và ngủ mãi không thức dậy nữa.

Khóa Bát Nhã khai giãng, và cũng như những khóa trước, vào giửa khóa, thiền sư thường gọi một vài thiền sinh trình bày những gì đã gặt hái được trong những khóa thiền. Một cô trình thầy bài thơ.

Đã bao năm qua rồi

Lang thang tôi vất vưởng

Tâm phàm phu rảnh rỗi

Sai khiến tôi nhiều lời.

TÂM lúc nào cũng động

Chẳng bao giờ thảnh thơi

Vô minh mà chẳng thấy.

Ngu si cũng không hay

 

Vô minh là đầu mối

Sinh tử ở trên đời

Nghiệp lành thì không tạo

Nghiệp ác tích lũy ngay

Không biết khổ tại ai?

Cứ than thân trách đời

Là tôi không được may

Sinh ra trong đời này

 

Năm nay nhờ thầy dạy

Biết sao thấy như vậy

Không thêm không bớt lời

Khách quan tôi thấy ngay

Mọi việc ở trên đời

An trú trong hiện thời

TÂM thảnh thơi không lời

Tôi thấy mình an vui

 

Biết rõ ràng đầy đủ

Từng sát na ta hay

Niệm vô ta niệm vào

Chân như nào xa đâu

Đường đi ngắn gọn thay

Vào nhận thức không lời

Thực hành khắp mọi nơi

Gợi ta tự nhiên thôi.

Một chị, là dược sĩ trình thầy. Việc làm của con đầy áp lực, con tưởng chừng ngã gục. Một người bạn thách thức, có một  thiền viện cách xa 500 cây số đi về.  Con đang gặp khó, đường đến thiền viện còn khó hơn, nếu không ngại khó, dám dấn thân đến thiền viện. Người bạn này bảo đảm, nếu vượt qua được lần khó thứ hai nơi thiền viện, tất cả cái khó trên đời sẽ được tiêu trừ. Con không nghĩ trên đời có một điều nhiệm mầu như bạn con nói, nhưng con đi đến thiền viện vì sự thách thức của người bạn. Trước đây con cảm thấy người trưởng phòng tạo cho con một áp lực ghê gớm nên con thường chống đối lại và càng chống đối không khí càng  căng thẳng.

Đúng như lời người bạn nói, chỉ sau một khóa thiền chứ không cần đến nhiều khóa, đời con được thay đổi. Khi người trưởng phòng nói, con lắng tai nghe, con lẳng lặng thi hành. Sao mà dể dàng quá, không mất nhiều thì giờ như trước kia. Còn dư nhiều giờ con đến giúp những người bạn khác. Những ngày sau công việc cũng như vậy, nhưng con cảm thấy công việc càng ngày càng nhẹ nhàng hơn. Không khí nơi làm việc không còn căng thẳng, những người làm chung càng thân thiện hơn.

Chị thứ ba trình thầy. Chúa là Chúa của con, Phật là thầy của con. Con cảm ơn thầy truyền cho con những điều Phật dạy. Trước đây trên đường bị kẹt xe, con bực dọc vô cùng. Bây giờ trên con đường cũng thường kẹt xe, con lại có nhiều thì giờ nhìn những cảnh vật xung quanh. Trước đây xe nào muốn vượt qua mặt con, con nhấn ga chạy nhanh lên, không nhường. Bây giờ thấy họ nhìn qua, có ý muốn vượt, con chậm lại nhường đường, nghĩ rằng họ đang có chuyện gấp. Lúc trước về nhà thấy mấy đứa con bày biện đầy nhà, con hét lên, chúng nó sợ quá, chạy vô phòng bà nội trốn. Bà nội cưng chiều cháu quá, phá như thế nào bà cũng không rầy. Con hổn hào cả với bà nội của mấy đứa con, tức là mẹ chồng của con. Bây giờ con về, thấy đồ chơi của chúng bày đầy nhà, con bước tránh không đụng đến đồ chơi của chúng. Con nói chuyện thưa dạ với mẹ chồng. Mẹ chồng con kinh ngạc. Bây giờ trong nhà lúc nào cũng đầy tiếng cười, chỉ riêng chồng con khóc. Mừng quá mà rơi lệ. Chồng con nói, nhà mình bây giờ hết là cảnh của địa ngục rồi. Phật Thích Ca mầu nhiệm quá, có cách hướng dẫn một người lúc nào cũng bực bội cau có, trở thành một người hiền hòa nhân ái.

Ngay khóa học đầu tiên năm 2007, trong nhóm Giáo Thọ có các sư Không Như, Không Chiếu. . ., nghe các thiền sinh rỉ tai, thầy Không Như là đại tá Dương Hiếu Nghĩa, cựu tỉnh trưởng Vĩnh Long. Thầy Không Chiếu là đại tá Tự, cựu tỉnh trưởng Bình Thuận. Nhân lúc nghỉ giải lao, tôi đến gặp thầy Không Như, tôi nói với thầy, lúc con học Tống phước Hiệp, sư đang ở Vĩnh Long. Bây giờ có một số cựu học sinh Tống phước Hiệp thành lập hội và thầy Hiệu trưởng Đào Khánh Thọ làm hội trưởng. Sư trả lời, sư đã biết và đã nhắn thầy Thọ đến thiền viện tập thiền.

Tôi về kể cho thầy Thọ nghe, năm sau 2008 thầy Thọ vô thẳng thiền viện học và đến khóa Bát Nhã 2 tôi được học chung với thầy. Buổi trưa thiền viện dành cho thầy một phòng nghỉ, đặc biệt chỉ thầy có thôi. Mỗi trưa tôi được vào phòng nghỉ với thầy. Tôi chỉ nằm yên khoảng 15 phút là đủ rồi, rón rén vô phòng vệ sinh. Khi trở ra thầy cũng ngồi dậy rồi. Thầy trò ngồi nói chuyện đến hai giờ, trở ra học buổi chiều.

Một buổi trưa thầy nói với tôi: “Thầy hết rồi Hưng ơi!” Tôi giựt mình chăm chú nghe thầy nói. Thầy nói trong não thầy có vấn đề, thầy chưa bao giờ nói cho ai nghe. Tôi nghĩ, tại tuổi già, đầu óc thường quên trước, quên sau, nhưng tôi  nghĩ lại, thầy dạy vạn vật, cái quên của tuổi già thầy biết. Thầy khẳng định não của thầy có vấn đề không phải vì tuổi già.

Bốn năm sau, 2013 cái “vấn đề trong não” thầy nói với tôi, bọc phát ra. Bác sĩ vừa tìm ra “vấn đề” trong não thầy, chưa nghĩ được cách chửa trị, thầy qua đời ngày 20 tháng 4 năm 2013. Mới đây mà đã 5 năm rồi. Tôi đoán mò, vùng cảm nhận đau đớn trong não thầy “bị hư,” thầy ra đi thanh thản, không hề biểu lộ sự đau đớn.

Khóa Bát Nhã 2 kết thúc, đúng lúc đó hãng cho tôi nghỉ việc. Một chị trong Tống phước Hiệp sợ tôi buồn, chị khuyên tôi vào đạo Thiên Chúa, sống với Chúa mọi việc sẽ an lành. Tôi khuyên ngược lại chị, hãy đi học thiền. Tôi bây giờ rất an lành, có việc cũng vậy, không việc cũng vậy. Tôi định đi làm đến năm 59 tuổi cũng nghỉ, hãng đã cho tôi hai lựa chọn, nếu về ca đêm còn việc làm. Tôi từ chối, hãng cho tôi nghỉ sớm hơn hai năm, càng tốt. Lúc đó ông Obama làm tổng thống, ông can thiệp, tôi được lãnh tiền thất nghiệp gần hai năm, mỗi tháng 475 đô, vậy là quá quý rồi. Lãnh đến ngân phiếu cuối, tổng thống Obama gởi kèm thêm một lá thư, ông xin lỗi, ông đã xin Quốc Hội cho thêm tiền, nhưng Quốc Hội không đồng ý.

Khóa Bát Nhã 3 tổ chức tại San José, California, nơi mà Hải Đường đã đến. Sẳn được nghỉ việc tôi chạy lên San José học, thêm một cô cùng đi, cô này đã có bằng Master, cũng vừa bị nghỉ việc. Cô nói học thêm khóa thiền nữa, về đi học lấy bằng Tiến Sĩ. Tôi nói với cô, học cao quá, khó lấy chồng lắm đó. Cô cười nói, cô chỉ học lưng lửng đã khó lấy chồng rồi, bây giờ không nghĩ đến chuyện chồng con nữa. Bây giờ không thể lùi, học lấy bằng Tiến Sĩ và học hết tất cả khóa thiền. Cô này có thể ngồi yên tịnh trong 3 giờ liền, tôi nghĩ cô đã vào “Định” nên mới ngồi được khá lâu.

Thầy Thọ ở lại đợi mở khóa khác ở Riverside. Sau đó thầy học thêm nhiều khóa, trước khóa thiền này thầy đã qui y tại thiền viện, pháp danh Tuệ Khánh. Thầy nhập thất nhiều lần, học thêm khóa Giáo Thọ. Rồi thầy mãi mãi ra đi, để lại bao luyến tiếc cho học trò, bà con, những người đồng hương, thiền sinh và thiền sư. Lên đến thiền sư đã làm chủ được Tâm rồi, không còn buồn, vui, giận hờn, và chắc chắn không còn trút những cơn buồn lên những vần thơ như chị Lưu Phương. Chuyện hôm qua, qua mất rồi, chuyện ngày mai chưa đến, chỉ có bây giờ và ở đây, đâu có gì mà buồn.

Vậy mà hôm đám tang thầy Thọ, sư Không Như bật khóc, như vậy vẫn có lúc đặc biệt, như những câu thơ buồn của chị Lưu Phương. Thật ra lúc nào chị cũng vui, chỉ lúc làm thơ hơi buồn.

bài và ảnh Nguyễn Hoàng Hưng

H1             Thầy Thọ đứng bìa trái cuối, tác giả ngồi kế thích Thông Triệt

h2

h3                  Lấy bằng quy y. Thầy Thọ đứng thứ 2 cuối từ phải qua

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 14 bình luận về Đi học thiền với thầy Đào khánh Thọ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Có được tâm thiền, học và biết đạo, thật hay hén út Hưng, nghe út kể hay quá : học thiền làm ta tốt và ôn hoà, điem tĩnh, làm chủ được cảm xúc của mình hơn.

    • hoàng Hưng nói:

      Dạ! Cảm ơn chị. Đúng như chị nói. Một nhà thờ ở quận Cam cho phép dạy Thiền tại nhà thờ. Như vậy Thiền có một giá trị thật sự phải không chi?

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hoàng Hưng là người hạnh phúc nhất !

  3. Hoành Châu nói:

    Thiền ~ thiện ~ giúp tâm chánh niệm , điều hòa nhịp thở , tâm tịnh ,,,nếu luyện tập lâu ,,,thiền sinh sẽ sống vui , sống khỏe . Chắc thiền sinh ÚT Hoàng Hưng  hôm nay đạt chuẩn cấp Thầy ? Chúc mừng nhé  .
    Hoành Châu ~Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  4. VÕ THI LÀI nói:

    Anh Hoàng Hưng đạt thiền sư chưa ? anh giỏi thật biết đủ thứ trên  đời, qua bài nầy nhìn được thầy Thọ, và biết tin về Tỉnh Trưởng Dương Hiếu Nghĩa ,Cám ơn anh Hưng nhiều .

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài. Khoảng cách từ Thiền sinh lên đến Thiền Sư là một ngon núi cao mấy ngàn cây số. Mới bước được một phần ngàn, bị trợt chân té xuống rồi.

  5. My Nguyen nói:

    Anh Hoàng Hưng ơi! Đọc bài viết của anh, MN đã ngộ ra nhiều điều. Tâm đắc nhất là câu nói “Chuyện hôm qua, qua mất rồi, chuyện ngày mai chưa đến, chỉ có bây giờ và ở đây…” Thật ra, MN là người sống nhiều về nội tâm, luôn bị dằn xé về quá khứ và nghĩ nhiều đến tương lai. Vì vậy, những bài thơ cũng luôn buồn… Chi cho mệt vậy phải không anh? Nhưng thật tình, thay đổi một thói quen, quán tính…cũng không phải dễ. MN có vài người bạn ngồi thiền tại nhà, cũng khuyên My nên tập cho tâm thanh tịnh hơn.

    Đang buồn, đọc bài viết của anh HH cũng vơi đi phần nào. MN cảm ơn anh…

    • hoàng Hưng nói:

       

      Cám ơn My Nguyễn. Đoạn My Nguyễn nhắc đến là ý trong bài kinh sau:

      Quá khứ không truy tìm
      Tương lai không ước vọng.
      Quá khứ đã đoạn tận,
      Tương lai lại chưa đến,
      Chỉ có pháp hiện tại
      Tuệ quán chính ở đây.
      Không động, không rung chuyển
      Biết vậy, nên tu tập,
      Hôm nay nhiệt tâm làm,
      Ai biết chết ngày mai?
      Không ai điều đình được,
      Với đại quân thần chết,
      Trú như vậy nhiệt tâm,
      Ðêm ngày không mệt mỏi,
      Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
      Bậc an tịnh, trầm lặng.

    • hoàng Hưng nói:

      My Nguyễn có muốn thử không? Khi My Nguyễn cảm thấy buồn, ngồi xuống, ngồi thế nào cũng được, cảm thấy thoải mái được rồi. Nếu có thể ngồi xếp bằng, chân phải gác lên chân trái. Bàn tay trái để trong lòng, bàn tay mặt để lên tay trái. Hai ngón cái chạm nhau, ráng ngồi thẳng tí thì hay hơn. Khi hít vô, mình biết mình đang hít vô, có thể mình nói thầm “không” kéo dài đến khi mình thở ra dài hơn khi hít vô, khi thở ra mình nói thầm “nói.”  Cộng chung là mình ra lịnh cho trong đầu “không nói.” điều gì hết. Trong đầu mình nhớ điều gì đó, nhắc mình điều gì đó, nói điều gì đó, làm mình buồn.  Tóm lại mình nói “không nói” để ra lịnh cho tâm mình không nói điều gì hết. Không nói gì, không nhớ gì, thì đâu có điều gì làm mình buồn.  Rồi tiếp tục khi hít vô tự mình nói thầm “không,” thở ra nói, “nói.”  Khi có “lạc đề,” kệ nó, nhẹ nhàng trở về. Tất cả đều nhẹ nhàng, tự nhiên, không bao giờ cố gắng điều gì hết. Gái thường kiên nhẩn hơn trai, nên có thể ngồi lâu hơn. Trai thì ít buồn vu vơ hơn gái, vì có buồn đi nhậu là quên hết, hỏng tin, hỏi anh Cả Lần xem. Chúc My Nguyễn không còn buồn nữa.

      • My Nguyen nói:

        Anh Hoàng Hưng ơi! Trước hết MN xin cảm ơn anh đã có sự quan tâm, hướng dẫn tỉ mỉ một bài tập cho tâm thanh tịnh. MN thích lắm vì bài tập này không khó, có thể thực hiện được dễ dàng. Sáng sớm này MN đã áp dụng, ngồi được khoảng 20 phút. Chưa thấy mỏi nhưng phải ngưng vì đến giờ đi thể dục, những lần sau sẽ tập lâu hơn. Một lần nữa, MN cảm ơn anh Hoàng Hưng, chúc anh luôn vui khỏe…

         

        • hoàng Hưng nói:

          Nếu My Nguyễn thấy thích hợp với Thiền, đến Thiền Viện Ngọc Viên hay Thiền Viện nào đó, nhờ Sư chỉ dẩn, “chắc cú” hơn. Tập Thiền rồi, không cần đến chùa để cầu an nữa, vì cảm thấy bình an rồi. Sống tự nhiên, đói an, khát uống, mệt ngủ khì. Chúc My Nguyễn sớm thấy chân trời mới.

  6. hoàng Hưng nói:

    Ngày xưa ở Tân định có con đường tên Trần văn Thạch, cụ Thạch là thân sinh của Sư Không Chiếu. Tên tục của Sư Không Chiếu là Trần văn Tự cựu tỉnh trưởng Phan Rang.

Trả lời hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác