MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN LỄ HỘI HOÁ TRANG KARNEVAL TẠI ĐỨC QUỐC

Ngày đăng: 19/01/2018 10:52:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Nói đến nước Đức người ta nghĩ ngay đến thời Đệ nhị thế chiến với Hitler, thủ lãnh Đức quốc xã, ôm mộng làm bá chủ nên đã đưa Âu Châu vào trận thế chiến kinh hoàng và cả triệu người Do Thái vào phòng hơi ngạt.

Thua trận Hitler đã phải tự tử, để lại một nước Đức điêu tàn, tan nát và một sự thù ghét, căm hận trong lòng người dân của các nước láng giềng.

Cách đây đã lâu, khi có ý định cho hai con đi học một năm tại các nước ngoài, tôi đã tìm đọc những thông tin và tài liệu về việc trao đổi học sinh này.

Cũng nhờ đó mà biết thêm được mức độ cảm tình mà người dân của nhiều nước ở Âu Châu đối với người Đức.

Những kinh nghiệm xấu mà thế hệ ông bà phải trải qua ở Âu Châu dưới thời Hitler đã đưa tới sự ghét bỏ và thù hận đối với người Đức kéo dài đến các thế hệ con cháu về sau. Các học sinh người Đức ở lứa tuổi 15-16 đi học ở các nước Âu Châu, theo chương trình trao đổi đã cảm nhận được sự thiếu thiện cảm của các bạn cùng lứa tuổi ở nước ngoài. Bị trêu chọc hoặc không được chấp nhận một cách thân thiện lúc ban đầu là chuyện thường xảy ra.

Người lớn làm để thế hệ trẻ vẫn phải trả giá, người xưa có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” kể cũng không sai.

Hiện tại nước Đức đã phục hồi, đã thân thiện, hoà hoãn với các nước láng giềng, đang đứng hàng đầu về kinh tế trong cộng đồng Âu Châu, đang giữ một vai trò lãnh đạo quan trọng nhưng cũng chưa thu phục được hoàn toàn cảm tình của tất cả công dân Âu Châu. Ấn tượng kinh hoàng của quá khứ còn quá mạnh nên dù có tha thứ nhưng chưa có thể quên được !

Vết đen quá đậm trong lịch sử đã làm mờ đi nét đẹp của một nước Đức từng được mệnh danh là xứ sở của “các thi hào và các triết gia”, những Goethe, Schiller, Heinrich Heine, Friederich Hölderlin…; những Kant,  Heidegger, Nietzche…nổi danh trên thế giới.

Chăm chỉ, cần kiệm, đúng giờ, kỷ luật, chân thật, thẳng thắn, tín nhiệm, sạch sẽ…là những đức tính hàng đầu của người Đức. Nhờ những đức tính sẵn có người Đức đã đem lại sự tiến bộ cho đất nước trên nhiều phương diện nhưng ngược lại cũng vì đó mà  dưới mắt của nhiều người, dân Đức chỉ biết sống để làm việc, để lo tròn nhiệm vụ. Người Đức thiếu sự cởi mở, uyển chuyển của người Pháp, thiếu sự sống động, sôi nổi của người Ý, người Tây Ban Nha, thiếu sự khéo léo của người Hoà Lan, có vẻ lạnh lùng, cứng nhắc nên thường bị hiểu lầm là khó khăn, hay lên mặt dạy đời và không biết hưởng cuộc sống.

Nếu đúng như thành kiến của mọi người dành cho dân Đức thì cuộc sống của người Đức chắc đáng chán lắm. Họ phải làm cách nào để thoát ra khỏi những áp lực, những đè nặng trong cuộc sống hàng ngày theo đúng khuôn khổ sẵn có.

Một trong những cơ hội để người Đức nhờ đó có thể thư giãn là việc ăn mừng lễ hội Karneval được tổ chức hàng năm, trong dịp này họ được ăn mặc, hoá trang, vui đùa nhảy múa, tha hồ uống rượu theo ý thích mà không bị ai chỉ trích phê bình.

Những câu thơ dưới đây của thi hào Goethe trong tác phẩm Faust có thể được coi như đã diễn tả đúng tình, đúng cảnh của người Đức trong ngày lễ hội Karneval này:

 

     Selbst von des Berges fernen Pfaden

     Blinken uns farbige Kleider an.

     Ich höre schon des Dorfs Getümmel,

     Hier ist des Volkes wahrer Himmel,

     Zufrieden jauchzet groß und klein:

     Hier bin ich Mensch, hier darf ich’s sein !

 

Xin tạm dịch là:

     Đường mòn trên núi lối xa xa

     Rực rỡ xiêm y ánh chói loà,

     Làng xóm vang rền, huyên náo lạ,

     Thiên đường hạ giới có đâu xa.

     Trẻ già đồng vọng, ôi hạnh phúc,

     Được sống làm người theo ý ta !

 

Tập tục ăn mừng lễ hội Karneval tại Đức đã bắt nguồn từ thuở xa xưa từ trước thiên chúa giáng sinh khi mà các dân tộc ở Trung Âu vẫn còn thờ các vị thần linh hoang dã.

Với thời gian, khi thiên chúa giáo bắt đầu xuất hiện thì tập tục này từ từ được biến đổi đi để hoà nhập vào cùng với những ngày lễ mừng của công giáo. Ở Đức người ta thường nói khôi hài là mùa Karneval có thể coi như mùa thứ năm trong một năm, thời gian này bắt đầu từ ngày 11 tháng 11 lúc 11 giờ 11 phút, tuy vậy lễ hội chỉ thực sự được tổ chức vào tháng hai của năm, một tuần lễ trước thời gian chay tịnh của lễ Phục Sinh. Mùa Karneval được coi như là khoảng thời gian sửa soạn để đón chào mùa xuân. Thiên nhiên đang âm thầm tìm cách xua đuổi những ngày tháng đông lạnh lẽo, ảm đảm, mang hình bóng của tật bệnh, của thiếu thốn mọi bề, đem lại những tia nắng ấm áp của mặt trời chiếu rọi khắp nơi, đem lại niềm vui cùng hy vọng đến cho dân gian.

Mãi đến thế kỷ thứ XIX Karneval sau bao nhiêu đổi thay mới có hình thức ăn mừng giống như ngày nay để có thể thu hút được sự tham gia của giai cấp khá giả trong xã hội.

Những ngày lễ trong mùa Karneval tại Đức gồm có:

– Rosenmontag

– Fastnacht

– Aschermittwoch

 

ROSENMONTAG ( Ngày thứ hai hoa hồng)

Hình 1: Xe hoa ở Mainz (trên), Düsseldorf (giữa), Köln (dưới)

 

Đây là ngày vui nhất của mùa Karneval tại Đức với những cuộc diễn hành xe hoa được trang trí rực rỡ với nhiều đề tài khác nhau dài tới mấy cây số. Tại thủ phủ của lễ hội Karneval như thành phố Köln, Düsseldorf, Mainz các cuộc diễn hành này được tổ chức vào ngày thứ hai trong tuần trước thời gian chay tịnh của lễ Phục Sinh. Ở tại các tỉnh nhỏ thường tổ chức vào ngày cuối tuần, thứ bảy hoặc chủ nhật.

 

Hình 2 : Lễ hội hoá trang 

 

Người tham dự cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới tới thật đông đảo trong trang phục hoá trang đủ màu, đủ sắc đứng ở hai bên vệ đường, reo hò chờ xe hoa đi qua. Họ đua nhau hứng hoặc tranh nhau nhặt nào bánh, nào kẹo, nào hoa, nào những con thú nhồi bông được những người trên xe hoa ném xuống, người người đều vui tươi và hồn nhiên như trẻ em.

 

FASTNACHT ( Đêm chay tịnh)

Hình 3 : Bánh Berliner

 

Sau ngày thứ hai hoa hồng là ngày thứ ba, một ngày trước ngày thứ tư lễ tro. Nói đúng ra, ngày này là ngày cuối cùng của việc vui chơi. Đêm thứ ba được gọi là đêm chay tịnh ( kiêng ăn thịt), đêm bắt đầu cho 40 chục ngày chay tịnh của lễ Phục Sinh.

Trong ngày cuối cùng này mọi người ăn những món ăn ngon theo truyền thống, nhất là món bánh có tên là Berliner (donut). Đây là một lọai bánh ngọt  hình tròn, to bằng nắm tay làm bằng bột mì trộn với bột nở và chiên ngập trong dầu nóng. Bên trong của bánh là nhân mứt trái cây, bên ngoài rắc đường mịn hay tráng một lớp đường mát.

 

Aschermittwoch ( Ngày thứ tư lễ tro)

Hình 4 : đốt hình nộm rơm

 

Đúng vào nửa đêm ngày thứ ba, coi như bắt đầu ngày thứ tư thì thời gian vui chơi Karneval đã chấm dứt. Theo truyền thống, trong đêm này người ta đốt cháy hình nộm bằng rơm, hình nộm này tiêu biểu cho tất cả những thói xấu trong thời kỳ Karneval bây giờ được thiêu huỷ đi để bắt đầu cho 40 ngày chay tịnh.

Trong nhiều nhà thờ thiên chúa giáo, các tín đồ được vẽ trên trán một thập tự bằng tro để nhắc nhớ đến những sự việc đã xảy ra trong quá khứ của họ.

Trên thực tế thì trong thời kỳ này việc chay tịnh kiêng ăn thịt cũng không còn được áp dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

Dù thời gian vui chơi ngắn ngủi nhưng kỳ lễ hội Karneval cũng là một trong những cơ hội để người dân Đức được sống thoải mái, giải toả được một phần nào những áp lực nặng nề trong cuộc sống hàng ngày với nhiều gò bó.

 

Bài viết: Lê-Thân Hồng-Khanh

Tài liệu tham khảo và hình ảnh: nguồn net

Có 6 bình luận về MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN LỄ HỘI HOÁ TRANG KARNEVAL TẠI ĐỨC QUỐC

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay thật ý nghĩa đối với dân Đức . Lịch sử sang trang , dù vết nhơ  lịch sử  khó phai mờ  nhưng tất cả người dân đức  đã đồng lòng quyết tâm  đứng lên  với tinh thần khôi phục lại  niềm tin trước  anh em bè bạn thế giới ,,,Chúng ta tin rằng ,,,dân Đức  từ nay sẽ được sống thoải mái hơn ,,,Sao đất nước nào , dân tình nào  cũng bị” gò mối “, ” góc khuất “!!!
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Bài viết của Cô đã cho em hiểu thêm về nước Đức, sau Đệ nhị thế chiến… Lễ hội Karneval thật thú vị với nhiều hình thức như lễ hội hóa trang, Đêm chay tịnh, lễ tro…

    Em xin cảm ơn Cô về một bài viết thật ý nghĩa, hình ảnh thật vui trong mùa Xuân đến.

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Cô kính mến ! Đọc bài viết của Cô em hiểu thêm về sự tiến bộ của dân tộc Đức .Chính em cũng rất ghét ông HitLe thời ấy. Lễ hội Kaneval của người ĐỨC thật hoành tráng, nhiều hình ảnh thật lạ mắt , những chiếc bánh trông hấp dẫn .Rất cám ơn Cô đã cho chúng em hiểu biết thêm về những lễ hội của người Đức.

  4. Hồ An Nhiên nói:

    Đọc bài của cô em ước ao được một lần dự lễ hội này . Chúc cô luôn vui khoẻ

  5. DIEP BICH NGỌC nói:

    Cô kính yêu ! Đọc bài viết của cô thật hay ,em hiểu biết thêm về nước Đức .Em rất thích lễ hội ở nước Đức vui ,ý nghĩa qua những hình ảnh thật hấp dẫn. Kính chúc cô luôn an vui ,khỏe ; em kính lời thăm bà thật khỏe .

  6. Cám ơn các em đã đọc để biết thêm về nước Đức, người Đức cùng những tập tục của họ. Cô ở Đức cũng gần 40 năm nên cũng biết phần nào về nước Đức nên nhân dịp này cũng muốn cùng chia sẻ với các em cho vui. Dù lễ hội hoá trang có vui đến đâu nữa thì cũng không bằng những ngày Tết cổ truyền của chúng ta nơi quê nhà. Cô gởi lời thăm các em cùng gia đình.

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác