Mỹ Từ Pháp trong văn thơ (bài 2)

Ngày đăng: 19/01/2018 09:26:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

  Trong văn thơ có 9 loại mỹ từ pháp như sau:  Ẩn dụ, Đảo ngữ, Điệp ngữ, Tượng thanh, Tượng hình,  Tượng trưng, Nhân cách hóa,  So sánh, Thi ảnh.

 Ẩn dụ.

Nói cho cùng, ẩn dụ cũng chỉ là một cách nói của sự so sánh ẩn tàng kín đáo. Nhiều khi người ta dùng một biểu tượng nầy để biểu đạt một ẩn ý mà nhà thơ không dùng lời để nói ra. Trong bài thơ Trông Lên, thi sĩ Huy Cận đã so sánh hương thơm của lá với hương thơm làn da trinh nữ, mỗi chiếc lá là một chiếc thuyền, vòm trời xanh là biển cả, mỗi ngọn gió là một ngọn triều dâng:

Nằm im dưới gốc cây tơ,

Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non.

Gió xe dòng mộng tuôn giòn,

Đem theo hương vị đời ngon ngàn đời.

Gió đưa hơi, gió đưa hơi,

Lá thơm như thể da người: lá thơm…

Da chiều mới tỏ sao hôm

Mầu thanh thiên đã và ôm giữa hồn

Giữa trời hình lá con con,

Trời xa sắc biển, lá thon hình thuyền.

Gió qua là ngọn triều lên,

Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời

Chở hồn lên tận chơi vơi,

Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của Thơ

Quên thân như đã quên giờ,

Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu.

Hãy so sánh nỗi buồn chia ly xa cách giữa Kiều và chàng Thúc, thi sĩ Nguyễn Du đã diễn tả bằng hai cụm: chia bào và màu quan san:

Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Cụ Nguyễn-Du muốn nói về nỗi buồn ly biệt mà dùng chia bào, màu quan san. Hay:

Chiều trông phong cảnh quê người,

Đầu ghềnh quyên nhặtcuối trời nhạn thưa.

Đang xa nhà, và vào một buổi chiều hôm, một lữ khách thoáng nghe đâu đó ở đầu ghềnh cuối bãi, tiếng con chim đỗ quyên giục dã làm bấn lòng khách xa nhà. Nhìn về phía xa mong ngóng một mảnh tin nhưng cũng chỉ lác dác vài cánh nhạn lững lờ ở cuối trời.Tất cả đều cho ta một bức tranh thê lương với một kẻ xa nhà cô độc giữa trời chiều.

Cách dùng Đầu ghềnh quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa như thế là cách dùng theo lối ẩn dụ.

Đảo ngữ

Theo lối nói bình thường thì diễn ngôn theo trật tự Chủ ngữ – Vị ngữ. Nhưng để nhấn mạnh phần nào thì người ta đem phần để về phía trước

– Đảo ngữ:

Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử

Dưới chân em, thư lạc mất linh hồn.

–  Bình thường:

Ta ghi niềm khát vọng vào huyết sử

Thư lạc mất linh hồn dưới chân em.

Đảo ngữ, đôi khi, trong một số trường hợp, còn có một tác dụng văn chương đáng kể là làm cho ý thơ “lẳng lơ” thêm:

Dưới trăng mờ thổn thức?  <  cf  . Thổn thức dưới trăng mờ?

Với một nghệ thuật điêu luyện, từ hoa đảo ngữ thường tạo được rất nhiều chất nghệ thuật.

 Hướng dương lòng thiếp dường hoa,

Lòng chàng lẩn thẩn e-tà bóng dương !

Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,

Hoa đã vàng cũng tại bóng dương.

Hoa vàng hoa rụng quanh tường,

Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần ?

(Chinh phụ ngâm khúc)

 Điệp ngữ

Một từ ngữ, một ý thơ được lặp đi lặp lại nhiều lần gọi là điệpngữ mà tác dụng nghệ thuật của nó nhằm gây nơi người đọc một rung cảm theo nhịp triều dâng miên man, một tuôn trào dồn dập:

Tiếng địch càng cao não nùng ai oán,

Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa. 

Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa.

Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh,

Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh.

(Vũ Anh Khanh) 

Nguyễn-Du cũng mượn một nhân vật tiểu thuyết khóc thay cho một nỗi buồn triều dâng, thức dậy từ một nhớ nhung, rồi dồn dập như tiếng sóng kêu than tuyệt vọng trên bãi cát dài trời chiều nhiều mây buông giăng:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu,

Chân mây mặt nước một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh,

Ầm ầm tiếng sóng vỗ quanh ghế ngồi.

(Nguyễn-Du)

Phải chăng điệp ngữ là một từ hoa có tác dụng nghệ thuật thi ca rất cao, bản chất của nó là nhắc nhở, thúc giục, gợi nơi người đọc một cảm giác lâng lâng dâng trào

 Tượng thanh

Ở đây ta nên mở rộng nghĩa của chữ thanh—âm thanh đôi khi còn là những giây phút lặng yên, hoang vắng, tịch liêu mong manh, mơ hồ, hay niềm cô tịch đã được tượng thanh trong thi ca Xuân Diệu; nó loãng tan vào âm thanh trong hoàn vũ và loãng tan cùng hư vô, trong bài thơ Nhị Hồ :

Cây cỏ bình yên khuya tĩnh mịch

Bỗng đâu lên khúc Lạc-âm-thiều

Nhị hồ để bốc niềm cô tịch

Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu

Lặng thinh cũng là tiếng nói, là âm thanh, là tiếng rừng thu mà chỉ cảm nhận được bởi những nhà thơ, nhất là nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài Tiếng Thu của ông :

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu 

Trong lòng người cô phụ

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

Tiếng thổn thức, tiếng rạo rực cõi lòng người chinh phụ, tiếng thu xào xạc, chân nai dẫm phải lá vàng! Thi sĩ nghe được hết tất cả, nghe được ngay cả những thứ tiếng vô thanh: những giây phút hoang vắng, lặng yên!

Có phải ta đang nghe tiếng động của bầy nai lạc bước tình trên thảm lá mùa thu, trên không gian dệt bằng những hồn thảo dã mơ màng trên mặt địa cầu. 

Tượng hình

Tượng hình là phép từ hoa mô phỏng và tái tạo những hình ảnh cụ thể ngoài thiên nhiên rồi đem vào thơ để cho ý thơ và câu văn trở nên bóng bảy, trở nên thơ hơn với tất cả cảm giác tính sống động của nghệ thuật tạo hình.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nươc song song.

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy giòng.

 

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dờn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Bài Tràng Giang trên đây của Huy Cận đúng tiêu chuẩn của một từ hoa tượng hình. Từ sự phong phú về không gian tính kết hợp với tính năng động của nó đã gây nên nỗi buồn man mác và bao la, dàn trải đến vô hạn của không gian và tận đáy sâu của mỗi sự vật dưới cái nhìn của tác giả.

Tượng trưng

Trong thi ca, có những cái chúng ta không thể hay không cần đi vào chi tiết mà kết lại thành một thực thể gói gọn ý hướng nghệ thuật hóa chính thực tại đó, nhằm phô diễn đến tận cùng bản chất thâm sâu của nó thì người ta gọi đó là từ hoa tượng trưng:

Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan .

(Nguyễn-Du)

Cái gì tượng trưng cho mối tình chung thủy của Thúy Kiều đối với Kim Trọng, một mối tình chân thật và đam mê kết tinh lại thành một khối, không phôi pha theo thời gian, dù đời Kiều mai kia có thật sự bị định mệnh ném vào cõi chết nếu không là chữ Khối—khối tình, gắn bó, chắc chắn keo sơn như núi non, sông biển thề non, hẹn biển. Non, biển là hai vật thể, hai khối, tượng trưng cho sự tồn tại bền vững. Thi sĩ Nguyễn Du muốn hay Kiều muốn mối tình của nàng dành cho Kim là duy nhất, là một không hai, tượng trưng cho sự trung thành bền vững. Phổ lời thề vào non và biển có nghĩa người thề muốn biểu lộ một ước ao: giữ mãi lời thề kia bởi co non và biển làm chứng và ghi nhận cho đến muôn nghìn sau:

Nước non nặng một lời thề,

Nước đi đi mãi không về cùng non.

Nhớ lời nguyện ước cùng non,

Nước đi chưa lại non còn đứng trông.

Non cao những ngóng cùng trông,

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

(Tản Đà)

Nhân cách hóa:

Biến những gì không phải người thành người, từ hoa nầy gọi là nhân cách hóa. Những vật ấy có thể là cỏ cây, cầm thú, trăng sao…mục đích là để nên thơ hóa một hiện tượng sáng tạo. Thường thì ta nói loài vật đi ngủ như:

Bữa nay lạnh tôi đi ngủ sớm .

Nhưng nói

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm;

Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.

(Xuân Diệu)

Chữ mặt trời dùng như vậy là đã được nhân cách hóa vì nói mặt trời đi ngủ làm như thử mặt trời giống như con người !

Nếu nhân cách hóa đạt đến chất thơ thì chính là nhờ cái chất thơ ấy toát ra từ một thực tại mơ hồ bất thực:

 Trăng thánh thót, họa đàn tơ lấp loáng

Trăng nghiêng nghiêng tư tưởng chuyện ưu phiền    

Ngươi làm ma, rồi ngươi lại làm tiên;

Ngươi tạo lập những đền đài mỏng thoáng.

(Xuân Diệu)

 Văn ảnh hay Thi ảnh

Người Trung hoa cho rằng trong thơ phải có họa (Trung thi hữu họa) mà ngày nay chúng ta dùng thuật ngữ văn ảnh hay thi ảnh (Image littéraire hay Image poétique). Văn ảnh là cách nói thu gọn của cụm Văn ảnh thi ca.
Một bài thơ mà hay phải có đủ hai phẩm chất: Tình và Tài. Tình là ý tưởng phong phú, cảm xúc dâng trào. Tài là cách dùng ngôn từ khéo léo, nhất là những mỹ từ gợi ý, gợi hình. Một sự so sánh khéo có thể cống hiến cho đọc giả một thi ảnh tuyệt đẹp:

Rừng xỏa tóc dể người làm chiếc lược;

Biển nhân người thành ức triệu vòng khuyên;

Gió căng ngươi trên những ánh buồm thuyền;

Ngươi định nhịp cho sóng triều xuôi ngược. 

Trăng nghiêng nghiêng tư tưởng chuyện ưu phiền;

Ngươi làm ma, rồi ngươi lại làm tiên :

Ngươi tạo lập những đền đài mỏng thoáng.

(Xuân Diệu)

Trong văn chương ca dao, người thi sĩ tự phóng hóa tâm hồn mình trong một trang thái ngất ngây không kém:

Đố ai nằm ngủ không mơ,

Biết em nằm ngủ hay mơ;

Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên;

Nửa đêm anh đến bên bờ yêu đương.

Hay là:

Đố ai nhặt được tim ai

Biết em nhặt được tim tôi;

Để tôi ca hát cho đời nên thơ

Để tôi âu yếm dâng người trong mơ.

Một thi ảnh khác có tính điêu khắc (nhờ lối ẩn dụ) trong bài Tiếng sáo Thiên Thai của Thế Lữ:

Tiên nga tóc xõa bên nguồn

Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu

Êm như lọt tiếng tơ tình,

Đẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không.

Đinh Hùng cho ta rất nhiều văn ảnh có tính chất hội họa:

Buồn riêng một bóng trăng tiền sử

Sao Thái Hòa xưa rụng xuống người.

Hay là:

Trăng huyết dụ xuống bên đài kỷ niệm

Lầu gác xưa nghiêng bóng lấp thời gian.

Trong ai câu thơ đầu, Đinh Hùng vẽ nên một vũ trụ cô đơn của tâm hồn mình trong một bầu trời u-uất bằng màu cổ độ, thật xa xưa, màu tiền sử âm-u với một bóng trăng treo lửng lơ chơ vơ cô quạnh, mờ bóng thời gian quá khứ. Bỗng nhiên cả vũ trụ ấy sụp đổ: Sao Thái Hòa xưa rụng xuống người !

Trong bức tranh thứ hai hiện lên con trăng màu huyết dụ—màu của đam mê, chiếu tỏa xuống xuông ngôi nhà thương nhớ: đài kỷ niệm bằng thứ ánh sáng lắng đọng mà hắt hiu sẫm tím.

Màu máu con tim đã bị thời gian làm tím bầm, tan loãng khắp trời: Mỗi cái nhìn của thi sĩ đều trĩu nặng nhớ thương xưa, úa tàn, sụp đổ.

Cả hai văn ảnh trên đều do sự sáng tạo ngôn ngữ, cô đọng trong hai từ khéo dùng: Rụng và Xuống; cũng vì thế mà nó khiến cho hai bức tranh phủ một màu ảm đạm buồn não nùng!

 

Đi tìm một lời kết

 

Từ dòng đầu cho đến đây thiết nghĩ chúng ta cũng đã đọc nhiều lời bình giảng về Văn và Thơ của những nhà thơ lớn cũng như những nhà nghiên cứu Thi pháp Việt-nam. Có lẽ cho đến đây, một câu hỏi đại loại như thế nầy không phải là không cần thiết:

  1. Văn và Thơ giống và khác nhau ở chỗ nào?
  2. Thơ là gì ?

Để trả lời cho câu hỏỉ với hai ý như thế trên, không gì hay bằng cách chúng ta đọc sự phân giải bài viết của nhóm Xuân Thu Nhã Tập gồm có sáu người :

  • Nguyễn Đỗ Cung
  • Phan Văn Hạnh
  • Nguyễn XuânKhoát
  • Nguyễn Lương Ngọc
  • Nguyễn Xuân Sanh
  • Đoàn Phú Tứ.

Trong một bài lý luận Văn học về Thơ do 3 người viết chung: Đoàn Phú Tứ, Phan văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh có nói rõ về sự khác nhau giữa Văn xuôi và Thơ với nhiều ý giống với P. Valéry :

  1. Thơ là cái gì không thể giải nghĩa được. Thơ là cái gì để cảm, chứ không phải để hiểu: “Người ta đã thử và đã chưa từng giải nhĩa được thơ là gì. Như giai nhân, như Đẹp, như Trời. Người ta cảm thấy có cái gì siêu thoát, vượt ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta vào trong cái Đẹp và ấp ủ ta trong sự Thật.

Một cái gì không thể giải thíchh được và cũng không cần phải giải thích. Nó chiếm đoạt ta, hoàn toàn và tức khắc. Đột nhiên ta nhận thấy cửa Trời như nhào vô lòng Mẹ, không xét suy.”

  1. Sở dĩ Thơ là cái gì không thể giải thích được vì nó không thuộc lãnh vực của Trí tuệ, mà thuộc về lãnh vực của Tình cảm, do đó phải lấy trực quan mà lãnh hội, không phải bằng lý luận. Hiểu bằng trưc quan là hòa đồng vào điều mình muốn tìm hiểu. Trực quan là một ý niệm đã được Bergson nói đến rất nhiều, là ý niệm chủ yếu trong Triết học của ông ta. Muốn hiểu dòng sông với tư cách là một dòng nước đang chảy thì không nên đứng trên bờ mà nhìn, trái lại phải bước xuống trôi theo cùng với dòng nước của con sông.

“Hãy nằm trong thơ, đầm mình trong nhạc, đừng vội muốn hiểu được nhac trước khi có xúc cảm. Sau đó ta sẽ hiểu, sẽ biết đầy đủ trong trẻo trọn vẹn, nhịp nhàng. Đừng lý luận với Thơ như cũng đừng lý luận với người yêu, với giáo điều”

  1. Dĩ nhiên không phải chủ trương gạt bỏ hẳn phần trí tuệ, ý nghĩa, và do đó cái hiểu, nhưng chỉ muốn nhấn mạnh phải hiểu Thơ trước hết bằng trực giác, và vì thế có thể hiểu theo nhiều cách sau khi đã cảm Thơ. Trước hết phải cảm Thơ và cảm thì chỉ có một cách duy nhất. Sau đó có thể hiểu Thơ; và có thể hiểu theo nhiều cách, nhiều nghĩa khác nhau.

 

Vậy một bài thơ có thể hiểu bằng nhiều lối tỉ như cùng một cảnh trăng, cùng một nụ cười, cùng một tiếng đàn, kẻ dụng phu hay người tài tử có lẽ có chung một cảm xúc (rung động) nhưng mức độ phong phú không giống nhau nên Thi ca cũng phân ra nhiều cung bậc.

 

  1. Nhưng cảm cái gì trong Thơ? Cái chất thơ. Cái chất thơ là gì?

Chất thơ là cái trong trẻo vô tư, đẹp, thực. Nó bàng bạc trong cuộc đời, trong vũ trụ, trong mọi cử chỉ, thái độ sống. Bất cứ cái gì dù nhỏ, tầm thường, đều có thể chứa đựng chất Thơ.

 

“Thơ trước hết phải là sự trong trẻo, sự vô tư lợi, sự khêu gợi, sự rung động, sự gặp gỡ đột nhiên, sự hiến dâng không nghĩ đến sự quay về. Văn nói chuyện đời; nhưng Thơ là tiếng đàn u huyền, trực tiếp”:

Thơ  =  Trong  =  Đẹp =  Thật.

 

Cái gì trong trẻo là đẹp: hương hoa, chất ngọc, lòng bằng, một ý nghĩ vô tư lợi, một cử chỉ không lý do, không có dụng ý gi, và cái gì đẹp là thật.

Thơ chính là một cách trí thức cao cấp. Nó đã bắt gặp Hình Nhi Thượng, đưa đến Tôn giáo, và thực hiện Ái tình, nghĩa là Vô biên.

Thơ, Tình yêu, Tôn giáo cùng bừng nở trong Tuệ giác.

Nhà thơ có thể được xếp cùng cung bậc với một giáo sĩ, với tình nhân, mà một lời Thơ, một lời nguyện cầu, một lời than thở, là một lời nói của Vô cùng, dấu hiệu của Tuyệt đối”.

  1. Do đó, Thơ có tính chất siêu hình, đồng nghĩa với Tôn giáo, gắn liền với Đạo, mà Đạo là cái sâu xa, cao siêu phản ánh những nguyên lý căn bản của Vũ trụ và Cuộc sống.

Thơ là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý sẽ sáng tạo ra vạn vật muôn loài khi đã chia ra được Âm-Dương (= Lưỡng Nghi ). Âm-Dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái Đạo nguyên thủy, có thể hiểu theo đồ hình sau:

 

Đạo => Âm + Dương => Sáng tạo => Rung động => Thơ => Đạo

  1. Nếu hiểu Thơ như thế thì Thơ không những khác hẳn với Văn xuôi mà có thể đối lập với Văn.

– Thơ là cái cao siêu, vô vị lợi, dùng trực giác mà lãnh hội.

– Trái lại văn xuôi là cái tầm thường, vị lợi, dùng quan sát trí óc để mô tả, để lý luận thuyết phục. Văn xuôi coi trọng lý trí trật tự vì lý trí là khả năng phân tách, phê phán (ảnh hưởng của Valéry, Breton, và học thuyết Bergson.)

“Cảnh tả, chuyện kể thật hay sự tình kể lể trong ấy, cái gì được giải bày, thứ tự rõ rệt đều không phải là thơ vì không thuần túy, không vượt lên trên cách thông tục của trí não, và ngôn ngữ là lợi khí của trí não. Những nghệ thuật ngoài văn chương ra như âm nhạc, ca vũ, hội họa, điêu khắc, có phần thuần túy hơn. Mỗi tiếng, một vật thể, không phải vào bất cứ tay ai cũng đều trở nên nhịp nhàng tươi đẹp. Còn văn chương hình như ai cũng tự nhận có quyền vào đây, vì lợi khí là ngôn ngữ là cái vốn trời cho, nó nằm sẵn ở cửa miệng mọi người, cứ tự do sử dụng.

Về hình thức, văn xuôi và văn vần xưa nay là hai thể loại chính của văn chương. Về tinh thần, văn chương có hai đặc tính có thể có ở cả hai hình thức. Một là sự giải bày, thuộc lý trí vụ ích lợi, nói chung lại là tính chất “Văn”. Hai là tính hàm súc, ẩn tàng trong tiềm thức, gọi là tính “Thơ”. Quan niệm về Thơ phải truy nguyên từ tính chất nầy.

  1. Về hình thức, Thơ không bắt buộc phải đóng khung trong một hình thức nào nhất định. Do đó yếu tố vần không nên coi là yếu tố căn bản. Nhóm Xuân Thu cũng như Vélery, Breton, Sartre đều đối lập Thơ với Văn xuôi, chứ không phải văn vần với văn xuôi :

Một bài thơ là do sự phối hợp những âm thanh, chữ, hình ảnh, biểu tượng, theo những niêm luật rõ rệt hay tiềm tàng để khơi nguồn lưu thông cho rung cảm huyền diệu của Thơ. Sự sáng tác không cần phải bị gò bó lúng túng trong những khuôn khổ cứng nhắc.

  1. Căn cứ vào sự phân biệt Thơ và Văn xuôi như trên nhóm chủ trương không nên bắt chước Tây phương về Thơ vì nếu Thơ là Đạo, phải lãnh hội bằng cảm quan thì hợp với tinh thần Á đông và hợp với khả năng sáng tạo với ngôn ngữ Á-đông, một ngôn ngữ lấy hình ảnh ẩn dụ mà gợi ý, không trực tiếp diễn tả bằng ý niệm. (chia bào, Đầu ghềnh quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa…)

Trái lại văn xuôi đòi hỏi tinh thần phân tích mạch lạc, sáng sủa trong khi đó Thơ lại mang tính ẩn tàng hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp, đặc tính của Á-đông. Ngôn ngữ, cú pháp ngôn ngữ Á đông rất thích hợp cho Thơ, thể hiện ra bằng hình ảnh, hương sắc, xếp đặt một cách u-uẩn huyền diệu. Tứ Thơ thường đọng lại trong những câu thơ ngắn,gợi lên những tình ý đẹp.

Ảnh hưởng của Phương tây có thể tốt cho văn hơn là cho thơ. Phần thơ là phần đặc biệt dành cho từng dân tộc, linh khí từng giang sơn.

Nhận xét: Quan niệm của nhóm Xuân Thu cũng có mâu thuẫn :

  1. Chủ trương duy trì truyền thống dân tộc, ngăn chặn ảnh hưởng ngoại lai thì tự mình lại tiếp nhận những hình thức phân biệt của Tây phương. (Thơ khác Văn)
  2. Nhằm rung động, truyền cảm cho người khác, coi thi nhân như giáo sĩ và bài Thơ, một bài Kinh thì lại chủ trương những hình thức tối tăm, và coi cái tối tăm chủ quan đó là cao siêu, là Đạo vì thế không thể hiểu hay giải thích được; nhưng thực ra Thơ của nhóm nầy chẳng những khó hiểu mà cũng khó cảm, dù là bằng trực quan.

Vậy Thơ là gì ?

Trên đường đi tìm hiểu Văn và Thơ, chúng ta đã đọc nhiều luận bàn về Văn và Thơ của các bậc trưởng thượng trong làng Văn Thơ Việt-nam như thi sĩ Tản-Đà, thi sĩ Xuân-Diệu, những nhà thơ trong nhóm Xuân-Thu Nhã Tập, nổi bật có Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Xuân Sanh, họ có phân biệt, theo quan điểm của mình, Văn và Thơ giống và khác nhau chỗ nào. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu Thơ với nhà phê bình văn hoc: GS. TS. Trần Nhựt Tân trả lời cho câu hỏi: Thơ là gì ?(*)

Thơ là một cấu trúc ma thuật ngôn ngữ mà các cấu tố đã mất đi gần hết những ý nghĩa thường ngày để mang lấy một ý nghĩa mới -tượng trưng và biểu tượng- chứa đựng một cảm nhận đã được tinh luyện kết khối, nhằm chuyển tải một thông điệp cuả Nàng Thơ (một thi ảnh hay một hồn Thơ) khiến người thưởng thức trào dâng một cảm xúc lâng lâng, một mỹ cảm mãnh liệt : 

Ô trời hôm nay sao mà xanh !

Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành.

Dạ lan tê ngời say men hương.

Bích Khê (Nghê Thường)

Có phải Thơ là sự thăng hoa của nỗi khổ trần gian thành cái-đẹp-nên-thơ trong đền đài ngôn ngữ, của nỗi sầu bao la, của nỗi buồn cao lên chót vót và chính của ước vong vĩnh cửu ấy? Thơ là miền cư ngụ của tâm hồn thi sĩ nhập thể vào thực tại, là hóa thân của tâm hồn đó, là bến hẹn của một nội tâm với một hiện thể để cho hữu thể bộc phát như là phản ánh của cái Đẹp tuyệt đối.

Trăng huyết dụ xuống bên đài kỷ niệm. Lầu gác xưa nghiêng bóng lấp thời gian” ( Đinh Hùng );“Và ai gánh máu đi trên tuyết” (HMT)

Một ý thơ hay một hồn thơ lãng mạn không thật sự toát ra từ chính ý nghĩa tượng trưng của cấu trúc ma thuật ngôn ngữ mà chỉ là một thứ thông điệp toát ra từ một tương quan hòa điệu của các từ ngữ trong câu thơ: “Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ” (XD)

Đưa người, ta không đưa sang sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Thâm Tâm (Tống Biệt Hành )

Cho nên tầng cấp ngôn ngữ nào càng lìa xa ngôn ngữ thường ngày bao nhiêu thì loại ngôn ngữ đó càng dễ trở thành ngôn ngữ thơ bấy nhiêu vì ngôn ngữ thường ngày chỉ là thứ ngôn ngữ chuyển tải thông tin trong khi đó ngôn ngữ thơ lại chuyển tải một thông điệp của Nàng thơ -một ý thơ hay một thi ảnh- nhằm gây nơi người đọc một mỹ cảm. Thí dụ:

  • – Bữa nay lạnh tôi đi ngủ sớm=> chuyển tải một thông tin. Văn thường ngày.
  •   – Bữa nay lạnh mặt trờiđi ngủ sớm (XD) => Thơ. Mặt trời được nhân cách hóa. Thi sĩ đã nâng mặt trời lên một tầm cao mới, thi sĩ cho mặt trời được làm người để đi ngủ. Đây là một từ hoa trong khoa Tu từ học, như ta đã thấy trên kia.

Mỹ từ pháp là phương cách tận dụng hết mọi khả tính làm đẹp của ngôn ngữ nhằm tạo ra một nội dung mới, rất mới và bạo, nên thơ nhằm làm cho câu văn, câu thơ kết hợp lại với nhau thành một khối tinh luyện sáng ngời long lanh, xây dựng nên một cơ cấu thượng tầng có đủ khả tính khai phóng chủ đề một cách đầy đủ và có nghệ thuật. Một cách rất đẹp !.

Chúng ta đã đề cập đến những vấn đề có liên quan đến Văn, Thơ: sự giống và khác nhau giữa thơ và văn. Bây giờ chúng ta thử nghĩ đến chuyện khi nào ta làm thơ ?

Như ta đã biết một bài văn được cho là một bài thơ khi nó hội được hai yếu tố cấu thành: Tình và Tài (như nhận định của thi sĩ Tản-Đà).

Theo trải nghiệm bản thân người viết thì ta nên làm thơ khi trong ta cảm xúc dâng đầy, tâm hồn ta phủ đầy cảm xúc mộng mị cho tới khi cảm thấy ta không còn là ta nữa. Lúc đó ta cầm viết lướt nhẹ lên tờ giấy và lời thơ cứ thế mà tuôn trào ttheo đầu ngọn bút. Bài thơ như thế sẽ đầy cảm xúc và có hồn .

Nói như nữ sĩ Isadora Duncan, ta nên làm thơ bằng trái tim chứ không nên làm thơ bằng khối óc. Thơ làm bằng trái tim sẽ đượm thắm cảm xúc, long lanh, ngập tràn rung động và đầy tình cảm đẹp và lãng mạn. Trái lại thơ được làm bằng khối óc sẽ rất khô khan, cứng nhắc, nhạt nhẽo.

“Ta nên làm thơ khi nào cảm thấy ta đã trở thành một kẻ ‘xa lạ’ trong cuộc đời nầy.”

(Thích Mãn Giác ) 

Thay cho lời kết

Những dòng viết nầy coi như những dòng sữa thơm, những quả ngọt, tôi xin mời các bạn nếm thử để chia sẻ tấm lòng của một người bạn lúc nào cõi lòng cũng rộng mở; dù biết rằng con tim và khối óc của mình cư ngụ ở một miền rong rêu sỏi đá, nước mặn đồng chua. Tất cả cũng do một câu Lực bất tòng tâmnhư tôi đã thưa trước tại những dòng đầu bài viết nầy.

Sàigòn, Ngày 11 tháng 12 năm 2017

Nguyễn-văn-Chương

                                       Tác giả đang nhận tập xuân 2017

___________________________________________________

(*) Xin trích dịch câu nói của Donald A. Stauffer, “Few people have evver been brave enough to define poetry” (Xưa nay ít có người đủ nhuệ khí đứng ra định nghĩa thơ.)

Nói vậy bởi vì thơ thuộc lãnh vực của xúc cảm, của trái tim; nên nó muôn hình vạn trạng, chỉ có thể cảm nhận chứ không thể định hình nó được.

Tài liệu tham khảo :

– 13 năm Tranh Luận Văn Học ……………………………………………………Thanh Lãng

– Lược Khảo Văn Học ( I & II )………………………………………………Nguyễn-văn Trung

– Nhân Sinh Quan & Thơ Văn……………..Lâm-Ngữ-Đường – Nguyễn-Hiến-Lê dịch

– Một Phương Pháp Phân Tích Chủ Đề Văn Chương…………….Trần Nhựt Tân

– Đi Tìm Thông Điệp Của Nàng Thơ………………………Trần Nhựt Tân

– Ngôn Ngữ Thơ Việt-nam……………………………….Hữu Đạt

Thơ

– Thi Pháp & Chân Dung………………………………………………….Đặng Tiến

– Nghệ Thuật Thi Ca………………..Aristotle – Đoàn Tử Huyến, hiệu đính.

– Sound and Sense……………………………………………………Laurence Perrine

– Response To Liter……………………………………………William J. Grace

– The Nature Of Poetry…………………………………………………Donald A. Stauffer

– Introduction To The study Of Literature………………..Marlies.K.Danziger & W.Stacy Johnson

– Exploring The Language of Poems, Plays And Prose……………………Mick Short

 

 

 

Có 3 bình luận về Mỹ Từ Pháp trong văn thơ (bài 2)

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Nghiêng mình ngưởng mộ công trình nghiên cứu của Thầy Nguyễn Văn Chương.

  2. My Nguyen nói:

    Trong lúc tuổi cao, sức yếu, thầy Nguyễn Văn Chương đã có một bài biên khảo vô cùng bổ ích, bàn về sử dụng mỹ từ pháp trong thơ văn… Em xin chân thành cảm ơn với lòng ngưỡng mộ. Kính chúc thầy an khang, trường thọ.

  3. Hoành Châu nói:

    Thầy ơi ,
    Công trình nghiên cứu biên soạn của Thầy  quá công phu đòi hỏi phải mất  thời gian khá  dài ,  sức khỏe ngày càng không khỏe như hồi còn trẻ ,,,em khâm phục tài làm việc của Thầy  ! Chúc Thầy an vui .Kính
    Em Hoành Châu ( Gia đình C  )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác