Tam Nhân. Tứ Linh. Ngũ Thường

Ngày đăng: 28/01/2018 11:50:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trên một vùng đất Tam Bình  cạnh dòng Mang Thít, ở khoảng mà dòng sông có dạng  uốn lượn như thân  rồng đang múa. Vào  thuở xa  xưa có một chùm xóm ấp được đặt tên mang hàm ý năm đức tính của người quân tử trong quan niệm  Nho giáo  như:  Tường Nhơn, Tường Lễ, Tường Trí thuộc xã Tường Lộc. Cho đến những năm đầu của thế kỷ 20,  thì Tường Ngãi  và Tường Tín bị một đoạn kênh xáng múc ngang phải  tẻ bầy.  Vì thế mà hai ấp  anh em nầy bị  lìa ra để sát nhập vào xã Hoà Bình, Trà Ôn. Đến nay thì  các địa phương  đó đã thay bằng tên khác.  Nhìn tổng quát trên các mặt địa lý và nhân văn từ thuở ban sơ,  có thể suy  đoán là ông bà tổ tiên nơi đó đã từng bước lập nghiệp và mong muốn con cháu ghi nhớ các đạo lý làm người mà đối nhân xử thế.

Truyền thuyết trong tộc họ Lưu địa phương.  Khoảng giữa thế kỷ thứ 18,  có ba anh em trai đi ghe từ miền ngoài vô Nam trong mục đích khẩn hoang lập ấp theo chính sách  của các triều  vua nhà Nguyễn. Tiên Thuỷ là địa danh mà nhóm di dân nầy bước lên và quyết định cắm sào định cư. Nơi đó hiện nay là xã Tân Thuỷ, huyện Ba Tri, Bến Tre. Sau một thời gian gầy  dựng mọi thứ ổn  định, hai người anh nhường nơi khai  khẩn cho người em út sinh sống. Đoàn người tiếp tục dùng thuyền đi sâu vào đất liền để tìm vùng đất hứa. Họ đi ngược dòng  Hàm Luông, băng ngang hai nhánh sông Tiền đến đất Long Hồ. Hai người anh theo con sông  Xã Sĩ, đổ bộ lên vùng mà bây giờ thuộc xã Phú Đức huyện Long Hồ, Vĩnh Long.

Y khuôn như ngày đầu vô Nam, phận làm lớn là phải dốc lòng ra sức chăm lo chu đáo  cho em. Anh cả nổ lực  giúp người em kế ổn cư, rồi lại tiếp tục xuống thuyền đi tìm cho mình vùng đất mới. Địa điểm mà người anh cả chọn nơi  định cư  là vàm Mương Khai cạnh dòng Mang Thít thuộc làng Hồi Xuân. Bây giờ là xã Xuân Hiệp huyện Trà Ôn, Vĩnh Long. Không ai biết có phải  vì ghe thuyền cũ kỹ  bị hư hỏng khiến  không thể  đi xa,   hay là người anh Cả tìm được vùng đất ưng ý.  Mà vị trí đổ bộ  thứ ba cách nơi thứ hai khoảng  25 km tính theo đường sông nối liền hai dòng chảy. So lại thì tương đương 1 phần 5 của chặng đường từ nơi định cư thứ hai ngược ra bến ghé cận duyên ban đầu.

Trong ba anh em,  anh cả là người cuối cùng  bước lên bờ lập nghiệp.  Ông ấy có tên trên gia phả và mộ chí  là Lưu Phước Tấn. Theo những người am tường lịch sử  thì chữ Phước thời đó chỉ được vua ban cho những người có công với nước, chứ dân giả  không thể tự đặt. Còn việc được vua nào  phong tặng thì vẫn còn nghi vấn.  Ông được sự thừa nhận  là thuỷ tổ của phả hệ Lưu gia riêng trên  vùng Tam Bình và Trà Ôn có nguồn gốc từ lúc đó. Ngài Lưu Phước Tấn  có hai người  con trai, người con cả là ông Lưu Văn Loan tự  Phụng  và người con thứ là ông Lưu Văn Phụng tự Loan. Tại sao hai anh em có tên  chéo qua đảo lại thì  có nhiều  truyền thuyết giải thích  trái ngược nhau.  Ông anh Loan nghe lời  phụ mẫu  ở  lại  giúp cha phát triển từ  vàm con rạch Mương Khai.

Ông em Phụng  theo truyền thống  gia đình  là khi trưởng thành phải rời nhà để tự thân lập nghiệp.  Cháu chít hôm nay tự hào  tập quán của tiền nhân là chỉ  giúp đỡ con cái  ban đầu rồi để họ tự sống độc lập về sau.  Sách lược  rất  khác  những hộ  giàu xưa áp dụng mô hình  như một xã hội thu nhỏ với  nhà ngang dãi dọc nối nhau, kho vựa tích lũy  đầy tràn. Lúc nào cũng đông người giúp việc  để nuôi chứa tất cả con  dâu và những bầy cháu nội.  Các con trai những hộ đó chia việc cùng nhau quán xuyến trong nom gia viên, điền sản tổ phụ. Người cha yếu sức hay  qua đời thì con lớn thay tay kế nghiệp.

Tường Nhơn và Tường Lễ hôm nay vẫn  được xem là vùng  cư dân có cùng tổ tiên họ Lưu chiếm số đông  từ những ngày  đầu.  Hơn hai trăm  năm lưu truyền dòng tộc  khởi thuỷ  tại vùng Mương Khai, gia phả ghi chép đầy đủ mười mấy thế hệ con cháu cho đến  hôm nay và tiếp nối di truyền ngàn sau.

Ông Lưu Văn Phụng   sinh năm 1760, mất vào năm 1828.  Sự nghiêp khẩn hoang của ông  bắt đầu từ  một phía bờ Mang Thít, dựa lưng vào  đất thuộc của cha để tiến xuống hướng nam.  Ông Phụng có tám người con và các thế hệ cháu chít đồ sộ.  Như vết dầu loang trên mặt ao, càng ngày con cháu  mở rộng phạm vi định cư, từng bước cùng với dân địa phương và các kiến họ khác  tạo nên những xóm ấp, thôn làng trù phú.

Bao năm lao nhọc trôi qua, rồi cũng đến ngày xác thân trở về cát bụi. Nhưng sự nghiệp để lại  muôn đời của ông là giúp con cháu khai khẩn một vùng phì nhiêu màu mỡ.  Bản tính nhân hậu, chuyên cần, không nệ việc giúp người,  ông đã  khiến cho người đời mến mộ phẫm hạnh, con cháu ghi nhớ công lao.  Đến khi nền hành chánh của các  triều Nguyễn lần lần ổn định. Từ những năm trị vì của  các triều vua Minh Mạng và  Thiệu Trị, triều đình Huế chú trọng chính sách phát triển văn hóa, kinh tế và cũng cố  làng xã hạ tầng. Trong đó có việc khuyến khích dân chúng  lập miễu  thờ phượng tôn vinh  những vị lúc sống tận tụy phục vụ công ích, khi chết thì hiển linh phò trợ làng xóm cháu con.  Quan chức địa phương được lệnh dò xét xác minh cá nhân ưu tú, dâng sớ trình lên triều đình về công  trạng người của khai cơ mở đất, dựng nên làng xóm yên vui, nhất là phải được mọi người thừa nhận tài đức vẹn toàn. Và tùy tình trạng còn tại thế hay đã mất để ban thưởng hoặc sắc phong xứng đáng.  1852,  năm  trị vì thứ sáu,  vua Tự Đức phê nhuận sắc phong Thành Hoàng  linh vị, phong tặng mỹ từ “Đôn ngưng, Chánh trực, Quảng hậu” cho ông Lưu Văn Phụng tự Đức Loan, quê quán làng Tường Lộc. Tính ra 24 năm sau ngày ông mất,  dân chúng sở tại tham chiếu lệnh vua mà  lập nên ngôi  đình thờ phượng ông tại ấp Tường Lễ.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm và tu sửa, nền móng và ngôi đình thần  vẫn còn nguyên vị cho đến hôm nay.  Thời gian và chiến tranh  khiến nhiều ngôi đình  không còn giữ  nguyên vẹn hoặc mất sắc phong,  đình Tường Lộc cũng nằm trong trường hợp đó. Nhưng sổ bộ của triều đình Huế dùng ghi chép công việc ban thưởng sắc phong Thành Hoàng hiện vẫn còn  lưu trữ ở Viện Bảo Tàng quốc gia. Ban Trị sự ngôi đình nào có yêu cầu tái tạo sắc phong, sẽ được một ban chuyên môn tham chiếu sổ bộ để cấp một phó bản có đủ triện son gần như  bản gốc.

Cũng theo lời lưu truyền trong  Lưu tộc. Vào những năm tháng  rất sớm sau khi bước lên bờ lập nghiệp ở khu vực  vàm con sông  Mương Khai. Đang lúc mạnh khoẻ, ngài thuỷ tổ có ý chọn trước một khu đất cao thông thoáng làm nơi an nghĩ lúc lìa đời. Một hôm có ông  lão bơi xuồng ghé vào. Ông ấy bước lên nhìn khu đất và nói với ông Lưu Phước Tấn đại ý thế nầy:

– “Tôi qua lại nơi đây nhiều lần, quan sát dòng sông thẳng tắp bao la mà đến đây nắn dòng uốn lượn, chảy chậm rải  hiền hoà. Trên bờ thì chỉ một chỗ nầy đất tụ gò cao mà cây lá xanh tốt, cảnh quan sáng rực tươi vui, gió như luồng qua  khe núi mà rì rào vô tận  bốn mùa.  Đứng nơi gò đất nầy giữa trưa mà mát mẻ, thần trí lâng lâng  khoan khoái như lạc cảnh tiên thì quả đúng là huyệt Tứ Linh. Có thể là  chưa đến thời hội tụ linh khí ngàn năm của thế long chầu hổ phục, phụng múa quy nghinh  mà chưa sanh hiện tượng nước quần gió tụ, đất dậy nhô mình.  Vì vậy không đủ uy lực giúp cho con cháu của ông sau nầy làm quan to hay vương tướng, một người nói muôn vạn người nghe. Nhưng vị trí an táng quá tốt nầy sẽ giúp các đời sau sản sanh nhiều thế hệ rạng danh hiền nhân quân tử, giàu có và tài trí vẻ vang.  Ông muốn phụ giúp con cháu vượng phát thật tốt thì nhớ lời  tôi nói. Lúc dọn cây để  đào huyệt an táng, nếu con cháu  bắt gặp một trong  tứ linh  thì giữ lại  rồi đặt dưới lòng huyệt trước khi an táng, linh vật sẽ  giúp linh hồn ông nương  gió thăng thiên mà tiêu diêu tiên cảnh”.

Thời gian êm đềm  trôi qua, nhưng điều không mong muốn cho cha ông mình cũng phải tới. Hôm đó có một số trai làng đến giúp đào đất chuẩn bị huyệt mộ an táng ngài thuỷ tổ, tình cờ họ bắt một con quy thật lớn.  Quy là một loại rùa vàng chỉ ăn rau cỏ, thường thấy ở các ao sen hoặc xuất hiện  hiền lành trên các  sân  chùa chiềng miếu mạo. Một ít người xem rùa vàng như linh vật và gọi tặng là ‘ông Quy’, như người đi biển tôn kính cá voi là ‘cá Ông’.

Dân làng nghĩ rằng vật dưỡng nhơn, họ bắt rùa vàng định mổ thịt. Người cháu nội trách nhiệm  trông coi việc làm, nhớ lời của thầy phong thuỷ dạy phải làm gì nếu  gặp  tứ linh khi chặt cây dọn gò  hay đào huyệt. Người cháu  bèn  ôm rùa ràng về nhà rộng lại và thông báo với thân tộc. Có lẽ quá bận rộn, lúc linh cữu của ngài Thuỷ tổ chạm  đáy huyệt mộ, mọi người mới nhớ ra đã quên việc phải đặt  linh vật phía dưới quan tài cho Thuỷ tổ  cưỡi thăng thiên.  Nghi thức nghiêm khắc của sự an táng  không thể làm gì khác được, mọi người chỉ còn cách vớt vát là đặt ‘ông Quy’  trên nắp quan tài trước khi lấp đất.

Những năm gần đây trong các bàn tiệc, bàn trà ở nhà hay nơi Từ đường giỗ Tổ, con cháu họ Lưu thuộc  phả hệ Cái Cá thường nghe câu chuyện truyền miệng nầy. Họ cứ tiếc là thuỷ tổ của mình thay vì được cưỡi quy mà lại bị quy cưỡi.  Có người nghe xong,  nghĩ ngợi một lát rồi tặc lưỡi:

– Giá mà tổ tiên mình được cưỡi quy lúc ấy, bây giờ tụi mình sẽ bốc đến cở nào nhỉ!

Một người ngồi  trong bàn đáp lại:

– Cho phép người khác họ có đôi điều nhận xét:  Ba vị thuỷ tổ “Anh em Lưu gia” của các bạn quá cẩn thận, tuy mất liên lạc  hơn hai trăm năm mà còn lưu truyền cội nguồn  gia phả để con cháu phăng tìm ba nhánh gom về  một gốc trong  những thập niên gần đây. Bốn linh vật của trời đất thì ít ra cũng được một hay nhiều hơn thì ai lượng được lộc trời.  Còn ngũ thường hay năm điều hằng nghĩ hằng làm của bậc quân tử mà ông bà nhắc nhở, con cháu cũng noi theo  gìn giữ và thực hành  tử tế cho đến hôm nay.

(Bài nầy viết xuống như tiếp lời truyền miệng theo những người bạn trong kiến  họ Lưu ở xã  Tường Lộc,  và xin tặng cho tất cả)

Một Lúa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác