Ngôi nhà không có đàn ông

Ngày đăng: 2/01/2018 12:06:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Một hôm sắp hàng mua ổ bánh mì, đứng trước là một cô trong bộ đồng phục của trường dạy làm tóc. Vừa sắp hàng vừa đọc báo, chẳng để ý chuyện chung quanh. Khi nghe cô thu ngân nói với cô đứng phía trước, không có tiền thối. Tôi ngẫng lên nói với cô thu ngân, giao hàng cho cô này đi, tôi sẽ trả tiền cho cô ấy. Cô đứng trước mặt quay ra phía sau nói: “Em mua 8 ổ bánh mì.”  Nói với cô, không sao, 10 ổ cũng được. Cô lấy 8 ổ bánh mì đi ra. Mua bánh mì , cà phê xong bước ra ngoài, cô đứng trước mặt còn đứng ngoài cửa chờ. Hỏi tôi:

– Có đi đâu gắp không?

– Đi bổ túc giấy tờ bảo lảnh vợ, sắp hàng khoảng 1 tiếng, nạp giấy chỉ 1 phút là xong. Đi sớm về sớm, đi trể về trể.

Đứng ngẫm nghĩ một hồi, cô lấy giấy ghi số điện thoại đưa cho tôi, Cô nói, ngày mai đúng 12 giờ trưa gọi em. Ngày hôm sau, đúng 12 giờ trưa tôi đến nơi có chiếc điện thoại công cộng gọi cho cô. Lúc đó cell phone chưa thịnh hành. Mỗi tuần gọi cho cô 4 ngày, vì cô chỉ đi học một tuần 4 ngày. Liên lạc với cô qua điện thoại công cộng ở trường cô.

Sau một thời gian nói chuyện điện thoại với nhau. Cô đề nghị mỗi tuần dành một ngày đi ăn với nhau, một hôm cô kể câu chuyện, đang đi trên con đường thật vắng xe, vậy mà thấy phía trước có một tai nạn. Cô quẹo vô tìm chổ đậu, đi đến nhìn chiếc xe bị nạn. Một ông Mỹ già kéo một chiếc tàu, chiếc tàu bị vuột ra đâm vào chiếc xe này. Người lái xe này là một cô gái Việt Nam bị thương khá nặng nhưng vẫn còn tỉnh. Cô đến hỏi thăm, biết cô này không có thân nhân. Mấy phút sau xe cứu thương đến, cô theo xe cứu thương đưa cô này vô nhà thương. Sau đó cảnh sát cho biết, xe của ông gây ra tai nạn không có bảo hiểm, ông chỉ kéo tàu dùm người bạn. Ông cũng không có tài sản. Bảo hiểm xe của cô bị nạn cũng hết hạn. Lúc đó xe chạy không có bảo hiểm chưa bị phạt, nhưng cô bị nạn không có ai thường bồi. Cô học làm tóc mang cô bị nạn về nhà săn sóc khoảng hai tháng. Cô đi học 4 ngày để thi lấy bằng, 3 ngày còn lại đi cắt tóc ở tiệm của người chị. Lúc đó còn dể, khi có nhân viên ở tiểu bang xuống xét, thường thông báo cho cảnh sát hay. Cảnh sát đến tiệm thông báo, ngầm cho biết ai đi làm chưa có bằng, tạm lánh mặt. Một hôm một cô đi xe đạp đến tiệm cắt tóc, trông thật nghèo khổ. Cô cắt tóc không lấy tiền, chạy xe theo, bỏ xe đạp của cô kia lên xe, chở cô này về nhà. Sau đó biết được cô này qua Mỹ được hai năm, bà chị dâu bắt ngồi may không công. Cô làm tóc đến nhà đem cô này ra khỏi nhà, mướn nhà cho cô này và cô bị nạn ở. Một bà Mỹ già thường đến tiệm cắt tóc, biết được chuyện này, bà sắp sửa đi tiểu bang khác ở với con. Bà bán rẻ căn nhà cho cô làm tóc, bà còn ra ngân hàng làm giấy bảo lảnh nợ cho cô.  Ngân hàng chấp thuận cho cô này mượn tiền mua nhà. Tiền đóng lại cho ngân hàng mỗi tháng ít hơn tiền mướn nhà. Từ đó ba người sống đùm bọc nhau trong một căn nhà. Cô bị nạn lớn nhất, cô ngồi may nhì, cô làm tóc út. Một hôm cô út mời tôi vô nhà.

Đến nhà bấm chuông, út ra đón. Cô dẩn tôi đến gặp ba con chó. Nắm tay tôi cho từng con liếm, cô sờ đầu nựng nịu từng con. Cô đã tả về cô nhất và nhì, nên bước vào nhà tôi nhận ra. Cô nhất đang chiên chả giò, cô út bước đến lấy một cuốn chả giò đưa tôi. Tôi làm bộ chỉ hướng tìm nhà vệ sinh, con chó đã liếm tay, chưa rửa, cô lại đưa cuốn chả giò. Tay cô sờ lên con chó, chẳng rửa, cầm cuốn chả giò. Tôi không nhận, cô cắn ăn tỉnh bơ, chỉ tôi hướng nhà vệ sinh. Từ nhà vệ sinh ra, gặp chị 7 của cô út vừa tới. Chị này tôi đã gặp một lần rồi. Buổi ăn chiều vẫn chưa chuẩn bị xong. Chị 7 rủ tôi ra phía sau vườn. Vừa bước ra khỏi cửa sau, gặp mấy luống cải xanh mướt trồng khá thẳng hàng. Chị 7 ngồi xuống nhổ. Cải đang thẳng hàng thẳng lối, chị không nhổ từ luống. Chị lựa cây to nhất nhổ, nhìn lại mất hết thẫm mỹ. Tôi hỏi chị:

– Chị biết lặt rau cải gì không mà nhổ nhiều vậy?

– Rau cải mà ai không biết lặt. Đừng kêu em bằng chị, anh lớn hơn con út 14 tuổi, lớn em 10 tuổi, gọi em được rồi. Tôi gật đầu, bước qua nhìn mấy líp mía tây, cũng thẳng hàng, lá vàng được tước sạch sẽ, trông thật đẹp mắt. Bước thêm mấy bước, hai cây ổi thật sai trái, có nhiều trái sắp chín. Chị 7 bước tới nói:

– Sao không hái đi?

– Chưa có phép chủ nhà đâu dám.

– Hái đại đi.

– Có khi hái đại được, có khi không.

Cây ổi thấp lắm. Chị bảy bước tới, tìm trái to nhất. Hái đưa tôi. Chị hái trái khác. Kéo vạt áo lên, bỏ trái ổi vô trong, chùi tới chùi lui. Trái ổi tự nó có thể còn sạch hơn vạt áo. Có người mặc quần trên rốn, có người mặc dưới. Có người rốn đẹp, có người không. Chị 7 mặc quần dưới rốn, và rốn cũng không đẹp. Chị đang mặc chiếc quần thun bó bó, lại kéo vạt áo lên cao. Chùi trái ổi khá lâu, nhưng tay nhổ cải vẫn chưa rửa, lại cắn trái ổi ăn ngon lành. Chị hối tôi:

– Sao không ăn đi?

– Thơm quá, ngửi tí. Ngửi thật lâu, ăn sẽ ngon hơn.

– Có nói bậy gì hôn đó. Con út nói, anh là vua nói bậy. Nó về nhà ngẫm nghĩ lời anh nói, muốn kiếm anh, đá mấy đá.

– Tại không biết dùng chữ, rồi chữ nghĩa có sự trùng hợp, chứ đâu có cố tình nói bậy.

Cô út gọi vô ăn, tôi bước vào nhà tắm rửa sơ bụi bậm cuộc đời của trái ổi, không rửa kỹ sợ mất mùi thơm. Chị 7 vẫn không rửa tay, tiến đến bàn ăn. Hôm đó có nhiều món, tôi không nhớ hết. Cô nhì xé nhiều cuốn chả giò bỏ vào tô bún rất ít rau. Cô chan thật nhiều nước mắm, chan nước mắm như chan canh. Thấy tôi nhìn, cô nói, em ăn mặn lắm, nên em ăn ngọt nhiều để bù lại. Thêm một lần tai hại nữa. Mới quen, chẳng dám tỏ ra hiểu biết để sửa đổi cô. Sửa đổi thói quen của một người rất khó. May ra, cô này gặp được bác sĩ Chín, giải thích cho cô hiểu tai hại của việc ăn quá nhiều muối và đường.

Ăn xong mấy cô đem ra vô số bánh ngọt, ngọt ơi là ngọt. Cây trái có sẳn ngoài vườn không đem vô ăn. Ngoài mía ổi còn thấy mấy cây cam trái thật sai. Cô nào chăm sóc mảnh vườn hay quá. Tôi đoán, chắc là cô nhứt.

Ăn đã khá no, lấy thêm vài món và không quên mấy cây cải nhổ hồi chiều, chị 7 ra về.

Cô nhì trải giửa phòng khách, lấy ra thật nhiều gối, kêu tôi xuống nằm xem phim bộ do Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa đóng, dựa theo quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao, tôi không nhớ tựa. Tí sau ngửi mùi khô mực nướng. Hai cô nhì và út mang lên một dĩa khô mực nướng, được dần thật mềm, xé nhỏ. Út đưa tôi miếng khô mực, rồi cô nhì và út cùng nằm cạnh, cùng nhai khô mực. Ba người cùng nằm ăn, coi phim.

Lần sau đến nhà út, ai đã dọn sẳn cho tôi chổ ngủ ngoài phòng giặt, nho nhỏ nhưng trông cũng đẹp. Tôi rủ út đi mua đồ về ăn tối. Nói với út, mình nên xa nhau từ đây đi, đừng nên đi quá xa. Tôi đang bảo lảnh vợ con, sắp đến Mỹ một ngày rất gần. Khuyên út, hai cô kia cũng đã vững rồi, nên xa luôn hai cô kia, sống cho mình, sửa soạn hành trang đi lấy chồng. Sống chung với hai cô kia rất khó đi lấy chồng. Út nói, không bỏ được hai người kia. Biển người mênh mong, nhưng út không tìm được người tri âm, ai đến với út cũng mong lợi dụng. Mười ba, mười bốn tuổi, Út đã bị những người đáng tuổi cha chú lợi dụng. Út nói, chỉ có tôi không lợi dụng Út. Không lợi dụng, nhưng đã lợi dụng nhiều, út biết không. Đã chiếm nhiều tuổi xuân của út rồi. Thờ ơ không lợi dụng cũng là một nghệ thuật để chinh phục người khác. Út nói, út không biết và cũng không muốn biết nhiều. Út chỉ biết, có thêm tôi, căn nhà vui hơn, vui được phút nào hay phút đó, ngày nào hay ngày đó. Ngày nào tôi ra đi, Út chấp nhận thua thiệt, không phiền, không trách.

Rồi ngày đó cũng đến. Một buổi chiều tôi đến nhà Út. Vào phòng cô nhứt, tắm xong, vô tư, chậm chạp đứng lau. Cô la lên:

– Sao anh không gõ cửa?

– Sao em không đóng cửa?

– Nhà không ai, đóng cửa làm gì.

Tôi bước ra ngoài ngồi, cô nhứt mặc đồ xong bước ra hỏi:

– Sao anh không đi coi phim với tụi nó, vào đây làm gì?

– Anh cũng không biết.

– Anh hôm nay sao vậy? Chị Hưng qua hả?

Tôi yên lặng không nói. Cô nhứt nói tiếp:

– Hai đứa nó tính, chừng nào chị Hưng qua, hai đứa cùng đi đón.

– Bỏ cha mẹ, sự nghiệp, dẩn con qua gặp chồng. Chồng cùng đi đón với một người con gái khác, lòng dạ đã tan nát rồi. Cùng đi với hai người, làm sao sống nổi.

– Tụi này đâu có gì, tại sao phải lo.

– Có ai tin nổi, một người đàn ông cùng sống với ba người con gái. Cả ba mặt trận đều yên tỉnh.

– Bộ anh và hai đứa nó có gì hả?

– Em ở cùng nhà mà còn hỏi vậy. Người khác sao khỏi nghi ngờ.

Cùng yên lặng, một tí sau cô nhứt phàn nàn:

– Anh binh vợ anh quá.

– Vợ không binh, binh ai giờ

– Vợ anh có gì hơn tụi này.

– Không có gì hơn tụi em, nhưng đã sanh cho anh một đứa con.

– Đàn bà, ai chẳng sanh con được.

Cô này thường ngày rất hiền, hôm nay sao dữ quá. Tam thập lục kế, chạy.

Năm 2005 anh Lưu Vĩnh Khương làm đám giỗ cho mẹ anh tại chùa Dược Sư. Tôi đến khá trể, không biết có làm lễ cầu siêu không.  Khi đến gian nhà trống phía sau chùa, mọi người đã vào bàn bắt đầu ăn. Ăn con tôm chay, sao mà ngon ngọt quá, tôi nghi ngờ những hóa chất không lành mạnh bên trong. Ăn qua loa, bước qua bên chánh điện. Đang có một lễ cầu siêu cho một người khác. Vừa bước vào trong, lễ cầu siêu chưa xong. Chị 7 đứng dậy, tiến lại phía tôi nói, đang làm lễ cầu siêu cho ba. Chị 7 kéo tôi ra ngoài nói, đêm tôi bỏ đi, ba người con gái gây lộn suốt đêm. Chị khuyên tôi nên rời sớm, tránh chuyện không tốt xãy ra. Chị nói:

– Cô nhì đòi đi thưa anh. Ba nói, đứa nào đi thưa, ba đập què giò, ba sẽ ra tòa làm chứng cho anh. Chị 7 hỏi tiếp:

– Nếu cô nhì đi thưa, có sao không?

– Một đêm khá khuya vẫn còn nghe phía trong cô nhì và út nằm chung nói chuyện. Anh chạy vô nói, ngoài phòng giặt lạnh quá, vô ngủ chung. Cô nhì nhít vô cho anh nằm, anh hỏng chịu, chen vô giửa nằm cho đồng phần. Nếu ra tòa, chắc bị ông tòa chửi, mầy nằm giửa mà không thức, lại ngủ.

– Giửa chùa chiền, nói bậy bạ. Tưởng có chuyện gì làm em hết hồn. Vây sao đêm đó ba người gây lộn.

– Chắc hai người chửi một người, chứ không phải ba người gây lộn.

Biết ba cô vẫn chưa có chồng. Tôi đến gặp cô nhứt, hỏi cô còn giận không. Cô nói, chuyện ngày hôm qua cô đã quên rồi, đâu còn nhớ gì để giận. Đến gặp cô nhì, cô không thèm nói chuyện với tôi. Không nói, không cần. Cô không phải là người tôi cần nói chuyện. Chuyện này tôi không kể cho chị 7 nghe. Một hôm cô nhì và út kênh nhau chuyện gì đó. Hai người đem rượu ra đấu. Cô nhứt cản không được, giận vô phòng đóng cửa lại. Cô Út gục tại chổ. Tôi dìu cô vào phòng riêng của cô. Lấy trà gừng cho cô uống, ép cô uống khá nhiều, mong cô no, ói rượu ra đở say hơn. Cô chẳng ói được, tôi vẫn để thau gần đó. Cô nhờ cạo gió. Tôi mượn cô nhì cạo dùm. Cô nhì nói, nó mượn anh, chứ không phải mượn em. Tôi cạo gió cho Út, đắp mền cho Út ngủ. Cô nhì nói, anh đi ngủ với em nghen. Nói với cô, tôi phải đi về, gần sáng sương mù dầy đặt không thấy đường chạy xe. Cô hỏi lại, không dám hả? Tôi trả lời, không phải không dám, nhưng phải về, sợ đến sáng bị sương mù. Tôi không nhớ lúc đó là tháng mấy, vùng Riverside, California buổi sáng sương dầy đặc, chẳng thấy đường lái xe, chỉ chạy theo ánh đèn đỏ chớp chớp của xe phía trước. Hôm đó tôi cũng uống khá nhiều, nếu bị cảnh sát bắt, có thể bị phạt tội DUI, 6 ngàn đô. Thà bị phạt 6 ngàn, tôi không ở lại.

Tôi đến chổ thờ ba, đốt nhang cho ba. Ngày xưa nhiều đêm ngồi uống trà với ba. Ba kể, quê ba ở Trà Vinh, ba có hai vợ, hai má gây gổ mãi, ba khuyên không được, ba bỏ xứ đi. Đến Ngã Tư Long Hồ ba có vợ khác. Sau một thời gian ở Ngã Tư Long Hồ không yên. Ba qua Lào, có vợ bên Lào. Một thời gian ở bên Lào cũng không xong. Ba về cầu Bông, gặp má sanh sáu người con, út là con áp út. Ba kể cuộc đời ba nhiều gian khổ. Thuộc thành phần thứ tám, thành phần thấp nhất trong xã hội lúc bấy giờ. Ba bị nhiều áp bức, ba phải nhịn, nên thời đó có câu, bỏ qua đi Tám. Bỏ đi những uất ức để mà sống. Lúc đó không có nhiều thì giờ và cũng không nghĩ đến. Hỏi hết cuộc đời của ba, có thể viết lại thành một quyển sách hay.

Đến hỏi điện thoại của chị 7, trao đổi số điện thoại với chị. Tôi ra xe đậu bên hiên chùa. Lên xe ngồi. Thật lâu, vẫn ngồi. Út bước ra, mở cửa xe. Kéo Út vào, hôn Út. Thời gian ngừng đọng. Chiếc điện thoại reo. Vói tay tắt điện thoại. Chẳng biết đã bao lâu, Út đẩy ra, nhìn tôi, không nói lời nào, lặng lẻ đi trở vô. Lấy điện thoại gọi lại. Tiếng chị 7 trả lời giận dữ, đợi chút, có lẽ chị đi ra ngoài. Rồi chị lên tiếng:

–  Hai người có điên hong vậy, có biết đây là chùa chiền không. Cấm hai người không được gặp nhau nữa.

– Cấm thì cấm. Phật tha tội rồi. Phật nói, tôi nghiệp hai con quá, xa cách nhau lâu lắm hả.

Sau những ngày xa cách, gặp nhau, chẳng nói với Út lời nào, nhưng nói nhiều lắm. Tạ lỗi cùng em, muôn ngàn tội lỗi. Kiếp này nợ em, món nợ ân tình, mãi mãi chắc không trả được. Chắc cũng không mong gì trả được ở kiếp sau.

Thỉnh thoảng vẫn liên lạc với chị 7. Năm năm sau chị 7 báo tin Út đi lấy chồng, thầu khoán giàu lắm. Chị 7 hỏi:

– Đi đám cưới Út không?

– Đi thì đi, nhưng em nhớ hôm đó đi ra ngoài kiếm nghen. Chắc hai đứa trốn ra ngoài hôn tí, đến giờ, trở vô cử hành hôn lễ.

– Thôi đừng đi. Chừng nào anh mới hết điên hả anh Hưng.

– Út thích anh tại vì anh điên, anh hết điên, Út hết thích anh sao.

Trước khi cúp điện thoại, nghe tiếng chị 7 thở dài. Có gì mà phải thở dài vậy chị 7.

Nguyễn Hoàng Hưng

hình minh họa, nguồn Net

 

Có 5 bình luận về Ngôi nhà không có đàn ông

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Đầu năm đoc bài viết ” Nhà Không Có Đàn Ông ” của anh Hưng thích thật bài viết khà dài đọc thấy vui , lối cuốn người xem . Đọc tới đọc lui,thấy anh Hưng bị 3 cô gái bao vây,vậy mà thoát được cũng hay ,nhưng xét cho cùng anh cũng . . . không vừa , chị qua mà thấy chắc giận lắm . Anh Hưng tình cảm quá nhưng cuối cùng cũng ổn không sao .Cám ơn anh Hưng năm mới cho thưởng thức một câu chuyên hay hay. Chúc anh  chị  cùng gia quyến năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vuong, vạn sự như ý.

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài. Kể cho Lài nghe thêm. Mới đầu Ba hỏi, tại sao có mặt hoàng Hưng trong nhà, không ai dám khai do cô út dẩn về. Ba nghi với cô nhứt, vì cô nhứt nhỏ hơn 3 tuổi, vậy thì vừa rồi. Cô nhứt gọi ba bằng ba, nên ba thương lắm. Ba khuyên nhủ, cô nhứt. Ba không bao giờ nghĩ gì về con gái út của ba. Đối với ba, cô út ngoan lắm, người có hiếu nhất trong nhà.

      Cô nhì quê ở Ngã ba Ông Tạ, nói nửa giọng Bắc, nửa Nam, nên ba không thích, ít nói chuyện. Cô nhì học xong trung học, mẹ không cho học tiếp, ở nhà phụ buôn bán, bếp núc với mẹ. Người chị thì được đi học đại học, nên cô nhì không thương mẹ. Cô nhì viết chữ thật đẹp, không thua Phan Các Chiêu Hằng, cô rất khéo tay. Cô nấu cơm, dọn cơm, khéo quá, không nở ăn, muốn để nhìn thôi. Mấy chục năm trước mỗi tháng cô kiếm khoảng 6 ngàn đô. Cô vẻ lá cờ Mỹ trên móng tay, khéo đến nổi bà Mỹ trả cho 20 đô. Mỗi ngón khác tính 5 đô.

      Trong nhà không ai nghi hoàng Hưng và cô út, ngụy trang kỹ và tuổi cũng cách biệt quá xa. Út cũng thường cặp đôi hoàng Hưng với cô nhì. Ba có nghe, nhưng ba không nói, vì ba không thích cô nhì. Cô nhì đã về Việt Nam một lần, lúc mẹ đưa ra phi trường trở về Mỹ, cô thờ ơ, không ôm mẹ từ giả. Khuyên cô, lần sau nên ôm mẹ thật thắm thiết. Cô hẹn năm sau đi về với cô, cô sẽ ôm mẹ. Chỉ hứa cho qua chuyện thôi, nhưng có lẽ tại hứa với về Việt Nam với cô và út hay đẩy hai người lại gần nên khi  ra đi không từ giả cô, cô giận.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Có sự trùng hợp đây nhà văn: chiều nay 3 tháng 1 nhóm bạn chị sẽ xem vở kịch “Ngôi nhà không có đàn ông” của cố soạn giả Ngọc Linh, được dàn dựng mới lại.

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn chị 11. Nếu hoàng Hưng biết có vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông. Hoàng Hưng sẽ không đặt tựa giống vậy. Tên Ngọc Linh nghe quen quá. Ngày xưa có quyển tiểu thuyết Mưa trong bình minh của Ngọc Linh và được quay phim tại Vĩnh Long, vì bối cảnh câu chuyện tại Vĩnh Long. Có phải ông Ngọc Linh này viết vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông?

      • Nguyễn Thị Hạnh nói:

        Chắc đúng đó Hoàng Hưng, nhà văn – soạn giả Ngọc Linh có nhiều tác phẩm và kịch bản từ trước 1975, sau này tiếp tục viết, nghe nói có nhiều kịch bản sau 75 bị soi rọi, làm khó dễ, nhưng rồi cũng được công diễn. Ông bị bệnh mất năm 2002.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác