Ngày xuân bàn về văn và thơ

Ngày đăng: 19/01/2018 09:02:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Có lần trong một bữa café sáng, vài người bạn cũ và văn hữu Trang Nhà có gợi ý tôi viết một bài bàn về Văn  Thơ. Thoạt nghe, tôi vội vàng xin thoái thác vì nội dung đề tài quá rộng, quá khó, vượt khỏi năng lực của tôi. Chỉ riêng về đề tài văn thôi cũng đã khó vì nó chạm đến vấn đề khoa hoc – Khoa Ngôn ngữ học tiếng Việt; khi bàn về Thơ, ngoài ngôn ngữ thơ ta còn gặp phải vấn đề nghệ thuật mỹ từ hay nghệ thuật Tu từ (Rhetoric) trong thi ca, thông thường ta nghe nói đến là Mỹ từ pháp (Figures of Speech). Nhưng từ chối hẳn cũng thấy trong lòng sao sao ấy; vì vậy cho nên tôi cũng cố sưu tập tài liệu, tham khảo sách báo viết nên bài viết ngắn nầy hầu đáp lại, trong muôn một, lòng mong đợi của các bạn. 

Tôi sẽ cố gắng vận dụng số ít kinh nghiệm bản thân và trích đăng những lời giảng giải, chỉ dạy về cách viết văn và làm thơ của những bậc đàn anh trên Văn đàn nước ta như Thi sĩ Tản Đà, Xuân Diệu, những nhà nghiên cứu về thi pháp như GS Đặng Tiến, GS Trần Nhật Tân… 

  1. Văn Và Thơ

Thường thì ít ai đặt vấn đề phân ranh giữa văn xuôi hay tản văn với văn vần hay thơ, ngoại trừ một vài trường hợp có yêu cầu nhất định. Lý do có lẽ là do lằn ranh giữa Văn và Thơ, về nội dung ý tưởng, nó vó vẻ mong manh, mơ hồ khó nhận ra, ngoài trừ cái vỏ ngôn ngữ bên ngoài của nó.

Để diễn tả và chia sẻ những ý tưởng và tình cảm của mình cho người khác, người ta thường dùng loại hình văn xuôi hay tản văn.Văn xuôi là bài viết có những câu văn viết bình thường, không có vần điệu gì cả. Ngoài ra người ta cũng dùng thể loại thi ca, hay vận văn hay thơ. Thơ là những câu viết đều đặn và có vần. Tuy nhiên đôi khi cũng có những bài văn xuôi mà ý nghĩa cao nhã thâm trầm, lời văn chải chuốt mượt mà, quá hay nên người ta cũng cho đó là bài thơ-bài thơ viết bằng văn xuôi (Poème en prose)

Xin trích dẫn : 

(1) Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, Ngưu Lang và Chức Nữ, chúa của đêm trung thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến; trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa.Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngỡ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận ra mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… Hàn-Mặc-Tử (Chơi Giữa Mùa Trăng)

(2) Nhưng ta cũng mong thu về. Thu về cho lá rơi lát vàng lối nhỏ em đi. Mong thu về để ta có thể nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ, để cho liễu xanh vẫn đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung nở trắng như những linh hồn còn trẻ. Có lẽ nắng ở đây cũng vẫn là nắng ngày xưa, linh hồn ta cũng vẫn là linh hồn ta thuở trước. Đường nầy hiu hắt ta đem lòng về để gặp lại mùa thu thương nhờ cũ. Chân ai đi xa vắng đằng kia hay chỉ là cơn gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay cũng chỉ là dư thanh của mùa thu năm ấy.  Đinh Hùng (Mùa Gặt Mới) 

(3)Tình yêu là tiếng khóc hay tiếng cười, ngu ngơ anh nào biết. Nhưng anh cảm nhận dường như nó là tiếng khóc âm thầm, là hai dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má em rớt xuống đôi vai gầy guộc thật tội nghiệp của anh. Tình yêu ấy đôi lần anh bắt gặp trên khuôn mặt một người con gái, hoang vắng như một loài rong rêu thời tiền sử xa xưa.

Tình yêu có phải là vậy? Có phải là những thở dài trong đêm âm thầm ? Là ánh mắt trìu mến hay giận hờn đã từng ghé đậu trong mắt anh. Có phải tình yêu là dòng máu nóng đã mang tình yêu anh đến cho em ? Chính nó đã từng réo gọi anh quay về với em từ một tinh cầu đi lạc !

Với anh, tình yêu còn là những mảng thơ từ em rụng xuống hồn anh côi cút, huyễn hoặc như một điệu nhạc trầm thống của một bộ tộc nào thời hồng hoang mông muội, vươn đôi tay dài chụp phủ nỗi nhớ của anh. Anh còn nghe mãi trong thinh không chiều lưu luyến từng lời nói của em, từng hơi thở của em, từng cái liếc nhìn của em như muốn nói với anh một niềm riêng ôm ấp tự bao giờ

Hà -Uyên-Thy ( Tình Yêu Một Góc Nhìn )

Về ý và lời, ba trích đoạn trên đều ảo diệu mượt mà, đẹp không khác chi một bài thơ; nếu hiểu thơ là đẹp – đẹp như một bài thơ, nên thơ, thơ mộng. Thơ viết bằng văn xuôi (Poème en prose)

Tuy nhiên trong một chừng mực nào đó, người ta vẫn phân biệt văn xuôi với thơ. Nghiên cứu mấy thí dụ sau đây:

Thi sĩ Tản Đà kể : Khi ông làm bài thơ Chơi Trại Hàng Hoa, và khi ông viết câu:

Có dịp đi chơi để giải buồn ( Văn )

Khi làm xong rồi, ông không vừa ý; và đem bài thơ tới hỏi ông nghè Nguyễn Thiện Kế. Ông Nguyễn Thiện Kế bèn bỏ đi chữ để và thay vào đó chữ buồn

Có dịp đi chơi buồn giải buồn                       (Thơ)

            Bữa nay lạnh tôi đi ngủ sớm                           (Văn)

            Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm                  (Thơ)

Riêng cá nhân kẻ viết bài nầy, có lần tôi làm bài thơ Ta Đã Thấy, tới câu cuối, bí, không viết được nữa, đành bỏ đó. Vài ba hôm sau lấy ra viết được câu kết: 

            Giữa hoàng hôn ta mới thấy mặt người!

(Mặt người) thật rộng, nói lên được nhiều điều. Một ẩn dụ dễ thương)

Một câu kết thật đích đáng !

Kể ra mấy thí dụ trên có ý nghĩa gì? Qua mấy thí dụ trên, ta có thể thấy:

–           Không phải bất cứ một câu văn vần nào cũng đều là câu thơ.

–           Không phải lúc nào ta cũng làm thơ được.

–           Ngược lại, một bài văn xuôi cũng có thể cho là một bài thơ- một bài thơ viết bằng tản văn

–          Ngôn ngữ thơ là loại ngôn ngữ xa lìa thứ ngôn ngữ thường ngày, mặc dù nội dung chất liệu của nó vẫn là chất liệu hằng ngày trong đời sống, trong vũ trụ

–          Muốn làm thơ, ta phải học ngôn ngữ thơ, sử dụng tương đối thành thạo ngôn ngữ thơ: Mỹ từ pháp trong khoa Tu từ (Rhetoric) như ta đã thấy ở trên

  1. Quan Niệm Về Thơ của những nhà thơ và  Những nhà Nghiên cứu Thi Pháp

Muốn tìm hiểu thơ, đúc kết chút ít trải nghiệm làm thơ, thiết nghĩ không gì hay hơn là đọc những lời luận bình về thơ của những nhà thơ đích thực, những nhà nghiên cứu về thi pháp.

Sau đây tôi xin trích đăng những nhận định của những nhà thơ trưởng thượng của làng thơ Việt-nam.

Đôi lời xin thưa trước : Các nhà thơ thường có lời luận bàn về thơ rất chi ly; nên bài viết dài. Do vậy đôi khi tôi trích ghi lại đây y nguyên văn; đôi khi tôi ghi tóm ý để cho tiện. Xin các bạn thông cảm (!)

 A- Tản Đà – Nguyễn-Khắc-Hiếu (1888- 1939) 

  1. Cùng Các Bạn Làng Thơ 

Thơ được xét theo tầng cấp, cung bậc khác nhau mà nhà thơ gọi là nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

  1. Nghĩa rộng: Theo nghĩa rộng mà nói thì thơ là lương năng (Le bon sens) của mọi người, cho nên hạng người nào cũng có thể làm thơ, mỗi người là một nhà thơ, hay theo cách nói của R.W. Emerson ( 1803-1882 ): All men are poets at hearts. Như thế ý nghĩa của thơ rất rộng, phàm lời người ta nói ra mà hơi có vần thì đều là Thơ, không cần thể cách chi hết.
  1. Nghĩa hẹp: Theo nghĩa hẹp mà nói thì thơ là một thứ Mỹ thuật phải người có học mới biết làm, mới làm được; vì như đánh cờ, phải sạch nước, đánh đàn phải sành cung bậc. Nghĩa hẹp của thơ, tức như lối thơ thất ngôn, ngũ ngôn, cổ phong, tứ tuyệt của Tàu mà ta bắt chước để làm sang Quốc văn vậy.  (Tản Đà – Tiểu Thuyết Thứ Bảy) 
  1. Tính Chất Của Thơ

Thơ có hai tính chất:  Tài và Tình

Tài là tài nghệ, thuộc về nghĩa Mỹ thuật; Tình là tình hoài, thuộc về lương năng. Một bài thơ, một câu thơ, mà có đủ hai tính chất Tài và Tình là thơ hay. Thí dụ : 

            (i). Những câu ngạn ngữ, phong dao :

Cõi trần sống  thác về

Tình ở đây là tình chung cả nhân loại, hồn hậu lâm ly. Nói về tài thì một chữ ở dùng ở đây thật là hay. Trong bảy chữ mà tiếng bằng có đủ thượng, hạ, bình, thanh; tiếng trắc có đủ thượng, khứ, nhập cho nên âm hưởng của nó thích hợp, đọc lên thấy êm đềm du dương. Câu văn đến như thế, thật rất mực tài tình, hay một cách man mác bất tận vậy.

                        Bầu ơi thương lấy bí cùng,

                        Dẫu rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Hai câu nầy cũng đủ vẻ tài và tình, hay một cách nhân hậu.  

                        Chuối non trổ phải mùa đông,

                        Biết rằng có chắc hay không mà chờ ?

Hai câu nầy cũng đủ vẻ tài và tình, hay một cách lạnh mát.

Em ơi chị bảo em nầy

                        Trứng chọi với đá, có ngày trứng tan.

Hai câu nầy cũng đủ cả vẻ tài và tình, hay một cách chua chát 

            (ii) Những câu thơ niêm luật

                        Trăng trong gió mát là tương thức,

                        Nước biếc non xanh ấy cố tri.

Hai câu nầy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm; tôi cho là tuyệt hay. Nói về tình thì cái tình chân thực mà thanh cao, quả như có tiên phong đạo cốt. Nói về tài thì hai câu rất cân đối nhau: Trăng trong gió mát vs. Nước biếc non xanhlà vs. ấytương thức vs. cố tri. Hai câu thơ đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy mà có cả phong nguyệt, tài tình đúc lại nên tranh, đúng với nhân sinh quan thơ văn của các cụ ta ngày xưa: Thi trung hữu họa. Thơ niêm luật đến như thế, dầu người Đường ở Trung quốc, tưởng không còn có thể hơn ! 

            (iii) Vậy có gì khác nhau giữa văn xuôi và thơ ?

Như ta đã biết đặc tính của thơ là Tình và Tài như nhà thơ Tản Đà đã cho biết qua một số thí dụ và lời phân tích, bình giải, đánh giá. Sau đây chúng ta cũng đọc thí dụ của ông để tự trả lời cho câu hỏi. Tuy nhiên trong một chừng mực nào đó người ta vẫn phân biệt văn xuôi với thơ. Nghiên cứu những thí dụ đã kể trên.

Qua mấy thí dụ trên, ta có thể thấy:

–          Không phải bất cứ một câu văn vần nào cũng đều là câu thơ.

–          Không phải lúc nào ta cũng làm thơ được

–          Cho nên ta có thể nói, làm thơ là một cách trốn chạy thực tại và trong cuộc đời nầy nhà thơ là một kẻ xa giữa loài người xa lạ. (Thích Mãn Giác)

–          Văn hay tản văn chỉ là một công cụ dùng như một phương tiện chuyển tải thông tin (Văn dĩ tải đạo) , trong khi đó Thơ hay ngôn ngữ thơ tự lấy mình làm cùng đích (Thơ dĩ ngôn chí). Chức năng thơ trong ngôn ngữ là tạo nên giá trị thẩm mỹ cho ngôn ngữ. Tạo bằng cách nào? Bằng cách sử dụng nghệ thuật Tu từ: Mỹ Từ Pháp

B- Xuân Diệu (1916 – 1985) [Ngô Xuân Diệu]

Mặc dù Xuân Diệu không minh thị bày tỏ quan điểm của mình về thơ; tuy nhiên Xuân Diệu cũng gián tiếp bày tỏ nhận định của mình về thơ qua bài viết của mình có tựa đề: Thơ Khó, qua đó ông phê phán nhà thơ Pháp Mallarmé (1842 – 1898) là quá chú trong vào mặt mỹ thuật của thơ mà không đếm xỉa gì đến nội dung tư tưởng và tình cảm của thơ. Xin các bạn đọc mẫu đối thoại ngắn sau đây giữa Mallarmé và họa sĩ Degas:– Degas : Nghề của anh thật ghê gớm. Tôi không thể làm được mặc dầu đầu tôi đầy ý tưởng:

– Mallarmé : Người ta làm thơ không phải với những ý tưởng; nhưng là với những chữ thơ khó

Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó. Đó là quan niệm mới nhất mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực là thơ thì phải cho “thuần túy”; người thi sĩ gắng sức đi tìm thơ thuần túy (la poésie pure) nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật; vì vậy thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường thường vẫn nhạt, vẫn loãng, thi sĩ đem kết lại, cô đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà; chất liệu thì vẫn lấy từ trong đời thường, trong cuộc sống hằng ngày, trong những rung động của trái tim, của xương thịt; nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi, thành ngọc, và châu báu. Vì sao thơ khó? Vì thơ đi xa văn xuôi, thơ ở trong một thế giới riêng; thơ vẫn là sự sống, đầy sự sống đọng lại, kết tinh lại biến thành cái đẹp. Khó vì nói lên những điều khó, phải suy nghĩ, phải nghiền ngẫm; khó vì nói một cách khác với cách nói bình thường.. (Xuân Diệu – Ngày Nay)

Thơ Huy Cận

Thơ Huy Cận cũng thuộc về hạng thơ vừa xem qua thì dường như khó khăn; nhưng kỳ thực thì không có gì bí hiểm. Huy Cận cũng là “một người ở đời, một người ở giữa loài người”, ông không đi với lối thơ phù phiếm, mộng mơ. Ông chỉ nói lòng người của ông, hồn người của ông, và thơ ông càng đẹp, càng xinh, khi chứa đầy hương vị của đời, của sự sống.

Hương vị đó là một đặc tính của thơ Huy Cận. Thơ ông không lộng lẫy, không kiều diễm, không chú nơi thanh sắc, không nở ra những đóa hoa rực rỡ, thơ ông không khoe tươi. Thơ ông như nụ mùa xuân, như trái mùa hè, gói gắm lại, nhưng căng đầy nhựa thơm và mật ngọt. Ông không làm mê ta bằng màu sắc, bằng âm điệu; ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn, là mùi thơm. Thơ ông phô bày một cái gì thầm kín, rạo rực; thơ ông không phải là rượu đã rót vào chén, thơ ông là men đang lên; thơ ông không phải là hoa sẳn trên cành, thơ ông là dòng nhựa đang chuyển. Ông cảm nghe sức sống, cái náo nức của cảnh vật, cái tình ý của thiên nhiên. Ông thấy đời tựa hồ như một thân thể đẹp đẽ, tươi tốt, và máu đời chảy trong các mạch :

Nghe mạch đời đang thao thức âm thanh

            Và nhạc sống vẫn âm thầm tiến tới

Ông cũng là một phần của cảnh vật mạnh mẽ ấy , nên ông biết đời trong lúc đời còn chuyển, còn nao, còn sắp sửa, chứ không chỉ trong khi đời đã thành sắc, thành hình.Tả lá đẹp, ông nói một cách riêng để ta thấy công trình của nhựa :

            Rừng hân hoan muôn vật nổi đàn bày

            Của nhựa mạnh thành tơ trong lá mới

Tả buổi chiều xuân, Huy Cận không tả bằng màu sắc, mà tả bằng cảm giác đã lắng nghe rất kỹ lưỡng trong tâm hồn ông và trong thân hình của tạo vật; buổi chiều của ông rất mạnh mẽ, trẻ trung :

Hai hàng cây xanh

            Đâm chồi hy vọng

            Ôi duyên tốt lành

            Én ngàn đưa võng

            Hương đồng lên hanh.

Thơ Huy Cận hay tả cái đương dậy, cái đương lên, nên có một sức mạnh đặc biệt; không phải cái mạnh ồ ạt của biển lớn, không phải cái mạnh nặng nề của núi to; không phải cái hùng dũng rầm rộ; cái mạnh của Huy Cận là thơ mạnh hóa học, sức mạnh thầm của men, của rượu, của lửa ngấm ngầm, của nắng, của mặt trời.Huy Cận yêu những sự chuyển nao thầm kín, nên ông hay nói đến rừng, ông thích đời “măng hoa cỏ dại”, thiên nhiên tươi mạnh, xanh tốt như những trẻ trai.

Cũng một buổi chiều kia, nằm “trông lên” ông thấy trời là biển, gió là triều, lá là thuyền, và ông cho ta những câu thơ rào rào đầy gió, hai lần bát ngát, vì cái bát ngát của biển đã gồm trong cái bát ngát của trời :

            Giữa trời hình lá con con

            Trời xa sắc biển, lá non hình thuyền

            Gió qua là ngọn triều lên

            Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời.

Cái mạnh của Huy Cận là cái mạnh của sự sống chứ không phải cái mạnh của sức lực, ông hay nhắc đến những chàng trai :

Đời trẻ mạnh thơm như trang sách mới

            Hồn mở rộng và giác quan phơi phới

Với những câu thơ cổ kính, phảng phất một linh hồn Đường thi, Huy Cận thành thực nhớ và ngơ ngẩn yêu những cái vu vơ mờ mịt, ông gọi cảnh cũ, không biết cảnh Tàu hay An-nam, chỉ thấy xưa thấy xa, thấy vắng lặng; đó là cái buồn mênh mông của thời gian :

            Buồn gieo theo gió ven hồ

            Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa

            Đồn xa quằn quại bóng cờ

            Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.

(Chiều Xưa) 

            Dừng cương nghỉ ngựa non cao

            Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon

            Đi rồi, khuất ngựa sau non

            Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu

(Đẹp Xưa)

Thơ Huy Cận không phải là lời hứa hẹn nữa. Thơ ông chỉ chờ một ít thời gian để trút hẳn cái vỏ còn sót lại, và lột ra bao nhiêu nụ lộc xanh tốt, mạnh cứng, cho ta hưởng mật hương sống lạ lùng. (Xuân Diệu – Ngày Nay)

 (xem tiếp bài Mỹ từ Pháp)

Nguyễn Văn Chương

GS trường Tống phước Hiệp

 

Có 4 bình luận về Ngày xuân bàn về văn và thơ

  1. Một Lúa nói:

    Kính chào thầy Nguyễn Văn Chương

    Cảm ơn bài biên soạn của thầy. Công phu thầy Chương bỏ ra sẽ  giúp đở rất nhiều cho  trường hợp mới làm quen với thơ văn mà không tìm ra sách hướng dẫn, hoặc không thể độ nổi hàng trăm trang sách  như em.

  2. Vừa nhận được tin từ Thu Cúc, thầy Nguyễn văn Chương đã trở về nhà sau cuộc phẩu thuật tại bệnh viện, sức khoẻ của thầy nay tạm ổn.

    Xin gởi lời thăm thầy Chương và chúc thầy sớm phục hồi sức khoẻ như cũ để thầy tiếp tục chia sẻ với các anh chị em cùng quý vị đọc giả những bài viết hay và có giá trị như bài “Mùa Xuân nói chuyện Văn và Thơ” ở trên.

    Một bài biên khảo nhưng không khô khan vì được lồng trong những vần thơ mượt mà của các nhà thơ tiền chiến nổi tiếng.

  3. My Nguyen nói:

    Bài biên khảo của thầy Nguyễn Văn Chương thật công phu, lý thú… Văn, thơ thì có lẽ rất nhiều người thích nhưng viết bàn về văn thơ thì chắc ít có bài viết luận bàn tỉ mỉ như thầy. Qua bài viết này, em đã học tập được nhiều điều bổ ích cho bản thân. Xin cảm ơn thầy. Kính chúc thầy luôn an vui, sức khỏe nhanh phục hồi.

  4. Hoành Châu nói:

    Bài viết tỉ mỉ , bỏ thời gian nghiên cứu, biên soạn công phu. Thật  đáng  khâm  phục đấy Thầy ạ !  Chúc Thầy luôn vui khỏe bên mái ấm gia đình .
    Em Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

     

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác