Tàu hủ

Ngày đăng: 4/12/2017 10:53:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Cùng với sự phát triển của khoa học, con người càng ngày càng biết nhiều hơn về cơ thể của mình, cùng việc phát sinh bệnh tật trong cơ thể. Vì sao mắc bệnh tiểu đường, vì sao dư cholesterol, vì sao bị bệnh tim mạch…. Biết được căn nguyên thì biết được cách chữa. Có một điều là phần nhiều những bệnh này liên quan đến vấn đề ăn uống. Vì vậy, kiểm soát được việc ăn uống, tập thể dục đều đặn là kiểm soát được bệnh tật, tất cả đều do ta định đoạt.

Với lời khuyên bớt ăn thịt đỏ (bò, heo) vì có thể dẫn tới bệnh tim mạch hay bớt ăn bột (gạo trắng, bột mì trắng …thay vào bằng gạo lứt, bột mì lứt..), vì bột chứa nhiều chất đường, ăn nhiều sẽ dư mỡ máu (cholesterol) và người ta nói bệnh cholesterol là anh em sinh đôi với bệnh tiểu đường, mắc bệnh dư cholesterol, không chóng thì chấy cũng mắc bệnh tiểu đường. Ngoại trừ tiểu đường do bẩm sinh, tiểu đường loại 2, chỉ cần kiểm soát cách ăn uống là bệnh thuyên giảm nhanh. Có người thắc mắc, tại sao gạo trắng và gạo lứt cùng là bột mà ăn gạo lứt lại tốt hơn? Vì rằng, khi ăn gạo trắng, lượng đường chứa trong gạo trắng vào máu liền tức thì, khiến cơ thể dư đường, sẽ thải ra bằng đường tiểu. Còn gạo lứt, nhờ chất cám, khiến đường phóng ra từ từ, từ từ vào máu, cơ thể có đủ thì giờ để hấp thụ lượng đường đã ăn.

Ít ăn thịt, mở, bột, đồ chiên xào là ta có thể kiểm soát được những căn bệnh do ăn uống này. Ăn nhiều ngũ cốc, các loại đậu, rau, chúng ta có thể có một đời sống vui khoẻ. Từ đó ta nghĩ đến chuyện ăn … tàu hủ có phải là một thực phẩm tốt cho sức khoẻ không?

Tàu hủ là một trong các thứ đậu. Trong đậu chứa nhiều protein, tuy làprotein thực vật nhưng phần nào, nếu ăn chúng, ta có thêm protein cho cơ thể. Phụ nữ thường được khuyên ăn thêm đậu nành để tránh nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, điều gì cũng vậy, tránh lạm dụng.

Rau, củ, trái cây (ăn hạn chế vì trái cây có nhiều đường), ngũ cốc, đậu cho chúng ta rất nhiều chất xơ ,vì vậy được khuyên nên thường có trong bữa ăn. Tàu hủ làm ra từ đậu nành, cũng là một thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, và nếu ăn chay thì đây là loại thực phẩm chính dùng để nấu ăn, cho nên hôm nay tôi nói về cách làm món tàu hủ tươi. Với món ăn chay, tàu hủ xem như thay thế cho thịt, cá.

 

Cách làm tàu hủ

 

I/ VẬT LIỆU

– 350gr đậu nành – 3 lít 200 nước

– 800ml nước – 5 muỗng canh nước cốt chanh – ¾ muỗng café muối

 

II/ CÁCH LÀM

Ngâm đậu nành 8 – 10 giờ. Sau đó rửa sạch, đem xay

Vì máy xay không thể xay hết số đậu đã ngâm nên chia đậu đã ngâm làm 2 để xay.

* Mỗi phần xay 3 lần :

– Lần 1 cho 600ml nước lạnh, xay nhuyễn (khoảng 1 phút), lọc lấy nước đậu.

– Cho xác vừa lọc vào máy, xay lần 2, cho vào 500ml nước lạnh, xay khoảng 1 phút, lọc nước đậu, đổ chung với lần 1.

– Cho 500ml nước lạnh vào xác đậu, xay thêm lần 3, vắt nước đậu đổ chung vào với nước đậu 2 lần trước.

* Phần đậu thứ 2 cũng làm như trên.

Lấy tất cả nước đậu cho vào 1 cái nồi.

Để sẵn 800ml nước + 5 muỗng canh nước cốt chanh + ¾  muỗng café muối hoà với nhau bên cạnh.

Bắc nồi nước đậu lên bếp khuấy sôi. Lúc đầu cho lửa cao vì lúc này chưa sợ đậu sít đáy nồi. Khi thấy nước đậu bốc khói thì giảm lửa xuống trung bình, tiếp tục khuấy đều tay cho đến khi thấy nước đậu sôi bùng thì cho từ từ hỗn hợp chanh vào nước đậu. Khuấy đều mỗi lần cho hỗn hợp chanh vào, cho đến khi hết 800ml nước + chanh + muối, quậy đều, tắt lửa, đậy nắp cỡ 1 phút, thấy đậu kết tủa nổi lên, phần nước dưới đáy trong dần (nếu thấy còn đục thì thêm nước chanh pha  vào để lấy cho hết sữa còn lại), sau đó, đổ ra khuôn, có lót v ải, phủ vải dư lên trên đậu hủ, rồi lấy đồ nặng đè lên trên vải bọc đậu hủ để ép nước. Khoảng 2- 3 giờ, đậu hủ đông đặc, giở ra cắt theo miếng (to, nhỏ) tùy ý.

 Khuôn làm tàu hủ                                  Nước làm tàu hủ và nước chanh pha

 

Nước tàu hủ nấu sôi đổ vào khuôn, phủ vải  – Dằn 1 miếng kim loại nặng lên                                                                                                                               trên

 

Nếu không đủ nặng, dằn thêm thau nước – Tàu hủ đã hết nước,đông cứng                                                                                                                                                

 

Tàu hủ thành phẩm

 

Khuôn làm tàu hủ có 3 phần : 1 miếng lót đáy, 1 khung hình chữ nhật khớp với miếng lót và 1 tấm kim loại nặng để dằn lên trên.

 


Nếu không có khuôn, ta có thể dùng 2 rổ nhựa (có lỗ để nước chảy ra): 1 rổ lót vải, đổ nước tàu hủ nóng vào, bao kín mặt bằng vải dư, trên để thêm 1 rổ nhựa, dùng 1 thau nước để dằn bên trên cho nặng, ép khô tàu hủ.

 

 Bài viết, công thức và hình ảnh: HƯƠNG CAU

Có 4 bình luận về Tàu hủ

  1. Ngày xưa nơi chị ở chỉ có bán đậu hủ được đóng kín trong bao và nhập cảng từ Hoà Lan, dĩ nhiên loại đậu hủ này có thể giữ được lâu vì có dùng chất bảo quản. Cũng vì lý do đó mà chị cũng tự làm đậu hủ trong một khoảng thời gian dài cho đến khi có đậu hủ tươi được bày bán.

    Công thức của chị cũng gần giống như của Hương Cau nhưng thay vì dùng chanh thì chị dùng dấm 5 độ ( có loại dấm mạnh 25 độ).

    Có điều là tại sao đậu hủ chị tự làm khi đem chiên lại không nở và nổi bằng đậu hủ  họ bán, trong khi dùng để nấu thì hương vị không thua kém gì cả. Hương Cau có bí quyết gì không.

    • Huong Cau nói:

      Chị Hồng,

      Em có dùng dấm 5% vài lần nhưng em ít thích dùng dấm. Em nghĩ dấm chua, chanh cũng chua, em thay dấm bằng chanh thấy cũng được nên từ đó em thay bằng chanh.

      Tàu hủ em làm, khi chiên cũng không phồng nhưng dòn, ngon nên em không thắc mắc vì hồi trước em có nghe nói người ta cho bột vào tàu hủ để bán lợi hơn, vì vậy khi chiên tàu hủ phồng lớn, để nguội thì xẹp nhăn nheo (giống như chả lụa phồng lên xẹp xuống vậy). Em chưa thử nên không biết làm sao đưa bột vào hoà với tàu hủ. Có thì giờ em sẽ thử cho bột vào tàu hủ.

  2. Luong Minh nói:

    Người nhà quê không lạ gì tàu hủ, ở chợ quê lúc trước được bán giá 5.000 đ ba miếng, mua về để nấu đồ chay hay đem dồn thịt rồi kho. Những người kỷ tính thường mua tàu hủ sống đem về nhà chiên lại vì họ sợ dầu chiên tàu hủ ở chợ không tốt, chiên đi chiên lại, nhiều lần dễ gây ung thư(?). Thế nhưng, đem về nhà chiên rất hao dầu vì phải đổ dầu ngập miếng táu hủ thì mới ngon.

    Lúc mới lên SG sống, tôi ngồi uống cà phê ở bến xe Chợ Lớn thấy có người đội tàu hủ chiên đi bán, khách uống cà phê mua nhiều ăn với muối tiêu. Tàu hủ là món ăn với cơm, với canh, nay có người ăn không, uống cà phê với tôi là chuyện lạ, thấy vậy tôi bắt chước mua ăn thử, chấm muối tiêu, ngon lạ lùng vì tàu hủ trên nia còn nóng hổi. Thế là tôi được biết thêm món ăn chơi là tàu hủ.

    Mua tàu hủ có người chọn miếng mềm (goi là tàu hủ non) loại này các quán nhậu chiên đưa qua đưa lại gọi là “lướt ván”, lại sốt cà ăn chan lên ăn rât “bắt”. Trong các loại canh ngoài canh chua ra, tôi ít thấy tàu hủ nấu với canh gì ngoài canh hẹ. Món kiểm chay thì khoai lang, khoai cau, tàu hủ chiên là những thành phần chính.

  3. hoàng Hưng nói:

    Tại thành phố Oakland, quê hương thứ hai của Nguyễn Tuyết, có khoảng 40 người Việt quê hương Cầu Mới của tôi, cư ngụ tại đây. Cháu Khỏe kỹ sư của một hảng ở Sài Gòn, chủ hảng thường cắt cử cháu đi công tác bên Mỹ. Được đi công tác nhiều lần, cháu hiểu ý của chủ hảng, cháu tìm được cách định cư tại vùng Oakland. Mới đến cháu vào hảng tàu hủ làm tạm. Nhìn thấy cách sản xuất của hảng, “ngứa nghề,” cháu vẽ lại quy trình sản xuất đưa cho chủ hảng. Chủ hảng thích quá, cắt nhắc cho cháu lên làm trưởng xưởng, cùng số nhân công đó, cùng số nguyên liệu đó, sau khi cải cách, sản lượng trở thành 130%. Làm một thời gian cháu nghỉ, tìm việc khác đúng với khả năng hơn, mức sản xuất sụt giảm thê thảm. Chủ hảng chạy đi tìm cháu trở lại hảng. Bây giờ, nếu gọi chủ hảng là giám đốc, chức vụ của cháu là phó giám đốc. Cháu cho biết tháng nầy vào mùa lễ, sản xuất không nhiều, mỗi ngày ra khoảng 15 ngàn ký tàu hủ. Tháng tới qua mùa lễ lạc, sản xuất tăng, mỗi ngày ra khoảng 20 ngàn ký. Tàu hủ sẽ chế biến thành 40 mặt hàng bán khắp nước Mỹ và qua cả Canada. Nhân viên làm trong hảng phân nửa là người Việt. Những người góc gác Cầu Mới, Vĩnh Long cần việc làm, cháu đều nhận hết, với mức lương 13 đô 50 xu lúc khởi đầu. Mỗi ngày số tàu hủ bìa còn dư, sau khi chế các thành phẩm khác, chủ hảng cho cháu hết. Cháu cũng vô gói đóng hạn sử dụng, mang đến cho chùa và những người Việt Nam quanh vùng, tuần nào chị 6 của cô 9 cũng nhận được khoảng 5 ký.

Trả lời Huong Cau Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác