NHỚ CHÚ

Ngày đăng: 14/03/2018 12:48:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Bận quá,  hai ngày nay không vô trang nhà. Vừa mở ra có nhiều bài mới và vui. Kế đến là tin buồn, đang đọc tin buồn,  Mỹ Phước gọi đến và nói, trước giờ đọc trang nhà, nhưng không biết Lương Minh. Đọc phần tin buồn, biết được nhà của Lương Minh, biết xe đò Hoa Nam, biết ba của LM, nhưng cũng hỏng biết LM.

Rồi đến bài “Chú tôi,” đọc một đoạn, nước mắt rơi, nhớ lại chú tôi, vừa mất năm rồi, và những hình ảnh ngày xưa tràn về.  Một buổi tối bải trường năm tôi học  lớp tư, chú đang nằm võng, kêu tôi lại ngồi trên bụng chú. Chú bắt đầu giảng về toán nhơn, sáng hôm sau tôi làm được toán nhơn.

Rồi chú đi lính về đại đội 21 ở Bạc Liêu, một vài lần tôi xuống Bạc Liêu thăm chú, nhưng không bao giờ gặp. Lần đầu gặp ông thượng sĩ thường vụ đại đội, ông thượng sĩ nói với người lính duy nhất còn ở lại hậu cứ làm đồ nhậu. Chú lính nầy nấu nướng lẹ lắm, tí sau dọn lên canh chua cá, giống như loại cá vồ ở Vĩnh Long. Tôi nhìn nồi canh chua, cảm thấy ngài ngại. Không biết chú đoán được hay sao, chú giải thích cá nầy là cá dứa, anh em với cá vồ. Trong hồ là cá vồ, ngoài sông là cá bông lau, ngoài biển là cá dứa, đều là anh em. Chú quên giải thích cá ba sa có phải cũng là anh em, họ hàng với cá vồ, bông lau, dứa. Chú lính nấu canh chua cá dứa khá ngon, tôi ăn nhiều, uống chút chút. Ông thượng sĩ và chú lính uống nhiều, ăn chút chút. Tí sau ông thượng sĩ nói trong hơi men, ở cái mấy tỉnh miền Tây này, thằng nào ăn hiếp cháu, nói cho thằng tư Si này biết. Tiếng nói của thằng tư Si này cũng có thớ trong mấy tỉnh miền Tây này lắm. Tôi nghĩ, có rượu vô, lời ra vậy thôi.

Lần sau tôi đến Bạc Liêu vào buổi chiều, gặp ông thượng sĩ đang nhậu trong quán của người thím, xéo xéo nhà thương lớn Bạc Liêu, gần gần bên hậu cứ của đại đội của chú. Nhậu một hồi, ông thượng sĩ bắt đầu đập phá. Trên bàn có thứ gì ông đập tan tành hết, mọi người trên bàn nhậu rút lui hết. Tôi bước đến gọi, chú Si! chú Si! Ông thượng sĩ nói nho nhỏ, đừng dọn dẹp gì hết, tối tắt đèn , ra ngoài sau lấy hai cần xé đựng ly chén bể, đổ hết vào đây.

Sáng sớm hôm sau, người của dân biểu Lâm Hoàng Hôn đến quan sát “hiện trường,” ước đoán thiệt hại và xin bồi thường tất cả.

Năm 1972 đơn vị của chú được điều động lên An Lộc, chỉ mấy ngày sau chú tôi bị thương, may mắn tản thương được về tổng y viện Cộng Hòa. Tôi đi thăm, chú kể, chú bò dưới tranh, vừa đưa tay lên ra dấu cho lính tiến lên, bị bắn bể tay. Khi tôi ra về, chú móc mấy ngàn dưới nệm, nhét vô túi tôi.

Chú bị thương bàn giao đại đội cho ông đại đội phó lên thế.

Tối qua gõ đến đây phải ngưng, cô 9 đến “thuyết giãng” mùa hè bên Việt Nam nóng lắm, nhiều muổi, đồ ăn bây giờ nhiều hóa chất. .

Mấy năm trước ông nhà báo Phạm Hồng Phước qua Arizona vào mùa hè, nhà báo la ỏm tỏi, nóng! nóng! nóng! Ông khen bên Sài Gòn mát mẻ, ông chê đồ ăn Mỹ mặn đắng. Mặn và đắng, hai vị khác nhau, ai nấu đồ ăn bỏ cả hai vị này vào, hỏng biết nữa. Bây giờ cô 9 lại chê ngược lại quê nhà. Hỏng biết ai đúng ai sai, cả hai đều đúng hay cả hai đều sai.

Cô 9 giãng đến chín giờ rưởi, thôi tắt máy đi ngủ

Hồi chiều mở mạng thấy Châu về Việt Nam gặp lại thầy Tôn, thầy Ngôn. Tôi còn nhớ rõ, học với thầy Tôn năm đệ ngũ, năm 66. Nhớ rõ năm 66 vì cô Phan Ngọc Tần hay nói một chín sấu sấu. Học nhạc với thầy Ngôn năm đệ thất. Châu gặp lại đông bạn bè vui quá.

Nói với cô 9, hè này dẫn Tommy, Gia Bảo về Việt Nam. Chỉ nói một câu, cô 9 thuyết giãng lại, hình như còn thiếu một câu nữa là chẳng trăm. Thôi đành, mộng về cố quận, chỉ là mộng. “Bao giờ gặp lại dòng sông cũ lần nữa?”

Hồi tối gõ đến đâu cà?

Ờ! Chú tôi không còn đi tác chiến nữa, cấp trên giao cho chú coi Quân tiếp vụ của sư đoàn 21. Lần sau xuống Bạc Liêu gặp chú, chú bày tiệc nhậu, tôi cũng ăn nhiều chỉ uống lai rai. Chú và vài người bạn của chú nhậu tới bến, người lính mang giấy tờ đến cho chú ký, xuất kho một số hàng. Chú lè nhè lấy viết định ký. Tôi nói với người lính, khuya rồi và ổng cũng xĩn rồi, mai ký đi. Người lính giận bỏ đi. Sáng hôm sau chú bị nạo. Tối qua xuất kho thật, sáng sớm quân xa phải chở cho một đơn vị nào đó ở xa.

Sau ngày 30 tháng tư, ở nhà không được tin của chú. Tôi tình nguyện xuống Bạc Liêu tìm chú. Đi đường bằng thẻ căn cước và thẻ sinh viên qua được trạm Vĩnh Long và Cần Thơ đến trạm Phụng Hiệp bị bắt. Tuổi thanh niên không có giấy đi đường không được đi tiếp. Tôi quay về, ghé thăm hai người quen, đều là trung úy loại hai giải ngủ. Một anh về làm ngân hàng, một anh trở về dạy tư thục. Anh làm ngân hàng đã đi trình diện học tập cải tạo rồi. Lúc đó đã có lệnh đi trình diên đi học tập cải tạo đợt đầu. Anh dạy tư thục, bị mất dạy nhưng vẫn còn tà tà ở nhà, chưa đi trình diện học cải tạo. Sau này nghe kể, anh làm ngân hàng đi học trước, có đầy đủ thầy dạy, anh được đi học hai năm, anh dạy tư thục đi học sau, thiếu thầy dạy chỉ được học ba tháng. Tôi cũng vậy, đi học khóa sau nhất, nên bị thiệt thòi, học ít hơn những người khác.

Trở về nhà ít hôm, thấy ba tôi nóng lòng, tôi nhớ lại chị ở Cần Thơ, vừa qua cầu Cái Khế queo phải, đường Cống Quỳnh hay đường gì chạy song song với con rạch Cái Khế, tôi quên rồi. Tôi nói với ba tôi, ba lớn tuổi, đi đường chắc không bị trở ngại, chạy qua Cần Thơ gặp chị đó hỏi thăm.  Ba tôi chạy qua Cần Thơ, chị cho biết cấp bậc đại úy hiện tập trung tại hậu cứ của trung đoàn  gì đó ở gần Bình Thủy. Chị hỏi tên người chú, chị sẽ hỏi thăm dùm. Trước khi ba tôi ra về, chị mét với ba tôi, ngày xưa, con anh nay tôi chở cô này, mai chở cô kia. Chị nói oan cho tôi quá. Tôi chỉ chở có một cô, tại em gái tôi chở hay thay đổi kiểu tóc, chị hiểu nhầm.

Tuần sau ba tôi trở qua, chị đã tìm được chú tôi, đang ở chung với chồng chị. Sau đợt tuyển lựa ca sĩ. Chồng chị đi Bắc 9 năm, lấy xong bằng tiến sĩ, đang ở South Carolina. Chú tôi được đưa về hòn Đá Bạc. Một hôm mẹ vợ của chú tôi đến gặp tôi, bà nói, cháu lấy giấy viết ra, bà nói sao, cháu viết vậy. Người đứng đầu trong danh sách liệt sĩ của xã Tân An Luông là ông Lê văn Tú là ba vợ của chú tôi.

Tôi viết y như lời của bà nói. Viết đơn xong bà kêu tôi chở bà qua quân khu 9, bà nói người đứng đầu quân khu 9, ngày xưa là đệ tử của ông. Chở bà qua Cần Thơ, bà đi phăng phăng vô quân khu 9.

Khoảng hơn năm sau, chú tôi lù lù trở về nhà. Bà nội tôi đang bịnh khá nặng, ngồi dậy, hết bịnh luôn.

Chú kể, về đến bến xe mới Cần Thơ không còn tiền, gặp mấy cô bán dạo, bu quanh. Lúc đó ít có người cải tạo về. Các cô ôm chú khóc, đem quà bánh, tiền bạc nhét đầy túi chú.

Buổi chiều sắp sửa rời Việt Nam, tôi chạy vòng quanh phố Vĩnh Long nhiều lần, cô “đồng thuyền” ngồi phía sau hỏi, con đường này anh chạy tới chạy lui nhiều lần rồi, anh định tìm gì, chạy mãi trên một con đường. Tôi nói với cô: “ Anh nghĩ, anh phải làm điều gì, nhưng anh không nhớ phải làm gì.”

Sau này tôi hỏi cô, sao hôm đó đi theo tôi từng bước vậy. Cô trả lời, cô bị gạt nhiều quá rồi, nên phải bám theo tôi. Tôi nói với cô, gạt em chuyện gì thì gạt, đâu có gạt chuyện đó. Tôi nói chơi như thế nào cô cũng không giận, chỉ nhìn tôi.

Tin có diện HO, thấy có chiếc xe bán rẻ, mua để dành cho chú. Sau hỏi lại, chú đi học thiếu hai tháng, chưa đủ ba năm, Mỹ không nhận.

Tết năm 2004 anh Huấn tổ chức buổi gặp mặt các anh niên khóa 63. Chỉ có tôi và Phương Loan, hai đàn em được mời. Tôi hỏi các anh còn nhớ Nguyễn Tấn Tập, học ban A không? Chỉ có anh Vệ lúc đó đi tu rồi, còn nhớ. Sau này có Xã cũng còn nhớ.

Năm 2006 tôi về Việt Nam, cùng chú sửa sang lại nắm mộ của bà nội tôi. Thấy kế bên là mộ ông bà tư, em kế bà nội tôi, hai nắm mộ đất. Tôi đề nghị với chú làm luôn hai nắm mộ đó. Chú nói, đâu phải muốn làm là làm, phải coi ngày, phải có sự đồng ý của con cháu ông bà tư.

Ngày tôi trở về Mỹ, chú đưa lên phi trường. “Chuyến sau cháu về chắc không thấy chú “. Nghe chú nói, tôi nghĩ, chú nói vậy thôi, từ Mỹ về Việt Nam chỉ 17 giờ bay, muốn về lúc nào về, có ngăn cách gì đâu. Đó lại là sự thật, chú đã đi rồi tôi vẫn chưa về.

Nguyễn Hoàng Hưng

 

 

 

 

Có 4 bình luận về NHỚ CHÚ

  1. Hồ An Nhiên nói:

    Chuyện ghi lại thật cảm động giữa chú và cháu

  2. Hoành Châu nói:

    Chào người triệu chuyện ,
    Ông bà ta dạy chú như cha vậy ,,,  tình cảm dành cho cha bao nhiêu , ta đối với chú cũng tràn đầy  như đối với cha  ta  vậy , vì  diện mạo , tiếng nói cũng na ná như cha mình , Bài viết thật  hấp dẫn, cảm động ,,,, khiến người đọc tiếp tới ,,,khó lùi …Thật ” độc ” với ông triệu chuyện này

    .Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

    • hoàng Hưng nói:

      Bài này viết trong phần phản hồi bài Chú tôi của LM, viết một hồi, sao dài quá, vẫn còn muốn viết tiếp. Rồi cô 9 đến, ngưng viết để nghe cô 9 nói, không thôi thì bị đòn đó. Rồi khuya quá phải nghỉ, copy lại để trong email. Sáng viết tiếp, viết xong Copy lại và “dán” vào phần phản hồi, nhưng không “dán” được vào phần phản hồi. Không biết tại sao? Đành phải thêm tựa và gởi đi như một bài viết. Cám ơn Cát Cát.

Trả lời Hồ An Nhiên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác