TÌNH TÔI BÊN DÒNG KÊNH NHIÊU LỘC

Ngày đăng: 24/12/2017 06:22:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi trọ học nhà chú T. Ngày ấy từ tháp nước, gần cầu Phan Thanh Giản, Gò Vấp – Gia Định. Ngoài ấp Nhất trí 3, dọc theo kênh Nhiêu Lộc, kéo dài đến đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng) nhiều nhà vách ván, mái lá, mái tole. Những bãi cát hoang chạy dài đến ngã tư Hàng Xanh. Lác đác gara ô tô, quán xá bình dân, bò tái bê thui.
Từ bên này qua Đa Kao, ngoài cầu Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), có cầu Sắt, cầu Bông. Bài “Trăng Rụng Xuống Cầu”, một thời nổi tiếng với đôi danh ca, cũng là cặp vợ chồng ngoài đời: Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, bị sửa lời:

“Ai đang đi trên cầu Bông,
Té xuống sông ướt cái quần ny lông
Vô đây em/ dù trời khuya/ anh vẫn đưa em về/ anh vẫn đưa em về…”
Nhìn về hướng Thị Nghè có Thảo cầm viên. Cây cầu Sắt xưa, xây năm 1896 bởi công ty Eiffel, sàn gỗ, cầu dành cho tuyến xe lửa Saigon – Gò Vấp, qua Đakao, xuống đường L’Eglise, đường Nhà Thờ, vì trên đường này có nhà thờ Bà Chiểu, đây là ngôi nhà thờ lớn nhất vùng Bà Chiểu. Sau đường Nhà Thờ đổi thành đường Bùi Hữu Nghĩa, chạy dọc hông chợ Bà Chiểu nối liền đầu đường Lê Quang Định chạy qua ngả tư Bình Hoà, ngả tư Xóm Gà lên chợ Gò Vấp.

Cạnh nhà chú T. có cô bé xấp xỉ tuổi tôi. Hai nhà cách nhau vách ván, trên gác ngăn đôi bằng cót, khung gỗ mỏng manh. Hằng ngày tôi ngắm cô cùng chiếc xe đạp chất đầy hoa. Cô bán hoa ở chợ Đa Kao.
Tôi thường nằm dài trên căn gác học bài. Tò mò, tôi khoét lỗ nhỏ trên vách, nhìn sang. Tôi giật mình, cô đang cởi áo, đôi vú nhỏ nhô lên ngạo nghễ. Hai ngón tay cái chạm vào lưng quần, định tuột. Không biết nghĩ sao, cô khoác vội áo, nhảy chân sáo xuống cầu thang.
Tôi đánh bạo viết thư, nhờ em nhỏ trao cho nàng. Em lại đưa nhầm cho mẹ cô. Dù không nghe bà nói gì, tôi vẫn không dám đi học ngang nhà. Từ nhà trọ, tôi đi ngược theo con đường đất, băng qua mấy chiếc cầu tre, lên cầu Sắt, sang Đa Kao.
Tôi “canh” nàng về. Tôi đứng chờ trước đền thờ cụ Phan Chu Trinh (Năm 1930, Hội Trung ký ái hữu và gia đình đã xây dựng đền thờ Phan Châu Trinh tại đường Gallimard, nay là 23 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1. Năm 1993, đền này được dỡ bỏ, xây lại đền mới, nằm cạnh mộ phần của cụ Phan Châu Trinh ở số 9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình).Tôi sẽ mời nàng ăn thạch chè Hiển Khánh, sẽ đưa nàng đi xem phim ở rạp Casino, ĐaKao.
Tử chợ, nàng đạp xe vun vút qua cầu Phan Thanh Giản, về nhà. Tôi đứng nhìn theo, có lẽ nàng không thấy tôi.
Trên căn gác hầm hập nóng, chú T. gọi tôi xuống dưới nhà nghỉ ngơi, nhưng… Tôi nghe tiếng bước chân lên cầu thang nhà nàng. Nàng nhìn quanh, hai tay tréo, ướm thử nịt ngực. Tim tôi đập thình thịch, tưởng chừng như nàng thấy tôi. Tôi nhẹ nhàng bước xuống cầu thang, hai chân vẫn còn run.
Nàng chủ động làm quen tôi: Anh làm gì? – Sinh viên. Nàng mở to mắt thán phục nhìn tôi. Em tên gì? – Liễu. Tôi định hỏi nàng đã đọc thư tôi chưa, nhưng không tiện. Tôi đánh bạo hẹn nàng chỗ tháp nước, bên cầu Phan Thanh Giản. Nàng cười, nghéo tay tôi. Trả lời gọn lỏn: OK!
Bên nàng, tôi không biết nói gì. Nàng cầm tay tôi, khen các ngón tay tôi tháp bút, học giỏi. Tôi đem chuyện nhìn qua cái lỗ, thấy đôi ngực nhú ngược, ngọc ngà của nàng. Nàng quay ngoắc nhìn tôi, hai má ửng hồng. Đứng vội lên, lẫn vào đám cây dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, mất hút.
Tôi ân hận quá chừng. Vô duyên hết sức. Suốt đêm tôi cặm cụi viết thư tạ lỗi cùng nàng. Không biết bao nhiêu trang giấy học trò lăn lóc. Tôi sẽ không nhờ ai, đợi bóng dáng nàng, tôi sẽ đun qua lỗ.
Buổi chiều, học về muộn. Tôi lên gác, không còn cái lỗ. Giấy nhựt trình đã dán kín mít vách nhà nàng. Tôi đứng trước cửa nhìn sang, chuẩn bị ánh mắt và cái gật đầu xin lỗi. Nhưng nàng nhìn tôi cười tươi rói, như chưa hề nghe chuyện ngốc nghếch của tôi. Tôi kẹp trang thư vào cuốn sách: “Chuyện tình” (Love Story – của Erich Segal), trao nàng và chờ đợi. Lòng tôi rộn rã niềm vui.
Tôi hẹn nàng đi chơi Thảo cầm viên. Bên nhau, tôi mạnh dạn hơn nhờ tính trẻ con và vô tư của nàng. Nàng nép bên tôi nhỏ bé, đôi mi dài cong vút, đôi mắt nàng đẹp như mắt phượng. Tôi nhịn tiền ăn sáng, mua tặng nàng cặp vòng simen bạc.
Liễu thích “chuyện tình” không? Nàng gật đầu e lệ. Tôi hăng lên: – Anh sẽ là Oliver Barrett, em là Jennifer Cavilleri (hai nhân vật của Lover Story). Nàng mở to mắt, ngạc nhiên nhìn tôi: – Em thích làm người Việt thôi. Tôi thầm khen nàng có tinh thần dân tộc. Nàng sẽ là người phụ nữ trung hậu, mẹ tôi sẽ yêu thích nàng.
Chỉ còn hơn mười ngày nữa. Tết Nguyên đán gần kề. Tôi sẽ trở về miền Trung yêu dấu của tôi. Bên cha mẹ, họ hàng. Nhưng tôi không nỡ xa nàng. Nàng trả tôi cuốn sách, tôi lật vội tìm thư hồi âm. Thư tôi vẫn y nguyên nếp gấp, nàng chưa hề đọc một dòng. Nàng không biết chữ. Dù nàng là ai, chữ nghĩa đối với tôi bây giờ là vô nghĩa.
Thế rồi sau bao nhiêu năm lưu lạc, tôi tìm về xóm cũ. Vật đổi sao dời, không ai còn nhớ tên ấp Nhất trí 3, Gò Vấp, Gia Định ngày nào. Ngôi nhà của chú T. và nàng bên dòng kênh Nhiêu lộc, đã thay ngôi đổi chủ. Nhưng nét hồn nhiên của nàng vương vấn mãi trong tôi.

NGUYỄN CHÂU

 

Có 2 bình luận về TÌNH TÔI BÊN DÒNG KÊNH NHIÊU LỘC

  1. Hoàng bé nói:

    “Ai đang đi trên cầu Bông, Té xuống sông ướt cái quần ny lông
    Vô đây em/ dù trời khuya/ anh vẫn đưa em về/ anh vẫn đưa em về…”

    Tác giả làm tôi nhớ lại một thời trẻ con ở khu cầu Thiềng Đức.  Cả bọn con trai ngồi trên cầu nhìn các nữ sinh đi học về, rổi trong đám bổng có tiếng ca..có em nhìn, mình muốn độn thổ.

  2. hoàng Hưng nói:

    Cầu Bông là danh từ riêng, không gọi là cầu Hoa. Chợ hoa Nguyễn Huệ hay chợ bán bông Nguyễn Huệ giống nhau. Cô gái bán hoa và cô gái bán bông có giống nhau không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác