NGUYỄN CHÂU VỚI DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY

Ngày đăng: 25/03/2018 06:52:03 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Cuối năm Đinh Dậu, tôi được anh Nguyễn Châu tặng tập truyện ngắn DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY. Bạn văn chơi với nhau ai có tác phẩm ra đời là cùng chia vui với nhau, bởi tất cả công sức và trí lực đầu tư vào đứa con mình mong đợi từ viết, biên tập đến xin giấy phép và in ấn.Nhưng duyên phận mỗi tác phẩm được định đoạt bởi độc giả chứ không phải người sinh ra nó, với người viết chân thành sẽ cố gắng hết mình, hầu mong được nó khôi ngô và được đón nhận, ấy là quý hóa rồi.


Nhà văn Nguyễn Châu cũng vậy, anh đã viết khá lâu từ những thập niên trước, tuy nhiên anh thầm lặng và từ tốn nên không ồn ào trong giới văn ngày nay.
Ai trong thế hệ anh, cũng bị ảnh hưởng của cuộc chiến dai dẳng có thể nói dài nhất trong nửa cuối thế kỷ 20 của một quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy ký ức một thời được anh trân trọng lưu giữ và chậm rãi viết lại.
DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY với 64 truyện ngắn như thước phim đời anh đã chứng nghiệm, từ Cái đồng hồ, Nghèo, Người cha đến Trơ đáy, Chứng nghiệm chủ đề chính là Dòng sông trơ đáy, và cuối cùng là “Khung trời không bình yên” mỗi chuyện có cách diễn đạt khác nhau và cảm thụ là của bạn đọc.
Sách in đẹp, tao nhã do Quán Văn thực hiện, bìa của họa sĩ Đinh Cường, trình bày là nhà văn Nguyên Minh khá chuyên nghiệp, do NXB Hội nhà văn cấp phép in ấn, vì vậy cảm nhận của tôi tương đối bắt mắt.
Phải nói anh viết khá chấm phá, có thể làm cho người đọc nhiều thắc mắc, hầu như cái kết làm cho độc giả sẽ ngỡ ngàng, có lẽ anh muốn độc giả tiếp diễn chiều suy nghĩ của anh chăng? Để tự mình tìm thấy, đây cũng là lối trân trọng trao quyền cho độc giả, để giải quyết vấn đề mà tác giả còn bỏ lững,
Truyện NGHÈO, nói về bức tranh nơi quê nhà anh, Ông Mười Tâm là một điển hình của dòng suy nghĩ của anh với bức tranh quê thời ấy:” Ông Mười Tâm là học trò của ông nội tôi, Nho học thời vứt bút lông giắt bút chì. Ông đi lính khố đỏ, ngang lưng có thắt đai đỏ phía trong áo, Tây đã đem ông qua chiến đấu với quân Đức hồi Đệ Nhị thế chiến, ông bị trả về làm thương phế binh. Pháp cấp tiền hưu, thoát nghèo” …
Rồi lại tiếp:” Nghèo quá không có đất cắm dùi, phải làm thuê. Quê nghèo chẳng có ai thuê, đành đi mót, Mùa nào mót nấy cũng chỉ lúa sót, khoai sắn qua ngày. Hết mùa gặt chưa cày bừa cho vụ tới, những gốc rạ cọc còi đẻ lúa rài, lại đi mót “lúa rài” (Truyện NGHÈO)
Truyện “Một thời ngông nghênh” là bức tranh thời miền Nam Việt Nam của các chàng trí thức hiện sinh với các triết thuyết của Heidegger, Nietzche, J.P. Sartre, Albert Camus… hay tác giả Việt Nam như Nguyễn văn Trung, Nguyên Sa hoặc Phạm Công Thiện vv… được phản ảnh một góc nhìn qua ký ức của anh với phong trào Hippy ở thập niên 1970 của Sài Gòn khá đa sắc diện: ví như “Hắn ngấu nghiến từ “văn chương siêu hình học” của Nguyễn Văn Trung, “Nhận định đại cương triết học hiện hữu” của Nguyên Sa, “Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh của J.P. Sartre”…
Cái kết cũng làm cho độc giả khá bất ngờ, như “Một ngày, chính quyền bố ráp, đẩy bọn hắn ra chiến trường. Những trận chiến ác liệt, đạn bay súng nổ không làm hắn say máu như nghe nhạc Beatles, Jackson Five. Hắn lơ mơ theo ” imenoctan”
” Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt buồn vui cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui ( Thơ Bắc Sơn)
và chấm hết truyện.
Độc giả nếu đọc hết chuyện ấy, lại phải suy nghĩ, vì sao lại tức thế nầy? Không lẽ tác giả dựng nhân vật “Hắn” mang cái mác trí thức, khá lịch lãm, cặp bồ với Như Mai trường Marie Curie bề thế một thời lại thế sao, chỉ “phá phách, sớt chia vui buồn cùng gái điếm bằng cách vung tiền mua vội một ngày vui”?
Còn truyện “Tình yêu” thì sao? Tình yêu là bất biến, ai trên trần gian nầy không yêu, nhưng cách yêu mỗi người, mỗi thời một khác, anh viết truyện nầy như một tản văn, lan man trong suy tư tình yêu của mỗi thời, nhất là thời nầy các cô gái lấy chồng xa xứ, tuy sướng khổ có khác nhau nhưng có nổi niềm rất chung “Chồng gần không lấy, lấy chồng xa/ Lỡ một mai cha yếu mẹ già/ chén cơm ai đỡ, chén trà ai bưng”.
“Không có linh hồn” Tại sao vậy? dấu hỏi của tác giả và cũng như dấu hỏi của cuộc đời, lẽ nào như thế. Anh nêu ra như một nhận định của riêng anh, còn giải quyết vấn đề không phải là chuyện nhà văn mà là của độc giả và xã hội ,
Cõi thế gian nầy con người và các loài hữu tình đều có linh hồn, tại sao lại không, ấy là lẽ gì? Thế mà Nguyễn Chậu viết truyện “Không có linh hồn”, chức năng trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, viết phim… có quyền nêu ra hay đặt vấn đề, phải không các bạn? còn giải quyết ư? không phải của chúng tôi, các cây bút viết đều như thế.
Thời đại nầy có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, với tư cách một người cầm bút có trách nhiệm như vậy tôi nghĩ cũng đủ rồi, còn mọi giải pháp nếu được lắng nghe và có phương pháp, thì may ra xã hội mới tiến bộ bằng không thì thôi.
Truyện “Giáo Ba” thì thế nào?
Ông giáo trong bối cảnh đất nước mới thống nhất, ai ở cái thời ấy cũng hiểu vô vàn khó khăn, đói khổ, Nếu như thế rất dễ giải quyết, nhưng thân phận người thời ấy còn lắm nổi éo le, và thao thức một thời như vẫn dai dẳng trong tiềm thức.
Giáo Ba thiếu tình cha (nếu không nói không có cha), mẹ nổ lực nuôi anh khôn lớn làm ông giáo, đùng một cái cha anh tập kết về, mẹ thúc giục cha tìm con đưa về quê Quảng Ngãi, nếu Giáo Ba chỉ gục đầu mọi chuyện có thể đổi khác bởi cha anh lúc bấy giờ làm quan to, nhưng anh quyết định “không về”. Tại sao?
Đọc hết câu chuyện nhà văn chấm phá bức tranh thủy mặc văn chương ấy, nhiều suy nghĩ cho thước phim quá khứ, lòng lại hỏi như thế là thế nào? nhiều câu trả lời từng thứ cấp cứ nhảy múa tung tăng trong tâm người đọc, rồi dại, rồi khôn, rồi không thức thời v.v… chỉ có Giáo Ba mới biết mình sẽ làm gì và quyết định ra sao.
Tình yêu vô biên trong trái tim Giáo Ba mách bảo anh, cuối cùng anh chỉ đi theo con tim mặc cho định mệnh trái ngang, tất thảy đều chấp nhận, chính điều ấy nói lên được nhân sinh quan của đấng nam nhi.
Tôi đọc truyện nầy rất đồng tình với anh, cuộc sống quá nhiều điều không lường trước nhưng hãy sống hết mình với lòng chân thành, chính danh rồi đời ra sao hãy hay.
Người đọc lại sẽ thắc mắc và rồi phải suy gẫm.
Nếu như tuyện “Trơ đáy” là một khúc sông đời khá cảm xúc với thực tại của Long và Phượng bị chia cắt bởi lằn ranh ngoằn ngoèo định mệnh, linh cảm báo trước của thuở ấu thơ như những lát cắt từ thơ ấu đến khi quay quắt gặp lại nhau giữa Sài Gòn đến ngỡ ngàng vì duyên phận của nó với sự có mặt của người khách lạ đồng hương (Ông Khanh) tìm đến nhà ông Khởi, Hãy nghe anh viết đoạn kết “Sự vồn vã ban đầu đã nhường chỗ cho e dè, cảnh giác. Phượng đã quên hẳn kỷ niệm thời thơ dại, những ngày hồn nhiên tung tăng đến trường, đường làng rợp bóng tre dịu mát, những đêm trăng…
Nét kẻ ngoằn ngoằn ngoèo trên sân ngày nào đã thực sự là ranh giới nghiệt ngã trong tâm hồn của Phượng với Long “mã tà”.
DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY là chủ đề trong tác phẩm, nếu đọc truyện trên chúng ta không thấy dòng sông nào, vậy tại sao tác giả dùng hình ảnh dòng sông? Ồ, thì ra dòng sông đời của ông giáo Ba Dzan, dòng sông đời người cũng dữ dội như dòng sông của tự nhiên, lúc cuồng nộ, lúc tha thiết, lúc êm đềm rất hiền hòa, Thế nhưng với ông giáo Ba Dzan thì đúng là “trơ đáy”, không còn “giọt nước” hồi sinh nào để cứu vãn sự sống nữa bèn hóa thân vào một phu chở củi nơi xứ người may ra thoải mái hơn, trong thân xác gầy còm bởi cả một đời đứng trên bục giảng và cặm cụi viết sách giáo khoa toán, ấy là giải pháp cuối cùng để tồn tại với trần gian đa gian nan nầy, nhất là buổi giao thời của thống nhất đất nước.Tôi đọc mà nghe nghẹn từng khúc thanh quản. Ôi chao! Dòng sông đời ấy có ai hiểu thấu nổi lòng!
Đan xen giữa nhà văn và thầy Ba Dzan có những hoàn cảnh éo le đến độ không thể lý giải nổi hiện thực, chỉ có thực chứng mới hiểu sự tự tồn của đời người!,
Hãy lắng lòng đọc lại một hoàn cảnh của tác giả:”Trước tết, sạp cho thuê sách của tôi bị đoàn kiểm tra liên ngành huyện phong tỏa, Toàn bộ sách bị tịch thu, tôi suýt bị truy tố về tội lưu hành và tàng trử văn hóa đồi trụy.
Vợ tôi gào khóc thảm thiết:”- Hởi các ông Victor Hugo, Gogol, Guy de Maupassant, Tolstoy, Thạch Lam, Tô Hoài, Khái Hưng, ông Phật, ông Chúa… viết sách “văn hóa đồi trụy” làm gì cho nhà tôi hết vốn.”
Và như thế đó… Không còn cách nào khác là rời nơi chôn nhau cắt rốn, để đi đến một nơi xa hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, dù biết rằng gian nan.
Gấp tập sách lại, nghiền ngẫm, thẩm định vì lẽ gì, thế nào? trong tôi chợt thấy rằng thì ra còn truyện “Thẩm định” nữa trong tập văn anh, “Thời nào thì cũng như nhau/ nổi buồn ly biệt nổi đau dối lừa”(Trần Nhuận Minh) bèn quay về với chính mình và thở than cùng đất trời.
Ta hãy đọc lại đoạn nầy các bạn nhé:
“Ông chỉ thở than với bà; Tâm lý xã hội bây giờ khó hiểu quá, họ hay đặt ngược vấn đề:Thấu tình đạt lý thay vì thấu lý đạt tình. Sự nghịch lý đầy rẫy trong xã hội làm lòng người điên đảo. Không thể phán đoán tâm lý xã hội theo logic cội nguồn, truyền thống đạo đức Á Đông”
Rồi như mách bảo con tim, tôi cũng như anh và những người thao thức hãy cứ trình bày cho nhẹ nỗi trách nhiệm làm người trước một xã hội, đất nước của mình đang dự phần, với niềm mong mỏi mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn.
Còn nhiều truyện của anh nữa, những 64 cơ mà, tôi chỉ khái quát, còn các bạn đọc để thấy rằng rất nhiều chuyện thú vị nếu ta suy gẫm.
Để kết thúc bài viết nầy, tôi chỉ thêm mấy dòng thơ của thi sĩ Hoài Khanh, một thi sĩ tài hoa lúc nào cũng đau đáu trước nổi đau thân phận như sự đồng cảm với tác giả Nguyễn Châu:

… Và em lại ra đi như đã đến
Dòng sông xưa thân ái chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây có mọc hoang vu
( Thân phận – 1967)

Mùa Xuân Mậu tuất 2018
PHẠM NGỌC DŨ
Tel 0908 059 222

 

Có 4 bình luận về NGUYỄN CHÂU VỚI DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY

  1. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn nhà thơ  Phạm Ngọc Dũ đã giới thiệu tác phẩm tác giả Nguyễn Châu ” Dòng Sông Trơ Đáy”  gồm  64 truyện ngắn nội dung muôn hình  vạn trạng , đặc biệt với những phần  kết thúc còn bỏ  dở ,,,có lẽ tác giả  để người đọc còn thấy nhiều điều cần suy gẫm.
    Rất thích bài thơ ” Thân phận ” của thi sĩ tài hoa Hoài Khanh. Chúc tác giả Nguyễn Châu  cùng người viết vui khỏe nhé . Kính mến

    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

  2. Ngã Du Tử nói:

    Rất tuyệt là nhà báo Lương Minh đã up bài nhận định Dòng sông trơ đáy của Nguyễn Châu lên trang nhà, cảm ơn anh Hoành Châu đã ghé đọc, Phạm Ngọc Dũ chính là Ngã Du Tử đó anh à, Hôm anh phản hồi trên trang nhưng tôi không vào, mới đây tôi có phản hồi, anh điện thoại cho tôi như trong phản hồi trước.

    Thân mến, Ngã Du Tử

     

  3. Cám ơn Trang nhà tongphuochiep.vinhlong.com và nhà thơ Ngã Du Tử (Phạm Ngọc Dũ) đã có lòng ưu ái.

    Tác giả tập truyện ngắn DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY: Nguyễn Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác