Chuyện lạ trong chuyến du lịch  Bắc Ninh.

Ngày đăng: 31/01/2018 06:34:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Một người từng nói với mình rằng không thích câu “cuộc đời là những chuyến đi” vì nó rất hời hợt. Đi, nhưng là đi đâu, đi như thế nào và đi làm gì, sau khi đi thì sao?… Chứ không chỉ mỗi chuyện check in ở một nơi xa thật xa…
Mình thấy đúng thế thật, nhất là sau chuyến đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh bằng xe máy, với một bình xăng đầy chỉ 50k, xuất phát từ Hà Nội lúc 19h. Trời rất lạnh và tối, song với một người biết cách lái xe thì một tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Bắc Ninh là điều hoàn toàn dễ dàng .

Hôm mình đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh là ban đêm, nhưng đường cao tốc khá dễ đi, và muốn đi bằng xe máy thì bạn phải bảo trì bảo dưỡng cái xe cho ngon lành, gương chiếu hậu đầy đủ. Đường cao tốc rất an toàn nếu bạn biết lái xe và lái một cái xe đã được chuẩn bị kĩ để đi đường dài… Trời khá lạnh, đi trên đường cao tốc thì không được dừng lại, nên tốt nhất là hãy ngồi yên để người cầm lái chạy đúng tốc độ, thỉnh thoảng dừng lại để xe nghỉ ngơi và kiểm tra xe.

Điểm dừng chân của mình là bảo tàng Bắc Ninh, vào đấy chẳng qua là vì cần tham gia tọa đàm hướng dẫn truyền thông phát triển bảo tàng. Tưởng chỉ đến ngồi nghe và tham gia một buổi tọa đàm học thuật khô khan nhưng những gì mình thấy và trải qua quả thật khó quên. Đầu tiên là cái cơ ngơi bảo tàng nằm quay mặt ra đường Lý Thái Tổ, bề thế hiên ngang, một công trình đẹp có hình dạng chiếc nón quai thao, nhưng vẫn chưa hết, ấn tượng hơn cả là hàng thú đá nằm ngay ngoài sân (phiên bản của 10 linh thú bảo vật quốc gia, bản gốc hiện ở chùa Phật Tích), và đến đấy còn được nghe các cô gái Bắc Ninh hát quan họ, mượt mà và rất tình. Con gái Bắc Ninh ai cũng xinh và hát hay hay sao ấy… Rồi còn được tiếp đãi món bánh tẻ, bánh phu thê ngon không tả được, giữa cái lạnh mùa đông miền Bắc vừa nghe hát quan họ vừa bóc vỏ bánh phu thê dính dính ra cắn một cái nó cứ níu lại, không muốn rời ra, ngọt lịm chứ không sần sật ngọt thanh như bánh phu thê ở Huế đâu. Bánh tẻ thì ăn nóng, vừa ăn vừa nghe bác phó giám đốc bảo tàng hát quan họ, ngọt như mía lùi (à không lúng liếng mới đúng, nói thêm là được biết bác phó giám đốc tên là Bảng vốn là họa sĩ, lại từng dạy quan họ nữa, bác ấy sẵn sàng biểu diễn miễn phí, thậm chí là dạy miễn phí cho những ai đến thăm bảo tàng và có nhã ý đề nghị bác ấy dạy quan họ, dạy vẽ tranh và dẫn đi tham quan … vài vòng bảo tàng, vừa dẫn đi vừa thuyết minh luôn, đặc biệt là các bạn thiếu nhi).

Bạn thử hỏi 100 người thì đến 99 người nói: “Bắc Ninh ấy hả, Bắc Ninh có gì ngoài quan họ!” Sai, nhiều chứ, nếu cứ đóng đinh một thứ trong đầu như thế thì chúng ta, dân Việt Nam, giống nòi Lạc Hồng cũng chẳng khác gì hơn một thằng Tây ba lô nghĩ Việt Nam có cái gì đâu ngoài phở và… nón lá !
Bắc Ninh “Xanh xanh bãi mía bờ dâu / Ngô khoai biêng biếc ” có sông Nguyệt Đức – một nhánh nhỏ còn sót lại của con sông Dâu – huyền thoại đã cạn dòng, chảy từ trên xã Nguyệt Đức qua đầu làng Nôm, nơi có cây cầu đá nổi tiếng ở đầu làng. Bắc Ninh “lúa nếp thơm nồng” có làng Nôm nổi tiếng là ngôi làng còn giữ lại được cái hồn quê Kinh Bắc – xưa thuộc huyện phủ Thuận Thành, Trấn Kinh Bắc. “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” với “những hội hè đình đám”, Bắc Ninh là nơi có thủ phủ của Hai Bà Trưng, có chứng tích Lệ Chi Viên, có làng Diềm Xá nơi thờ thủy tổ Vua Bà – người khai sinh ra quan họ Bắc Ninh… À, và thật thiếu xót nếu không nhắc đến chuyên gia Hán Nôm đất Kinh Bắc, người sẵn sàng dẫn bạn lên thăm thư viện tư nhân rất lớn, với một kho sách Hán Nôm mà có thể bạn chưa từng được chiêm ngưỡng ở đâu, nghe bác ấy kể chuyện cũng khiến bạn không muốn rời Bắc Ninh đấy, bác ấy tên là Nguyễn Quang Khải, hỏi người Bắc Ninh ai cũng biết và chỉ bạn đến đúng nhà.

Song, muốn đi thăm hết những nơi đó, bạn phải mất từ hai đến ba ngày, đủng đỉnh mà đi thăm, thong dong mà thấm cái hồn Kinh Bắc âu cũng là điều hoan nghênh, nhưng nếu cuộc sống níu kéo khiến bạn chỉ có một ngày thì hãy đi như mình, đến Bắc Ninh là vào thẳng vào Bảo tàng Bắc Ninh vì bảo tàng chính là nơi chứa đựng những tinh hoa đó … Bạn đến, hãy vào gặp cô giám đốc Nguyễn Thị Trọng, cô ấy sẽ mời bạn ly nước vối trồng tại chính bảo tàng, đảm bảo thứ nước vối mà bạn chưa từng uống ở đâu khác (nếu bạn chưa đến chùa Tây Phương). Và vừa uống nước vối vừa nghe cô giám đốc nói về bảo tàng với một ánh mắt say sưa và tình cảm tha thiết muốn bảo tàng phát triển, muốn mọi người đến với bảo tàng nhiều hơn, tư liệu nghiên cứu, thắng cảnh, tinh hoa dân tộc, cái đậm đà bản sắc được đưa về bảo tàng hết rồi, bằng những bàn tay tâm huyết…
Ngồi nghe những chia sẻ về việc phát triển bảo tàng của mọi người mình nhớ đến bộ phim “Đêm ở bảo tàng” một serie phim dành cho thiếu nhi của Disney thì phải, và khi đứng ngắm tượng con voi phục trước cửa bảo tàng, mình tưởng tượng con voi sống động đứng lên, tự kể về mình với du khách… Biết bao cổ vật đang muốn sống lại như thế, chỉ cần một tấm thẻ bài huyền diệu, mà tấm thẻ bài đó nằm trong tay chúng ta, những người quan tâm thực sự đến văn hóa dân tộc, đến việc quảng bá tinh hoa dân tộc ra thế giới thông qua các vị khách quốc tế, để trong tâm trí họ, khi quay về nước, Việt Nam không chỉ là một đất nước có phở ngon, có nón lá, có Hồ Giươm … mà phải là một Việt Nam có dân ca quan họ, có tranh Đông Hồ, có nước vối tươi mát, có thắng cảnh di tích, đền đài chùa tháp, có liền anh liền chị, lúng liếng là lúng liếng ơi…

Hôm quay về thì đi buổi sáng, nên được ngắm cảnh, một điều khá bất ngờ là từ xưa đến giờ mình nghĩ Bắc bộ ít người theo công giáo, có chăng thì đền đài đình miếu chùa chiền nhiều. Trong nhận thức của mình là người ta đa số theo đạo Phật hoặc người bên lương, nhưng hình như nhìn nhận như thế là thiển cận, bằng chứng là trên đường đi có khá nhiều nhà thờ, nghĩa là giáo xứ san sát nhau… xa xa ngoài cánh đồng…

Mỗi một chuyến đi là một sự học hỏi “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Và chia sẻ cái khôn đó cho mọi người biết mới thực chất là một chuyến đi, chứ không phải đến đó check in cái lên facebook rồi về. Mà ngay cả việc check in cũng phải có lí do “cao cả” hơn. Ví dụ nhá, từ chùa Bổ Đà ở Bắc Giang chạy về trung tâm Văn hóa Kinh Bắc có rất nhiều đoạn đường đi qua ruộng, ngã ba, ngã tư rất rối, việc bạn check in hay chia sẻ vị trí của mình trên bản đồ sẽ giúp hoàn thiện hệ thống định vị, người sau cứ thế đi mà không sợ sai. Bạn từng đi theo google map một cách vô tội vạ như mình thì sẽ thấy, muốn đi đến bến xe Giáp Bát nhưng nó chỉ mình đi qua hầm Kim Liên rồi mình phải sử dụng cái bản đồ trong miệng (tức là hỏi đường) để biết là phải quay đầu lại 3 km còn đi thẳng thì … quá xa rồi.
Nói đến Gáp Bát mới nhớ, khi đã kết thúc chuyến đi để vào Sài Gòn rồi, mình có duyên kì ngộ với chú Trần Thanh Cảnh, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử mới xuất bản “Đức Thánh Trần”, chú được mệnh danh là Người Kể Chuyện Đất Kinh Bắc. Hai chú cháu đi rong khắp Sài Gòn, đến thăm tượng Hưng Đạo Đại Vương, mà trên tượng cũng như con đường lớn gần đó đặt theo tên Ngài sai một cách kì lạ. Trần Hưng Đạo là không được hợp lí, một cách gọi tên sai của Đức Thánh Trần, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngay cả một chữ Đại trong tên của Ngài mà cũng phải được Vua ban cho lúc đánh thắng trận quá lớn, chứ đâu phải như bây giờ, thích gọi tiền nhân là Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tuấn là cứ gọi loạn lên. Có người từng hỏi mình khi đứng trước bức tượng Đức Thánh Trần ở Vũng Tàu rằng: ủa Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn là một người à? … À mà thôi quay lại chuyện Giáp Bát, mình kể cho chú nghe mình bị lạc ở bến xe Giáp Bát trên đường Giải Phóng như thế nào, chú mới giải thích về từ Giáp, trước đây “giáp” là đơn vị hành chính, nhỏ hơn, hay nhỏ như “phường”, có giáp nhất, giáp nhị, giáp tam… giáp bát. Lâu dần, giáp không phải là đơn vị phân chia phổ biến nữa, biến thành từ chỉ điạ danh… Hiện tại ở Hà Nội khu vực Giáp Bát rất rộng, và bến xe Giáp Bát là một trong những bến xe lớn ở Hà Nội, nơi có thể bắt xe đi các tỉnh, trong đó có Bắc Ninh…

Bản thân mình là giáo viên, xưa nay dạy nhiều bài về văn hóa miền Bắc, vốn thao thao bất tuyệt những điều mình… thuộc lòng từ sách chứ chưa hề tai nghe mắt thấy tay sờ vào. Có những điều tưởng như đã biết rồi, nhưng nhờ một chuyến đi mà mình phát hiện ra “thôi chết rồi, mình chẳng biết gì sất”. Cái điếm canh là cái gì? Nó có liên quan đến từ gái điếm mà người ta vẫn nói không? Và một đứa sống ở miền Nam cả đời người như mình thì việc không biết trong đê, trên đê và ngoài đê là như thế nào cho đến khi người ta thuyết minh cho mình nghe, mình cứ há hốc miệng ra và câu duy nhất thốt lên được là : “ôi thế á” – “ừ thế đấy, ngố ạ’.

Chuyến đi ra bắc lần này mà đặc biệt là chuyến đi 2 ngày ở Bắc Ninh là chuyến đi giải ngố của mình. Bạn sống ở miền Nam, hay bạn là người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam nói chung, bạn có biết khi nào thì người ta chạy lũ không? Khi nào thì sáng 3 cái đèn, khi nào thì cắm 3 cái cờ trên đê? Hay bạn là người miền Bắc rồi nhá, dân Bắc Kì chính hiệu Trâu vàng, bạn có hiểu như thế nào là đậm đà bản sắc dân tộc không? (nói cho bạn nghe, sau chuyến Băc Ninh, sau khi dự buổi tọa đàm nói chuyện với toàn thể nhân viên bảo tàng, mỗi lần nhắc đến chữ “đậm đà” là mình lại hình dung ra… nước mắm của người La Mã (bạn cứ hỏi những người dự buổi tọa đàm hôm ấy thì biết).
Chuyến đi này, thay đổi nhận thức và đôi mắt của mình một cách rõ rệt nhất, miền Bắc nói chung và quê hương Kinh Bắc nói riêng đã trở thành một phần trong suy nghĩ của mình, trăn trở muốn mọi người được biết đến cái gọi là đậm đà bản sắc dân tộc cứ day dứt mãi, giống như đứa con mình sinh ra nó hát hay vẽ đẹp thì cứ phải khoe vậy…

Ngồi viết mà tự nhiên mình muốn đi thăm lại những nơi mình vừa nói, nếu lại được đi lại một lần nữa thì mình sẽ chọn cách trải nghiệm khác có lẽ lần này đi bằng xe buýt. (Mà mình đã được một bạn gái Bắc Ninh xinh đẹp hát hay làm việc tại bảo tàng chỉ dẫn đầy đủ chi tiết, mình chia sẻ với mọi người ở cuối bài). Và lần sau ra nhất định sẽ hẹn hò với Người kể chuyện đất Kinh Bắc – chú Trần Thanh Cảnh, chú bảo sẽ đưa mình đến giếng Ngọc để uống nước giếng Ngọc, xem có hát hay như gái Bắc Ninh được không, mình cũng muốn thử cầu may xem sao…
Hay một chuyến đi ngẫu hứng đầy lãng mạn như anh bạn mình chia sẻ: “10 năm trước tôi đã sống ở Hà Nội một khoảng thời gian. Sau giờ làm thường tranh thủ đi lang thang từ phố cổ cho đến ngoại thành Hà Nội. Một sớm khi mùa đông còn ngái ngủ, 2 anh em chạy về hướng Bắc Ninh và lạc vào cánh đồng hoa cải…” Một trải nghiệm tuyệt vời như thế chỉ có khi đi bằng xe máy và … bị lạc.

CHỈ DẪN ĐÊN BẢO TÀNG BẮC NINH
Bằng xe máy
Khởi hành từ trung tâm thành phố Hà Nội, Bạn tìm đường đi Cầu Chương Dương. Qua Cầu Chương Dương, bạn chạy dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Qua cầu chui Gia Lâm đến bùng binh đường quốc lộ 5, Rẽ tay phải, chạy thẳng một lèo theo đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn Sài Đồng, Quận Long Biên. Đến cầu vượt Quốc lộ 5, rẽ tay trái đi lên đường Quốc Lộ 1 (Cao tốc Lạng Sơn Hà Nội), chạy thẳng quốc lộ 1 qua cầu Phù Đổng, đến nút giao cầu vượt Bồ Sơn. Vòng qua nút giao rồi rẽ tay trái đi theo đường Nguyễn Trãi, đến một bùng binh ngã 5, rẽ tay phải đi theo đường Lý Thái Tổ khoảng 2 km là đến thành phố Bắc Ninh. Lộ trình này bạn đi mất khoảng 1 tiếng 30 phút.
Hoặc nếu bạn đi xe hơi thì vào đường vành đai 3 qua cầu Thanh Trì là gặp cao tốc đi Bắc Ninh, chỉ mất 45 phút thôi.

Bằng xe buýt
Từ điểm trung chuyển Long Biên (Hà Nội) quý khách bắt xe bus 54 đi khoảng 40 phút về đến thành phố Bắc Ninh. Để vào tham quan Bảo tàng tỉnh quý khách xuống điểm dừng xe bus cuối cùng trên đường Kinh Dương Vương (gần trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) cách Bảo tàng 500m. Từ điểm dừng trên đường Kinh Dương Vương quý khách có thể đi bộ thong thả ngắm các công trình tiêu biểu như trung tâm văn hóa Kinh Bắc, rẽ vào đường Lý Thái Tổ thư thái trong không gian quang cảnh của hồ đôi, tượng đài vua Lý Thái Tổ (vị vua có công khai mở vương triều nhà Lý, vương triều hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam) và vào tham quan Bảo tàng Bắc Ninh. Ngoài ra quý khách có thể bắt xe 203 tịa điểm trung chuyển Long Biên đến TP Bắc Ninh sẽ dừng điểm khách sạn Suối Hoa trên đường Ngô Gia Tự cách Bảo tàng 900m.
Toàn bộ khuôn viên của Bảo tàng có diện tích hơn 22.000m2, nằm tại số 02 đường Lý Thái Tổ, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hiện Bảo tàng đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật gốc có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật được đưa ra trưng bày phục vụ khách tham quan ở hai khu vực.
Đặc biệt trong dịp xuân Mậu Tuất 2018, nhằm giới thiệu tới quý khách trong và ngoài nước về phong tục Tết đặc sắc trên quê hương Quan Họ, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình “Vui Xuân Mậu Tuất – Tết cổ truyền trên quê hương Kinh Bắc” với nhiều nội dung hấp dẫn: Trưng bày chuyên đề “Mừng Đảng, Mừng xuân Mậu Tuất 2018” nội dung phản ánh thành tựu nổi bật về kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Ninh sau 20 năm tái lập; những phong tục, tập quán tiêu biểu trong dịp Tết cổ truyền của người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc. Đặc biệt, lần đầu tiên sưu tập “Linh Cẩu” (Chó Thần) được đưa ra trưng bày sẽ đem đến nhiều cảm xúc thú vị đối với công chúng. Cùng với nội dung trưng bày, Bảo tàng cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, thú vị mang sắc thái riêng của người Bắc Ninh- Kinh Bắc: đu tiên, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, têm trầu cánh phượng, mặc trang phục Quan họ; bên cạnh đó còn có các trò chơi truyền thống: chạy Ró, ném còn, ô ăn quan, chơi truyền, đi cầu kiều, bắt trạch trong chum, múa sạp, kéo co, cướp cờ…vô cùng hấp dẫn.

Nguyễn Hương Lan,

Sài Gòn 30/1/2018

ảnh của Hương Lan và Nguyễn Thị Trọng

h1

h2

h3

h4

h5

h6

h7

h8

Có 1 bình luận về Chuyện lạ trong chuyến du lịch  Bắc Ninh.

  1. hoài huyền thanh nói:

    Viết hay quá bạn Nguyễn Hương Lan. Quả là nếm được cái hồn trong bài viết của bạn. Cám ơn nhiều.
    Hoài huyền Thanh

Trả lời hoài huyền thanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác